Chuyện Ma Làng – Làng Ma
Nghe nói Đài Truyền hình Việt Nam đang chiếu bộ phim truyện “Ma Làng”. Nghe nói thôi chứ mình có xem đâu mà biết, vì thú thực mình cũng chẳng mặn mà gì với phim Việt bây giờ. Lâu lâu xem một lần, như phim “Sống trong sợ hãi” thấy cũng được. Còn phim “Áo lụa Hà Đông”, nghe nói là hay (lại nghe nói), nhưng mình cũng không xem, vì nghĩ đến cuộc chiến trước năm 75 là lại cứ buồn cho đất nước Việt Nam than yêu này (trong muôn vàn lý do để bực mình về cái cuộc chiến phi lý ấy thì có một lý do là mình có người Anh ruột bị động viên năm 72, đi lính sư đoàn 23, và mất tích ở Plei Mơ Rông (Pleiku), chắc là bây giờ hài cốt đang nằm trong lòng hồ thủy điện Yaly (nơi hiện nay RP Docteur Phạm Ngọc Quang CVK 69 phụ trách với bao nhiêu khó khăn chồng chất).
Trở lại chuyện “Ma Làng”. Nghe nói phim Ma Làng được nhiều người theo dõi. Ở Sàigon thời gian gần đây, ngoài rạp , cũng chiếu nhiều phim ma nữa như “Suối oan hồn”, “Ngôi nhà có ma”, “Hồn Ma”, “Ma ám”. Vậy là chuyện ma đang có giá. Nên mình ăn theo, nhưng mình không kể chuyện Ma Làng, chỉ xin kể chuyện Làng Ma. Đi dạy tiếng Pháp cho các CVK Em, tháng 11 cầu cho các Đẳng Linh Hồn, mấy chú hỏi “Có ma không Thầy”, mình trả lòi ngay “Có chứ, trong Giáo Hội cũng nhiều, mà ngoài xã hội lại nhiều hơn nữa, và ở trong tình trạng tham nhũng tràn lan như thế này thì càng ngày càng nhiều ma.” Các chú hỏi tiếp : “Tại sao vậy ạ ?”, mình trả lời : “Chứ tụi em không thấy sao, trong nhà nào mà chẳng có một ma-đam, nói theo tiếng Tây là làm PDG (president directeur general) mà nói theo tiếng Mỹ là làm CEO (chief execitive officer) ; trong cơ cấu của Giáo Hội thì thường giáo xứ nào cũng có một vài ma xơ, mà theo chỗ tôi được biết thì ở các miền quê nghèo, các cô tre trẻ thấy lấy chồng chân lấm tay bùn cũng chẳng có tương lai gì sáng sủa, nên xin đi tu “hơi bị nhiều”, các Nhà Dòng không thể nào nhận hết, đến nỗi một số Tòa Giám Mục và Dòng Tu ở Pháp còn đề nghị cho các ma xơ trẻ của mình sang đó để giúp đỡ, duy trì sinh hoạt, nói theo ngôn ngữ kinh tế thị trường bây giờ thì mình cũng có ma (xơ) để mà xuất khẩu ; còn ngoài xã hội thì than ôi, các em chỉ dùm tôi xem, cơ quan nào, xí nghiệp quốc doanh nào không có mấy tay ma lanh (malin), ma cô (maquereau), . . .” Vậy là ngồi cười trừ với nhau.
Nói vòng vo tam quốc nhiều quá, bây giờ xin vào chuyện Làng Ma. Làng Ma thứ thiệt à nha, chứ không phải Ma Làng trong phim của mấy ông đạo diễn, hay trong tưởng tượng của mấy ông kẹ để hù dọa con nít. Làng, trong tiếng Bahnar là Kon. Như Kon Tum được dịch là Làng Hồ vậy đó (xin xem lại cuốn Dân Làng Hồ). Còn Ma là mình phiên âm chữ Mă (đáng ra phải đọc là mã, hay má). Cho nên Làng Ma, là mình nói theo tiếng Việt cho gọn gàng, chứ theo tiếng Bahnar là Kon Mă. Giaó xứ Kon Mă hiện nay do RP Nguyễn Văn Binh CVK 70 phụ trách, cách thị xã Kontum khoảng 30 km. Từ Kontum đi Pleiku, qua Tân Phú, đến ngả ba Trà Huỳnh (cách Kontum 11 km) thì quẹo trái, đi đường đất đỏ vòng vèo chừng 20 km nữa là tới. Mình mới lên đó hôm đầu tháng 12 này, nên xin chia sẻ chuyện Làng Ma – Kon Mă với Anh Em gần xa.
Vùng Kon Mă này là vùng định cư mới, thuộc xã Hà Tây, thành phố Gia Lai, do Nhà Nước quy hoạch cho 9 làng người Bahnar ở trong rừng xa. Theo “ý tốt” của Nhà Nước là để cho người dân tộc được ra ở gần đường lộ, có điện, có trường tiểu học. Bởi thế mà Nhà Nước dễ dàng chấp nhận cho RP Binh về đây, và cũng cho phép xây Nhà Thờ nữa. Hiện tại thì Nhà Thờ đang xây dựng, mới được 3 bức tường, chưa biết bao giờ xong. Hỏi RP Binh tại sao ? Thì RP Binh trả lời :
– Xin Anh hỏi Đức Cha hoặc Cha Tổng, Binh này không dính dáng đến chuyện xây Nhà Thờ
– Vậy thì Binh này ở đây làm cái quỷ gì ?
– Mời Anh đi xem.
Vậy là RP Binh lấy xe Uoat (loại xe jeep của Liên Xô cũ) dẫn mình đi một vòng, chỉ cho mình một vùng bao la bát ngát như cái thành phố Sàigon, nhưng không có nhà cao cửa rộng, không có kẹt xe, không có ma xơ ma lanh ma cô gì ráo trọi, chỉ toàn là đồi cây xơ xác, và bên cạnh đó là các vùng trồng cây cao su. Hỏi mấy chục ngàn hectares cao su này là của ai ? Xin thưa là của Nhà Nước, hay nói đúng hơn là của các quan chức. Té ra là để hợp thức hóa chuyện lấy đất của dân làng, thì mấy tay quan chức “lên quy hoạch” trồng cao su, cho Nhà Nước quản lý, còn dân thì đẩy ra gần đường lộ, cho gần với nếp sống văn minh. Có điện, có trường học, có quán xá, còn đòi gì nữa. Còn chuyện không có đất đai canh tác làm ăn chỉ là chuyện nhỏ. Thiên hạ thái bình lâu rồi, nên dân ta mới buột miệng good light, good morling mà nói : Dân ngu khu đen đâu cần phải “no” chi cho mệt, đã có quan chúc “no” giùm.
Sau đó RP Binh dẫn mình về làng cũ, cách đó 20 km. Hiện tại người dân các làng mới ở vùng Kon Mă vẫn về làng cũ, để canh tác trên các đồi nương xa xa. RP Binh còn chỉ cho mình mấy rặng núi phía đông, cách làng cũ khoảng 20 km nữa, và nói phía đó là làng Kon M’ Ha khi xưa (noi ĐC Lộc và Thầy Quý nhiều năm gắn bó), nay thuộc xã Hà Đông, cũng thuộc địa bàn do RP Binh phụ trách. Như vậy là RP Binh phải quán xuyến tổng cộng 18 làng, vừa cũ vừa mới, trên một diện tích không dưới 400 Km2 (tức là rộng gấp 100 lần nước Vatican), gồm khoảng 5000 giáo dân, chưa kể Anh Em dân ngoại. Giờ này, để chuẩn bị Lễ Quan Thầy “Đức Maria Vô Nhiễm” (ngày 8/12) và Noel 2007, RP Binh đã vào làng Kon M’Ha rồi, và như thế RP Đậu Văn Hồng CVK 61 sẽ ra giúp Kon Mă trong Mùa Vọng và Giáng Sinh này.
Phải làm gì cho một vùng dân cư đông đảo, nghèo đói mà rộng lớn như thế này đây ? Biết bao nhiêu là việc, từ đường sá, nhà trẻ, nước sạch, cứu thương khẩn cấp, cho đến dạy giáo lý, tìm cây giống . . . Và vấn đề là phải có lòng và có thủ tục đầu tiên. Lòng thì RP Binh có, và theo mình thì có nhiều, còn thủ tục đầu tiên thì đang ở đâu đó trong hầu bao của quý vị ân nhân xa gần. Anh Em nào có lòng quan tâm đến chuyện Làng Ma – Kon Mă thì xin liên lạc trực tiếp nói chuyện với RP Binh. Nhưng nếu lỡ gọi không được thì đừng vội la mình nha, tội nghiệp, bởi vì vùng Kon Mă đến nay chưa có sóng. Chỉ khi nào RP Binh về gần phố thì mới gọi được, mà RP Binh thì hay phải về Kontum lắm. Mobile : 0905 192 323
RP Binh cũng dẫn mình tới mộ Cha Combes, vị Thừa Sai đầu tiên lên vùng rừng núi Tây Nguyên cách đây 150 năm, vị Thừa Sai nổi tiếng của cuốn Dân Làng Hồ, qua đời lúc mới có ba mươi mấy tuổi. Mộ này cách làng cũ Kon Moh 5 km, bên bờ sông Kon K’Xâm. Ngôi mộ hiện giờ đang được vợ chồng người Bahbar già, con của “chú đi theo giúp Cha Combes” chăm sóc (xin xem hình). Sở dĩ được như vậy một phần cũng nhờ RP Nguyễn Văn Thạch CVK 67, trong một lần ghé thăm RP Binh, đã mở rộng vòng tay, để RP Binh có điều kiện mà kêu gọi dân làng tới đây phát hoang, trồng cây ăn trái. RP Binh kể rằng cái cây nơi mộ Cha Combes cũng là một chuyện lạ. Một đêm kia, “chú đi theo giúp Cha Combes” nằm mơ thấy Cha Combes hiện về bảo phải trồng một cái cây nơi đầu mộ Cha để đánh dấu cho khỏi thất lạc. Vậy là “chú” (lúc ấy đã là ông già) ra bờ sông, chặt về một cành cây to bằng bắp vế, cắm xuống đó. Cành đó là một cành gỗ tạp (như cây gạo của mình), và thường thì chỉ sống được 30-40 năm là cao, và mau lớn lắm. Vậy mà cái cây nơi mộ Cha Combes đã sống đến nay là khoảng 70 năm, và nó chẳng phát triển to lớn như thường lệ, bao nhiêu năm qua vẫn vậy, đường kính gốc khoảng 30 cm thôi. Gần ngôi mộ Cha Combes là phần còn sót lại của cây cột Nhà Nguyện Cha dựng lên, tức là Nhà Nguyện đầu tiên của cả vùng Tây Nguyên (xem hình). Thăm mộ Cha Combes xong, tụi mình ra bờ sông Kon K’Xâm, để được sống lại phần nào lịch sử của các vị Thừa Sai anh dũng xa xưa, nhìn cảnh núi rừng hoang sơ, mà tưởng tượng bên kia dòng sông, bên kia rặng núi là phố xá Kontum bây giờ, cách đó khoảng 20 km đường rừng. Chiều hôm ấy về Nhà Dòng Ảnh Vảy, gặp Cha Tổng Nguyễn Thanh Liên. Thấy Ngài bây giờ cũng có tóc, và không đến nỗi xuống sắc lắm, dù đã qua mấy đợt hóa trị & xạ trị. Khoe vói Ngài là mới đi thăm mộ Cha Combes, và hỏi Ngài đi chưa. Ngài nói, đi mấy lần rồi, dẫn cả các giáo lý viên, yao phu cùng đi, nhưng không phải đi bằng xe máy, mà đi bộ, dọc theo bờ sông. Ngài hỏi lại mình đã đi Dakglei chưa. Mình nói chỉ mới tới Dakto, Ngọc Hồi, cửa khẩu Bờ Y thôi. Ngài nói từ Dakto di thêm khoảng 100 km (một trăm) thì tới Dakglei, Ngài đã tới đó dâng lễ rồi, và không biết Noel 2007 này có được lên đó Dâng Lễ nữa không. Thế mới biết con ma communiste vẫn còn lởn vởn nhiều nơi, và lại càng bái phục các vị Thừa Sai chân chính.
Đã nói thì nói cho hết chuyện. Sáng Chúa Nhật 2/12 mình đi Honda với Phạm Văn Bính CVK 67 tới thăm RP Trường ở Măng La. RP Trường mới đi Mỹ về mà chẳng thêm được kí lô nào, chắc là chưa quen ăn “bơ thừa, sữa cặn”, chỉ quen việc Măng La – Ma Làng. Gặp được 10 phút thì RP Trường phải đi Dâng Lễ ở Plei Krong, cách Măng La 11 km, hướng Sa Thầy (có làng Plei K’Bei của ĐC Chung ngày trước). Sau đó mình và Bính chạy lên Plei Krong, cho biết dân tình thế thái. Lễ xong, hỏi RP Trường có được đi làm lễ ở Sa Thầy không. RP Trường mới kể chuyện vui. Gặp Anh Em Yao Phu của Sa Thầy, RP dặn : Anh Em cầu nguyện nhiều nhiều nha. Cầu nguyện chuyện gì ? Cầu nguyện cho người ta chết nhiều nhiều. Tại sao lạ vậy ? Vì có người chết thì Bok Trường mới được phép lên Dâng Lễ. Không ai chết thì khỏi lên.
Lại thêm một chuyện về RP Binh nữa. RP là tiếng tây tiếng u. Còn tiếng Bahnar thì phải gọi là Bok. Bok Binh đã làm một chuyện “xưa nay hiếm” là kêu gọi dân Kon Mă, kể cả bí thư, UBND xã vào núi, phát quang đường mòn, băng rừng về Kontum. Đi đường rừng về Kontum như thế thì khoảng 20 km thôi, tức là 4 giờ đi bộ, thay vì phải chay ra ngã ba Trà Huỳnh hết hơn 30 km. Phát quang xong thì thuê xe ủi. Chẳng có xin phép tắc gì cả. Huyện ủy kêu lên làm việc. Vậy mà chắc là nhờ có Cha Combes bảo trợ, nên cũng yên. Vậy là bây giờ dân làng có đường liên tỉnh rộng 6m để đi, đặt tên là đường Bok Binh. Oách chưa. Chưa chết mà đã có tên đường. Hơn cả nhà thơ Huy Cận. Chuyện kể rằng Huy Cận, trong một cuộc họp gì đó, thắc mắc là tại sao Xuân Diệu có tên đường rồi, còn mình thì chưa. Lãnh đạo mới trả lời rằng, muốn được đăt tên đường, thì trước hết anh phải chết cái đã, chưa chết làm sao mà đặt tên đường được. Chẳng biết chuyện ấy có thật không. Nhưng mong rằng Bok Binh, Bok Trường đừng chết sớm, còn sống khỏe để tiếp tục lo chuyện Kon Mă – Làng Ma, Măng La – Ma Làng.
Saigon 06/12/2007
Nguyễn Anh Võ, CVK 67