Măng Đen – Niềm tin giữa núi rừng

Măng Đen – Niềm tin giữa núi rừng

VRNs (10.09.2012) – Ngày 15/09 năm 2012, Đức Giám Mục Giáo Phận Kontum sẽ cử hành lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen, một địa danh giữa núi rừng trùng điệp cao nguyên. Bức tượng Mẹ Măng Đen hoang sơ như chính cuộc sống của con cái Mẹ giữa những buôn làng ẩn hiện trong rừng sâu.Câu chuyện về pho tượng và lòng sùng kính Đức Mẹđã thu hút rất nhiều khách hành hương đến với địa danh xa lạ này, càng ngày sự thánh thiêng huyền bí càng đưa người ta đến với sư ủi an của Mẹ nhiều hơn. Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen đã được hình thành, trở nên một trong những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ của cả nước.

Trước khi hình thành trung tâm Đức Mẹ Măng Đen, trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã có những địa danh kính Đức Mẹ nổi tiếng, thu hút hàng ngàn tín hữu liên tục kính viếng, đặc biệt vào các ngày lễ về Đức Mẹ trong năm. Kể từ miền Trung trở vào nam chúng ta có:

–          Đức Mẹ La Vang (Tổng Giáo Phận Huế – Tỉnh Quảng Trị),

–          Đức Mẹ Trà Kiệu (Giáo Phận Đà Nẵng -Tỉnh Quảng Nam),

–          Đức Mẹ Ghềnh Ráng (Giáo phận Qui Nhơn – Tỉnh Bình Định),

–          Đức Mẹ Tà Pao (Giáo Phận Phan Thiết – Tỉnh Bình Thuận),

–          Đức Mẹ Phù Hộ Lữ khách (Giáo Phận Đà Lạt – đèo Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng)

–          Đức Mẹ Bãi Dâu (Giáo Phận Bà Rịa – Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu),

–          Đức Mẹ Fatima Bình Triệu (Tổng Giáo Phận Saigon, TP. Saigon),

–          Đức Mẹ Fatima Vĩnh Long (Giáo Phận Vĩnh Long – Tỉnh Vĩnh Long),

–          Đức Mẹ La Mã Bến Tre (Giáo Phận Vĩnh Long – Tỉnh Bến Tre),

–          Đức Mẹ Hòn Chông (Giáo Phận Long Xuyên – Tỉnh An Giang)

Nhìn vào bản liệt kê tạm trên đây (hy vọng qua bài này có nhiều người sẽ chỉ cho thấy còn những địa danh khác nữa), chúng ta nhận thấy mấy điều:

– Tất cả các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ đều xuất phát từ những biến cố lịch sử. Người dân đau khổ hoạn nạn kêu cầu Đức Mẹ, Đức Mẹ phù trợ ban ơn và cứu giúp. Kinh nghiệm về sự thánh thiêng lôi kéo người ta đến với địa danh, dần trở nên trung tâm hành hương của mọi người, cho mọi người. Giáo quyền can thiệp vào để hợp thức hóa và thúc đẩy tiến trình xây dựng nhanh hơn, hình như không có trung tâm nào do giáo quyền dựng lên, rồi tuyên bố cho giáo dân đến tham dự.

– Chỉ có các Giáo Phận thuộc miền Nam Việt Nam trước đây mới có các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ, các Giáo Phận miền Bắc gần như không “xây dựng” được một trung tâm hành hương nào. Chắc chắn không phải vì giáo dân miền Bắc không sùng kính Đức Mẹ, có khi ngược lại là đàng khác, cũng không phải là xã hội miền Bắc không đau thương nên Đức Mẹ không xuất hiện để cứu vớt, ngược lại là đàng khác, nhưng không một trung tâm nào được hình thành.

 

Giáo Phận Bùi Chu, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng Giáo Phận, toàn Giáo Phận kéo về Đền thánh Phú Nhai như trẩy hội, số lượng lên đến cả trăm ngàn người nhưng vẫn không có đến một trung tâm hành hương kính Đức Mẹ.

Ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà đã được thiết lập trên 80 năm nay, khi chế độ cộng sản chưa có mặt trên đất nước này, truyền thống đi Đền của giáo dân miền Bắc kiên vững qua bao năm bão táp, người giữ Đền (cha già Giuse Vũ Ngọc Bích, CSsR.) vẫn một lòng sắt son. Ngôi Đền ấy vẫn vững bền cùng lòng trung trinh với Mẹ.

Xét về thời điểm.

– Địa danh La Vang với biến cố lịch sử năm 1798 đã đi trước Lộ Đức 60 năm (La Vang: 1798,  Lộ Đức: 1858).

– Biến cố ở Trà Kiệu năm 1885 đi trước Fatima ở Bồ Đào Nha 32 năm (Trà Kiệu: 1885, Fatima: 1917)

– Địa danh La Mã Bến Tre với biến cố lịch sử 1950 đã đi trước Mễ Du 31 năm (La Mã Bến Tre: 1950, Mễ Du: 1981).

Về độ chính xác mang tính lịch sử thì chúng ta có hai biến cố, biến cố cuộc bố ráp của Văn Thân ở Trà Kiệu năm 1885 được Đức Mẹ cứu nguy và biến cố lộ hình ở Bền Tre năm 1950 và cũng là sự cứu nguy của Đức Mẹ trong cuộc chiến đạn bom.

Năm nay, 15 tháng 09 năm 2012, Măng Đen xuất hiện trong danh mục các linh địa có dấu ấn tình thương của Mẹ như xác định rằng Đức Maria Mẹ từ ái không bỏ rơi dân tộc này, không ngoảnh mặt với những ai biết chạy đến với Mẹ.

Saigon, ngày 08 tháng 09 năm 2012

Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ.

Lm. Vĩnh Sang, dcct.

* Nguồn trích từ tất cả các trang web của các Giáo Phận và các Trung tâm hành hương có liên quan.