Chia Sẻ Của Cha Ân Đức

Chia Sẻ Của Cha Ân Đức

(Trần Ngọc Hoan, cvk67)

Tại

Cộng Đoàn Đức Mẹ Lên Trời,

Giáo XứAnthony, Wichita, Kansas, Usa

 Do

Cha Phạm Quốc Hùng,Cvk63, Coi Sóc

 

“Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”(Lc 24, 46-48)

Kính thưa quí ông bà, anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Trước hết con xin cám ơn cha xứ, người anh sau hơn 30 năm mới gặp lại nhau, đã ưu ái chờ đợi con, đón tiếp con , cho phép con đồng tế và được vinh dự chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ những kinh nghiệm sống trong cuộc hành trình Đời Tu.

Như bài đọc Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, trước khi Chúa Giêsu từ giã các môn đệ để về với Chúa Cha, Ngài đã để lại cho các môn đệ những giáo huấn cuối cùng mang tính khẩn trương. Tôi xin nhấn mạnh ở mệnh lệnh này: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” Đức Cố GH Gioan-Phaolô II đã viết trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc lời này: “Con người thời nay tin vào nhân chứng hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào cuộc sống và những sự kiện hơn là những lý thuyết…”.Bởi thế ngôn ngữ rao giảng Tin Mừng không phải chỉ dừng lại ở lời nói, cho dù là lời nói rất hùng hồn, rất hấp dẫn người nghe, mà hơn thế cuộc sống làm chứng phải là thứ ngôn ngữ mà các môn đệ Chúa Kitô cần ứng dụng để con người thời đại có thể lĩnh hội được mầu nhiệm của Đức Kitô Phục sinh. Từ nay lời rao giảng Tin mừng, hay nói đúng hơn vai trò chứng nhân không phải bắt đầu từ Giêrusalem, mà bắt đầu từ môi trường gần gũi nhất, thân quen nhất, đó là từ gia đình, từ cộng đoàn giáo xứ, từ xã hội chung quanh chúng ta. Bản thân tôi hôm nay cũng muốn được chia sẻ với quí vị những kinh nghiệm quí hoá trong cuộc hành trình đi theo Chúa, trong cuộc sống tu trì đan tu chiêm niệm, qua những biến cố của đất nước, và của Giáo Hội Việt Nam, như là những lời chứng cụ thể nhất mà chính bản thân tôi khi nhìn lại mới nhận ra được DẤU ẤN TÌNH YÊU nhiệm mầu mà Chúa Thánh Thần đã ghi đậm trong cuộc đời tôi.

 

1. ƯỚC VỌNG BAN ĐẦU

        Thưa quí ông bà, anh chị em, bản thân tôi ngày xưa cũng 7 năm tu học ở chủng viện thừa sai Kontum, dưới cha xứ của anh chị em 4 lớp. Nhưng Chúa cho tôi nhận ra rằng tôi không thích hợp của đời sống tu triều; bởi vì bản chất tôi là một con người kém cỏi, học thì dốt mà sức khoẻ thì kém, không biết giao thiệp, thiếu năng động, thích sống khép kín và thích cô đơn. Tôi ước ao được trở thành một tu sĩ ẩn tu trong dòng kín, vì thế tôi quyết định xin vào Dòng Phước Sơn năm 1974, một Dòng có tiếng là khổ tu nhất, với ước vọng là được ở trong nhà Chúa suốt đời trong âm thầm, cầu nguyện. Không mơ ước sẽ trở thành linh mục, chấp nhận cuộc sống như “con chim ẩn mình chờ chết”, không ra ngoài xôn xao gặp gỡ, không được ai yêu và cũng chẳng yêu ai, lòng nguyện ước như câu thánh vịnh: “Xin cho con đôi cánh bồ câu, để bay bỗng vào nơi an nghỉ, tránh khỏi cơn giông tố bão bùng.” Cứ tưởng cuộc đời mình sẽ trọn đời khép kín trong bốn bức tường Đan viện, vui với cảnh thinh lặng an bình, vui với 7 giờ kinh phụng vụ mỗi ngày cho dù là thức giấc giữa 2 giờ khuya, vui với sinh hoạt của đời sống đan tu chiêm niệm là cầu nguyện và lao động…

 

  1. 2.ĐƯỢC SAI ĐI

        Đang sống yên ổn trong nhà Dòng Phước Sơn, Thủ Đức, thì Chúa đã dùng biến cố mùa xuân 1975, nhất là biến cố mùa xuân 1978 để sai chúng tôi đi vào những nơi không bao giờ ngờ tới. Sáng sớm ngày 21-01-1978 công an nhiều vô kể đẫ đến đọc lệnh khám xét Đan viện và cách ly toàn thể các cha các thầy ngoài khu vực nhà khách; đến chiều thị họ còng tay bắt đi cha Bề Trên II và thầy Lasan Đậu Văn Ân. Hai đêm sau, sau bữa cơm cuối cùng thì hai xe bít bùng đến hốt gọn hơn 60 người của tu viện vào trại giam Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, để cùng chung cảnh ngộ của những người bạn tù bỗng trở nên thân quen.

Chúa sai tôi đi làm bạn với những người đang chán chường thất vọng

Chốn lao tù sống tiếp cuộc đời tu.

Một cõi nhân sinh tương lai bỗng mịt mù,

Đời theo Chúa có gì đâu an phận

3. NGƯỜI PHU XÍCH LÔ

        Trừ cha Bề trên II Dominic Hiền bị kết án 4 năm rưỡi tù giam và thầy Lasan Đậu Văn Ân bị 11 năm tù cải tạo không có án. Anh em chúng tôi được trả tự do mùa Phục sinh năm 1978 với giấy lệnh tha: “ai về nhà nấy”. Như bầy nai ngơ ngác giữa cảnh đời lạ hoắc, nhà Dòng thì đã bị mất, 60 anh em cả già cả trẻ tạm về trụ sở của nhà Dòng đường Trần Bình Trọng, Q.5. Trong cảnh sống trở về tay không, chúng tôi thay phiên nhau đạp xích lô. Từ những tu sĩ cả đời chẳng biết gì đường phố Saigon, nay lại trở thành những phu xích lô rong ruổi trên khắp hang cùng ngõ hẻm với bao chuyện vui buồn cười ra nước mắt. Sáu tháng trời lăn lóc như bánh xe quay góp thêm vào giai điệu cuộc đời những nốt nhạc thăng trầm của cuộc sống.

Chúa sai tôi đi làm phu xe xích lô ngơ ngác,

Rong ruổi khắp nẻo đường vóc dáng chẳng giống ai.

Chở nặng còng lưng lắm chuyện khóc cười,

Mang thân phận dân đen làm tôi cho thiên hạ.

 

4. TRÊN VÙNG ĐẤT THÉP

        Đứng trước một tương lai bấp bênh như thế, đời tu không biết sẽ về đâu. Viện phụ cho anh em tự do quyết định:một là ai cảm thấy không dám tiếp tục sống đời tu trong hoàn cảnh này, thì có thể về với gia định, đồng nghĩa với nhập hội “TA RU”; hai là chấp nhận một cuộc phiêu lưu đi theo Chúa theo gợi ý của ĐTGM Nguyễn Văn Bình là đi nông trường ở Củ Chi. Sau khi đã dắn đo suy nghĩ và cầu nguyện 12 anh em trẻ chúng tôi, tuổi mới 23, 24 xuân xanh, viết đơn tình nguyện đi nông trường, lòng xác tín như thánh Phêrô:” Bỏ Thầy chúng con biết sẽ theo ai?”

 

        15 năm trường hiện diện, sống đời tu, lao động trên vùng đất thép Củ Chi, hiểu theo nghĩa bóng và nghĩa đen. Không ngờ nơi vùng đất không phải cày lên sỏi đá, mà là cày lên miểng bom, miểng đạn lại trở thành nơi hội tụ của rất nhiều dòng tu, linh mục và chủng sinh trong bối cảnh của một đất nước đói nghèo của thời ăn bo bo và củ mì. Tuổi trẻ đời tu của chúng tôi bị ném vào một môi trường xem ra là tai hoạ, giống như câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương: “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ.” Và nông trường, nơi chỉ có 8 giờ vàng ngọc lao động, hoặc “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, được mệnh danh là đại học có tên rất là Liên xô “Lengx-cuốc-ky”, lại trở nên một môi trường chứng tá của Tin Mứng giữa những người dân Củ Chi. Những ký ức của một thời dấn thân vào đời của những người tu sĩ để lại nhièu kỷ niệm đậm đà “dấu ấn tình yêu”. Đời tu bản thân tôi cũng không ngờ lại có những điểm xem ra là nghịch lý, có những lúc tôi than thở với Chúa:

 

Chúa lại sai con đi vào vùng đất dân ngoại,

Đời phiêu lưu theo Chúa cũng trần ai,

Chúa sai con đi đến với mọi người,

Nên men muối Tin Mừng, nên nhân chứng.

 

Sao Chúa lại để con như vậy, lạy Chúa?

Con muốn ẩn mình, thì Chúa lại đẩy con ra giữa dòng đời,

Con muốn lặng im, thì Chúa lại bắt con lên tiếng khắp nơi,

Con muốn chìm khuất, thì Chúa lại bắt con xuất đầu lộ diện

Đời con theo Chúa sao có nhiều xao xuyến?

Sức mọn tài hèn con chẳng dám bon chen,

Thế mà Chúa lại bắt con xuôi ngược mọi miền,

Làm kẻ hát rong khi tuổi đà xế bóng.

 

        Thưa quí ông bà, anh chị em, nói về “cái tôi ” thật ngại ngần lắm, nhưng tôi muốn tuyên xưng lòng nhân hậu của Chúa đã dẫn đưa tôi trong cuôc đời này, muốn trở thành chứng từ của những kẻ được sai đi. Bên cạnh cuộc đời tôi còn có biết bao anh chị em tu sĩ đã một thời ra đi loan báo Tin Mừng, không phải bằng lời rao giảng, nhưng là bằng cuộc sống, bằng sự hiện diện đã trở thành những dấu hỏi cho những người dân Củ Chi, kể cả cho những người mang danh là cộng sản. Qua lao động, qua những cuộc hội thi văn nghệ quần chúng, qua cuộc hội nhập văn hoá với vùng đất Củ Chi. Anh chị em tu sĩ chúng tôi đã thiết lập được một giáo điểm truyền giáo, để rồi mỗi sáng chúa nhật có những đoàn người đi xe đạp vượt 12km để đi lễ ở nông trường. Và ngày hôm nay, nếu các bạn có dịp về VIỆT NAM và đi thăm mảnh đất nông trường ngày xưa, các bạn sẽ thấy TRUNG TÂM MAI HOÀ do các nữ tu dòng Bác ái Vinh Sơn đang phục vụ cho những bệnh nhân HIV ở giai đoạn cuối; bên cạnh đó là bệnh viện dành cho trẻ em khuyết tật.

 

5. HÁT TẶNG BÀI CA

        3 tháng đi tù, 6 tháng đạp xích lô, 15 năm ở Nông trường không đủ cho tôi chia sẻ hết với quí ông bà, anh chị em, những kỷ niệm khó phai. Âm nhạc đối với tôi đã trở thành hành trang trong đời sống tâm linh, là một nén bạc Chúa giao phó, và cũng là cơ duyên để tôi có thể bắc được nhịp cầu đồng cảm với nhiều người, trong đó có quí ông bà, anh chị em, . Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi muốn hát tặng quí ông bà, anh chị em, một ca khúc trong rất nhiều những ca khúc tôi sáng tác ở nông trường, Đó là ca khúc DẤU ẤN TÌNH YÊU như một dấu ấn không phai của những tháng năm mà Chúa luôn dắt dìu chăm sóc.

Cộng đoàn Đức Mẹ Lên Trời,

Gx. Anthony

ngày 20 tháng 05 năm 2007