Câu chuyện về KMF và Nhà May Ảnh Phép Lạ ở Nhà thờ gỗ,
Tường trình của Trần Văn Hiền, KMF Việt Nam
*********************
(Phiên bản PDF cho những ai muốn in ra để đọc:
Documents/Cau chuyen KMF va Nha May Nha Tho Go Kontum .pdf )
Khách du lịch vãn cảnh Kontum, có ghé thăm Tòa Giám Mục, Chủng viện, các cơ sở tôn giáo, hẳn không thể không ghé thăm “Nhà Thờ Gỗ”, nhưng ít ai biết rằng nép sau nhà ăn của Nhà xứ Nhà thờ Gỗ, cách Nhà Nguyện Kuenot ngày nào trước 75 (gần như còn nguyên vẹn nhưng nay hầu như không dùng đến), là một Trung tâm dạy nghề may dành cho các em nữ, khoảng độ tuổi từ 15 – 20, từ các làng xa về muốn trang bị cho mình một hành trang vào đời kiếm sống.
Được biết trung tâm do Cha Tổng Liên lập nên, khoảng năm 1998, giao việc điều hành cho Nhà Dòng Ảnh vảy, mục đích là dạy nghề may cho các em ở các làng xa về, vừa tận dụng dãy nhà có sẵn nhưng không tiện dùng cho các em nội trú nam (toàn khu nhà bên dưới lúc đó được sử dụng làm “nhà nội trú nam”. Hồi đó Ngài cho biết có những ân nhân hứa giúp thường xuyên, nên Ngài mới mạnh dạn thành lập và phát triển. Còn nhớ những năm đầu 2000 lúc Ngài còn khỏe và phụ trách Nhà Thờ Gỗ, mình vẫn ghé thăm Ngài mỗi khi lên Kontum và Ngài thường rủ qua thăm các em, nhắc tới trung tâm này với một chút hãnh diện về một chương trình đào tạo nghề có ý nghĩa “cho cần câu cá thay vì cho con cá…”.
Các “khóa đào tạo nghề may”, thường chỉ khoảng 6 tháng, các em học và ăn nghỉ tại chỗ, mỗi khóa chỉ khoảng 50 em do cơ sở vật chất chỉ có thể đón nhận chừng đó em. Những năm đầu, tùy vào sự giúp đỡ của ân nhân và khả năng tìm nguồn hỗ trợ của các Cha coi sóc Nhà Thờ gỗ, các em vẫn được kêu gọi đóng góp để phụ giúp chuyện ăn uống sinh hoạt, mỗi tháng 150.000 VND (từ năm 2019, mức đóng góp đã được nâng lên 200.000 VND), nhưng theo Ya Duyên (phụ trách Nhà May hiện tại), chỉ khoảng 5 – 7 em đóng tiền vì “các em chẳng có tiền đâu mà đóng”.
Những năm trước, sau mỗi khóa học, một số em quá khó khăn được các ân nhân giúp cho một chiếc máy may tay mang về làng làm nghề may kiếm sống (loại máy may tay có bàn đạp này vẫn dùng ở Việt nam, có giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng, nên đối với các ân nhân, không phải là số tiền quá lớn); các em có thể may đồ cho trẻ em trong làng, may vá quần áo cho người lớn, lấy giá phải chăng như một hình thức tự lập và giúp lại bà con trong làng mình, một số ít các em chen chân được về Saigon vào làm công nhân may công nghiệp để kiếm sống và có tay nghề – hiện có 6 em đang làm trong một nhà máy may và sống ở Bình Dương, xuất thân từ Trung tâm may này và thỉnh thoảng vẫn liên lạc với mình.
Mình vẫn thường xuyên thấy các Cha coi sóc Nhà Thờ Gỗ, nhất là từ thời Cha Hữu, rồi Cha Truyền, rồi nay Cha Việt Caritas, tự lái xe mang nào là rau, củ, gạo, trái cây về cho các em, nếu để ý sẽ thấy phần lớn không còn tươi ngon nữa, hỏi các Ngài, các Ngài cho biết chủ yếu là xin lại hoặc mua rẻ từ các người bán rau quả ngoài chợ bán không hết và không muốn đưa về để hôm sau bán tiếp.
Những năm sau đó, mình vẫn ghé qua thăm trung tâm mỗi lần lên Kontum, xem lướt qua phòng ngủ, nhà ăn, phòng học may và thấy các em sinh hoạt khá sạch sẽ, ngăn nắp hơn các em nam ở khu nhà nội trú bên dưới. Nhắc lại năm 2016 – 2017, Cha Truyền vẫn thao thức với việc ưu tiên làm sao để nâng cấp khu nhà vệ sinh Nhà nội trú nam, nhà ngủ và sinh hoạt của các em nam, và ý tưởng nâng mái nhà lên khoảng 50 – 70 cm, lắp thêm trần nhà, nới rộng nhà ra, sẽ là giải pháp giúp tiết giảm chi phí. Mình bàn với Ngài và cùng với Ban Điều hành KMF hỗ trợ Ngài thực hiện dự án này, bao gồm luôn cả nâng cấp khu nhà vệ sinh của Trung tâm may. Riêng việc nâng cấp Nhà may của các em nữ mình không nghĩ tới vì Cha Truyền vẫn bảo chưa phải là ưu tiên 1. Nhưng hoàn tất khu nhà nội trú nam, Ngài tìm thêm được nguồn tài trợ và thực hiện nâng mái nhà may, hoàn tất một thời gian ngắn trước khi chuyển về An Khê theo sự xếp đặt của Bề trên.
KMF và chương trình “xoá mù vi tính”
Còn nhớ khoảng giữa năm 2019, Cha Đích gợi ý với cô cháu Ngài là chị Vọng, đang làm việc cho Cty FPTC, xin cho bằng được số máy vi tính cũ (desktop – sử dụng để sản xuất phần mềm vi tính cho công ty) mà Công ty thanh lý, mình gật đầu ngay và chuyển về Kontum và cùng với các Ya, các Cha phụ trách những giáo xứ xa, Cha Việt Caritas, các nhà Bok Kiơm, Bok Do, lên chương trình “xóa mù vi tính” cho các em người thượng. Cần nhắc lại là thời điểm đó, cả nhà Dòng Ảnh Vảy chỉ có 2 máy vi tính thuộc các “đời đầu” và sử dụng cho việc quản lý hằng ngày, các báo cáo thu chi vẫn được viết tay, máy vi tính vẫn còn là một phương tiện xa lạ với Nhà Dòng, chứ chưa nói đến các cộng đoàn. Khoảng 120 máy đã được nhận về phân phối cho các nơi phục vụ chương trình “xóa mù vi tính” này của KMF, từ Kontum cho tới Pleiku, qua việc lập các phòng dạy vi tính. Nhà Dòng có phòng vi tính, Cha Việt có phòng vi tính và các em nhà may cũng đã có cơ hội để biết máy vi tính là cái gì.
Vài hình ảnh…
Nhận máy từ ân nhân và những tấm lòng nhân ái của nhân viên Công ty FPT của chị Vọng, cháu Cha Đích….
Có mặt của đại diện KMF nhận hàng, nhưng công ty lo luôn chuyện bốc xếp lên xe….
Các phòng học vi tính, xóa mù vi tính cho các Ya trẻ Nhà Dòng, các cộng đoàn Vinh Sơn và học sinh người thượng thành hình và đi vào hoạt động…
Phần lớn các em lần đầu tiên trong đời được “sờ” vào máy vi tính….
Trở lại câu chuyện nhà may…với sản phẩm hạng sang Hermes của Pháp
Tháng 9 năm 2019, mình lưu ý hơn tới Nhà may này, nhân dịp một ân nhân gửi giúp khoảng 1 tấn vải nguyên cuộn (dùng để may lớp lót trong cho các sản phẩm “deluxe” nhãn hiệu HERMES). Mình biết nhà May vẫn xin vải vụn, vải thải từ rất nhiều nguồn để các em học cắt may, vậy thì tại sao lại từ chối? Mình nhận ngay, cám ơn và tức tốc liên lạc với Cha Việt để hỏi ý kiến xem có thể gửi Nhà may để may áo lạnh cho các em hay không?
Ngài gật đầu, mình cho gửi hàng lên và giao ngay cho Ya Quân, phụ các em tiền mua kim chỉ và phụ liệu may, tổ chức may áo ấm cho các cộng đoàn, tất cả trên 910 áo. ….
Và thưc hiện….
Cha Việt cho biết chỉ chưa đầy 2 tháng, các em Nhà may đã hoàn tất công việc (đo kích cỡ từng em và chọn vải, cắt may ..)
…. Một chương trình nằm ngoài kế hoạch hàng năm của KMF, nhưng thật ý nghĩa và thú vị khi Cha Việt và Nhà Dòng khoe mấy tấm hình “đồng phục” của các em từ nguồn vải này….
Nếu nhìn kỹ sẽ thấy áo khoác mới, nhưng bên dưới vẫn là những chiếc “quần cộc” quá khổ vì dường như dành cho người lớn, xin ở đâu đó hoặc ai cho…., hoặc áo khoác mới, nhưng đi chân trần, vì không có dép.
Cuối tháng 2/2020 sau Tết, Chị Vọng báo nhận thêm gần 100 bàn máy vi tính, cùng với 25 máy vi tính còn lại. Mình lên nhận ngay. “Tony Hữu”, CVK 95, phone cho mình và hỏi có xin được quần áo vải thun xuất khẩu nhưng bị dạt, một lượng lớn vì Hữu cho biết thuê cả chuyến xe tải 2,5 tấn mà chất không hết. Nghĩ tới hình ảnh các em vừa nhận áo đồng phục trong niềm vui, mình thuê xe và hẹn Hữu lên nhận chở về Kontum. Xe tải lớn, sau 22 giờ mới được vào thành phố, hai cha con mình đi giữa đêm nhận, mất cả hơn 2 tiếng đồng hồ mới bốc hết lên xe, bụi vải, mồ hôi nhễ nhại… nhưng vui. Và vẫn như lần trước, Ya Quân phone cho mình cám ơn, rồi … không dám xin, nhưng mình hiểu Ya lấy tiền đâu mà mua phụ liệu để các em cắt may theo kích cỡ mới từ đống quần áo này….. Gọi Hùng 67 và một khoản tiền được gửi Ya Quân để thực hiện.
Liên lạc với Huỳnh tấn Hùng….
From: Huynhtan Hung [mailto:hungkt67@gmail.com]
Sent: Thursday, April 16, 2020 4:08 PM
To: Tran Van Hien; Nguyen Vo
Subject: Giao tiền cho Ya Quân Nhà May APL – 16/04/2020
Hiền, Võ ơi,
Hôm nay mình đã mời Ya Quân Nhà May APL đến nhận tiền mà các bạn nhờ chuyển cho Ya. Ya đã nhận tiền 12 triệu xong. Có xác nhận với Ya là tiền các bạn gửi để chi phí tiền kim chỉ và công may cho đợt vải Ya nhận vừa qua. Ya nói là có gửi hình liên quan vải may cho Hiền qua Email, không biết Hiền có nhận được không?
Xin gửi hình và biên nhận tiền trong phần đính kèm.
Chúc các bạn và gia đình mọi ơn lành của Chúa Phục sinh.
Thân ái.
Hùng.
KMF và 500 kg gạo mỗi tháng cho nhà may….
Đầu tháng 1 năm 2020, Ya Quân lại gọi cho mình…. Và nhã ý xin KMF hoặc bằng cách nào đó giúp cho trung tâm 500 kg gạo mỗi tháng, Ya than thở: các em chẳng có tiền đóng, ân nhân giúp từ trước tới nay đã ngưng mà không rõ lý do, gạo phải chạy từng ngày. Mình không trả lời, nhưng báo Bok Tâm, Thầy Tố, Võ…. Cứ hình dung ngày xưa thời còn khó khăn, nhà đông con, mối lo lớn nhất và ưu tiên nhất của bố mẹ là làm sao có gạo ăn hàng ngày cho mấy cái “tàu há mồm”, còn mắm muối thì dễ dàng hơn một chút. Nói khác đi, khoản chi lớn nhất của các cộng đoàn hàng ngày là “chạy gạo” và đó là mối lo lớn nhất. Các em còn trẻ nên ăn khỏe, có rau, có mắm, nhưng không có gạo là dứt khoát không được!
Còn nhớ, thời Ya Trưk, rồi Ya Pauline, Ya Xavier, hồi còn phụ trách nhà may, đã nhiều lần nhờ “Thầy Hiền” xin giúp tiền ăn, mình chỉ trả lời cho qua chuyên là để xem sao. Mình thử tìm xem có nguồn nào khác hay không đồng thời cũng muốn kiểm tra lại nhu cầu có đúng hay không nên đã nhờ Cha Huyên Quản Lý TGM thăm dò. Vài ngày sau, Cha Huyên phone lại và xác nhận con số. Có nên giúp không? Rõ ràng là hết nguồn rồi và chẳng biết chạy vào đâu, “túng quẫn” lắm rồi nên mới kêu cứu.
Email của Võ khiến mình đắn đo hơn…
From: Nguyen Vo [mailto:vonguyen67@gmail.com]
Sent: Wednesday, June 10, 2020 3:51 PM
To: Tran Van Hien
Cc: Nguyen Van To; david dau; Tam Nguyen; Thang Giuseppe Hoang Minh; Thanh Pham; PHS-GMAIL; 65 RP Dich
Subject: Re: Gia Lai CDH Proposal to Lipoid
Kính Các Huynh Trưởng,
Theo em Võ được biết thì Chương trình dạy nghề may ở NT Gỗ có từ hồi Cha Hữu. Chương trình được một Hội bên Bỉ hay bên Tây gì đó tài trợ.
Và hình như khi Cha Hữu rời NT Gỗ…. chương trình đó lại chuyển giao cho Cha Truyền.Và có lẽ bây giờ đến thời Cha Việt, không biết bây giờ họ còn tài trợ không, tài trợ như thế nào, hỏi cho ra ngọn nguồn thì là việc rất tế nhị,
Chef Hiền có thể tìm hiểu chuyện đó được không, trước khi đưa ra quyết định, để nếu cần thiết thì KMF sẽ giúp Nhà May này mỗi tháng, giống như đang giúp Các Nhà Nội Trú vậy.
Và giúp bao nhiêu, cũng cần bàn hỏi với Ban Điều Hành Nhà Dòng Ảnh Vảy, chứ mình không thể “can thiệp vào chuyện nội bộ” của Nhà Dòng được.
Dầu sao thì cũng phải “double check”… Mình báo Bok Tâm Thầy Tố, Võ như sau:
Em vừa phone Ya Truck, rồi Ya Pauline, và phone cho Ya Quân để hỏi cho ra lẽ. Kể ra thì các Ya cũng thật thà, vì nói hết, và cả ba đều nói như nhau, nên có lẽ là đúng. Vài thông tin bổ sung thêm vào email em vừa mới gửi:
- Ân nhân lớn nhất của Trung tâm may này là 1 bác sĩ tên là Yun (???) người Mỹ lấy vợ Việt nam và sông tại Qui nhơn, giúp Trung tâm may 6,000 USD mỗi năm, và mỗi năm 1 hoặc 2 lần, lên tận nơi giao số tiền VND tương đượng cho người phụ trách Trung tâm theo chỉ định của Ya Mẹ. Đều đặn từ năm 1998 cho đến 2018. Và 2 năm vừa rồi không thấy liên lạc lại mà cũng chẳng có tin để biết ly do tại sao.
- Nhóm Patrick chỉ giúp máy móc, phương tiện để các em học nghề, chứ hoan toàn không giúp tiền. Các ân nhân ở Saigon Pleiku thì giúp vải, vật liệu may và thỉnh thoảng một ít gạo, mì gói.
- Trung tâm mỗi năm chỉ có budget đó để duy trì hoạt động và tồn tại (tương đương 6 ngàn USD). Số các em học sinh thường là trên dưới 60 em (hiện tại, sau 1 khóa vừa “ra trường”, là 46 em). Thời Cha Hữu, Cha Truyền Trung tâm được nhờ, vì ngoài budget 6.000 USD, các Ngài còn xin gạo thức ăn từ các nơi về cho các em. Trước đây qui định mỗi tháng mỗi em phải đóng 150.000 VND/tháng, năm ngoái lên 20.000, nhưng chì một vài em có tiền đóng mà thôi. Còn lại Trung tâm tự xoay xở lấy.
- Nhà Dòng không giúp gì cả, vì chẳng có nhiều để mà giúp, và những cộng đoàn khác cần hơn và ưu tiên hơn.
- Hết nguồn giúp từ 2018, Cha Việt nhiều việc phải làm, nên Ya Quân lo lắng…. (Nhà Dòng giao cho con lo cho các em mà chẳng có nguồn giúp gì cả!) và đó là lý do Ya Quân, được các Ya Ban điều hành “xúi” liên lạc với Thầy Võ Thầy Hiền xem có cách gì không? Nỗi lo lớn nhất là chạy gạo và rau ăn cho các em. Không có nguồn nữa và Nhà Dòng bảo Ya Quân tự bươn chải và lo lấy.
- Hỏi có phải xin ý kiến Nhà Dòng không? Tiền ân nhân cho Nhà Dòng giao trực tiếp cho Ya Quân, Ya Pauline trước đây (chứ không giao qua cho Cha Hữu hoặc Cha Truyền) nên nếu giúp cho các em sống qua ngày, thì “tùy các Thầy”, nhưng chắc chắn Nhà Dòng mừng hết lớn, vì có ân nhân giúp thay cho Nhà Dòng.
Mong rằng những thông tin bổ sung này giúp chúng ta suy nghĩ thêm trước khi quyết định.
Họ đang kêu cứu!!!! Bok Tâm Thầy Tố gật đầu và KMF biết phải làm sao: giúp đủ 500 kg gạo mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 6, rồi sau đó tính tiếp. Sẽ đặt mua từ nhà phân phối sĩ ngoài chợ, giao tận Nhà may thay vì đưa tiền cho Ya Quân hoặc các Ya mua. Mình kết nối với Huỳnh Tấn Hùng Kontum, và dự án được thực hiện ngay…
Biên nhận xác nhận của Ya phụ trách…
Ya Quan gửi lời cám ơn mình và KMF…. đã nhận được 500 kg gạo rồi. Ya viết : “Kon bene ko thay lo. Po ghe au kon xang nhan phe 500 kg boih. Kon tang mat bone ko thay duh thoi dom de ma xang an manat ko hnam may. Kon pang de oh pom khop apinh Bayang pokra todrong jang ih, pang an koi h dei jo hngham pran pang dom Ai ma ih oei kal. Ya Quan”.
Mình cho rằng đây là cách hay nhất để ta giúp các công đoàn và các em cách thiết thực hơn cả, không phải lo thất thoát hoặc sử dụng đôi lúc không như ý muốn. Mình dặn Hùng cứ giữa mỗi tháng, Hùng cứ giúp làm như thế.
Vài hình ảnh ngày giao gạo hỗ trợ Nhà May lần đầu và niềm vui của các em Nhà may thật dễ thương. Ân nhân hỗ trợ và các em được hưởng, và vì trẻ khỏe, bao gạo 20 – 25 kg các em ôm vào nhà nhẹ nhàng.
Sài gòn, ngày 20 tháng 6 năm 2020.
Trần Văn Hiền, KMF Việt Nam