ĐỨC MẸ PHƯỢNG HOÀNG, PLEIKU

ĐỨC MẸ PHƯỢNG HOÀNG, PLEIKU

Tượng Đức Mẹ trên núi Phượng Hoàng (gọi tắt là tượng Đức Mẹ Phượng Hoàng nằm ở khu vực Đức Cơ, tỉnh Pleiku nay là tỉnh Gia Lai.)

Đây là một trong 5 tượng đài Đức Mẹ Maria mà tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm chỉ đạo xây dựng ở miền Nam Việt Nam.

LỊCH SỬ

Năm 1959, Lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội được tổ chức rất long trọng tại các Giáo phận miền Nam Việt Nam nhằm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, được gọi là Đại hội Thánh Mẫu Toàn quốc. Dịp này, tổng thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm chỉ thị cho Phủ Tổng Ủy Dinh điền xây dựng năm tượng đài Đức Mẹ ở Miền Trung, Miền Nam và Cao nguyên Trung phần trong các năm 1959, 1960 và 1961 bao gồm: Đức Mẹ Giang Sơn (Darlac), Đức Mẹ Thác Mơ (Phước Long), Đức Mẹ Phượng Hoàng (Pleiku), Đức Mẹ Trinh Phong (Ninh Thuận) và Đức Mẹ Tà Pao (Bình Tuy nay thuộc Bình Thuận).

Núi Phượng Hoàng có ba ngọn, tượng Đức Mẹ được dựng trên ngọn núi ở giữa cao nhất vào khoảng năm 1960. Một vị linh mục tham gia nghi lễ khánh thành kể lại: “Dân chúng lên đèo rất vất vả, các vị chỉ huy quân sự đến bằng máy bay trực thăng. Đức Giám mục Paul Seitz (Kim), Giám mục Giáo phận, chủ sự Nghi thức làm phép đài Đức Mẹ “.

 

Lịch sử tên núi Phượng Hoàng :

” ……Anh tôi khen:

– Núi có tên đẹp quá, ai đặt tên cho núi vậy cha?

Cha tôi kể lịch sử về tên của ngọn núi như kể chuyện cổ tích:

– Ngày đó có hai con chim Phượng Hoàng – một con chim trống và một con chim mái – từ phương nào không biết đã bay về sống và làm tổ ở trong rừng này, không thể biết được tổ của chúng ở đâu bởi vì rừng rộng và sâu tận bên trong, chỉ biết rằng mỗi buổi trưa đôi chim này bay về núi tìm thức ăn. Đó là một loài chim vô cùng đẹp và quí, lông của nó có nhiều màu sắc rất rực rỡ; vừa có màu đỏ như lửa, vừa có màu vàng như màu hoa Qùy, cánh chim Phượng Hoàng dài đến 2 mét…Thường thì “đất lành chim đậu”, Ngô Tổng Thống biết được tin này thì mừng lắm, bèn ra lệnh cử người chăm sóc cặp vợ chồng Phượng Hoàng bằng cách là lấy một cái nia thật lớn rồi cột chặt trên một cái cây thật cao, ngày ngày có người leo lên bỏ thức ăn vào nia cho vợ chồng Phượng Hoàng đến ăn, đó phải là những loại trái cây rất ngon vì Phượng Hoàng chì thích ăn trái cây.Tổng Thống ra lệnh cấm không cho bất cứ ai được phép săn lùng để tìm ra tổ của Phượng Hoàng hay là đánh bẫy để bắt chúng. Đôi chim Phượng Hoàng đem điều lành đến cho người dân Cao Nguyên. Từ ngày có cái nia thức ăn đặt ở trên cao thì đôi chim Phượng Hoàng bay về núi nhiều hơn, chúng nó quanh quẩn ở trên núi cho đến khi chiều tối mới bay về tổ. Núi Phượng Hoàng lớn lắm…tên của ngọn núi có lẽ là do từ khi có đôi chim Phượng Hoàng đến sống nơi đó nên núi có tên là Phượng Hoàng.

Hai anh em tôi nghe cha kể chuyện hay quá, khi cha vừa ngưng tụi tôi liền năn nỉ:

– Cha ơi, kể tiếp cho con nghe nữa đi.

Cha tôi cười, uống một ly nước rồi kể tiếp:

– Ngô Tổng Thống đã cho dựng trên núi Phượng Hoàng hai bức tượng lớn; một bức là Tượng Đức Mẹ Ban Ơn, còn một bức khác nữa là Tượng Chúa Sinh Thì; tức là khi hạ xác Chúa xuống khỏi cây thập tự, Đức Mẹ đón bồng Chúa trên tay.

Sáng tinh mơ cha tôi kêu cả nhà dậy sớm để theo cha đi đón Tổng Thống, sau đó thì cùng lên núi Phượng Hoàng dự lễ khánh thành hai bức Tượng Mẹ Ban Ơn và Chúa Sinh Thì.

Tổng Thống và đoàn tùy tùng đi bằng chiếc máy bay to lắm, tôi xúc động khi thấy Ông bắt tay cha tôi và nói cười rất là vui vẻ, nét mặt của Tổng Thống toát lên một vẽ thật là hiền lành phúc hậu. Đoàn xe đi lên núi Phượng Hoàng, đường đi hơi gập gềnh một tí, ngọn núi có nhiều cây cổ thụ cao phủ bóng mát rợp đất, cờ xí thì rợp trời, đoàn người nối đuôi nhau đi rước kiệu. Trước tượng Đức Mẹ Ban Ơn có đặt sẵn một bàn thờ để linh mục dâng lễ, phía dưới là một ghế quì dành cho Tổng Thống, hàng phía sau là một dãy ghế dành cho các quan chức, đoàn tùy tùng, dân chúng đứng ở hàng sau cùng, đông lắm…

Tôi không để ý gì đến buổi lễ mà chỉ lo nhìn quanh để tìm xem đôi chim Phượng Hoàng. Và tôi thấy ở trên một cây cao có chảng ba như một cái ná khổng lồ, nơi đó để một cái nia tròn, to, một người đàn ông nhanh nhẹn leo lên một cái thang làm bằng dây, sau lưng ông ta đeo một cái gùi, khi lên tới chãng ba có đặt cái nia, ông ta lấy từ trong gùi ra rất nhiều loại trái cây và để vào trong nia, sau đó ông ta leo xuống cũng nhanh như khi leo lên.

Buổi lễ đã xong, Tổng Thống đang nói chuyện với đồng bào, cha tôi dẫn mẹ – đang bồng đứa út – và anh em tôi đến chào Tổng Thống, ông xoa đầu tôi và nói:

– Vợ con của anh Hóa đây hí, ừ, thấy hạnh phúc như ri là tôi vui lắm, con gái dễ thương ghê rứa tề, ráng chăm học nghe con.

Bàn tay của Tổng Thống thật mềm và ấm áp đặt trên đầu tôi.

Hai con chim Phượng Hoàng bay đến đậu trên cao và ăn những thứ trái cây vừa mới được đưa lên. Tổng Thống và mọi người ngữa cổ lên nhìn, ai cũng reo lên: “Ồ, đẹp quá”. Tôi chưa bao giờ thấy một loài chim nào đẹp như vậy, lộng lẫy và sang trọng với bộ lông có những sắc màu vàng đỏ rực rở, mỏ nó to và quặp xuống, đôi chân cao khỏe có những móng vuốt nhọn…ăn xong đôi chim vỗ cánh bay đi, đôi cánh sãi dài đến hai mét đúng như lời cha tôi kể.”

( Hồ Thuỷ. Nữ GV Trung Học ở Pleiku )

 

Theo Thư chung của ĐGM Kon Tum ( ĐC Seitz) ngày 18.1.1959 thì đó là tượng Đức Mẹ Lộ Đức.