50 NĂM NGÀY CVK64 VÀO CHỦNG VIỆN (1964-2014)

50 NĂM NGÀY CVK64 VÀO CHỦNG VIỆN (1964-2014)

PHẦN I : “L’homme propose, Dieu dispose – mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.”

Theo những nhà thông thái CVK 64, trong đó có RP Trần Duy Linh (mà CVK 64 mới dành được một nửa vì gốc là CVK 64 mà rễ lại CVK 65) thì vào ngày 20 tháng 6 năm 1964, không phải chỉ 120 em mà là 123 em vừa rời vú mẹ bắt xe đò ngược lên Kontum tìm ơn gọi.

CVK64venguon1

– Hàng sau cùng:

Thành Mèo (BMT), Xuân (Hà Lan), Thông (BMT), Châu (Dakmil), Thanh Hải (USA = Ngọc Liên, Halan), Chỉnh (Halan), Khoa (Saigon), Bác Lý CVK 58 (lưu ban 6 năm), Sơn CVK 68, Nhạc CVK 68, Tri CVK 68 (Kontum).

– Hàng giữa:

Luận Daluca CVK 69 (Dakmil), Duy Sỹ (Saigon), Thọ (Bình Giã), Trung (Dakmil), Hà (Dakmil). Dũng (= Tôn,Hà Lan), RP Tín (Phương Quý), Liêm (Daklak), RP Linh (Tiên Sơn), Quỳnh (BMT), Ngọc Minh CVK 69 (Germany), con chi Hiếu (Hà Lan).

– Hàng trước:

Quang Minh (Saigon), chị Kim (bà xã Sỹ), chị Liêm, chị Liên (bà xã RIP Hiếu, Hà Lan), chị Xuân, chị Thành, chị Mến (bà xã Dương RIP, Hà Lan), chị Chỉnh, chị Hà, chị Tôn (Dũng), Hà Lan choa.

Vậy mà bây giờ cộng các má, các cháu vào may chi mới đủ sĩ số. Nhiều anh em đã vào nước trời. Kẻ lưu đày khắp thiên hạ : Úc, Mỹ, Đức, Pháp, Sing . . . hoặc mất tích không tìm được, mất tích tạm thời (có thể còn tại thế nhưng chưa tung về tổ ấm). Và một ít anh em vì nhiều lý do bất khả kháng không thể tham gia CHUYẾN VỀ NGUỒN 50 năm 2013 này được. Logiquement mà xét : các ngài trên 6 bó, nóng lạnh thất thường, quên trước quên sau, cần nửa viên viagra để tiểu không ướt giày thì thánh Peter đã chuẩn bị sẵn chỗ thiên đình. Ca veut dire : đối với một vài vị, đây có thể là chuyến cuối họp lớp ở trần gian, chờ ngày theo trưởng lớp Hạnh Ốp về phía bên kia.

 

Trong mỗi CVK, ai cũng ấp ủ ý định về thăm lại mái trường xưa, nơi cất dấu nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi học trò, tuổi mộng mơ, tuổi thần tiên, hoài niệm về thời chia nhau viên ô mai lúc cùng ngồi đọc tạp chí Tuổi Hoa. Đẹp làm sao khi mà cùng nhau nhìn lại góc tường tau-mi đập lộn. Hành lang xếp hàng vào kinh lễ. Góc sân sút banh gẫy móng. Phía bờ rào trộm nhìn các chị trung học đệ nhị cấp tung tăng tan trường về. Cái giếng mỗi chiều vệ sinh tắm giặt. Cây mít từng ăn cắp, ít nhất một lần. Và đây phòng Cha BT Lộc, đây phòng Thầy Trí – Xạn Zề Zi Nà, đây nhà thương khóc nhớ mẹ. Đây phòng ngủ A, ngủ B, nơi hàng đêm ghẹo các Thầy giám thị nhiều thế hệ. Lớp 7 B’ dưới trệt, kế bên 7 A hay bắt nạt đàn em chập chững mới vào. Ô kìa phòng Cha Faugere râu xồm xoàm mà nhân từ, hiền hậu. Phòng Cố Quế – Jacques nơi các chú trốn mua kẹo ăn. Lối qua tòa giám mục hàng ngày đi giúp lễ Đức Cha Kim, lanh lợi, tươi cười, đệm nét âu lo.

CVK64venguon2

Anh em 64 đang sôi nổi bàn ra tán vào, bác Lý đế vô: “đây là nơi tao chỉ huy một đám cưa đạn M 79”. Mượn Cha quản lý Lê Quang Trinh êtô, cưa sắt hè nhau khám phá thần chết. May mà Cha Trần Sơn Nam phát hiện. Kịp thời báo công binh vào can thiệp mang đi. Bác Lý được Cha BT Lộc thưởng mười roi, nhớ đời. Nếu không phải là cháu Cha Tuệ, chắc chắn bác Lý đã về tắm heo sớm, không cần chờ Duy Sỹ bán heo con cho.

Chuyến về nguồn 2013 khơi mào từ cuộc điện thoại “trà dư tửu hậu” tại nhà Trần Đức Thành, Baton Rouge, Louisana, về cho Duy Sỹ. Không biết ngọn gió nào đã thổi CVK 69 Nguyễn Ngọc Minh bay khỏi Đức quốc đến với ông anh Ngọc Liên (Thanh Hải), tìm thêm 64 Nguyễn Thành Minh là trọn bộ tứ: “Thành – Hải – Minh – Minh ”, hẹn về VN hợp tác tổ chức họp mặt liên lớp 64-69 sau buổi lễ thành hôn Lynh Thư-Minh Kha giữa hai thông gia 62( Phan Đình Thi) & 64 (Nguyễn Thành Minh).

Dự tính ban đầu điểm đến là nhà Sohier, Đà Lạt mộng mơ. Nhưng sau gợi ý của Cụ Tín : “anh em mình 50 năm rồi đó !”, vậy là đổi hướng Kontum.

Buổi họp tham mưu chớp nhoáng hôm thứ sáu 5/7/2013 tại nhà AC Bảo – Nga (= Hạnh nháy)

 CVK64venguon3

Bên trái : Đức Thành, Thông (BMT), Minh Tour.

Bên phải : Bảo (Hạnh nháy), Minh Mập, Khoa Cà lăm, Nga (vợ Bảo)

Ngày 05/07/2013, DS gom bằng hữu bằng cách gọi điện thoại cho Nguyễn Văn Tư (Tư Cái), gốc Giang Sơn, Dak Lak, định cư tại Thanh Sơn, Gia Kiệm, Đồng Nai. Vốn “hai cây tư – hư cái tai”, Tư Cái sau một hồi ú ớ, bổng cao giọng :”Tao bận việc không đi được, tiếc quá”. DS lại tiếp tục nuôi hy vọng bằng cách gọi điện Nguyễn Văn Thọ (Thọ Taureau), gốc Dakmil, sinh sống tại Bình Giã, Bà Ria-Vũng Tàu (hiện dạy giáo lý hôn nhân). Mụ Quế, vợ Thọ dập tắt :”Anh Thọ bệnh dữ lắm, không đi được đâu !” DS tâm lý:” Tui nói bà nghe, lẽ ra phải tham gia cả hai ông mụ, tuổi 60 đã là một cuộc đời (theo ý trong bài ‘60 năm cuộc đời’ của cố nhạc sĩ Y Vân), bà cản không cấp visa cho chồng bà, có tội lớn với Kontum, bà sẽ ân hận ví như Văn Thọ tắc tử tại gia, nhưng nếu nó vắn số tại Kontum, bọn 64 sẽ chôn cất đàng hoàng bằng lễ Requiem do hai Cha CVK 64 đồng tế, gởi hình về cho bà !” DS vừa nói vừa run, đầu giây bên kia dịu giọng: “Để tui nói với anh Thọ xem sao?”. Tất nhiên là Văn Thọ trả lời không cần suy nghĩ : “Oui”.

Ngày 06/07/2013 tại phòng tiệc cưới Minh Kha- Lynh Thư, thêm một nhân vật 64 đến từ New York, Nguyễn Thanh Hải (Ngọc Liên-Hải Rượu) cùng với chú em áp tải từ Germany Nguyễn Ngọc Minh CVK 69.

Tin buồn nhạc mẫu Nguyễn Thành Minh không cho phép cặp vợ chồng này tham gia như đã hẹn. Trần Đức Thành, do hấp thu nhiều đạm tiệc cưới, bệnh gout cản đường đi. Ba Mỹ kiều 64 dự kiến từ đầu, còn mình Thanh Hải mà đương sự hiện nay chỉ sống nhờ vào ¼ lá phổi còn lại. Mong manh như tờ giấy pelure. Nói cười một lúc là phải hít thuốc trợ thở. Vậy mà vẫn hăng hái lên đường về QUÊ MẸ : chết cũng đành !!

PHẦN II : THỰC HIỆN

Tưởng cũng cần nhắc lại. Nhờ vào Lễ Kỷ niệm 25 năm linh mục của RP Đích, gom CVK khắp nơi, kể cả Cha Hiền từ Lào, hội tụ tại giáo họ Kim Thành hôm thứ bảy 22/06/2013 mà dự tính Về Nguồn dần đi vào thực hiện. Buổi tiệc liên hoan bỏ túi ngay sau đó, cũng tại Banmêthuột, nhân ngày lễ thánh Gioan Baotixita, giữa CVK 64 BMT và CVK 64 Saigòn cùng với sự hiện diện của hai Cha gốc 64 : Nguyễn Văn Đích và Trần Duy Linh, là liều thuốc cuối cùng cho ngòi kích trái bom Về Nguồn nổ tung.

 CVK64venguon4

Hàng ngồi :     Chị Kim, RP Linh, RP Đích, Duy Sỹ

Hàng đứng :    Đình Thành, Uy Liêm, Ngọc Bản, Văn Xuân, Văn Thông,

Dũng-Tôn, Đình Châu, Thành Minh, Bạt Hà.

Ngày dự trù lên đường, thứ hai 08/07/2013 cho các bạn Saigon. Số người đi cứ chập chờn quanh con số 10, có khi 15. Nhưng đúng 5 giờ sáng ngày khởi hành chỉ gom được vỏn vẹn 6 người, do Bác Lý làm trưởng đoàn trực chỉ Kontum. Xe rôm rả nhiều khúc chuyện tiếu lâm kéo ngắn đường dài. Điện thoại từ Dakmil, Daklak liên tục theo dõi đoàn. Sau khi thưởng thức nhiều tập nào ổ voi, ổ gà trên cung đường đến Banmê, điểm đến đầu tiên tại Dakmil : cà phê Daluca Thủy Luận. Lắc lư, mệt đừ nhưng không quên nhiệm vụ quảng cáo cho Cố Cao. Chị Thủy hào phóng cấp ngay cho chồng, Luận 69, bốn ngày phép, thêm Nguyễn Đình Châu, Nguyễn Văn Trung, vợ chồng Đinh Bạt Hà vào là tròn số 11. Anh chị em dùng cơm trưa tại nhà anh chị Hà. Men tình men rượu, đặc sản Dakmil, nói cười oang oang, vui như hội.

 CVK64venguon5

Từ trái sang : VC Duy Sỹ, Ngọc Minh 69, Bác Lý, Đình Châu, Đình Khoa,Văn Thọ, VC Bạt Hà, Quang Minh, Luận Daluca 69.

Đoàn nghỉ chân tại nhà Nguyễn Ngọc Bản, Daklak trong vòng tay thân yêu của Ngọc Quỳnh, Văn Thông, Đình Thành.

6 giờ sáng hôm sau 09/07/2013, không biết bằng cách nào, Luận & Minh CVK 69 bắt cóc được một hậu duệ ông tổ cải lương Cao Văn Lầu (dòng dõi CVK còn có nhạc sĩ Cao Nhang) là Tiên Bùđà từ Buôn Hồ giam lỏng trên xe Mercedes Printer, dự tính dẫn độ về Kontum. Báo hại Cao Văn Tiên phải năn nỉ đóng tiền chuộc lên đến 12 tô hủ tiếu mới được tha về.

15 thành viên từ BMT, Hà Lan xuất phát, hẹn nhau tại Nhà Thờ Thăng Thiên, Pleiku, giáo xứ cha Tổng Nguyễn Văn Đông.

Đúng giờ lành 11:30 hai đoàn gặp nhau tại Thăng Thiên, Cha Tổng, Cha Trung CVK 66, Cha Bình CVK 92 cùng với khoảng 50 em học viên đã chờ sẵn. Các em đón đoàn bằng những bài hát vui nhộn, sau lời giới thiệu của Cha Tổng. Các em đã đại diện cho anh em địa phận Mẹ cám ơn những đóng góp của CVK – KMF, những tâm tình hướng về nguồn của các cựu chủng sinh Kontum. Tất cả đã phần nào xoa dịu khó khăn tạm thời nơi đất Mẹ. Quà tinh thần – quà vật chất trao qua đổi lại đậm tình quê hương xứ sở. Lẽ ra những kẻ có mặt Về Nguồn hôm nay đã là người bạn đồng hành cùng các bạn trên cánh đồng Tây nguyên bạt ngàn rừng núi này. Nay nhiệm vụ đó đè nặng lên vai các Cha Bác, các Cha Thầy, các Cha Bạn, các Cha Chú . . . Chúng con chỉ biết xin ơn Trên, nhờ lời chuyển cầu của các Vị Tiền Bối và tùy khả năng góp ít công sức cho cánh đồng truyền giáo mà Cha BT Lộc thường ví von là biên thùy của Giáo Hội này.

RP Trần Duy Linh đã bày sẵn bàn tiệc với gà nướng, rượu ghè, cơm lam thơm phức nơi giáo điểm Tiên Sơn, vùng trách nhiệm của ngài. Cha Bảy CVK 63, Cha Tiên CVK 65, Cha Quang Cùi CVK 69 đã có mặt hơn tiếng đồng hồ trước đó để đón anh em. Tay bắt mặt mừng, nhiều vị trong nhóm đã từ rất lâu chưa một lần gặp lại, quên cả tên, thậm chí quên cả nét mặt : “CVK nào đây hè ? – Cha mô nhìn quen mà không nhớ ?” Nhiều chị CVK 64 còn kháy Cụ Quang, Cụ Tiên lúc ngồi bệt nhà sàn : “Hai anh ni xích qua tí cho rộng !” Lỗi này là do lớp ít tổ chức về thăm lại Kontum, hay là do các đức ông chồng quá thờ ơ ? Bác Huệ 62, đại diện CVK Gia Lai, tuy rất bận rộn cũng rán có mặt chung niềm vui hội ngộ.

 CVK64venguon6

Tiệc hội ngộ tại nhà sàn Tiên sơn

Uống nước nhớ nguồn, anh chị em ghé nghĩa trang viếng mộ Cha Giáo Trần Sơn Nam, Cha Đinh Bạt Huỳnh, và các vị Thừa Sai khác đang yên nghỉ. Niệm hương, cầu kinh xong xe Cha Đông hướng dẫn đoàn nay đã nâng tổng số lên 5 chiếc vào thăm cơ sở dòng SPC, dòng Thánh Phao Lô thành Chartres. Cà phê bạt ngàn không thua đồn điền CHPI của Tây ở BMT trước đây là mấy. Nhà thủy tạ, hội trường tráng lệ, resort năm sao cũng chỉ thế mà thôi. Hình như trời phú cho các chị, các mẹ bản tính siêng năng, cần mẫn, chu đáo, ngăn nắp hơn nhiều so với các bậc trượng phu dù ở thứ bậc nào trong xã hội.

 CVK64venguon7

Các Dì Phước ươm mầm đức tin nơi các thiên thần Dân Tộc còn ngây thơ trong trắng. Không có cái ăn, không có cái áo lấy gì đi học. Các Dì lại tất tả miền xuôi miền ngược, tăng gia trồng trọt kiếm cái ăn cho mình và cho đàn “con” Núi rừng kia : ai dám nói đi tu là không phải lo toan cho con cái ! Quà miền xuôi là tấm vải, cuốn sách, góp tí công với các Dì trong việc rao giảng Tin Mừng.

Cũng tại nơi đây, cha Tổng mới có thời gian mở hàng ký tên trên bức họa mặt tiền Chủng Viện, sáng kiến của Luận Daluca. Để mai này, sau khi thu thập được chữ ký của hết CVK, đem bán đấu giá gây quỹ Cố Cao. Một cách móc túi mà ngay cả police cũng phải khen là thánh thiện.

CVK64venguon8

Anh chị em đã hẹn là phải ghé viếng nhà thờ “gió hú” của Cha Quang, mặc dù Cụ Tín điện nhắc liên tục : “Tiệc chiều đã sẵn, giờ lễ cầu hồn và cầu bằng an cho lớp đã gần”.

16 giờ 15, đoàn xe vượt sông Dakbla. Mỗi người một tâm trạng, hầu như tất cả đều đăm chiêu suy nghĩ, trừ các chị vô tư ngắm cảnh hoàng hôn đổ màu vàng khắp mặt sông.

Phương Quý là điểm đến đầu tiên trên vùng đất đã một thời in dấu CVK 64 dạo bắt cào cào, còn gọi là “tôm bay”, đặc sản vùng cao. Dâng lễ. Hàn huyên bên nồi bắp nghi ngút khói, ngọt lịm Cụ Tín vừa mang lên. Cùng với năm CVK đại diện Kontum : Nhạc sử gia 68, Sơn 68, Bính 67, Hòa 67 và Tri Wỵnh 68, anh em rộn ràng giao lưu tâm sự.

Kết thúc ngày đầu tiên tại Kontum bằng bữa ăn đặc sản Cao nguyên khu vực Phương Hòa, bên dòng Dakbla thơ mộng.

Do bận chăm sóc Ông Ngoại Đường nằm viện, nên cha quản lý Trần Quang Truyền CVK 62 đã chu đáo giao nhiệm vụ cho Chị Loan chuẩn bị phòng ốc. Không để một ai thiếu chỗ. Anh chị em rất hài lòng, tự nhiên thoải mái như về lại nhà mình.

Đêm đầu tiên tại Chủng Viện. Chuyện trò râm ran. Leo lên leo xuống tìm về kỷ niệm xa xưa : giường tao ngủ, bàn tao ngồi, nhưng hai nhà ăn chỉ còn trơ hai nền cỏ ! Chiến tranh rồi tàn cuộc trong nỗi đau mất mát. Mất ! Mất hết. Mất chẳng còn gì ! Chỉ còn là giấc mơ hoài niệm về quá khứ xa xăm tuổi học trò.

Ngày hôm sau, anh chị em 64 may mắn gặp được Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, Bề trên nhà Sohier thời 67 – 72, đang chuẩn bị về Miền Trung dự lễ an táng.

Điểm đến quan trọng thứ hai : Mẹ Măng Đen. Hình hài Đức Mẹ độc quyền của Kontum, của tất cả những ai mang gánh khổ đau đến tựa đầu bên Mẹ. Mẹ đứng đó, trơ trọi, tứ bề gió lộng mưa sa, vây quanh bia đá “cảm tạ”, vật chứng cho ơn Mẹ đã ban trong tiệc cưới hơn hai thiên niên kỷ trước.

CVK64venguon9

Quanh co đường về mọi người đều mang niềm tin tín thác vào Mẹ cho cuộc sống trần gian bớt ưu phiền, xin dâng Giáo Hội VN, dâng Giáo Phận nhà trong vòng tay nhân ái của Mẹ. Sau buổi cắm trại bên hồ Măng đen thơ mộng. Đoàn xe hướng về Vinh Sơn 4, nơi các Ya đang vất vả lo ăn lo mặc cho các em mồ côi, không nơi nương tựa.

CVK64venguon10

Đến Trạm Xá Cao Thượng thì một số chị em đã say xe không còn tỉnh táo để nhìn tận mắt công trình của mình nữa rồi.

Hẹn Cha Nguyễn Quang Vinh CVK 61, quản xứ Phương Hòa, lúc 16 giờ, nhưng còn dư âm đường đèo nên đến trễ. Không gặp được Ngài. Tuy vậy Ngài đã không quên căn dặn người ở nhà ân cần chuẩn bị đón tiếp : cà phê Kontum, nước uống, đàng hoàng tươm tất. Tiếc là không được hàn huyên với Ngài sau nhiều năm tan hàng chưa có duyên hội ngộ.

Nhiều thế hệ CVK thập niên 50, 60 là học trò Cha BT Lộc : một vị Bề Trên khó tánh, khắc tinh của các chú không may mắn trước mỗi kỳ hè. Nhưng tinh thần khó nghèo, tình cảm của Đức Thầy thì vô biên. Thương các chú như con cái. Đêm tới lui nhà ngủ đắp mền cho từng đứa. Nấu từng món đặc sản Huế rất ngon, nếu như những ngày nghỉ được dịp ở lại với Ngài.

Vì vậy, trước khi viếng Chúa và thăm Nhà Thờ Chính Tòa, anh chị em đã không quên quây quần bên phần mộ. Cầu xin Ngài bầu cử.

 CVK64venguon11

 Nhà Thờ Chính Tòa hiện đang trong giai đoạn bảo trì. Công việc do Chú Lợi, CVK 70 chỉ huy thực hiện.

CVK64venguon12

Kon Ktu là điểm đến khó quên trong chuyến Về Nguồn 2013 này. Cha Nguyễn Đức Hữu, vừa là Thầy vừa là Giám Thị của 50 năm trước, đã giúp tổ chức buổi sinh hoạt Cồng Chiêng “vô tiền khoáng hậu” đối với anh chị em 64 mà trước đây chỉ thấy trên màn ảnh. Do ảnh hưởng cơn bão Biển Đông, trời Kontum âm u với nhiều trận mưa tầm tã nối đuôi nhau. Lạ một điều sau liên hoan thịt nướng, xôi gà mà Cha xứ Nhà Thờ Chính Tòa đã cẩn thận mang theo trên xe từ thị xã, trời tạnh hẳn.

 

Đoàn cồng chiêng rộn ràng cùng các vũ nữ miền cao từ Nhà Rông nhịp nhàng đón khách phương xa đến bên ngọn lửa đang bập bùng tí tách. Ghè rượu cần thơm phức như mời gọi : không say không về. Và rồi minh họa cho các điệu múa mừng “lúa mới”, vũ khúc “mời rượu” các nàng sơn cước cùng chàng trai phố thị tay trong tay uốn lượn theo từng điệu nhạc khi lên thác xuống ghềnh, khi lững lờ mênh mông dòng nước, có lúc róc rách như suối reo giữa âm u bạt ngàn rừng núi . . ., thỉnh thoảng nghe như tiếng vọng xa xăm chiếc tù và. Từng cặp, từng cặp vui tươi thưởng thức đặc sản rượu ủ Bahnar. Từng tốp khách Tây “home stay” không biết từ đâu túa ra ghi hình sự kiện hy hữu này. Có lẽ họ ngạc nhiên thắc mắc : “Dịp lễ gì đây ?”

 CVK64venguon13

Thầy trò trước Nhà Thờ Kon Ktu

Điệu nhạc “tiễn biệt” vừa dứt, trời lại tiếp tục mưa. Giáo dân bản làng và khách miền xuôi rán thêm vài phút tâm sự chia tay dưới mái Nhà Rông lãng mạn, ấm cúng.

Như tiếc nuối cho buổi giao lưu hiếm có, trời vẫn nhẹ nhàng mưa bay suốt đường về.

Đây cũng là đêm cuối cùng của các CVK 64 Banmê. Ngày mai sẽ trở về tiếp tục bận rộn với công việc, với lo toan thường nhật.

Trưa hôm sau, số anh chị em còn lại được Cha Quản Lý cho thưởng thức món cơm gà Hải Nam do đầu bếp Hồng Kông chiên nấu. Thơm ngon, béo ngậy !

Cùng với niên trưởng Nguyễn Văn Nho, anh chị em Kontum chào tạm biệt bằng “chầu nhậu” tại nhà vợ chồng Hòa 67. Bao nhiêu lần lên thăm Chủng viện là bấy nhiêu lần anh chị em vui vẻ sum họp tại địa điểm sung sướng này. Xin các Cố luôn bầu cử giữ gìn căn nhà truyền thống này của chúng con.

Buổi sáng chia tay nơi TGM, Cha Truyền tạm gác mục vụ chụp chung hình kỷ niệm cùng niên trưởng Nho, CVK gương mẫu cho nhiều thế hệ. Một nhân vật 67 khác, lại 67, Bính Fulro luôn sẵn sàng giúp đỡ, tiếp sức.

 CVK64venguon14

Đến Pleiku, ghé thăm Biển Hồ, viếng nghĩa trang Đồng Nhi, ăn trưa tại Cộng đoàn Saint Paul. Bác Nho ngậm ngùi chia tay đàn em, lẻ loi quay trở về.

CVK64venguon15

Theo gợi ý của RP Tiên CVK 65, thay vì theo quốc lộ 14 nhan nhản ổ khủng long, đoàn Saigòn và thành viên BMT sót lại tiến về Ayunpa, nơi có nhà thờ Phú Bổn khang trang, đẹp mắt, bằng chứng của sự khôn ngoan và khéo léo.

 CVK64venguon16

Kết vui chuyến đi :

Nếu CVK nước ngoài luôn phải “lady first”, thì đối với CVK nước trong, ai ai cũng đều là anh em Dân tộc theo “mẫu hệ”, bởi thế, mỗi chuyến VẾ NGUỒN không nên tổ chức kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, mà nên đi sâu vào rừng núi, để các Mẹ CVK cảm nghiệm được khó khăn đồng bào, dễ mở hầu bao !

Amen

Kontum tháng 7/2013

Nguyễn Duy Sỹ, CVK 64