Hôm trước, đọc bài “Kon Tum có gì lạ” phần 1 của Hai Lúa, cứ hiểu ngầm là còn phần 2. Nhưng chờ hoài chẳng thấy. Vậy là Tư Bời Lời mạn phép Hai Lúa viết tiếp vậy, cho nó sốt dẻo, kể mấy chuyện linh tinh lang tang nghe lóm được chỗ này chỗ kia, cũng đáng được gọi là chuyện lạ, vì nó không bình thường ở thế kỷ 21 này.
Nhà cầm quyền Kontum đang gấp rút hoàn thành mấy hạng mục xây dựng, để mừng 100 năm thành lập tỉnh (1913 – 2013). Một cái công viên to đùng đang hình thành khi vừa qua cầu Dak Bla : giao thông lộn xộn. Một sân vận động được xây mới, nhưng nghe đâu khán đài chính đang lún, nứt nhiều chỗ, nên nhà thầu đang “khắc phục”, nhân dân chưa được vào xem. Con đường nối liền Kontum – Pleiku đang được mở rộng, bao giờ xong thì có trời mới biết, dân ngu khu đen chỉ nên biết là bụi bay mù mịt, ngồi ê cả mông hơn một tiếng đồng hồ trên xe bus.
Ở Pleiku cũng vừa hoàn thánh cũng một cái công viên, đúng là vĩ đại, ngay khu Hoa Lư, cho xứng với bức tượng đồ sộ của lãnh tụ. Nghe đâu cái công viên ấy ngốn của ngân sách hết 200 (hai trăm) tỷ VND, tức là suýt soát 10 (mười) triệu USD. Tiền dân đóng thuế, thời buổi khó khăn, mà cứ như chuyện đùa. Nếu tính trung bình một ngày một người dân trong nước Việt nam này chi tiêu cho việc ăn uống 20 (hai mươi) ngàn đồng, thì có nghĩa là toàn thể nhân dân tỉnh Gia Lai (khoảng 1,5 triệu người) phải nhịn ăn 1 tuần lễ, để người ta lấy tiền ấy xây cho mình cái chỗ cho phép mình được nhẩn nha đi dạo, ngắm nhìn lãnh tụ đứng sừng sững trên cao,giơ tay chào bá tánh.
Tư Bời Lời nói 20 ngàn đồng / ngày, là nói mức trung bình của cả nước, chứ mấy em nhỏ học sinh người Thượng, như ở Plei Groi, Hơ Moong và nhiều nơi khác mà KMF đang giúp, thì tối đa cũng chỉ được có 10 ngàn đồng / ngày thôi. Một nồi cơm trắng, mấy gói mì tôm xào trứng, mấy con cá khô, đối với các em là đã “thịnh soạn” lắm rồi, ngon hơn ở nhà . . .
Các em học sinh ở đang đọc kinh trước bữa ăn. Chắc là các CVK đang nhớ kinh Benedicite
Lạ quá đi chứ, vì vào thời đại văn minh, ở một đất nước có hơn hai mươi ngàn tiến sĩ các loại, (tỷ lệ cao nhất Đông Nam Á). nơi mà một số lãnh đạo kiêu căng lạm xưng là đỉnh cao trí tuệ loài người, thì các em học sinh thơ ngây và dễ thương này
còn phải ngồi học chui trong những căn phòng tạm bợ như thế này đây :
(Hai Lúa nói là học chui, vì các Xơ người Thượng chưa bao giờ được nhà cầm quyền cho phép mở lớp, cả cái căn nhà đang xây cũng bị phá đi mất rồi. Hộ khẩu cũng không hề được cấp, giấy phép xây dựng thì đừng có mơ. “Người ta” muốn đuổi mình bao giờ thì đuổi. Cho đến nay “người ta” chưa đuổi là còn thể hiện “tính khoan hồng của đảng” lắm!}
Chỗ ngủ cũng chẳng khá gì hơn. Cứ tưởng tượng 12 em nằm chen chúc trên cái sạp dài 3 mét này. Vậy mà các em vẫn cười vui sung sướng. Không lạ sao được.
Mời đi thăm tiếp. Cái căn nhà tồi tàn này, trời mưa thì dột, trời nắng thì nóng hầm hập :
vừa là nơi ở, vừa là lớp học của hơn 60 em học sinh ở làng Plei Groi, cách trung tâm Pleiku khoảng 15 km.
Còn đây là nhà bếp, chẳng có tủ kệ, chẳng có vách ngăn, lại càng không có tủ lạnh tủ đông, thông từ trước ra sau, “gió muốn thổi đâu thì thổi” :
Vậy thì hơn 60 trẻ em, vốn được gọi là “tương lai của đất nước” ấy, sẽ rửa ráy ở đâu, đi “restroom” ở đâu ? Xin đừng hỏi, vì làm gì có cái “room” nào.
Còn gì lạ nữa không ? Còn chứ. Vì vẫn còn những ngôi nhà nguyện như thế này :
Và những căn nhà của dân ở như thế này :
Nếu ai đó cho rằng Tư Bời Lời “bôi đen, nói xấu chế độ”, thì xin mời lên xứ Ho Moong, huyện Sa Thầy mà xem tận mắt cho “bõ ghét”.
<Tư Bời Lời
Dân Kontum. 31/1/2013