Phỏng Vấn Cha FX Nguyễn Ngọc Tâm
Phó Chủ Tịch Hội Ái Hữu Và Truyền Giáo Kontum (KMF)
Do Phóng Viên Nguyễn Văn Tố
Thực Hiện Ngày 14/12/2012
1) Kính thưa cha, xin cha cho độc giả của Llcvk và trang web www.giupkontum.org của KMF biết một ít về tiểu sử của cha.
Cha Tâm: Cảm ơn anh. Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, di cư vào Nam năm 1955. Vào Chủng Viện Kontum năm 1962. Năm 1975 qua Mỹ. Học xong Đại Học, tốt nghiệp cử nhân về tài chánh và kế toán (finance and accounting), (còn minor là triết, nhờ trường chấp nhận 3 năm học triết ở đại học văn khoa Sàigòn), tôi vào chủng viện St. Meinrad ở tiểu bang Indiana học 4 năm thần học. Chịu chức linh mục năm 1982.
Năm 1987 qua Roma học Giáo Luật. Trở về một thời gian làm tuyên úy sinh viên đại học, cha sở nhiều giáo xứ. Giáo xứ cuối cùng tôi đảm nhận tới năm 2011 là Christ the King, tiểu bang Oklahoma. Thêm vào đó, tôi cũng là chánh án tòa án hôn nhân địa phận, thành viên ban cố vấn, và đã từng là thành viên của ban nhân sự, và hội đồng linh mục.
2) Năm vừa qua, cha đã xin nghỉ việc coi giáo xứ bên Mỹ để trở về giúp giáo phận Kontum trong một thời gian khá lâu. Xin cha cho biết động lực nào đã thúc đẩy cha làm chuyện đó và xin cha cho biết cảm tưởng của cha sau thời gian hoạt động ở giáo phận.
Cha Tâm: Khi tôi chịu chức năm 1982, Đức Cha Seitz đã viết cho tôi một bức thư khá dài, rất tâm tình. Hiện nay tôi còn giữ. Trong đó ngài khuyên nhủ tôi phải nuôi ý định một ngày nào đó trở lại Vietnam để làm việc. Năm nầy qua năm khác, viễn ảnh trở về càng thấy khó khăn. Cuối cùng qua lời mời gọi của Đức Cha Micae và sự đồng ý của Đức Cha địa phận Tulsa, tôi xin đi một năm sabbatical.
Tháng 6, 2012 gặp lại thầy cũ, bạn cũ ở nhà MEP, Paris. Để sưởi ấm lại tình thầy trò, tình đồng môn như những gặp gở của cvk khắp nơi từ trong nước đến hải ngoại.(Đứng: Anh Thái, Cha Tâm, cha Mais (Ngô thành Mai), và cha Lange (ngồi)
Địa phận Kontum khác với tất cả những địa phận khác vì một nửa giáo dân là người Kinh và một nữa là anh em dân tộc thiểu số. Mục vụ dành cho giáo dân Thượng đòi hỏi nhiều phương cách riêng biệt và khó khăn hơn. Anh em dân tộc có một văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng, phong tục riêng mà các mục tử cần có một thái đó kinh trọng và thương mến chân thành.
Họ cũng là những nạn nhân bị thiệt thòi nhất, vì cách đối xử của các chính sách, hành động lợi dụng của một số người Kinh, biến chuyển của một xã hội đuổi chạy theo lợi lộc, vật chất và một thoái hóa trầm trọng về luân lý có cơ nguy thâm nhập trên khắp đất nước. Thành thử Giáo Hội phải đương đầu với những thách đố mục vụ đó. Từ huấn luyện đào tạo các nhân sự, đến đáp ứng những nhu cầu giáo dục, nhu cầu cần thiết hàng ngày, đều đòi hỏi những cố gắng và một đội ngũ linh mục, tu sĩ, yao phu biết xả thân với một tinh thần truyền giáo, một đời sống tâm linh sâu đậm.
Tôi rất cảm phục tinh thần phục vụ của các Đức Cha, các Linh Mục, các Nữ Tu, các Yao Phu đã và đang hoạt động trên khắp các vùng đất của địa phận Kontum, bây giờ và trước đây với rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt là những nơi xa xôi, thiếu thốn đời sống vật chất đã đành, còn phải đối đầu với những khắt khe bị áp đặt trên các hoạt động tôn giáo. Những chuyến viếng thăm các giáo xứ, trao đổi với các linh mục, tu sĩ, đã giúp tôi có một cái nhìn khác với những sinh hoạt muc vụ mà tôi đã quen thuộc từ Hoa Kỳ. Đó cũng là những kinh nghiệm làm giàu cho đời sống muc vụ của một linh mục.
Và dĩ nhiên được trở về sống trên mảnh đất mà mình đã lớn lên từ thuở nhỏ, ở trên một căn phòng trong căn nhà chủng viện với biết bao kỷ niệm thân thương với bạn bè, được viếng thăm thường xuyên với những người thân gia đình, họp mặt với bạn bè, một năm ở Vietnam là một thời gian tôi rất trân quý. Tôi cảm thấy rất may mắn đã có cơ hội trở lại sống một năm ở địa phận Kontum nói riêng, và đất nước Vietnam nói chung. Một số bạn ở Vietnam khi biết tôi quyết định trở về Vietnam đã ngạc nhiên nhiều. Có bạn nghĩ tôi kéo đâu được 3 tháng là đủ rồi. Tôi đã chứng minh là những anh bạn đó sai. Nhưng họ cũng có phần đúng.
Hành lang chủng viện. Mỗi ngày tôi đi bộ trên hành lang này. Biết bao kỷ niệm trở lại. Biết bao thế hệ đã bước qua đây. Biết bao lần các chú sắp hàng để vào đọc kinh tối (cửa nhà nguyện bên tay trái). Những chiều giờ chơi mà gặp trời mưa thì đành đứng đây để ngắm mưa. Có những lần mưa thật to. Rất nặng hột. Mưa chan hoà trên cỏ cây. Trên hàng cây đại. Trên sân banh. Và tôi đã đứng lặng một mình thật lâu. Giống như ai viết, mưa ngoài trời và mưa trong lòng tôi.
3) Sau khi trở lại về Mỹ, cha đã lãnh nhận chức vụ mới là tuyên uý cho một nhà thương lớn. Xin cha cho biết cảm tưởng của cha về công việc mới này.
Cha Tâm: Nhà thương St. Francis là một nhà thương Công Giáo lớn nhất ở tiểu bang Oklahoma. Nơi đây cách đây gần 2 năm Đ.C. Micae đã được đặt máy defibrillator để điều hòa tim. (Cha Thể đã được mổ tim ở bệnh viện St. John, cách đây gần 10 năm). Chăm sóc mục vụ (pastoral care) là một sinh hoạt quan trọng. Đội ngũ gồm 3 linh mục, 6 nữ tu và 6 tuyên úy giáo dân. Các linh mục phụ trách dâng thánh lễ và ban các bí tịch xức dầu, hòa giải, Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân Công Giáo.
Nhưng không phải chỉ ban phát bí tích. Muc vụ đòi hỏi thăm viếng tìm hiểu, an ủi, cầu nguyện cho các bệnh nhân. Khi đau ốm, con người cảm thấy yếu đuối, bất lực, có khi cảm thấy cần thay đổi cách sống. Tuyên úy là người hiện diện để nâng đỡ, hướng dẫn họ gần gũi với Chúa, tìm được sức mạnh và hy vọng nơi Người. Với chiều kích muc vụ đó, người linh mục cảm thấy mình đã mang lại cho bệnh nhân một khích lệ khi họ cần thiết nhất, và tiếp tục sứ mệnh mục vụ chữa lành (healing ministry) mà Chúa Giêsu đã thực hành trong ba năm rao giảng của Ngài.
Tôi không biết sẽ làm tuyên uý bệnh viện bao năm, 2, 3, 5 hoặc có thể lâu hơn. Nhưng hiện tại nói theo tiếng Anh cũng là một “nice break”,sau gần 30 năm làm việc trong giáo xứ, nhất là 11 năm ở giáo xứ Christ the King, với những đòi hỏi điều hành một giáo xứ lớn. Chắc chắn anh Tố cảm nhận như tôi vì anh cũng đã từng giữ những vai trò điều hành lớn cho U.N. và nay anh về hưu. Nhưng nhờ thế mà KMF được hưởng nhờ những hy sinh thời giờ và công sức của anh. Cũng như anh Thái ở Paris. Biết đâu 5 năm nữa tôi cũng được về hưu như 2 anh và có thời giờ hoạt động hơn cho KMF.
4) Với tư cách là phó chủ tịch hội Ái Hữu và Truyền Giáo Kontum (KMF), xin cha cho biết cảm nghĩ của cha về quá trình hoạt động của KMF và những suy tư về tương lai làm sao KMF phát triển mạnh hơn để có thể giúp đỡ nhiều hơn những người kém may mắn trong giáo phận Kontum.
Cha Tâm: KMF là một đóng góp về tinh thần, công sức, thời giờ của ban điều hành và các ân nhân trong và ngoài nước. Những đóng góp đó thể hiện sự công tác với những chương trình khác của địa phận, của các linh mục, nữ tu trong địa phận. Những thành quả đó đã giúp đỡ anh em dân tộc có một đời sống tốt hơn.
Tuy nhiên nhu cầu còn quá nhiều, với nhiều lãnh vực khác nhau. Cũng như các bạn, tôi ray rứt khi thấy những trẻ em trong các viện cô nhi ăn uống không đầy đủ. Tôi thao thức khi thấy giới trẻ thiếu phương tiện cắp sách đến trường. Và chua xót khi những bệnh nhân không có những chăm sóc tối thiếu nhất.
KMF đang lớn mạnh, nhưng vẫn chưa đủ.
Tôi mong mỏi có nhiều bạn tham gia đóng góp cho KMF càng ngày càng nhiều hơn. Đối với các CVK, thì đó còn là một trách nhiệm. Ăn quả nhớ kể trồng cây.
Nhưng với tất cả mọi người, với tinh thần bác ái của Kitô Giáo, chúng ta không thể làm ngơ trước những thiếu thốn của anh em chúng ta. Bắt đầu từ một cảm nhận với lòng biết ơn với những ân huệ, may mắn chúng ta đã được hưởng, chúng ta sẽ mở rộng tâm hồn để đóng góp công sức, thời giờ và của cải để tiếp tay với hàng giáo sĩ, tu sĩ, yao phu ở giáo phận Kontum để giúp đỡ những người anh em thiếu may mắn hơn chúng ta. Tôi cầu xin Chúa chúc lành cho những công việc của KMF và cho tất cả các ân nhân đã đóng góp trong suốt mấy năm qua.
Tôi nghĩ trong tương lai, KMF tiếp tục làm sao quảng bá tới nhiều người. Chúng ta không thể quên vai trò quan trọng của Internet. Website là một bước tiến quan trọng. Một việc mà ai cũng làm được là giới thiệu trang website với bạn bè. Các cha giới thiệu với giáo dân. Tôi nghĩ nếu tất cả CVK và thân hữu đều làm vậy thì con số các ân nhân đóng góp sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Các công ty luôn luôn đi tìm thêm địa chỉ email.
Vậy làm sao để kêu gọi CVK và thân hữu ý thức được nhu cầu đó? Chắc là chúng ta phải phát động một chiến dịch? Tôi nhận thấy điều đáng khích lệ là có nhiều CVK đã tích cực đóng góp công sức, thời gian, cũng như của cải. Nhưng còn có nhiềuCVK, tuy vẫn theo dõi các hoạt động của KMF, nhưng chưa tích cực tham gia.
Chương trình gây quỷ rất thành công như cha Giảng và cha Thân là một tấm gương, một mô thức để chúng ta noi theo và để mời gọi, tìm kiếm, khám phá những giáo xứ, địa điểm trong và ngoài nước làm sao có thể tổ chức những buổi gây quỷ như vậy được.
Cha Tâm, cha Thân và Đức Ông Thắng dâng thánh lễ tại nhà thờ St Bernadette, Vancouver của cha Thân, dịp gây quỹ Đêm Tình Thương cho KMF do cha Thân tổ chức, 22/09/2012.
Bên trong nhà thờ St Bernadette, Vancouver: hàng đầu từ trái : anh Đào Văn Đức, thủ quỹ KMF, anh Nguyễn Văn Tố, anh Hùng; hàng sau từ phải: cha Nguyễn Ngọc Tâm, TS Phạm Hùng Sơn, cha Bùi Đình Thân, cha xứ St Bernadette.
5) Xin cảm ơn cha, nhất là về những đề nghị thực tế để phát triển KMF mà con hy vọng nhiều CVK, đặc biệt các linh mục coi giáo xứ ở Việt Nam hay nước ngoài sẽ ủng hộ. Trước thềm năm mới 2013, con xin kính chúc cha một năm mới dồi dào sức khỏe và được nhiều ơn trên để vững bước trên con đường phục vụ tha nhân mà cha đã chọn.
Cha Tâm: Cảm ơn anh đã cho tôi cơ hội bày tỏ những tư tưởng và tâm tình với các bạn và ân nhân trong cũng như ngoài nước. Cầu chúc tất cả một lễ Giáng Sinh đầy tràn niềm vui và an bình và một năm mới gặt hái nhiều thành công.