VRNs (21.07.2012) – Gia Lai – Phùm Gi cách buôn Nu khoảng sáu cây số thôi nhưng có tới hai kiểu đường. Hai cây số đầu là đường nhựa láng o, khoảng bốn cây số sau thì lởm chởm đá, ổ gà và mịt mù bụi bặm. Buôn nằm cạnh quốc lộ 25, bên cạnh con đường rách nát y như bản thân mình vậy. Đi ngang qua nhìn vào buôn, sẽ thấy những ngôi nhà sàn nhỏ bé đứng cạnh nhau, rúm ró, buồn bã và nín nhịn. Cả buôn có khoảng 70 nóc nhà. 99% là người Jrai và một gia đình người Kinh đến bán tạp hóa giữa làng. Những buôn khác gọi Phùm Gi là dân Israel. Trong Kinh Thánh, dân Israel là dân riêng của Chúa, là dân được Chúa tuyển chọn. Còn ở đây, Israel tức là dân bị bỏ rơi. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì ngày xưa, những người vi phạm luật lệ của buôn Nu sau khi bị đuổi ra khỏi buôn (hình phạt nặng nhất của người Jrai) đã tụ về đây và gầy dựng nên buôn này.
Vì nguồn gốc bất hảo ấy, nên Phùm Gi nằm tách biệt ra hẳn mọi buôn khác. Mặt quay hướng nam nhìn về những buôn anh em như nuối tiếc, còn lưng thì tựa vào dãy đèo Tôna cao vút bên dòng sông Pa. Mấy năm trước, người dân của các buôn gần đấy còn rất sợ Phùm Gi đến mức chỉ cần nghe thấy tên là họ đã lảng tránh đi nơi khác, không muốn nói chuyện. Họ sợ vì họ cho rằng Phùm Gi là hang ổ của trộm cắp, bùa chú và đủ thứ xấu xa khác. Có phải vì quá khứ xa xưa nên trông Phùm Gi cứ đìu hiu lặng lẽ một mình? Hay vì bóng hình cao lớn của dãy núi sau lưng mà Phùm Gi đã nhỏ bé, lại càng nhỏ bé hơn? Nơi đây không có chợ búa hay nhà thuốc gì cả. Muốn mua gì, họ phải đi vào Ia R’siơm cách đó chừng bảy cây số. Bán cái gì cũng rẻ hơn vài giá so với nơi khác.
Giữa buôn có trường làng, chỉ một phòng học. Lớp một học buổi sáng. Lớp hai học buổi chiều. Lên lớp ba thì qua học ké Phùm Ang cách đó chừng hai cây số. Lên lớp sáu thì phải vào Ia R’siơm học. Cả buôn từ trước đến nay chưa có ai tốt nghiệp lớp 12.
Cũng như những buôn khác, Phùm Gi sống bằng nghề nông. Trước kia họ trồng lúa, còn bây giờ chuyển qua trồng mì vì mì có giá hơn. Họ cũng trồng thêm lúa, mè, bắp, hột dưa và nuôi bò dê tăng thu nhập. Nương rẫy Phùm Gi nằm bên kia sông pa, dưới dãy núi cao ngất, vì đất bên này bán cho người Kinh hết rồi. Muốn lên rẫy, họ phải vượt sông bằng chiếc ghe nhỏ, hai tay hai mái chèo bơi đi như vịt, trông rất nguy hiểm. Rẫy xa, bố mẹ đi làm từ sáng đến chiều mới về, mấy đứa nhỏ ở nhà tự tìm cái ăn. Nấu cơm được thì ăn, không thì chạy qua nhà hàng xóm ăn ké. Có bữa tôi thấy tụi nhỏ ăn xoài trừ cơm. Bí quá không kiếm được cái gì bỏ vào miệng thì nhịn. Ăn uống thất thường, thiếu chất, nên đứa nào đứa nấy cũng bụng ỏng đít beo, không lớn lên được mà cứ quắt lại. Người Jrai thương con vô cùng nhưng lại không biết cách chăm sóc con cái. Họ để quần áo chúng rách rưới, đầu tóc dơ bẩn, mặt mày lem luốc. Mỗi chiều tắm xong, đám trẻ đứng trên những tảng đá cao ngóng bố mẹ từ bờ bên kia chèo về như những con chiên lạc không người chăn dắt.
Cả Phùm Gi không có lấy một cái giếng. Đất nơi đây toàn đá, đào giếng rất cực mà chẳng có nước, nên tất cả mọi sinh hoạt đều dùng nước sông Pa. Sáng sáng, trước khi lên nương, những cô gái trong buôn đeo gùi ra sông lấy nước. Họ vét một hố cát, ngồi chờ nước thấm vào, rồi múc từng gáo nước đổ vào quả bầu khô gùi về nhà. Nước để nguyên trong quả bầu, không nấu nướng gì hết. Khi nào uống cứ việc xách quả bầu lên tu một hơi căng bụng đã đời. Ai chịu khó hơn thì chèo thuyền qua sông, tìm tới những con suối trên núi. Người ta nói nước suối uống ngon nhất, sau đó mới tới nước sông, nước giếng xếp hạng ba.
Cứ chiều đến, tôi lại ra sông nhìn người dân từ bờ bên kia chèo thuyền về. Nắng vàng trải xuống lòng sông sóng sánh như lụa. Trời cao xanh. Núi ngút ngàn. Cảnh tượng trông bình yên đến lạ. Con nít giờ đó cũng ra sông tắm rửa, mong ngóng bố mẹ. Phụ nữ tranh thủ lấy nước, giặt giũ quần áo. Bến sông trở nên nhộn nhịp hẳn. Cũng ở đây, tôi nghe người dân kể về sông Pa với giọng điệu tiếc nuối. Họ nói: “Ngày trước sông Pa trong xanh lắm, lại có nhiều cá nữa. Gần đây có một cái thác rất đẹp gọi là thác tiên. Bây giờ thì hết rồi”. Mấy năm trở lại đây, sông Pa bắt đầu đục ngầu vì ô nhiễm, nhưng người dân đâu còn cách nào khác là cứ phải tiếp tục uống thứ nước đó. Nguồn nước ô nhiễm kéo theo bệnh tật. Viêm khớp, đau thận, đau bao tử là những bệnh ít người thoát được. Theo họ, thà chết từ từ vì bệnh còn hơn là chết ngay tại chỗ vì khát.
Trong buôn hầu như không có người già bởi lẽ đâu ai sống thọ tới 60. Phân nửa học trò của tôi mồ côi cha hoặc mẹ từ khi còn rất nhỏ. Trước kia, khi còn rừng, người Jrai không cần tới những viên thuốc Tây của người Kinh. Trong rừng đầy thảo dược, lúc bị đau, họ chỉ việc đi ra rừng tìm loại cây chữa bệnh đó đem về. Tùy loại bệnh mà ăn, sắc nước hay đắp. Họ rành thảo dược như ta bây giờ ra tiệm mua thuốc vậy[1]. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Rừng chẳng còn và thảo dược cũng hết luôn. Khổ nỗi, bác sĩ ở đây khám không tin tưởng được. Một đứa học trò của tôi cứ bồn nôn, bố mẹ vội đem đi Ayunpa khám bệnh. Bác sĩ khám tới khám lui một hồi rồi viết cho bố mẹ cô bé một toa thuốc, kêu đi mua những thứ thuốc trong đó. bố mẹ cô bé cứ thế cầm toa ra tiệm thuốc, người bán thuốc hỏi: “Sao lại mua thuốc phá thai?”. Bố mẹ cô bé bối rối bảo: “Đâu có”. “Thì bác sĩ viết mua thuốc phá thai đây nè”. Bố mẹ cô bé hết hồn đưa con đi siêu âm. Siêu âm xong không thấy gì cả. Hai ông bà tức quá quay lại gặp ông bác sĩ chửi: “Con gái tôi đang học lớp 10 mà ông bảo nó có thai à”, nói xong đoạn cầm toa thuốc xé ngay trước mặt bác sĩ rồi bỏ về. Thì ra đó là tay bác sĩ gà mờ, khám bậy bạ rồi phán lung tung. Thật ra, ở cái đất này làm gì có bác sĩ khá hơn.
Cuộc sống của họ nếu cứ thế trôi qua thì cũng đã bần cùng lắm rồi. Thế mà một ngày kia, cách đây khoảng hai năm, Công ty Hoàng Anh Gia Lai lập dự án xây thủy điện. Để có đất xây thủy điện, chính quyền lấy đất của dân lại mà không hề đền bù một xu, rồi bán lại cho Hoàng Anh Gia Lai. Kết quả, dự án đó nuốt hết một nửa buôn Phùm Gi và nuốt luôn cả sự linh thiêng ở đây.
Đoạn sông bị quy hoạch ngay Phùm Gi có một huyền thoại, người vùng này gọi đó là huyền thoại hai cây xoài. Người ta kể rằng, ngày xưa có một gia đình, có hai người con, một chị gái và một em trai. Người chị tên là H’dung. Em trai tên là Čap. Một hôm, H’dung làm bánh cho cả nhà ăn. Chị lấy những cái bánh có bùa yêu (làm cho người khác yêu mình mãi mãi) bỏ vào một nồi khác, đậy nắp lại, và dặn mẹ không cho Čap ăn, sau đó chị ra suối lấy nước. Čap đi làm về, đói bụng, vào bếp tìm đồ ăn. Čap thấy hai cái nồi, một cái đậy nắp kỹ càng. Čap nghĩ: “chắc chị muốn giấu không cho mình ăn đây”. Thế là anh ta mở nắp ra ăn bánh trong đấy ngon lành. Ăn xong, Čap thấy trong người khác lạ. Kể từ đó, H’dung đi đâu, Čap cũng đi theo làm cho H’dung rất xấu hổ với buôn làng. H’dung biết Čap đã ăn trúng bùa yêu của mình, nhưng hai chị em không thể lấy nhau vì như thế là loạn luân, là phạm vào cấm kỵ nặng nhất của làng. H’dung bèn nói với Čap: “Nếu em thật lòng yêu chị, em hãy kéo núi ngăn sông Pa lại, để cho người dân trong làng không có nước uống mà chết. Lúc đó mình sống với nhau sẽ không xấu hổ nữa”. Čap là con của thủy thần nên sức mạnh vô biên, anh ta liền kéo những dãy núi liền lại để ngăn sông Pa. Lúc những dãy núi sắp liền thì H’dung hối hận. Cô nói Čap dừng tay lại rồi nhảy xuống sông tự tử. Čap thấy vậy cũng nhảy theo chị. Hai người chết mà cũng ôm nhau. Người dân thấy thế liền chôn hai chị em ở ngay nơi họ tìm thấy xác, đó là một cồn cát giữa sông Pa. Một thời gian sau, từ nơi ấy mọc lên hai cây xoài. Một cây ra quả tròn, ăn rất ngọt, người ta gọi là cây chị. Một cây ra quả dài, ăn rất chua, gọi là cây em. Những bậc cha mẹ trong buôn vẫn kể ngày xưa, lúc nhỏ đi chăn bò, vẫn tới hai cây xoài này hái quả ăn. Nhưng khi ăn phải ăn cả quả ngọt và chua mới ngon, và nhất là không được mang về. Nếu ai mang xoài về, thần núi sẽ làm cho người đó lạc đường, đi mãi cũng quanh quẩn gốc xoài. Khi Hoàng Anh Gia Lai tới, họ muốn cưa hai cây xoài đó đi. Người ta thuê người cưa cây em trước, nhưng lưỡi cưa cứ bị kẹt hoài. (người dân nói, người đi cưa cây sau đó bị điên). Cuối cùng, họ lấy lửa đốt, đem xe cẩu tới múc gốc lên. Cây em chết, cây chị không ra quả nữa. Từ đó cây chị đứng một mình, buồn thiu.
Tôi rất tò mò muốn biết cây xoài này thế nào, nên một sáng kêu mấy đứa nhỏ dẫn tôi đi xem. Tuy mùa khô nhưng lòng sông nhiều thác ghềnh, nước chảy xiết, tôi không qua được. Đứng bờ bên này nhìn qua, thấy một cây xoài (không cổ thụ lắm) đứng giữa sông, bên cạnh một cái gốc trơ lên như bộ xương khô, đó là cây em. Dân Phùm Gi không thích ra đây nữa, họ nói nhìn cảnh này đau lòng lắm. Đúng vậy, không đau lòng sao được khi huyền thoại của họ bị nhổ đi, bị phơi nắng phơi sương cho mục nát, phần huyền thoại còn lại sống mà như chết. Người ta đã phá hủy một huyền thoại, cũng là phá hủy cái linh thiêng, cái thẳm sâu nhất trong lòng người Jrai.
Con sông Pa dài 374 km chảy qua ba tỉnh Kontum, Gia Lai, Phú Yên, nhưng lại phải đeo tới năm cái gông thủy điện vào cổ. (Thủy điện Đồng Cam, thủy điện Ba Hạ, thủy điện An Khê, thủy điện Ayun Hạ, thủy điện Ayun Thượng). Bây giờ thêm cái cạnh Phùm Gi này nữa là sáu. Tính ra, trung bình cứ hơn 60 cây số là “bị” một đập. Ngày nay, các nước trên thế giới không “chơi” thủy điện nữa vì nhiều tác hại, đến cả người dân nơi đây cũng biết. Họ thấp thỏm lo sợ tới một ngày mình phải bỏ buôn ra đi vì đập tràn. Và điều đó đã tới trước khi tôi rời nơi đây một tuần.
Dòng sông mùa khô cạn đến mức trâu bò có thể lội qua, nay dâng nước lênh láng tràn bờ. Người ta đã ngăn đập lại. Con đập cách buôn chừng 200 mét nên Phùm Gi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất và nhanh nhất của việc ngăn dòng. Nước dâng lên tới sau nhà dân, bò vào vườn tược và gieo rắc nỗi kinh hoàng.
Dòng sông hiền hòa ngày đêm có tiếng thác đổ nay hết rồi.
Những chiều ra sông lấy nước nay cũng hết rồi.
Dòng sông bây giờ là một đường băng nước khổng lồ, dơ bẩn và đục ngầu. Nước đã dâng lên hơn hai mét. Mọi người không còn thấy con sông Pa quen thuộc đâu nữa, mà chỉ thấy một con quái vật lúc nào cũng chực chờ muốn nuốt chửng buôn làng.
Mọi người không còn dám chèo thuyền một mình qua sông lên nương rẫy như lúc trước nữa vì chỉ một sơ suất nhỏ là con thuyền mỏng manh sẽ ụp ngay xuống dòng sông sâu.
Những đứa trẻ cũng sợ ra sông tắm mỗi chiều.
Hết rồi những tảng đá cao cao ngóng mẹ cha.
Hết rồi những bờ cỏ êm mượt như nhung.
Hết thật rồi!
Nhưng điều đáng sợ nhất chính là từ nay, dân làng sẽ không có nước mà uống nữa, kể cả nước sông bị ô nhiễm. Mỗi tối đi dạy, tôi cố gắng chở một bình nước 20 lít qua cho ami H’hot. Biết là nó chẳng thấm vào đâu nhưng vẫn cứ chở. Âu cũng là một giọt nước ngọt giữa lòng biển khơi.
Amai H’ Blan
[1] Dam Bo (Jacques Dournes), France – Asie, 1950. Les Populations montagnardes du Sud-Indochinois (Miền đất huyền ảo), Nguyên Ngọc dịch. NXB hội nhà văn, 2003, chương IV.