TRỢ GIÚP SỨC KHỎE

Giáo phận Kontum là một trong những giáo phận nghèo khổ nhất của Việt nam.  Đó là một tình trạng dai dẳng kéo dài từ bao năm qua, tuy đã có chút cải thiện, nhưng vẫn còn rất nhiều người dân, đặc biệt là người dân tộc Thiểu số, tức người Thượng, đang sống trong tình trạng suy dinh dưỡng.  Có nhiều cháu bé lúc nào cũng bị đói ăn.  Vì thế việc làm quen với chuyện “đói khát” đã trở thành bài học vỡ lòng đầu tiên của các cháu.  Việc suy dinh dưỡng kéo theo nhiều hệ lụy như: giảm sự phát triển thể chất, trí não, giảm sức học tập, giảm sức lao động, dễ mắc bệnh tật…

Hội KMF, trong phạm vi nhỏ bé, hạn hẹp của mình, đã luôn cố gắng cộng tác trong các lãnh vực mình có thể vươn tới.  Được chút nào, hay chút đó.

PHÒNG KHÁM CAO THƯỢNG

Chứng kiến bao cảnh chết oan vì những chứng bệnh thông thường của người dân nghèo, KMF đã hết sức cố gắng thành lập Trạm Y Tế Cao Thượng do từ năm 2010, tại làng Kon Jơdreh, cách TP Kontum 10 km, với mục đích khám và chữa bệnh miễn phí cho tất cả người dân nghèo (phần lớn là người Thượng), không phân biệt tôn giáo, thuộc các buôn làng trong huyện Kon Rẫy, là một huyện nghèo trong tỉnh Kontum. 

Phòng Khám hoạt động suốt tuần, kể cả Thứ Bảy & Chúa Nhật, sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ.

Mỗi ngày nhân viên Phòng Khám Cao Thượng khám và phát thuốc miễn phí cho khoảng 30 – 50 bệnh nhân từ các buôn làng xung quanh hoặc các buôn làng xa, thuộc huyện Kon Rẫy (cách 10 km phía Đông Bắc Kontum), huyện Kon Plong (cách 30 km phía Đông Bắc Kontum), huyện Dak Hà (cách 20 km phía Bắc Kontum). Ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật thường đông bệnh nhân hơn, có khi đến 80 – 100 người.

Đội ngũ y tế gồm 5 người: 1 bác sĩ trưởng Phòng Khám (Bs Phong), 1 y sĩ (H’Lem) và 2 y tá làm việc toàn thời gian (A Thành, Y Ni) và 1 y tá làm việc bán thời gian (Y Uy).

Phòng Khám Cao Thượng chỉ có thể giúp điều trị các bệnh thông thường. Những trường hợp bệnh nặng hoặc cần chữa trị đặc biệt, thì nhân viên đành phải khuyên người nhà đưa bệnh nhân tới bệnh viện huyện hoặc bệnh viện thành phố, và nếu hoàn cảnh người bệnh quá nghèo, thì Phòng Khám hỗ trợ tiền xe.

THÙNG THUỐC CHO CÁC BUÔN LÀNG XA

Giáo phận Kontum gồm 2 tỉnh Kontum và Gia Lai, với dân số gần 3 triệu, và diện tích hơn 25,000 km2, tức là rộng gấp 12 lần thành phố Saigon (kể cả nội & ngoại thành: 2,056 km2), và gấp 35 lần đảo quốc sư tử Singapore (716 km2). Nhưng đường sá đi lại thì còn lạc hậu lắm. Nếu sống ở các buôn làng xa xôi, lỡ bị bệnh thì sao? Vì chưa thể hoàn toàn trông chờ vào hệ thống y tế của nhà nước nên khi bị bệnh, người dân nghèo thường chạy tới Ông Cha Bà Xơ, mau mắn và dễ dàng hơn chạy ra chờ chực ở trạm xá của xã, nhiều khi chẳng biết có mở cửa không, mà nếu có mở cửa thì chưa chắc đã xin được thuốc đưa về.  Do đó, người dân cứ đơn sơ đến gõ cửa các cha, các sơ để xin mấy viên thuốc chữa bệnh cảm sốt, đau bụng, nhức đầu… Chính vì vậy, việc có thêm các “THÙNG THUỐC” cho các buôn làng xa là việc rất cần thiết cho người dân.

Tuy vậy, cho đến nay, Chương trình Y tế của KMF chỉ mới vươn đến được 22 giáo xứ người Thượng, có các cha hoặc các Sơ hay các Yă (= Các Sơ người Thượng) phụ  trách : Plei Tơwer, Ya Ly, Kon Mah (huyện Chư Pah), Kon Hơring, Dak Rao, Dak Cho (huyện Dak To), Mang La, Ling La, Kon Bơbăn, Dak Kơđem, Kon Trang, (huyện Dak Hà), Hà Mòn, Plei Kơbei, Plei  Rơkơi (huyện Sa Thầy) Tea Rơxa, Kon Pia (huyện Tumorong), Dak Tuk, Dak Jak, (huyện Dak Glei), Dak Mot, Plei Kan (huyện Ngọc Hồi) Klau Ngol, Plei Jơdrâp (Kontum). . .  Trung bình mỗi thùng thuốc là khoảng 100 đô/1 nơi. KMF rất mong được thêm các ân nhân hỗ trợ cho các thùng thuốc như thế để tránh những trường hợp bệnh dù nhẹ, nhưng không được chữa trị kịp thời, lại trở thành nguy hiểm đến tính mạng thì thật xót xa lắm!