Đức Cha Kim đã từng bị đưa ra tòa án ở Vatican

Đức Cha Kim đã từng bị đưa ra tòa án ở Vatican

 

Gioan Trần Đức Tường ghi chép

Có thể nói, trong cuộc đời truyền giáo của Đức Cha Kim tại Việt Nam, một trong những mối lo hàng đầu của ngài là « chạy tiền bạc ». Khi chưa làm giám mục Kontum, ngài đã phải bôn ba để nuôi sống con cái ngài. Trong nhà, lúc đông nhất có đến hơn 450 anh em. Một ngày 1350 bữa ăn mỗi ngày, 7 ngày một tuần, một năm 365 ngày… Chưa ngày nào anh em chúng tôi bị đói cả. Rồi còn xuân, hạ, thu đông, áo hè, áo lạnh… Rồi còn sách vở dụng cụ học trò… Tất cả tiền bạc, ngài đều đi xin về nuôi con cái. Xin những nhà hảo tâm, và nhất là xin Chúa. Tôi đã kể nhiều lần nhà hết tiền, nợ nần chồng chất, ngài đã tập hợp con cái dưới chân bàn thờ chầu Thánh Thể và đã lớn tiếng cầu xin Chúa cho tiền chợ ngày hôm sau…

Khi được Hội Thánh giao sứ vụ làm giám mục giáo phận Kontum, một giáo phận cao nguyên, nghèo nàn, lạc hậu vào bậc nhất thế giới. Lúc đó giáo phận rộng bao la gồm cả giáo phận Banmêthuột và tỉnh Attopeu bên Lào. Giáo dân, gồm đa số người thượng, đã nghèo thì các vị chủ chăn còn nghèo khổ hơn nữa. Rất nhiều công việc phải làm : nào xây dựng các cơ sở hạ tầng, trang bị các phương tiện tối thiểu để hoạt dộng như xe cộ, máy móc, bàn ghế vv.. Tất cả đều đòi hỏi tiền bạc. Vốn liếng của nhà chung chẳng có là bao : đồn điền cà phê ở Banmêthuột, đồn điền trà Katéka ở Pleiku không đáp ứng được một phần nhỏ vì tình trạng chiến tranh, không sản xuất được. Đã thế ngài còn vận động để các dòng tu tới Kontum thiết lập cơ sở và giáo phận cũng phải giúp đỡ họ trong những bước đầu.

Chiến sự ngày càng gia tăng trên cao nguyên vì đó là đường lối xâm nhập của quân cộng sản miền Bắc. Nhu cầu tài chánh ngày càng gia tăng với những con số không ai dám tưởng tới. Một năm ít nhất phải có 50 triệu đô la. Phải kiếm cho được ngân sách tối thiểu này mới có thể tiến hành sứ vụ truyền giáo tại Kontum. Tòa Thánh Vatican vì có cả hoàn vũ để giúp đỡ nên không thể chỉ trông chờ vào nguồn tài chánh này được. Và Thần Khí Thiên Chúa đã mách chỉ cho ngài một phương thức.

Đó là viết thư cho từng cá nhân mạnh thường quân trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Lúc đó, có một công ty thiện nguyện chuyên làm chuyện này. Họ sưu tập trong các sổ điện thoại hàng trăm ngàn địa chỉ để cung cấp cho Đức Cha và nhận chuyển các thư xin tiền cho giáo phận. Như vậy, từ những năm đầu của thập niên 60 mỗi tháng Đức Cha đã phải ký 15000 lá thư. Người trách nhiệm bỏ thư vào phong bì, đóng thùng chuyển đi Bahamas là trụ sở của công ty gửi thư là ông Trần Khắc, thư ký của Đức Cha từ Hà Nội.

Kết quả thật là đáng mừng vì thống kê cho biết là đã có 9% số thư gửi đi có trả lời và kết quả rất khả quan. Số tiền cần dùng cho mỗi năm đã đạt và còn để dành được nữa. Ngài cũng phải ký những thư cảm ơn dưới hình thức bưu thiếp.

Nhưng vào khoảng năm 1966 hay 1967, người kể không nhớ chính xác, một hôm trong kỳ họp hàng tháng các cha tại tiểu chủng viện, Đức Cha nói với các cha, tây, ta lẫn lộn : « Ngày mai tôi phải sang Rôma, Tòa Thánh gọi tôi về gấp, có việc ». Và ngài đã đi Rôma.

Lúc về ngài kể lại. « Tôi tới Vatican thì được biết tôi phải trình diện tòa án của Tòa Thánh. Không rõ là tòa nào, nhưng là tòa án với 3 vị Hồng Y làm chánh án. Tôi bị một vị giám mục Hoa Kỳ kiện vì tội « đi câu trong cái ao của ngài ». Số là vị Giám mục này mang về dâng lên Tòa Thánh một số tiền một vài triệu đô la gì đó để Giáo Hội trợ giúp các xứ truyền giáo. Ngài nói « Đáng lẽ còn có thể mang tới nhiều hơn, nhưng có một vị giám mục ở Việt Nam là Đức Cha Paul Léo Seitz, giáo phận Kontum đã cạnh tranh khiến chỉ có 3% số thư tôi gửi đi là có phản hồi » và vị giám mục Mỹ này yêu cầu Tòa Thánh cấm Đức Cha Seitz xin tiền ở Mỹ. Nhận thấy đây có thể là một nguồn tài chánh thêm cho Tòa Thánh, nên tòa án đã thuận theo lời yêu cầu của bên nguyên cáo truyền cho Đức Cha Seitz phải ngưng việc xin tiền ở Hoa Kỳ. Đức cha Kim nhà mình đã không phản đối và thưa trước tòa « Với nhân đức vâng lời Hội Thánh, tôi xin chấp hành quyết định của tòa án. Nhưng tôi xin Tòa Thánh giúp cho giáo phận nghèo nàn của chúng tôi đang bị chiến tranh tàn phá bằng cách thay thế ngân sách chúng tôi tự mình xin được và cung cấp cho giáo phận Kontum mỗi năm 60 triệu đô la ». Các vị Hồng Y nín thinh và tuyên bố bãi phiên tòa.

Vị giám mục Hoa Kỳ rất vui vì thắng kiện. Đức Cha mình cũng mỉm cười vì ngài tuyệt đối tin tưởng vào quan phòng của Chúa và rời phòng xử. Vừa ra khỏi ngưỡng cửa, bỗng Đức Cha thấy có ai níu áo ngài lại. Nhìn kỹ thì ra là một trong ba vị Hồng Y chánh án. Vị Hồng Y nói nhỏ « Thưa Đức Cha, Đức Cha cứ tiếp tục xin tiền đi. Nhưng xin ngài kín đáo một chút ». Rồi vị Hồng Y tủm tỉm cười và bước đi.

Cũng với nhân đức vâng lời, Đức Cha Kim đã tiếp tục làm công việc thay giáo phận đi làm ăn mày của Chúa. Với số tiền xin được, ngài đã điều hành, sắm sửa, mở mang giáo phận. Riêng về công trình xây cất thì ngài đã thực hiện được 150 công trình như thánh đường, trường học, trạm xá, trường nội trú, nhà thương… Và theo lời Đức Cha Alexis Phạm Lộc thì lúc ngài về hưu rồi, tiền chủa Đức Cha Kim để lại, giáo phận vẫn chưa xài hết.

Câu chuyện này là do cha Rannou hiện diện nơi đây đã kể lại. Cha Rannou còn dặn tôi kể thêm chuyện này :

Khi cha Rannou làm chánh xứ Mang Yang Đức Cha Kim đã thỉnh thoảng đến thăm ngài. Mangyang nằm giữa Pleiku và An Khê, là tên một cái đèo mà người ta hay gọi tắt là đèo Mang. Nơi đây trong thời gian cuối cuộc chiến tranh Pháp Việt, Liên Đoàn 100 của Pháp từng tham dự chiến tranh Triều Tiên đã bị Việt Minh phục kích và bị thiệt hại nặng. Chuyện này chứng tỏ vùng này luôn không được an ninh. Một hôm, Đức Cha tới thăm Cha Rannou. Vừa tới Đức Cha đã gọi « Rannou, ra đây mà coi cáí xe của tôi này ». Cha Rannou chạy ra và đã thấy một bên hông xe đầy vết đạn và Đức Cha đã nói ngài bị từ trong rừng bắn ra. Cha Rannou nói với ngài

« Nếu tình hình không tốt thì Đức Cha chờ khi nào ổn hãy tới thăm tôi ». Đức Cha chỉ cười.

Cha Rannou nói với tôi « Các anh có biết cha các anh rất anh hùng không ? ». Chưa trả lời thì Cha Rannou đã nói tiếp : « Tôi nhớ mãi khẩu hiệu của ngài, không phải khẩu hiệu giám mục đâu, nhưng khẩu hiệu của hướng đạo mà ngài rất thích nói rằng « Mạo hiểm tính mệnh của mình một tuần một lần, không phải là anh hùng, đó chỉ là giữ vệ sinh tinh thần ».

Xin Đức Cha Kim cầu bầu cho tất cả chúng ta.

Cũng nhân dịp này, chúng ta cũng nhớ đến và cầu nguyện cho những cộng tác viên của Đức Cha Kim trên suốt hành trình Phúc Âm Hóa Việt Nam từ Hà Nội đến Cao Nguyên Miền Trung. Tôi muốn nhắc đến người phụ tá, người em, người tiếp nối sự nghiệp Đức Cha Kim. Đó là Cha Jean Faugère. Ngài đã là phó giám đốc Cô Nhi Viện Têrêxa, Thị Xá Kitô Vương, chăm lo sức khỏe anh em như một bác sĩ, như một người cha, là cha giáo ở chủng viện Kontum và tuy không còn được ở lại xứ Thượng, ngài vẫn giúp đỡ từng người cựu Têrêxa hay cựu chủng sinh CVK khó khăn. Tên ngài được đặt cho một trạm xá ( Cao Thượng) mà các học trò ngài chung tay tổ chức tài trợ, xây dựng và điều hành để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho anh em Thượng vùng Kon Jơdreh Kon Tum với mục đích phần nào tiếp nối công việc chăm lo sức khỏe cho người thượng Kontum của Cố Cao ( J. Faugere), Cố Thượng Kim ( Paul Seitz). Đã mấy năm nay, tuy ngài không còn có mặt giữa chúng ta để dự lễ giỗ Đức Cha, nhưng tôi tin chắc, ngài đang hiện hữu giữa chúng ta và cùng cầu nguyện dâng Thánh Lễ với chúng ta. Còn có những cha khác, như cha Simonet, cha Vacher, Thày Trần, Thày Thoại… và những người cộng tác với Đức Cha và đã về với Đức Cha trên nước Thiên Đàng. Xin các ngài cầu cho chúng ta.