Giúp cả đời (13)
Đăng bởi cheoreo1 lúc 4:49 Sáng 24/07/12
VRNs (24.07.2012) – Gia Lai – Ba thầy Vinh Sơn, Phaolô và Giuse đến Ia R’siơm vào một buổi sáng đầu tháng bảy.
Các thầy sẽ giúp kỹ năng sinh hoạt cho các bạn trẻ của hơn 40 buôn làng vì ama muốn tổ chức một hội trại vào cuối tháng này. Đây sẽ là hội trại đầu tiên của giới trẻ Krông Pa, một ngày hội hứa hẹn nhiều nối kết và được hầu hết các bạn trẻ mong chờ. Khóa học kéo dài trong vòng một tuần. Một ngày học hai buổi sáng chiều. Từ các buôn làng xa xôi trong Chư Gu, Chư Ngọc, cách Ia R’siơm hơn 30 cây số, các bạn cũng lặn lội về học. Mỗi buôn sẽ cử ra hai bạn sáng giá nhất đến học. Sau đó các bạn trở về dạy lại cho các bạn trong buôn những điều mình đã được dạy. Vào ngày diễn ra hội trại, chính các bạn trẻ Jrai sẽ tự tổ chức cho mình những ngày vui chơi, còn các thầy chỉ đóng vai trò cố vấn từ xa.
Ngày khai giảng khóa học, các bạn đến nhà ama trước cả tiếng đồng hồ. Ngôi nhà nguyện thường ngày rộng là thế, bây giờ trở nên chật hẹp quá sức. Vả lại, nếu dạy kỹ năng sinh hoạt ở đây, e rằng sập nhà mất, nên thầy trò rủ nhau ra gốc me gần bờ sông học, vừa mát, vừa rộng rãi, tha hồ vui chơi mà không sợ làm phiền đến ai. Tự nhiên, tôi nhớ đến cha Don Bosco, người đã dám đứng ra bảo lãnh cho một nhóm thanh thiếu niên phạm pháp được đi du ngoạn, vui chơi thỏa chí một ngày. Cha thấy rằng không được vận động là hình phạt nặng nề nhất đối với các bạn trẻ. Cha cam kết nếu thiếu một ai, chính cha sẽ vào tù ngồi thay. Buổi dã ngoại diễn ra tốt đẹp cho tới giờ chuẩn bị trở lại trại giam thì tự dưng một bạn “chướng” lên bỏ trốn. Cha Don Bosco giữ lời hứa, sắp sửa vào tù ở thì thời may, người yêu của anh chàng kia thuyết phục được anh ta quay trở lại. Sau chuyện đó, cha chiếm được cảm tình của tất cả thanh thiếu niên vùng Tôrinô nước Ý. Điều đó cho thấy, vui chơi là con đường dễ gắn kết người với người nhất, đặc biệt là giới trẻ. Mà với người trẻ Jrai thì điều đó càng hấp dẫn, vì người Jrai coi tuổi thanh niên (người chưa có vợ) là tuổi chơi bời, thích làm gì thì làm, được tự do như gió.
Trước khi lên Krông Pa, các thầy đã lên một chương trình sẽ dạy gì, ai phụ trách, khi nào, giờ nào…rất hoành tráng. Chỉ cần đọc qua bảng kế hoạch đã thấy thú vị rồi. Thế nhưng, giới trẻ Jrai không phải là giới trẻ người Kinh. Đem áp dụng những bài học của người Kinh vào Jrai trật bài là cái chắc. (Những người lên làm việc trên đây, ban đầu bao giờ cũng mắc cái tật này). Ví dụ như học mật thư, các bạn Jrai phải mất cả buổi để viết đúng 24 chữ cái trong khi thời gian cho có năm phút. Thấy không ổn, ngày hôm sau, các thầy đổi chiến thuật ngay. Thay vì ép các bạn phải dùng chất xám nhiều thì cho các bạn vận động, vui chơi trước, rồi đưa những bài học vào từ từ. (Tất nhiên là ở cấp độ dễ hơn so với dự kiến). Cách làm này có hiệu quả ngay vì hôm sau tới giờ ăn cơm mà thầy trò còn mải mê ngoài gốc me.
Cũng từ ngày bắt đầu khóa học, tôi trở thành chị nuôi bất đắc dĩ. Ama giao hẳn chuyện cơm nước cho tôi và dặn thêm: “Con muốn nấu gì cũng được nhưng không được để thầy trò sút ký”. (Ama ơi, con không dám đảm bảo điều này đâu vì sau một tháng, mặc cho con ra sức chăm sóc, thầy nào sút ít là hai ký, nhiều tới năm ký). Làm sao để bữa ăn vừa ngon, vừa rẻ, lại vừa tươm tất thật không dễ. May mà trong số ba thầy, có một thầy là đầu bếp chính hiệu, nên tôi được giúp đỡ rất nhiều. Trước đây, nhà chỉ có hai cha con, đi chợ một ngày ăn mấy ngày cũng chưa hết. Bây giờ, mỗi lần đi chợ, phải có một thầy đi cùng với tôi để khiêng đồ, và nhất là phải mang theo điện thoại để cập nhật tình hình nhân khẩu liên tục. Khi khóa học vừa kết thúc thì ama khởi công làm nhà mái vòm. Mọi người trong buôn, từ con nít, đàn ông, phụ nữ đến cả bà bầu cũng đến giúp ama dựng nhà. Giờ đây, số người ăn cơm còn đông hơn trước, có ngày lên tới 70 người. Vì công việc nặng nhọc, nên tôi nấu thêm bữa lỡ cho mọi người ăn có sức. Thường thì bữa lỡ tôi hay nấu chè: chè đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ…. Tóm lại là đủ các thứ chè mà tôi có thể nghĩ ra. Khi việc làm nhà ama tương đối ổn rồi thì đội đánh cồng chiêng tới, gần 20 em. Các em sẽ ở nhà ama tập tành để cuối tháng tham dự lễ hội cồng chiêng ngoài Plei Chuet. Trung bình mỗi bữa tôi nấu ăn cho 30 người, mỗi ngày nấu hai lần. Có nấu ăn mới thấy đây không hề là công việc đơn giản. Dù là đi ăn ngoài tiệm, trả tiền đàng hoàng, thì cũng nên cám ơn người nấu cho ta ăn. Như thế, cả tháng bảy, công việc bếp núc chiếm trọn thời gian một ngày của tôi từ sáng cho đến chiều. Tối đến, tôi ra Phùm Gi dạy. Ba thầy chia nhau, mỗi ngày một người đứng lớp cùng tôi. Được nhìn đám học trò cười nói, bao nhiêu mệt nhọc như tan biến. Phải công nhận ông trời đã rất hào phóng và công bằng với tôi.
Từ khi các thầy đến, nhà bếp trước kia bây giờ dọn lại thành phòng ở cho các thầy. Tôi mượn tạm góc sân nhà ami H’sieng (cạnh nhà ama) làm nơi nấu nướng. Ở đó có một cây vú sữa già tán râm mát, tôi bắc vài hòn đá lên làm bếp. Ở đây không thiếu củi. Chỉ có điều củi của người Jrai to như cột nhà, muốn có củi thổi, phải cưa ra từng khúc, rồi dùng rùi chẻ nhỏ ra, rất vất vả. Sau này mấy thầy kiêm công việc bổ củi, coi như tập thể dục buổi sáng. Cũng vì nấu ăn ngoài trời dã chiến như vậy, nên có lần cơm đang sôi thì đột nhiên trời mưa. Ai nấy cuống cuồng đi tìm áo mưa che cho bếp khỏi tắt, lúc nhìn lại mình thì đã ướt mem. Nhà ama chưa sắm xoong chảo lớn, tôi bèn mượn nồi mấy nhà quen trong làng nấu đỡ. Có hôm đang đang nấu canh giữa chừng thì người ta tới nói: “Amai Thu, cho mình lấy cái nồi về nấu cám heo”. Chả là, chỉ có nồi cám heo mới to, mới nấu đủ cho mọi người ăn. Góc sân nhà ama có một cây xoài, chúng tôi trải bạt ở đó, cha con, thầy trò ngồi ăn dưới bóng cây. Thi thoảng gió nổi lên, thổi đất cát bám đầy đồ ăn, nhai miếng nào da gà nổi lên tới đó. Có thế mới thấy quý một cái bàn ăn, một cái bếp, một cái nồi.
Biết nhà ama nhiều người, các ami trong làng chia nhau tới giúp tôi nấu ăn. Người nhặt rau, vo gạo, đâm nước mắm…nhưng không bao giờ nấu. Họ nói họ nấu không ngon. Sau này tôi biết là các ami khiêm tốn mà thôi. Ngày nào họ cũng tới và cũng nhờ vậy mà tôi biết rằng người Jrai rất tự trọng. Hôm ấy có một vị ân nhân dưới Sài Gòn lên đem theo nhiều quần áo, bao to, bao nhỏ đủ cả, toàn quần áo đẹp thôi. Mấy thợ xây người Kinh thấy quần áo đẹp liền tới xin ama. Người ta xin chẳng lẽ mình không cho, thế cũng kỳ, ama gật đầu. Thế là mấy ông thợ xây qua hốt nguyên một bao quần áo đem về, hả hê sung sướng. Người Jrai cũng tới nhà ama, thấy quần áo đầy ra đấy nhưng không bao giờ xin. Dù họ mặc áo rách tả tơi họ cũng không bao giờ xin. Trong xã hội Jrai trước đây, không một ai bị bỏ rơi nên không cần tới nhà tế bần hay trại mồ côi. Người ta không có những câu ca dao hay ho như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng” như người Kinh, nhưng người ta đã sống tinh thần đoàn kết triệt để hơn mọi câu ca dao. Cho nên, cái nghề mà người Jrai xấu hổ nhất chính là nghề ăn xin.
Bên Phùm Gi, tôi dạy được một tuần thì phát hiện ra trong lớp nhiều em chỉ có một bộ đồ. Tôi bèn chở hai bao quần áo qua đó. Học xong, tôi đổ quần áo ra giữa nhà cho các em tha hồ chọn lựa. Trong số các học trò lấy đồ hôm đó, có một em gái tên là H’tuyên. Em rất thích các bộ đồ tôi mang tới và vì em thử cái nào cũng đẹp, cũng vừa vặn, nên em lấy nhiều hơn các bạn khác. Nhưng kể từ hôm sau, em không tới lớp nữa. Dò hỏi mãi, tôi mới biết người trong buôn nói em thế này: “H’tuyên, sao mày lấy đồ nhiều thế? Mày không để cho người khác mặc à?”. Câu nói ấy tới tai bố mẹ H’tuyên. Họ cảm thấy nhục nhã nên cấm không cho H’tuyên đi học nữa. Đây là bài học đắt giá tôi không bao giờ quên vì của cho không quan trọng bằng cách cho.
Cũng vì tự trọng cao mà người Jrai rất dễ tự ái. Bạn có thể gọi họ bằng bất cứ tên gì như người Thượng, người Jrai, người sắc tộc hay người đồng bào đều được. Nhưng chớ dại gọi họ là người dân tộc. Chỉ cần một câu nói ấy thôi, cái nhìn của họ về bạn khác liền. Họ cảm thấy bị khinh khi, bị chạm tự ái. Cái tính tự ái này ai cũng có nhưng nó đặc biệt mạnh nơi người Jrai. Mà đã tự ái rồi thì họ không màng chi nữa, không giải thích gì cả, tình cảm từ nay chấm hết. Một em học sinh nội trú Jrai, nếu bị la vô cớ, sẽ bỏ về nhà ngay mặc kệ đêm khuya hay đường sá xa xôi. Người Jrai không thích nói nặng. Nếu muốn sửa dạy điều gì, hãy nói nhẹ nhàng, họ sẽ nghe. Ai càng quát mắng, la lối thì họ càng im lặng và đóng tai lại. Có thể xem họ như cái bóng đèn để rồi có muốn lau chùi vết bẩn thì hãy lau cho thật êm ái, dịu dàng. Còn nếu không, cái bóng đèn đó sẽ vỡ ngay và làm tổn thương cả người giúp nó.
Ai có lòng muốn giúp người Jrai, phải thật sự kiên nhẫn, còn nếu không, lòng nhiệt tình chỉ làm bạn mệt mà thôi. Hôm nay bạn chỉ cho họ trải bạt ăn như thế này, giờ này, ở đây…nhưng hôm sau là họ quên ngay, họ sẽ trải theo ý của họ và mọi sự hỏng bét. Cho nên, phải nhắc liên tục, nhắc đến khi trở thành thói quen thì thôi. Người Jrai không để ý lắm tới những điều bạn nói, trừ phi bạn vừa nói vừa làm. Nếu bạn nói: “ Mọi người hãy trồng rau xanh đi, vừa đỡ tốn tiền, lại đảm bảo không thuốc sâu” thì chẳng ai làm đâu. Bạn phải đích thân trồng một vườn rau, người Jrai tận mắt nhìn thấy. Sau đó bạn tặng rau cho họ. Họ ăn thấy ngon lúc đó tức khắc họ sẽ trồng. Mà đã trồng là cả buôn đều trồng, nhà nào cũng có. Thế nên, muốn thay đổi điều gì nơi người Jrai, người giúp phải xắn tay áo lên mà làm và phải giúp lâu, giúp dài, giúp cả đời mới mong thấy kết quả.
Amai H’ Blan
—