Kỷ niệm về cha giáo Jean FAUGÈRE

 

 

 Ngày 20/6/1962 tôi được cha Giuse Bùi Đức Vượng-cha giáo ở chủng viên thừa sai Kontum-đưa vào chủng viện.

Năm đó tôi 11 tuổi, lần đầu tiên rời làng quê.Trước tiên cha dẫn tôi về Sàigòn, trụ sở địa phận Thái Bình ở Thị Nghè. Đây thật là một thế giới hoàn toàn mới lạ đối với tôi.Tôi lấy làm lạ:chỉ cần xoay cái nút ở trên tường là tự nhiên có ánh sáng.Vặn cái vòi ra là nước chảy ào ào.Một lần tôi vào nhà vệ sinh , nắm phải sợi giây, tôi hoảng hồn vì nước òa chảy-Hồi đó các bồn nước nhà vệ sinh đươc thiết kế trên cao, giật dây, nước xả xuống.

      Dài dòng như thế để các bạn hiểu được tôi “nhà quê” đến mức nào. Khi về đến Kontum tôi thực sự lạ lẫm.

Niên khóa 62-63 đó lớp chúng tôi nhập trường với con số kỷ lục: hơn 100, nên bề trên phải chia ra lớp 7B và 7B’.

Tôi học lớp 7B, đa số là dân Hà Lan “choa”, các bạn ấy chỉ mặt tôi và hỏi: “cu ni cu chi” làm tôi hoảng sợ.

     Tôi chưa một lần thấy người tây, nói gì đến tiếp xúc, gặp gỡ.Thế mà lúc này tôi gặp những ông cố tây, ông thì đầu láng bóng, không một sợi tóc , ông thì râu ria rậm rạp che kín cả mặt. Có một ông cố râu ria xồm xoàm, chỉ còn 2 con mắt mà lại đeo cặp kiếng gọng đen to.

Sau này tôi mới biết là cha Faugère.Ngài dạy chúng tôi Le Francais élémentaire.Ngài hỏi”két xơ cờ xé”, thì những Bài, những Thi , những Vân đều nhất loạt giơ tay.Tôi không hiểu mấy bạn này học ở đâu mà giỏi vậy Tôi , nửa chữ tây không biết, đành cúi mặt né tránh cặp mắt đen to kia.Đến phiên cha hỏi tôi , tôi chỉ biết cúi mặt , run đùng đùng. Ngài kéo nhẹ tai tôi và nói:” xe toóng li vồ” .Tôi chỉ biết lập lại như cái máy.

   Tôi nhớ mẹ và buồn rầu. Giờ ra chơi ,tôi thường ôm cây cột xát cái chuông cuối hành lang, phía Phương Nghĩa mà khóc. Tôi thực sự biết ơn cây cột vì nó đã chia sẻ những lo lắng và buồn chán của tôi.

     Trở lại việc học với cha Faugère, với sự yêu thương và tận tình hướngdẫn của ngài, dần dần tôi đã hiểu được tiếng pháp để theo kịp các bạn.

    Đến năm sixieme, tôi được phân công cùng với Bài, làm y tá phụ với ngài, mỗi lớp 2 người. Các lớp trên có anh Chuẩn, anh Oanh, anh Châu…Các lớp dưới có Bẩy sún (Rev Trần văn Bẩy, phân biệt với Bẩy tẹt) Sơn, Sĩ…

Mỗi tối , sau khi ăn cơm, chúng tôi phải vào phòng thuốc, cũng là phòng ngủ của ngài, để phát thuốc, thay băng, chích thuốc, lấy nhiệt độ, dọn vệ sinh, rửa bô…Cha hướng dẫn chúng tôi cách phục vụ anh em.

   Tôi nhớ Thạch , quê Phường Quý-sau này làm linh mục dòng Chúa Cứu Thế ở ngoại quốc-lúc đó bị đau tai và phải chích peniciline dầu, loại ống có sẵn kim, chích một lần rồi bỏ. Chích vào rất buốt. Thạch bị tôi chích nhiều quá, đến độ khi vào phòng thuốc ,Thạch thấy tôi là sợ.

     Một lần vào mùa lạnh , các chú xổ mũi nhiều, cha có loại thuốc xịt vào mũi. Xịt cho người này rồi cho người khác.Tôi vô ý để lọ thuốc gần mũi các bạn quá. Cha nói :”Làm như thế thì các chú lấy nhau”.

      Không thể nào nói hết về lòng yêu thương của ngài đối với các chú mà có lẽ mọi thế hệ học trò đều cảm nghiệm.

Sang năm thứ hai, 2 lớp septieme B+B’ chúng tôi gộp lại thành Septieme A, vẫn còn đông: 42 mạng. Mỗi lần cha trả bài tập, cha ôm cả chồng vở cao ngất ngưởng vào lớp. Mà hầu như không lớp nào mà không có bài tập.

Ngài dạy Grammaire Latine và Francaise bắt học luôn cả những Astérisque nhỏ tí dưới cuối trang.

Vốn Latinh chúng tôi có được là nhờ ngài bắt làm Version và Thème liên tục mỗi tuần. Mở đến nát tự điển Latin.

Ngài còn dạy chúng tôi Traduction- Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Ngài hiểu rõ nhiều thuật ngữ Việt Nam: Du sơn du thủy, danh lam thắng cảnh…Chỉ phiền một điều cha bỏ dấu không chuẩn. Tôi nhớ có lần dịch một bài về cuộc dã ngoại của lũ trẻ, cha đọc:…chúng nó vào chơi trong háng.(Xin Chúa tha tội cho cha).

 Ngài thức khuya để soạn bài , chấm bài và nhất là cho các chú bệnh uống thuốc ban đêm. Lâu dần thành tật mất ngủ đến độ về sau ngài phải uống thuốc ngủ mới ngủ lại được.

Ngày đó phòng các cha cũng chưa có toilette riêng. Cha có một cái thùng nhỏ hơn thùng tưới rau một chút và không có vòi tưới. Mỗi chiều ngài lấy đầy thùng nước đó về phòng để mỗi sáng rửa mặt , đánh răng, dùng cái thau tráng men để trên bệ cửa sổ quay ra sân bóng rổ phía sau. Vệ sinh xong thì hắt xuống sân bóng rổ (nền đất).

Thương các chú nằm phòng bệnh, có khi ngài còn chia sẻ phần dessert của ngài, khi quả chuối, lúc trái cam…

Không giống các chủng viện khác , chỉ có một cha Linh hướng. Ở chủng viện Kontum cũng như chủng viện Xuân Bích, các chủng sinh tùy chọn cha Linh hướng trong số các cha giáo. Năm nào số con Linh hướng của cha cũng trổi vượt. Ngặt một nỗi, mỗi khi hội đồng xét duyệt các chủng sinh dịp giữa năm và cuối năm, cha Linh hướng không được tham gia ý kiến về con linh hướng của mình. Nghe nói mỗi khi hội đồng biểu quyết cho con linh hướng của ngài về, ngài buồn và ngài khóc.

      Ngài rất yêu thương , nhưng cũng rất thẳng thắn-thẳng như tây. Một lần nọ , tôi chứng kiến Trịnh công Thưởng-sau đổi thành Trịnh hoàng Nam- bị đau tai.Đã chữa thuốc mấy ngày rồi nhưng không biết anh ta nghe ai bày mà lại rắc một thứ bột gì trắng trắng vào tai. Khi cha khám, cha soi tai, cha hỏi là cái gì. Anh ta ấp úng , nói là bột mai mực. Ngài bứt rứt, gãi đầu, bứt râu và đỏ bừng mặt…cơn giận lên đến cao độ cho đến lúc ngài thình lình bạt tai cho Thưởng một cái. Lúc đó ngài mới dần dần hạ hỏa và lại xoa đầu Thưởng: “voilà các chú”. Tôi đọc được tình thương bao la của một người bố : phạt đó, đánh đó nhưng cũng rất thương đó.

     Không biết ngài có ghi danh sách các chú phải khám phimosis ( tật hẹp da qui đầu, phải điều chỉnh bằng phép cắt bì) không.Nhưng mỗi tối khi số các chú tập trung xin thuốc đã vợi bớt, những bạn nào ở lại cuối cùng mà chưa được khám, thì thường đựơc mời lại. Ngài khép 2 cánh cửa ngăn phòng thuốc với nửa phòng bên ngoài lại và khi ngài nói : voilà các chú , thì bạn đó phải hiểu…

       Riêng về tật “Phimosis”này, ở Kontum , bác sĩ Faugere rất kỹ. Không biết các chủng viện khác có chú ý lắm không , nhưng nghe thuật lại ở Giáo Hoàng Học Viện, có một thày sáu , nghĩa là đến thần học 4 rồi mới bị phát hiện mang tật này và thế là phải đưa đi “cắt bì”. Có sự trùng hợp là sau khi thày chữa trị ít hôm, tới phiên thày giúp lễ và đọc bài Phúc âm trong thánh lễ:…

“…Thưa thày, thằng nhỏ tôi đau nặng, xin thày đến chữa lành cho nó…”.

    Bao nhiêu năm xa cách, hai chân trời xa vắng, giờ thì hai thế giới cách biệt, nhưng tôi vẫn luôn như thấy dáng ngài bước đi khom khom, chiếc áo dòng đen luôn vương bụi phấn.Trọn một đời với các chủng sinh yêu thương.

Đồng nai 9 tháng giêng 2008

Nguyễn Đức Lân –cvk 62