Không sao đâu (14)

VRNs (25.07.2012) – Gia Lai – Chỉ còn một ngày nữa là tới hội trại.

Từ đầu tuần, dưới Sài Gòn chuyển lên cho ama tivi, đầu máy, băng đĩa và đủ thứ dụng cụ khác để chơi một hội trại ra trò. Trong buôn, tối nào các bạn cũng kéo nhau tới nhà ama tập duyệt văn nghệ, hát hò tới khuya. Càng gần tới ngày, ba thầy càng bận rộn, phải chỉ cho nhóm này làm lều trại, hướng dẫn nhóm kia cách tập trung. Để cho chắc chắn ngày hội các bạn tự điều khiển được cuộc chơi, ba thầy phân chia nhau vào từng làng, hướng dẫn cặn kẽ những kỹ năng. Đám thợ xây phải làm việc ngày đêm cho xong nhà vòm để tới ngày hội có chỗ cho các bạn ngủ. Hội trại sẽ diễn ra trong ba ngày. Ngày kết thúc nhằm ngày mừng kính thánh Anphongso (01.08), quan thầy của giới trẻ Krông Pa. Dự kiến khoảng 500 – 600 bạn trẻ tham dự. Tôi lên sẵn thực đơn cho ba ngày, đặt hàng rau củ quả đâu vào đấy, ngày hội họ chỉ việc chở tới. Thanh niên trong làng kéo tới bổ củi, lợp mái bếp, thích nhất là họ đem tới cho tôi thêm năm cái nồi nấu cám heo phòng khi người ta đòi. Các ami lôi bát đũa chén đĩa ra rửa sạch sẽ, gác lên kệ đàng hoàng. Không khí rôm rả đến nỗi người già trong làng cũng xin chơi ké. Mọi sự đã sẵn sàng. Thì đùng một cái, tất cả đều tan thành số không tròn trĩnh.

Chiều hôm ấy, tôi ra Phùm Gi từ lúc bốn giờ, cố gắng làm cho xong vườn rau trước khi về lại Sài Gòn. Chập tối, thầy Vinh Sơn gọi điện báo:

–      Chính quyền cấm không cho tổ chức trại rồi em ơi.

Tôi nghe mà không tin ở tai mình:

–      Thầy nói cái gì?

–      Công an vừa xuống, họ nói ama không được tổ chức trại nữa.

–      Sao thế?

–      Họ nói chưa xin phép, không được làm.

–      Đó chỉ là cái cớ.

–      Đúng vậy. Họ sợ người Jrai tụ họp.

–      Giờ ama tính sao?

–      Tình hình có vẻ căng. Họ hẹn ama sáng mai chín giờ lên ủy ban xã làm việc.

Sáng hôm sau, ama lên ủy ban tới trưa mới về. Lúc về cầm theo một bản kiểm điểm. Thế là hết.

Công sức ama dựng nhà vòm đến lỗ cả mắt, hai má tóp lại, tóc bạc đi giờ chính quyền không cho ai tới chơi.

Công sức ba thầy huấn luyện ròng rã một tháng đổ sông đổ biển hết.

Công sức các bạn học hành chăm chỉ mong đến một ngày vui tan thành mây khói.

Người ta nỡ lòng nào đối xử với các bạn như vậy. Họ coi các bạn là gì mà ngay quyền vui chơi cũng không cho. Ác nghiệt nhất là họ để sát tới ngày rồi mới dẹp. Họ để cho các bạn phải vất vả chuẩn bị, ngược xuôi lo lắng, sắm sửa đủ thứ rồi tới lúc sắp được vui hưởng, họ tới và đạp đổ tan tành. Đây không phải là lần đầu (và cuối cùng) chính quyền cản trở hoạt động của Giáo Hội nhưng trên Tây Nguyên thì còn ráo riết hơn. Chẳng cần phải nói ra ai cũng biết đó là chủ trương chính sách của nhà nước. Và người Jrai cũng biết rõ như thế, nên thái độ của các bạn trước việc bị cấm chơi cũng không đến mức thất vọng tràn trề. Các bạn chỉ nói:

–      Không sao đâu. Họ không cho mình chơi cả huyện thì mình chơi từng buôn. Lo gì.

Đúng là tinh thần thảo mộc, nhìn mọi sự ở trần gian này chỉ là tạm bợ. Dù có chuyện to tát hơn xảy ra thì người Jrai cũng thấy “không sao đâu”. Ngay cả khi trong nhà không còn một xu mua gạo, thì họ cũng bình thản nói: “không sao đâu”. Đấy là chân lý của họ và họ sống y như vậy. Điều đó không có nghĩa là họ nhu nhược, hèn kém vì họ biết mình chỉ là đứa con ghẻ trong đất nước này. Họ chấp nhận chính sách của anh nhưng không phục tùng anh và trong lòng họ thì khinh anh chẳng ra gì. Ở đây, nếu cứ đụng chuyện là tức điên lên thì chắc cao tăng sông mà chết sớm thôi. Cho nên, “không sao đâu”. Không chơi cả huyện, thì ta chơi từng buôn, miễn sao tiếp tục được niềm vui và hy vọng đã thắp lên, đó mới là điều cốt yếu.

Các thầy chia bánh kẹo, quà cáp ra thành từng phần nhỏ. Bao nhiêu buôn là bấy nhiêu phần. Mỗi buôn đều có nhóm trưởng, đây là người đã được tập huấn kỹ càng. Chính người này sẽ quy tụ các bạn trẻ trong buôn lại và tiếp tục cuộc vui. Ama ban phép lành cho mọi người rồi các bạn lục tục kéo nhau về buôn của mình. Thôi nhé, hẹn gặp lại khi thế thời thông thoáng hơn.

Không có hội trại, mấy thầy và tôi thành ra “thất nghiệp”. Thế là anh em rủ nhau đi thăm các buôn làng gần đó, nhân tiện, cũng để chào mọi người ra về. Lớp học của tôi đã tổng kết mấy hôm trước. Tất cả là 73 em. Các em là những đứa học trò đầu tiên của tôi. Các em đâu biết rằng chính các em đã dạy cho tôi biết quý trọng từng ngụm nước, hột cơm và làm thay đổi con người tôi. Giờ đây, tôi sắp phải trở về thành phố ngột ngạt và bon chen. Tôi sẽ không còn được nghe tiếng cười trong trẻo của các em, cũng chẳng còn được nhìn thấy đôi mắt sáng như sao của các em. Nhưng tôi sẽ lưu ký các em trong tim như một mối tình đầu. Nếu muốn làm một cái gì đó vững bền cho các em, thì tôi phải về thôi. Phải về để tiếp tục đào luyện và tìm kiếm cơ hội trở lại.

Đứa bé tôi rất yêu quý

Thời gian của các thầy ở đây đã hết. Tôi cũng vậy. Tháng tám đã bước qua một ngày. Chúng tôi phải về thôi. Ama nói chúng tôi nên ở lại tới chủ nhật, hôm đó có đông đủ mọi người tới dự lễ, chào ra về như vậy phải phép hơn. Tôi tưởng chỉ thế thôi, hóa ra ama muốn giữ chúng tôi ở lại ăn bữa cơm chia tay với buôn làng.

Sáng hôm đó lễ xong, cả buôn không về như mọi bữa mà ở hết lại. Người này người kia lăng xăng nấu ăn tự nhiên như ở nhà mình. Mấy ami không cho tôi đụng tới chuyện bếp núc vì hôm nay tôi là khách. Khách không được phép làm gì cả, chỉ ngồi trên chiếu chơi thôi. Cuối cùng, người ta bê ra ba ghè rượu lớn, hai con gà nướng, lá mì xào, cà xóc, kiến vàng… Nhà nào có món gì thì bê qua món ấy. Cho nên, bữa cơm hôm ấy đủ mùi vị. Cầu nguyện xong, mọi người mời chúng tôi uống rượu cần. (Nếu không uống, người ta sẽ rất buồn vì nghĩ rằng mình khinh họ). Dường như ông trời cũng khoái mấy cái vụ uống rượu nên cho mưa phùn cả buổi chiều. Không khí se lạnh tự nhiên muốn cầm cái cần hút vài ngụm cho ấm người. Khi chúng tôi uống xong, mọi người trong làng mới uống, bắt đầu từ người già nhất. Sau đó họ bẻ đôi con gà ra, bỏ vào chén chúng tôi mỗi người một cái cẳng. Cuối cùng, họ đeo cho mỗi người một chiếc còng bằng đồng. Thì ra đây là lễ trao còng, người Jrai gọi là buh cong. Họ chỉ trao còng cho ai mà họ quý mến với hàm ý kết nghĩa anh em. Từ nay, họ xem chúng tôi là con cái trong làng. Còn chúng tôi, chúng tôi trở nên “người nhà” của cả buôn. Người Jrai đã dùng thứ tình cảm thiêng liêng nhất của con người, là tình thương gia đình, để diễn tả tình cảm của mình. Họ đặt vào chiếc còng lòng tin yêu như người cha, người mẹ luôn dõi bước theo con. Có sống với họ, hiểu văn hóa của họ thì mới thấy quý chiếc còng họ trao cho mình. Còn không, sẽ chỉ thấy nó giống như muôn vàn chiếc còng khác bán ngoài chợ và ta dễ dàng cho người khác.

Mọi người múa hát tiễn chân

Ama H’noel mang theo cây đàn ghitar, bây giờ có chút men mới bắt đầu dạo nhạc. Mọi người hứng khởi hát hò, vỗ tay phụ họa, nhảy múa xung quanh.Tôi uống một kang xong, mặt đỏ bừng, cảm thấy không ổn bèn xin phép vào phòng nghỉ trước. Bên ngoài, tiếng nhạc mỗi lúc một rộn ràng, cuồng nhiệt. Tôi thấy mình như đang trôi đi trên một dòng sông, hai bên bờ, người Jrai đứng mỉm cười vẫy tay chào.

Amai H’ Blan

Mùa thu 2011