Hạt giống Kitô trong đất Jrai (1)
VRNs (27.08.2012) – Gia Lai – Gần 500 năm qua, Việt Nam vẫn được gọi là xứ truyền giáo, bởi tới tận hôm nay, số người hạnh phúc vì có Chúa Kitô trong đời trong giáo Hội Công giáo Việt Nam chỉ mới có 7,02% dân số mà thôi. Công cuộc truyền giáo được xem là ưu tiên hàng đầu của mọi thành phần, mọi cơ cấu của Công giáo Việt Nam.
Công cuộc truyền giáo khởi đầu với các thừa sai ngoại quốc hết lòng thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương dân tộc Việt Nam, nhưng do là người ngoại quốc, nên đã có đôi chổ không hiểu đúng các thực trạng văn hoá riêng biệt của người Việt, mà đã dẫn đến một số trục trặc với chính nền văn hoá bản địa Việt. Giáo hội Việt Nam đang làm mọi cách để hiểu rõ căn tính Việt, và đang tìm cách diễn tả đức tin qua cách thờ phượng Thiên Chúa của người Việt Nam.
Cách đây 43 năm, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam được sai đến với người Jrai, một sắc tộc thiểu số đông nhất tại Tây Nguyên Trung phần Việt Nam (khoảng 350.000 người), cứ trú đông hất tại tỉnh Gia Lai ngày nay. Các nghiên cứu nhân chủng học cho biết, người Jrai, xét về ngôn ngữ thuộc nhóm các sắc tộc Nam Đảo, gần với người Indonesia, Malaysia, Philippines … , trong khi đó, các thừa sai DCCT, vào năm thập niên 1960 đó, lại được đào tạo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Hai gia sản văn hoá khác nhau, tuy đầu rất quý, nhưng xa lạ với nhau, không dễ hoà nhập.
Từ đây, vai trò của Chúa Thánh Thần thoát ra khỏi những ý niệm của lý thuyết để bắt đầu hoạt động trong các thừa sai nay.
Kể từ hôm nay, VRNs xin trân trọng giới thiệu đến quý vị độc giả tác phẩm: Hạt giống Kitô trong đất Jrai của cha Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR, một trong bốn thừa sai có mặt đầu tiên với sứ vụ truyền giáo cho người Jrai của DCCT VN. Chọn đăng tác phẩm này, VRNs muốn giới thiệu đến quý vị một sức mạnh thật sự to lớn của Chúa Thánh Thần, có thể giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách và sợ hãi. Đồng thời cũng như là một bằng chứng về sự hiện diện đợi chờ của Thiên Chúa trong các nền văn hoá bản địa. Biết đâu, đây lại không phải là một gợi ý tốt cho tiến trình Tin Mừng hoá văn hoá hay quen gọi là Hội nhập văn hoá.