Cây Cao bóng cả

Nhớ về một vị thừa sai Kontum: Cây Cao bóng cả
Vũ văn Qúi 5/4/2004

 

CÂY CAO BÓNG CẢ

Không biết từ bao giờ, khi vào chủng viện Kontum năm 1964, tôi đã thấy Ngài, một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, đang sinh sống và làm việc mục vụ tại nơi đây. Mới năm trước đó thôi, thời còn cắp sách đến trường tiểu học, trên trang giấy vẽ minh hoạ, hình ảnh hộ pháp của quan Tầu sang chiếm đóng nước ta tạo cho tôi cảm giác rờn rợn. Mắt quắc. Râu xồm xoàm. Thân vài trượng xăm xăm thanh gươm to đùng. Một minh hoạ cực kỳ chính xác khi học môn lịch sử thời Đại Việt bị xâm lăng. Ấn tượng tuổi nhỏ cũng chẳng mấy chốc tan biến khi tôi chăm chú nhìn ngắm Ngài “hộ pháp” của tôi. Mắt khá to sau gọng kiếng đồi mồi. Tròng mắt không tuyền đen nhưng cũng chẳng xanh lè. Một mầu đen lẩn khuất sự dịu dàng nhân hậu dẫu đôi mắt ấy long lanh trên ngôi đền thật vĩ đại nếu thân thể còm cõi của tôi sát gần lại. Bộ râu rậm khép kín khác với ông Tầu xồm xoàm ớn lạnh thuở nào. May mà trên mép gần như luôn có cái ống tẩu nhả khói làm phai mờ ấn tượng về thanh gươm sát khí kè kè bên mình toát ra sự lạnh lùng chết chóc. Những bước đi của Ngài thì khỏi bàn, đến sàn nhà gỗ đã lên mầu cũng phải nghiến răng ken két. Hoặc chí ít khi nghe tiếng chân, đám học trò tinh quái cũng vội vàng nép mình vào khuôn phép.

Thế vậy mà tôi lại thích gần. Khi đầu nóng, mũi sụt sùi, cổ khô rát, họng ngứa ngáy, chứng chây lười ươn hèn, tôi bèn chạy đến Ngài. Mùi thuốc sái nghe sao nồng đến mũi cũng lên tiếng. Nhưng chỉ vài cái vuốt tóc dịu dàng, tôi như chú cừu non ngoan ngoãn vâng lời. Cuộc thanh sát thân thể cũng qua nhanh. Nặng thì được cấp phép nghỉ học. Nhẹ thì phơn phớt dăm ba viên thuốc to trắng đến rợn tóc gáy. Tôi thì ớn các môn sinh của Ngài vì sợ phải làm kiếp chuột bạch thí nghiệm. Mấy ông y tá con mà ra tay thì có chảy nước mắt, ứa gan phèo phổi cũng ráng mà cắn răng chịu trận. Chớ có phản ứng cáu gắt nhằm lúc Ngài lên cơn sốt có mà vãi quai hàm ngay. Biết thân phận nên tôi chưa hề nếm trải cái tát tai nào đổ lửa cả. Thật may phước!

Việc chăm sóc sức khoẻ cho đám học trò tinh nghịch đủ loại đủ cỡ với số lượng vài trăm cũng đã bào mòn sinh lực của Ngài rồi. Thế nhưng Ngài vẫn còn là cha giáo dậy môn tiếng Pháp và cổ ngữ Latinh.

Thời gian lên lớp chật kín thế mà ngài vẫn ung dung đứng vững như kiềng ba chân. Chưa hết mỗi sáng chủ nhật, Ngài cũng phải đi xa trên chiếc xe Chevrolet mỏng manh dễ vỡ khi cử hành thánh lễ trên những buôn làng thượng xa xôi. Chiếc xe như oằn xuống bật rung lên vì tuổi đời của nó cũng lăn xả khác nào thân chủ. Nhiều lúc Ngài cứ loay hoay, mày mo, tháo tháo, gỡ gỡ rồi chui chui, cúi cúi. Lại có khi rồ hoài vẫn không nổ, đám học trò mủi lòng ghé vai đẩy phụ. Nhưng chú ngựa sắt cứ ì ra vô tư. Nhìn Ngài kiên nhẫn lao đao mãi chúng tôi cũng đành quay gót bỏ đi không muốn chứng kiến sự kiên trì đau lòng đến thế.

Ngài lo cho nhiều thế hệ học trò trong chúng tôi. Không chỉ thăm bệnh mà Ngài còn chuẩn bị cho những chú lính có đầy đủ những tố chất trước khi bước vào cuộc hành trình bền bỉ gian khổ và cao cả.

Ai trong chúng tôi lỡ bị chiếu cố đến nỗi phải chịu cắt bì y như được tiến vị chức quan hoạn. Mắt đỏ bừng. Da như cộm lên. Ai ngại. E dè. Khốn đốn. Cũng tại nơi đây tôi cùng một số anh em khác được Ngài dẫn dắt về tận Qui Nhơn đo khám mắt. Ngài không quên hướng dẫn chúng tôi tham quan chứng kiến sự tận hiến quên mình của các Sơ đang ngày đêm chăm bẵm những người cùi tại Qui Hoà.

Có tới đây mới thấy sự kỳ vĩ của Thiên Chúa bao la. Thiên nhiên ưu đãi. Bờ cát trắng dài mênh mông trong nắng ấm. Những hàng dừa reo vui bay lượn. Nước trong xanh êm ái ngút ngàn. Lòng người giao động xôn xao rồi chìm ngắm vào cõi linh thiêng nồng ấm tình yêu diệu vợi của Đấng Chí Tôn. Một không gian yên ả tĩnh lặng. Nỗi đau thể xác của thân phận hẩm hiu cũng hoà tan cùng thiên nhiên tán tụng Hồng An Thiên Chúa bao la và vĩnh hằng. Nhìn nơi đây sống trong tình người nhân ái lòng tôi cảm nhận được sự dấn thân quên mình của các nữ tu thật cao quí và cũng thấy tâm hồn mình ngây ngất siêu thoát.

Thế rồi khi lớn lên trong sự biến đổi của xã hội, trong nhận thức tiến hoá của giáo phận, tôi được chuyển đổi chỗ ở. Tôi xa Ngài từ ngày ấy. Nhưng một ngày kia khi cơ thể tôi không còn trong lành để đi đến đỉnh cao của người lính áo chùng thâm, tôi rơi vào cơn ác mộng. Một số phận hiu quạnh buồn tủi. Một cuộc tàn phá quái ác của bệnh tật. Trước nhũng biến đổi khe khắt ấy tôi lại được gặp Ngài nơi bệnh viện Grall, Saigon vào cuối năm 1970. Một ngưòi cha nhân ái. Một thầy giáo điềm đạm luôn yêu thương con trẻ. Một thầy thuốc tận tuỵ quên mình. Tôi nhoà nước mắt khi Ngài chia sẻ bao lời an ủi thăm hỏi cùng những cuốn truyện văn học bằng tiếng Pháp còn nồng nàn mùi giấy. Những cái vuốt tóc thân yêu thuở nào. Những mũi kim đâm tưởng xốc buốt nhưng lại êm ái dịu dàng. Bao nhiêu hình ảnh dấu yêu tràn về trong tình cảm thương yêu giữa cha và con, thầy và trò quấn quít.

Cuộc đời xoay vần đến chóng mặt. Năm 1975, Ngài trở về Pháp khi xã hội đổi thay. Tôi không hề nghe biết tin tức về Ngài. Còn tôi lênh đênh theo sóng gió cuộc đời khi cơ thể héo mòn tàn úa, khi tâm hồn lún sâu vào nỗi chán chường xoáy buốt tuyệt vọng. Tuy nhiên, như được thần khí chở che, anh em bạn học năm xưa khi về thăm lại quê hương tình cờ nhận ra tôi còn thoi thóp lăn vào đời. Anh em đã cưu mang yểm trợ tôi thêm sinh lực để bước tiếp cuộc sống gian truân đầy ải. Dần dần như được thêm sức bền đổ, tôi bớt buồn tẻ cô đơn thoát ra khỏi vũng lầy lạc lõng mặc cảm để tự tin hơn dấn thân hơn.

Khi có cơ hôi nối mạng với diễn đàn của anh em cựu chủng sinh Kontum, tôi mới đích thực nhận ra anh em mãi kết dính, luôn luôn đùm bọc nhau, quan tâm nhiều đến nơi đào tạo. Một cái nôi xa xôi nghèo nàn với muôn vàn những khó khăn: giáo phận Kontum. Từ đó tôi dễ dàng gặp lại bè bạn năm xưa như vừa mới ra khỏi trí nhớ mênh mông của mình. Anh em đã cảm thông được hoàn cảnh cơ cực và đã trao đổi thông tin về tôi trên diễn đàn trong tình sẻ chia vào Mùa Phục Sinh. Tôi rạo rực mừng vui.

Nhưng điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất chính là tôi được gặp lại Ngài sau 32 năm ròng rã trông mong, qua một lá thư thật bất ngờ gửi cho tôi. Chỉ vài dòng đơn sơ thôi nhưng chan chứa dạt dào. Ngài an ủi động viên tôi và sẵn sàng chia sẻ với những gì Ngài có thể dù cho gia tài của Ngài đã để lại trọn vẹn nơi quê hương của tôi. Ngài viết cho tôi:”

Con yêu quí,

Thật bất ngờ cho cha khi nghe tin con còn đang chật vật sống gian khổ. Cảm tạ hồng ân Chúa, vị Mục Tử Nhân Lành luôn yêu thương chiên con của Người. Dù cha không điều trị trực tiếp cho con nhưng qua lần thăm con tại Grall, là một y tá lâu năm nên cha biết, biết thật rõ bệnh tình của con. Bệnh”liệt tủy sống” sẽ không cho phép con trỗi dậy bước đi được nữa. Nhưng rồi nhờ ơn Chúa soi sáng chỉ dẫn mà con đã lây lất cho đến lúc này. Hình ảnh đau đớn co quắp của con đã ăn sâu vào tâm trí và theo cha mãi cho đến lúc này đây, lúc mà cha cũng đang phải ngồi đau đớn trên xe lăn khi tuổi đã cận kề 90 trong nhà dưỡng lão Montbeton này. Cha hiểu và thương con hơn lúc nào hết. Con hãy lắng nghe tiếng Chúa phán dậy:”Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. Thoạt mới nghe con sẽ khó hình dung ra thế nào là “sự sống đời đời” khi mà con đang phải vật lộn với bóng đêm. Nhưng “lắng nghe” Thiên Chúa nơi Đức Giêsu chắc chắn là dấn thân trên những con đường khó khăn gian khổ nhưng lại dẫn đến sự sống bởi”Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Chúng theo tôi vì tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Hãy tin tưởng phó thác vào Chúa Chiên Lành. Cha luôn nghĩ đến con trong lời cầu nguyện và sẽ giúp con khi cha có thể.

Chào con thân yêu.

Jean Faugère.”

Chỉ vài tuần sau Ngài chuyển cho tôi một số tiền và cũng chỉ hơn một tháng sau Ngài giúp tôi số tiền gấp đôi. Và mới đây khi biết tôi sắp phải mổ mắt “cườm”, Ngài đã lo cho tôi mọi khoản phí tổn. Khi biết Ngài gần tuổi 90 hiện đang phải ngồi trên xe lăn với đôi tay run giật của căn bệnh Parkison trong nhà hưu dưỡng, tôi vô cùng xúc động và tận sâu trong tâm hồn tôi luôn cảm nhận sự Quan Phòng mà Thiên Chúa luôn thổi vào tôi qua những người con yêu của Người.

Từ đó tôi cảm nghiệm Lòng Xót Thương Nhân Hậu qua Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan:”Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Nước mắt trong tôi chảy ra khi nghĩ về Ngài, về Cây Cao Bóng Cả với tâm tình của một con dân nước Việt. Cây đại thụ đã tận hiến gần hết cuộc đời cho Tình Yêu Thiên Chúa, cho Mục Tử Nhân Lành. Và khi bóng đổ về chiều, cây vẫn “Cao Vút Khí”. Với tôi, Ngài chính là cha CAO (tên Việt Nam của Ngài), người mà tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời còn lại. Nhớ về cha yêu khi Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Chiên Lành. Cha mãi mãi là CÂY CAO BÓNG CẢ của đàn con yêu dấu trải rộng khắp năm châu, mãi mãi chở che những cây con yếu ớt dễ gẫy đổ trước phong ba bão táp của cuộc đời trần thế. Để qua BÓNG CẢ, chúng con vươn thành CÂY CAO mãi mãi như cha yêu.