Một Cuộc Đời Đáng Ca Ngợi: Đức Cha Paul Seitz

Cali, ngày 2.1.2013,

Anh Sơn quí mến,

Theo li yêu cu, tôi gi anh ít hình nh Đc cha Kim và xin min tr li.

Tôi cũng gi kèm đy bài viết v Ngài dưới chđ: “Mt Cuc Đi Đáng Ca Ngi: Đc Cha Paul Seitzđ thay cho điu anh mun tôi tr li dùm cuc phng vn.

Mt điu rt hân hnh cho tôi là được Ngài tín dng ph trách văn phòng “Gia Đình Tê rê xa Hà Ni” và “Tòa Giám Mc Kontum” trên dưới 30 năm. Cơ may cui cùng là được gn Ngài mt thi gian ngn Paris khong 1 năm, trước khi Ngài mãn phn. Năm nay tôi đã 87 tui. Tơn Chúa sc khe tm bình thường, còn lái xe được 

Thân chào anh và toàn gia quyến.

Kính chúc mi s tt đp trong năm mi.

Mến chào,

Trn Hu Khc

Một Cuộc Đời Đáng Ca Ngợi: Đức Cha Paul Seitz

SeitzDac2

 

Lời Nói Đầu: Trong thời gian qua có nhiều người hỏi chúng tôi về Đức Cha Paul Seitz – Đức Cha PhaoLô Kim. Trong số đó có người đã được hân hạnh gần Ngài, biết Ngài hoặc đã được nghe nói về Ngài từ lúc còn ở Hà Nội. Ngoài ra có những anh trước kia được Đức Cha nuôi nấng gầy dựng nay đã có địa vị trong đạo ngoài đời. Vì thời cuộc đổi thay, phải sống tha phương, có người lâm cảnh tù cải tạo cho nên không được tin gì về Đức Cha tuy Ngài đã mất năm 1984.

Để đáp lại, chúng tôi xin viết sơ lược cuộc đời Ngài, một cuộc đời thật đáng ca ngợi vì ngoài những công trình Ngài đã thực hiện còn tồn tại tới ngày nay, Ngài còn là một vị được mọi giới, từ chính khách Pháp Việt, đến giáo dân ngưỡng mộ nhớ tới. Lúc sinh tiền Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cho biết Ngài rất ái mộ Đức Cha Paul Seitz.

Thời Niên Thiếu: Cậu Paul Seitz sinh tại Le Havre giáo phận Rouen ngày 22-12-1906, trong một gia đình nề nếp đạo hạnh có ba (3) người con, cậu là út. Ảnh hưởng nơi bà mẹ thánh thiện, cậu đã tiết lộ lúc trở thành Giám Mục ‘Ơn thiên triệu luôn luôn bắt rễ sâu từ lòng người mẹ thánh thiện’.

Năm 1925 cậu hoàn tất nghĩa vụ quân sự tại Marốc, giáp ranh giới sa mạc nơi hai (2) tấm gương của Charles de Foucault và Psichari đã gieo vào tâm trí cậu. Ngoài lòng đạo đức có chiều sâu cậu còn tỏ ra là một người có tinh thần thượng võ, mạo hiểm. Đến tuổi trưởng thành cậu Phaolô quyết định xin gia nhập chủng viện Fontgombault, một chủng viện dành cho những người có ơn gọi muộn. Vì cậu ngỏ ý muốn trở thành một Linh Mục thừa sai, nên các cha chỉ cho cậu đến gõ cửa Hội Thừa Sai Paris ở đường Du Bac và ý Chúa an bài cậu được nhận vào chủng viện thừa sai ngày 14-9-1929.

Ngay từ những ngày đầu thầy Phaolô tỏ ra xuất sắc, có tác phong một ‘lãnh tụ’, nhưng rất khiêm tốn. Ban giám đốc cũng như các bạn đồng liêu đều nhận thấy như vậy cho nên rất quý mến thầy. Nghe kể lại có một lần chủng viện du ngoạn vùng Meudon, thầy Phaolô đã mạnh dạn trèo lên một cây cao lớn, lên tận ngọn, các bạn không ai dám trèo lên, đứng nhìn thầy Phaolô leo lên mà hết hồn. Khi tới ngọn cây, ngày xưa người ta gọi là “Cây Sồi Thừa Sai” hay “Tổ ấm của Mẹ các chủng sinh”, Thầy cất tiếng hát bài ca cổ xưa của Emiles Combes “Xin hãy nhìn xuống chúng con dưới chân cây sồi”. Tuy thầy hát sai giọng, nhưng mọi người rất thích thú.

Trong những lần tập giảng thuyết, thầy Phaolô đã làm cho các bề trên cũng như các thầy khác thán phục về tài lập luận, khoa hùng biện. Mỗi lần có cuộc cắm trại thầy Phaolô đứng ra lo liệu mọi sự, ai cũng công nhận thầy có lòng tốt và có óc tổ chức. Thầy PhaoLô có tầm vóc cao lớn, người xương xương, có bắp thịt mạnh, nhưng vẫn âm ỷ bị một con sâu đục khoét: bộ phổi yếu đôi khi ho ra máu. Bác sĩ cho là bệnh nặng vì vậy hai (2) lần thầy phải gián đoạn việc học. Tới năm 1937 mới hoàn tất quá trình học tập và ngày 14-7-1937 thầy PhaoLô thụ phong Linh Mục. Bác sĩ khuyên nên ở nơi cao mát mẻ, khí hậu khô, nhưng tân Linh Mục được cử sang Hà Nội, một nơi đồng bằng, mùa hè nóng nực, khí hậu lại ẩm ướt, tuy vậy tân Linh Mục không một lời than phiền, vì cha cho rằng đó là tín hiệu mà Chúa quan phòng chỉ con đường cha phải đi. Và đúng thế, cha Paul Seitz sẽ thành công tại Hà Nội.

Đặt chân tới Hà Nội được ít ngày thì cha về Kẻ Sở, Hà Nam để học tiếng Việt. Vốn tính ưa hoạt động và thời gian không cho phép Ngài đi sâu vào văn chương Việt Nam, tuy nhiên Ngài cũng đủ tiếng để giao dịch, và nhờ sẵn có năng khiếu nói chuyện, nên mỗi lần tiếp xúc với người Việt, cha không cảm thấy khó khăn. Còn tiếng Thượng thì ngài không còn giờ ngồi học, vì lẽ địa phận ngài gồm nhiều sắc tộc. Không dùng được tiếng nói để chinh phục người Thượng thì ngài dùng khóe mắt, con tim và hai (2) bàn tay rộng mở để thu phục nhân tâm họ.

Thân Thế Và Sự Nghiệp: Trước khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục KonTum, ngài lãnh trọng trách cha sở Nhà Thờ Lớn Hà Nội, tức Nhà Thờ Chính Tòa, một xứ đòi hỏi một vị phải có khả năng và uy tín nơi người Việt cũng như người Pháp. Ngài cũng kiêm Tuyên úy Trưởng Albert Sarraut. Ít năm sau Ngài được bầu làm Cha Bề Trên Miền Hội Thừa Sai Paris cho toàn miền Bắc. Nhận thấy ở núi Ba Vì, tỉnh Sơn Tây, có một địa điểm tốt, ngài thành lập trại Hướng Đạo nhằm mục đích huấn luyện thanh thiếu niên Việt-Pháp. Cũng trong thời gian này ngài thành lập Viện Tê-rê-xa với mục đích thâu nhận những trẻ em vô thừa nhận, cơ sở đặt tại Ba Vì, sau vì chiến cuộc ngài cho dời về Lacordaire, Quần Ngựa Hà nội, rồi đưa hẳn về Thái Hà Ấp, gần gò Đống Đa. Cơ quan này còn có tên là Cité du Christ-Roi – “Thị Xá Kitô Vua” nơi qua bàn tay nhân ái Đức Cha có hàng ngàn trẻ em thiếu may mắn đã thành đạt, có địa vị trong xã hội.

Trong suốt thời gian lãnh các trọng trách dồn dập những biến cố khá trầm trọng và với tư cách là Chủ Chiên, ngài can đảm đương đầu :

  • Năm 1940 quân đội Nhật đánh và chiếm đất Bắc, ngài cũng bị liên lụy.
  • Năm 1942 cho tới năm 1945 các cuộc oanh tạc của Đồng Minh gây nhiều đổ nát.
  • Năm 1945 một triệu người chết đói, lớp trẻ vô tội phải tha phương cầu thực.
  • Năm 1946 cuộc chiến ác liệt bùng nổ ngay tại Thủ Đô Hà Nội giữa quân đội Pháp và Việt Minh, từ đó lan tràn ra toàn đất Bắc, gây ra bao cảnh tang thương. Một mặt ngài lo cứu trợ, một mặt thu nhặt những trẻ em lạc lõng về chăm sóc nuôi dưỡng.
  • Năm 1950 cuộc phản công mãnh liệt của Việt Minh đưa đến cảnh di tản nheo nhóc cho mấy tỉnh miền bắc Hà Nội.
  • Năm 1952 ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục KonTum, một địa phận rộng lớn và nghèo nàn nhất, chưa nói đến là một khu vực bất ổn.
  • Năm 1954 Điện Biên Phủ thất thủ, tiếp theo sau là cuộc di cư rối loạn.
  • Năm 1960 Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, con đẻ của Hà Nội, ra đời khởi sự một cuộc chiến tranh du kích tương tàn, làm tiêu hao nhiều sinh mạng. Đồng thời phong trào Fulro thành hình gây nhiều sóng gió và hiểu nhầm cho địa phận của ngài.
  • Năm 1968 Tết Mậu Thân, 35 thành phố và thị trấn lọt vào tay Việt Cộng, trong đó có một số tỉnh thuộc địa phận của ngài. Một cảnh tượng hãi hùng khó quên mỗi lần nghĩ tới.
  • Năm 1973 tuy văn kiện ngừng chiến đã ký kết, nhưng đây đó cuộc chạm súng vẫn liên tục, máu dân lành vẫn tiếp tục chảy.
  • Năm 1975 Ban Mê Thuột bị tấn công, rồi đến màn di tản bỏ vùng Cao Nguyên khiến đồng bào chen chúc bỏ cửa bỏ nhà băng rừng vượt suối. Ngài cùng một số vị lo cứu trợ.
  • Ngày 15-8-1975 Hà Nội trục xuất ngài cùng với một số linh mục, nữ nu và hai (2) bác sĩ ngoại quốc. Rời Quê Hương thứ hai (2), nói đúng ra là Quê Hương thứ nhất (1) của ngài mà lòng luyến tiếc không được hy sinh trọn cuộc đời và gửi tấm thân trong lòng mảnh đất có duyên nợ với ngài trên dưới bốn mươi (40) năm trường.

Cả cuộc đời ngài gắn liền với sự đau thương của chúng sinh, với cây Thánh Giá, mà lúc khiêm tốn lãnh nhận mũ gậy Giám Mục người đã chọn câu châm ngôn: “Xin Cho Tôi Say Mê Thánh Giá Chúa”. Vâng, quả là con đường Thánh Giá, vì Ngài không chỉ ngồi chứng kiến những bước thăng trầm của đất nước Việt Nam mà ngài đã ghé vai gánh vác. Trước những sóng gió lắm phen thật phủ phàng, ngài vẫn nhẫn nại và cùng một nhóm cộng sự viên âm thầm hành động. Ngài khích lệ mọi người với một câu nói rất chí lý: “Này bạn, nếu chúng ta đợi trời yên gió lặng mới ra tay, thì sẽ không làm được gì. Chúng mình hãy khắc phục và nhìn về tương lai, mọi sự sẽ tốt đẹp “.

Dưới trào ngài có hai (2) sự kiện đáng ghi vào lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Vào năm 1952, đáp lời mời của ngài, một dòng nổi tiếng nhất nhì trên Thế Giới, dòng Salésien do Thánh Don Bosco sáng lập, đã tới Hà Nội thay thế ngài trông coi cơ quan xã hội Têrêsa. Sau năm 1954 nhà Dòng tái lập ở Thủ Đức và Gò Vấp, hai (2) cơ sở đã mang lại nhiều thành quả cả về mặt đời lẫn mặt đạo. Một dòng nữa cũng nhờ Ngài đươc thành lập tại Ban Mê Thuột: đó là dòng nữ tu Benedictines, tiếng Việt gọi là Dòng Biển Đức. Hiện nay Dòng đặt nhà Mẹ tại Thủ Đức, và hứa hẹn nhiều ở tương lai về khoa Tu Đức cho nữ giới.

Muốn hiểu rõ thân thế và sự nghiệp của ngài hơn nữa không gì hơn tìm hiểu chính con người Phaolô Seitz. Vậy con người Phaolô biểu hiện những gì? Đâu là tia sáng từ Ngôi Sao Seitz phát xuất ra?

Trước tiên phải trở về dĩ vãng, quay lại khúc phim, một cuốn phim mà Thánh Vincent de Paul đã đóng tại Paris xưa kia. Số là vào tháng mười hai (12) năm 1946, Việt Minh và quân đội Pháp giao chiến, tranh nhau từng tấc đất, từng khu phố, ngay tại trung tâm Thành Phố Hà Nội, giữa lằn tên mũi đạn đã gây đổ vỡ và chết chóc, có một bóng đen cao cao len lõi vào các khu đổ nát, không sợ hiểm nguy để cứu vớt những nạn nhân, thu lượm xác chết, gom những trẻ em bơ vơ về trường Puginier tắm rửa, cung cấp chỗ ăn chỗ ngủ. Từ đó khai sinh ra Cô Nhi Viện Têrêsa và cũng vì hành động bác ái cao đẹp này báo chí Tây Phương đã ví Ngài là: “Cha Vinh Sơn Hà Nội”.

Thay vì gọi là Cô Nhi Viện, ngài đặt tên là Gia Đình Têrêsa, vì từ cách tổ chức đến phương thức giáo dục nó đúng là một Gia Đình; và ở nơi Linh Mục Giám Đốc có bàn tay một người cha, có trái tim của một người mẹ. Chả vậy một số khá đông trẻ em đau khổ được may mắn qua tay ngài ấp ủ, gầy dựng đến khi khôn lớn, ra đời trở thành những người có danh phận, vẫn một lòng một dạ tôn kính vị Cha Già Khả Kính; khi có con cái danh hiệu Cha Già được nâng lên Ông Nội. Hai (2) tiếng này lột hết ý nghĩa của tình nghĩa một Đại Gia Đình, hằng năm về họp mặt đông đủ tại ngôi nhà tổ ấm Thủ Đức, do anh em cựu học viên Têrêsa tạo dựng, để mỗi năm tổ chức Lễ Giỗ Đức Cha vào ngày 24 tháng 02.

Quay lại con người Phaolô Seitz, hầu hết những người đã được sống gần ngài hay được diện kiến ngài đều công nhận con người Phaolô đặc biệt và đa dạng. Hình như bản thể ngài kết nhiều tinh hoa trời phú cũng có, và do ngài tu luyện cũng có. Những nét mà người ta chỉ thấy ở một số ít nhân vật có hạng.

Ngài là một Nhà Giáo Dục cùng một đường lối như Thánh Don Bosco, cùng tình thương chinh phục tâm hồn giới trẻ. Trong mấy chục năm làm Giám Đốc Viện Têrêsa ngài chưa bao giờ tát một phần tử xấu nào. Có một giai thoại: Đức Cha bảo người tài xế lấy xe của ngài đi chở ít đồ, chẳng may anh tài xế tông xe vào tường bị bẹp. Anh quá lo sợ đinh ninh sẽ bị mắng nặng lời, nhưng ngài không la mắng, mà chỉ nhẹ nhàng nói lần sau con nên lái cẩn thận hơn, con đi bình an. Rồi ngài dí dỏm nói khẽ với người viết: mình cũng có lần tông như vậy …

  • Ngài là một nhà ngoại giao. Nhờ uy tín và tài khéo léo ngài đã mời được một số bác sĩ và y tá người Mỹ, người Pháp và người Đức, tự nguyện sang tận Kontum để trông coi Bệnh Viện do chính Ngài xây cất với đầy đủ dụng cụ y khoa. Các trạm thuốc nhỏ cũng được đặt ở các làng xa, các bác sĩ, y tá thường xuyên đến tận nơi khám bệnh, đang khi Bộ Y Tế chưa giải quyết. Nhờ công cuộc y tế này mà số tử vong của trẻ em Thượng bớt hẳn đi, đồng thời quảng bá phép vệ sinh tối thiểu nơi dân chúng.
  • Ngài là một nhà giảng thuyết có tài. Ngài thường được mời giảng cấm phòng cho các linh mục và nam nữ tu sĩ. Mỗi lần về Pháp các cơ quan truyền thông không quên mời ngài lên đăng đàn diễn thuyết. Ngài có giọng nói truyền cảm và lưu loát. Đề tài của ngài luôn nằm trong khuôn khổ cổ võ tình người với lòng bác ái vị tha.
  • Ngài là con người tiết độ, Ngài có một đời sống đơn sơ, thanh đạm, xe hơi ngài kỵ nhất là loại xe du lịch sang trọng để đến với giáo hữu, loại xe cố hữu của Ngài là chiếc Land Rover pickup. Nói tới tiết độ, phải kể đến sự kiềm chế hút thuốc trong suốt Mùa Chay. Cái thú duy nhất của ngài là hút tẩu và cigare, ngồi làm việc thì cái tẩu ở bên cạnh, có đi đâu cái tẩu nằm sẵn trong túi. Lúc lái xe cái tẩu vẫn nhả khói, song cứ đến ngày lễ Tro là ngài ném ngay cái tẩu vào ngăn kéo, và chỉ lấy ra sau khi cử hành Thánh Lễ Phục Sinh về. Sự tự chế này ngài đã khởi sự từ lúc thiếu thời. Ma quỉ bất lực trước sự quyết chí của ngài. Đã có nhiều cây thuốc (người nghiện) muốn bắt chước ngài, đem chôn điếu trong Mùa Chay, nhưng chỉ được 5 ngày là phải đào điếu lên.
  • Ngài là con người can đảm và cương trực. Ngài trêu ngươi Việt cộng bằng cách lấy tên hai Linh mục chúng sát hại – Cha Minh và Cha Quý – đặt tên cho bệnh viện do Ngài thành lập tại thị xã Kontum: Bệnh viện Minh Quý. Lúc kiếm cớ trục xuất ngài, chính quyền kết tội ngài là đi với Mỹ ngụy, tay sai của đế quốc và có những hành động chống phá cách mạng. Chúng bắt Ngài ký giấy nhận tội, nhưng ngài một mực phủ nhận. Và lúc họ đưa vào Sàigòn trên đường về Pháp, một lần nữa họ buộc ngài làm đơn xin hồi hương để đánh lạc hướng hai chữ trục xuất. Ngài cũng không ký. Ngược lại ngài còn nói với họ ngài còn muốn ở lại Việt Nam cho đến chết.
  • Ngài là con người sáng suốt, có cái nhìn xa. Cụ thể nhất là việc ngài mau mắn phong chức Giám Mục cho cha Alexis Phạm Lộc trong bí mật, giữa lúc Sài Gòn sắp thất thủ. Ngài có ghi lại buổi lễ truyền chức như sau “Trong bầu không khí trầm lặng và linh thiêng tôi cử hành nghi lễ truyền chức Giám Mục cho vị là người kế vị tôi, nếu vì bất cứ lý do nào mà tôi không thể thi hành sứ mạng Giám Mục được nữa. Vị Tân Giám Mục không có huy hiệu nào của chức phẩm Giám Mục. Tôi trao cho Ngài chiếc mũ, cây gậy và chiếc nhẫn của tôi. Hai (2) chúng tôi sẽ chia sẽ với nhau trong tình huynh đệ. Tôi cảm thấy lòng tràn ngập một niềm vui lớn lao và trong sáng như nỗi vui mừng của “Giáo Hội Tiên Khởi”.
  • Ngài là hiện thân của Đức Từ Tâm, lẽ đương nhiên có từ tâm thì mới nảy ra những cơ quan xã hội nọ, những cơ sở bác ái kia để xoa dịu một phần nào những khổ đau. Lẽ sống của ngài đã chẳng gắn liền với kiếp người thua thiệt nhất đó sao? Mỗi lần có những vụ cá lớn nuốt cá bé, ức hiếp kẻ cô thân cô thế, do những người có quyền lực ngài cảm thấy xót thương, và nếu được ngài đứng ra bênh đỡ để giữ hai chữ Công Lý. Có một lần ngài đã phải dùng đến thẩm quyền của thiên chức Giám Mục buộc một thầy dòng không được dựa vào chính quyền đuổi một số mấy chục gia đình đang ở và canh tác dưới một ngọn đồi để xây Nhà Tập cho Dòng. Ngài không bao giờ cho phép chà đạp lên Công Bằng dù việc đó mang lại lợi ích cho Chúa, cho Giáo Hội. Không lẽ vì quyền lợi cho Nhà Chung, cho Nhà Dòng mà nỡ tâm đuổi những người dân đã đổ bao mồ hôi khai hoang mảnh đất cằn cỗi để mưu sinh. Những vụ tương tự không thiếu trong quá trình lịch sử trong Giáo Hội Việt Nam. Đó là những cản trở cho việc truyền giáo cần phải tránh.

Sứ Điệp Tình Thương: Xuyên qua thân thế và sự nghiệp với những công trình mang màu sắc Tình Thương, một tình thương dạt dào nơi con người Đức Cha, một số vị cao cấp trong Giáo Hội cùng những chính khách quen biết ngài đều có một nhận định chung là ở nơi con người của Đức Cha tỏa ra một Sứ Điệp của Tình Thương. Người ta còn khám phá ra sứ điệp của tình thương trong hai (2) tác phẩm do Đức Cha biên soạn và phát hành tại Paris sau biến cố 1975.

  1. Le Temps des chiens muets. “Thời của những con chó câm”
  2. Des Hommes Debout. “Những Con Người Đứng Thẳng”

Cuốn thứ nhất có cái tên ngồ ngộ “Thời Chó Câm“ Ngài lấy từ sách tiên tri Isaia, đoạn 56, câu 10:

Quân canh của Dân tôi là một lũ đui mù,ngu xuẩn.

Bọn chúng là đàn chó câm,không biết sủa.

Chỉ biết nằm xó,mộng mơ,lại thích ngủ;

Chúng là đàn chó háu ăn,không hề biết chán.

Chúng là những mục tử mà không lo chăn dắt;

Mỗi người một ngã,chúng chỉ biết đi tìm lợi riêng…”.

Tiên tri Isaia đã nặng lời khiển trách những nhà lãnh đạo trong vai “quân canh“ gìn giữ che chở Dân Chúa. Họ còn được coi là những mục tử có nhiệm vụ chăn dắt, nhưng họ đã không chăm sóc, tệ hơn nữa họ còn bê tha thủ lợi. Tiên tri ví họ là đàn chó háu ăn, đui mù. Thời nay trong đạo cũng như ngoài đời cũng không thiếu những nhà lãnh đạo không giữ đúng vai trò cao quý được trao phó, lạm dụng quyền thế. Họ được hưởng bổng lộc lại còn tham lam. Lớp thì tự cao tự đại, lớp thì lười biếng đi tìm lợi riêng.

Đức Cha muốn nhấn mạnh là khi các sự việc được xảy ra nên nhìn rõ để nhận thức Thật Hư Phải Trái và nếu cần phải nói lên sự thật cho sáng tỏ vì quyền lợi chung, nhất là của lớp người bị thua thiệt nhưng điều thiết yếu không làm vì thù hận như câu Ngài đã viết: “Nói rằng tôi không oán thù, không tức giận, không khinh bỉ các Anh (ám chỉ người Cộng Sản đã gieo đau thương cho Dân tộc VN ngài quý mến, cho địa phận, cho cá nhân ngài bị trục xuất…) nói vậy thì còn quá nhẹ. Còn có một cái hơn thế nữa trong hành động của tôi là vẫn coi các Anh là người mang hình ảnh Thiên Chúa và mến các Anh như những người anh em được cứu chuộc bằng giá Máu Chúa KITÔ, được Thiên Chúa yêu thương như chính tôi được thương yêu, được mời gọi như tất cả mọi người khác”.

Cá nhân tôi trộm nghĩ câu nói trên khó đánh động hạng người lì lợm, tuy nhiên câu nói cũng có tác dụng cho những người muốn bước theo chân Thầy Giêsu chí thánh của mình. Tinh thần sống Phúc Âm thực sự đã biểu lộ qua những tác vụ và những gì Đức Cha đã đóng góp cho kiếp nhân sinh. Thiết tưởng cũng nên trích một vài tư tưởng trong hai (2) tác phẩm như là những lời Di Chúc của Đức Cha để lại cho hậu sinh, lấy đó làm phương châm sống cho cuộc đời mình.

Khi KonTum rơi vào tay chế độ mới, một viễn tượng không sáng sủa cho Giáo Hội Việt Nam, chủ nghĩa bài tôn giáo lại sẵn có quyền lực trong tay là mối đe dọa. Đức Cha trấn an các Cha và ngài đưa ra một hướng đi bất di bất dịch: “Trước biến cố đang xảy ra, không sợ hãi, không thất vọng, không hèn nhát. Sứ mạng của chúng ta vẫn được tiếp tục đem Thông Điệp của Chúa Kitô đến với hết mọi người, bất cứ họ là ai, phải trở nên Men Đức Tin trong xã hội mới. Và cái giá sẽ phải trả cho công việc này là “Môn đệ không thể hơn Thầy của mình“.

“Môn đệ không thể hơn Thầy của mình“ hàm chứa lời Chúa Giêsu đã báo trước với các môn đệ: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em nên biết rằng nó đã ghét Thầy trước và “Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ anh em“. (Jn 15:18:20)

Tác phẩm “Les Hommes Debout” (Những Con Người Đứng Thẳng) phải hiểu thêm như là một nhật lệnh “Hỡi Những Con Người Hãy Đứng Thẳng” ngụ ý ngài tha thiết muốn mỗi người, cách riêng giới trẻ người Thượng, trước những giao động do văn hóa, do trào lưu tân tiến sẽ gây nên trong tương lai cho nên phải Ý Thức, phải Vững Tâm, phải Đứng Thẳng.

Trong bài tựa Đức Cha đã quả quyết “Thẳng Tiến Hay Diệt Vong“, chỉ có hai (2) con đường phải chọn. Mối ưu tư hàng đầu của ngài là tương lai sắc tộc thiểu số. Vìvậy ngài đã gửi một số người Thượng sang Âu Châu du học, trong số có cả chủng sinh để sau này về giúp địa phận cả về mặt tâm linh lẫn xã hội. Ngài còn khẳng định: “Phải thích nghi với Thế Giới đang chuyển động nhưng đừng làm mất tâm hồn” và “Ngay lúc này phải gieo, nhưng phải kiên nhẫn đợi chờ“.

Với chủng sinh du học ngài nhắn nhủ: “Các con hãy luôn giữ vững can đảm và cầu nguyện. Đừng để buồn nản đè bẹp chúng con. Cha muốn nói với chúng con. Hãy chuẩn bị cho ngày mai, Thiên Chúa là chủ nhân của lịch sử. Đối với Ngài không có gì không thể làm được. Còn ngày trở lại Quê Hương? Chắc chắn sẽ có ngày đó. Vì vậy các con hãy sẵn sàng luôn luôn sống như những Kitô Hữu gương mẫu“.    

Giai Thoại Khó Quên: Đề cập đến tinh thần phục vụ cao cả của ngài, không thể không nhắc lại một giai thoại đáng để đời. Có một lần trên đường từ KonTum đi Đà Lạt, giữa đường Ngài gặp một xe du lịch bị “panne”, chủ nhân và gia đình đang lo sợ vì xe nằm ở đường rừng. Không đợi năn nỉ, Ngài cho xe sát vào lề, xắn tay áo loay hoay sửa, có lúc phải chui vào gầm xe. Sau tiếng đồng hồ vất vả chiếc xe nổ máy trước sự vui mừng sung sướng của gia đình. Chủ nhân hỏi danh tánh vị ân nhân, ngài không nói rõ ngài là ai, chỉ tự giới thiệu là một ông cố đạo ở KonTum. Về sau tìm hiểu ra mới biết vị sửa xe cho mình là một bậc vị vọng trọng trong Giáo Hội là Đức Cha Seitz, cả gia đình khóc vì cảm động và đã xin tòng giáo ít lâu sau. Họ cũng tiết lộ trước khi gặp Đức Cha, đã van xin mấy xe người đồng hương, nhưng không một ai đoái hoài. Một tác dụng để chinh phục nhân tâm, giá trị gấp trăm lần thuyết giảng.

Mỗi lần đi cử hành lễ đại trào ở đâu, ngài tự dọn lễ phục lấy, xách valise ra xe lái đến nơi hành lễ, xong lễ cũng vậy, ngài lại tự động lái xe về. Trước thói quen này đã có nhiều cha thắc mắc tại sao Đức Cha không nhờ một ai giúp, ngài chỉ mỉm cười nói tôi còn khỏe tự làm lấy được, và việc đó có làm giảm giá trị mình không? Thói đời người ta cứ tưởng rằng tạo uy tín bằng cách làm cho mình có điệu bộ oai vệ, có nhiều người phục dịch hơn là cần có một bản lãnh cao, một nếp sống đàng hoàng.

Thiết tưởng cũng cần nói tới một nét nổi bật nữa ở con người Phaolô Seitz là khoa xử thế. Với địa vị là Giám Mục, đương nhiên ngài phải tiếp xúc từ bậc quyền quý quốc tế, hàng lãnh đạo đến những người cùng đinh trong xã hội, sang có, tầm thường có, mọi giai cấp kể cả kẻ thù. Lạ một điều bất cứ ai diện kiến với ngài lúc ra về đều mãn nguyện và lưu giữ được tấm thịnh tình mãi mãi về sau. Vì ở nơi ngài ngoài sự chân tình nhân hậu, ngài còn có cung cách lịch thiệp làm người quyền quý kính nể, và dưới con mắt của lớp bình dân thì Ngài cởi mở, ưu ái phản chiếu hình ảnh Thầy Giêsu.

Lời Kết: Người viết có cơ may được gần Đức Cha hơn một tháng tại Hội Thừa Sai Paris vào cuối năm 1983, trước ngày Ngài mất khoảng 4 tháng. Có ngờ đâu lần đó lại là lần chót. Lúc đó trông ngài tuy tuổi cao nhưng vẫn khỏe mạnh lanh lợi, lái xe vẫn tốc độ như hồi ở Hà Nội, KonTum. Ngài vẫn thường xuyên đi thuyết giảng, công tác mục vụ, gặp gỡ các chính khách. Ngài vẫn lạc quan nuôi hy vọng có ngày trở lại Việt Nam, nơi đã gắn bó với ngài suốt chiều dài lịch sử thương đau. Ngài ước ao được an nghỉ cạnh những vị Thừa Sai Tiên Khởi trên cánh đồng truyền giáo KonTum. Ngày thường ngài thường dâng Thánh Lễ trong Nhà Nguyện có đặt xương các Thánh Tử Đạo Việt Pháp. Bên cạnh là một gian phòng rộng trình bày những tranh ảnh, tài liệu và một số dụng cụ tra tấn. Có một điều là ai đã dự Thánh Lễ do ngái dâng, Lễ đại trào cũng như trong Nhà Nguyện riêng thời Ngài là Linh Mục cho đến làm Giám Mục, tất cả đều công nhận phong cách ngài dâng Thánh Lễ rất trang nghiêm, khoan thai, sốt sắng.

Vào đầu năm 1984 căn bệnh phổi tái phát, y khoa bó tay và vào ngày 24-02-1984 Chúa cất Ngài về. Ngài bình thản từ giã cuộc đời bên cạnh có người chị Anne Marie Seitz. Người chị cùng thân phụ đã sang tận Hà Nội để dự Lễ Tấn Phong Giám Mục ngày 03-10-1952. Sau năm (5) ngày đủ mọi giới Pháp Việt đến nhìn lần chót khuôn mặt khả ái, và vào sáng ngày 29-02 cử hành Thánh Lễ An Táng do Đức Hồng Y Lustiger chủ tế cùng với tám (8) Giám Mục, 150 Linh Mục đồng tế. Ngài An Nghỉ tại Nghĩa Trang Montparnasse Paris 14.

Ngài đúng là một vị Mục Tử nhân hậu, tài đức song toàn, và là một vị Ân Nhân của Dân tộc Việt Nam.Thật là Một Cuộc Đời Đáng Ca Ngợi.                                                                                                                                                                                                                    Trần Hữu Khắc

Seitzcuocdoi2