MỘT GƯƠNG MẪU THÁNH THIỆN CHA GIÁO JEAN FAUGÈRE

MỘT GƯƠNG MẪU THÁNH THIỆN

CHA GIÁO JEAN FAUGÈRE

(1921 – 2007)

 

 

Trong Hội Thánh Công-Giáo, mỗi bậc sống có một linh-đạo riêng và đó là con đường Thiên Chúa muốn mỗi người đi theo, để nên thánh. Cuộc đời của mỗi Kitô-hữu không có lựa chọn nào khác: hoặc nên thánh hoặc thành ma qủy, theo Chúa hoặc theo Xatan. Linh đạo mà Cha Cố giáo sư JEAN FAUGÈRE đã lựa chọn cho mình và đã trung thành tuân giữ cho đến hơi thở cuối cùng, chính là dâng hiến cuộc đời để phụng thờ Chúa và phục vụ tha nhân, tôn thờ Chúa bằng tận hiến thân xác tâm hồn phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khó bất hạnh, cô nhi, bệnh nhân và nạn nhân của chiến tranh, nghèo đói. Chưa lúc nào trong cuộc đời tận hiến làm thừa sai, kể từ ngày bước lên nhận chức linh mục, Ngài nghĩ tới bản thân, dành cho mình thời giờ để nghỉ ngơi. Chưa bao giờ kể từ ngày 20 tháng 04 năm 1946 trọng đại ấy, Cha Cố Giáo Sư Jean Faugère ngưng lời tạ ơn Chúa bằng việc xác định vững vàng mục đích của đời sống tận hiến mà Ngài đã chọn lựa ôm ấp trìu mến: trung thành với Giáo Hội và nên “tất cả cho mọi người” (omnia omnibus). Lòng trung thành vô biên với Hội Thánh được thể hiện qua sự kính trọng và vâng phục tuyệt đối của Ngài đối với Đức Cố Giám Mục Paul Léo Seitz Kim, khi là người cộng tác của Cha phó xứ chính toà Hà Nội kiêm giám đốc Cô-nhi-viện Têrêxa năng nỗ thánh thiện từ năm 1949 và theo Vị Tân giám mục giáo phận Kontum đến vùng rừng thiêng nước độc Cao Nguyên Trung Phần (Tây Nguyên), coi sóc các em cô nhi theo Ngài vào Banmêthuột, rồi lại bàn giao tất cả để về phục vụ tiểu chủng viện cho đến ngày bị trục xuất về nước. Ý của bề trên là ý Chúa và chưa bao giờ có dù chỉ là một cái nhíu mày ngờ vực nơi Ngài. Ngài tuyệt đối vâng theo sự sắp xếp của những bề trên chủng viện, không lời phản đối cũng không hề do dự thắc mắc, vì những vị nầy được Vị Mục Tử Giáo Phận trao phó trách nhiệm và Ngài có bổn phận phải hết sức cộng tác. Nếu việc giảng dạy chiếm rất nhiều giờ giấc của Ngài, thì việc chăm sóc sức khoẻ cho con cái là hình bóng mà mỗi chủng sinh đều khắc ghi với vô vàn kính yêu biết ơn, khi Ngài không quản ngày đêm lo lắng cho các chủng sinh bị đau ốm hoặc chỉ là bị sai chân,trật khớp, va quệt khi nô đùa. Đó không chỉ là hình ảnh một Thầy Thuốc tận tâm, mà thật sự là tình yêu thương của một Người Cha, sự âu yêm vỗ về ấm cúng của bàn tay một Người Mẹ Hiền. Không ai quên được Người Cha – Người Hiền Mẫu ấy mỗi đêm không biết đã thức giấc bao nhiêu lần, đi sang phòng bệnh sát cạnh phòng ngủ cũng là phòng và giường khám chữa bệnh, cúi người nghe ngóng, đặt tay lên trán của từng đứa con đang bị bệnh, rồi nhẹ nhàng sửa lại màn, kéo lại mền đắp cho từng đứa con, để rồi chỉ vài tiếng đồng hồ lại không an tâm và lại diễn lại những động tác như thế, với tình yêu mến vô bến bờ. Tình yêu của một Người Cha – Người Mẹ Hiền ấy đã nuôi dưỡng và cho con cái chủng sinh lớn lên, thấu hiểu được ý nghĩa của vâng lời, của phục vụ, của hy sinh. Cứ mỗi năm học lấy đi của Ngài ít nhất 13 kí lô thể trọng và các linh mục thừa sai ở Nhà MEP 11,Nguyễn Du,Sàigòn đã quen thấy mỗi kỳ nghỉ hè, người ta đi đây đi đó, còn Ngài thì suốt ngày ăn và ngủ, nạp lại năng lượng để tiêu pha cho năm học sau, với công việc ngày càng bề bộn vất vả hơn, nhất là khi tuổi tác ngày càng chất chồng. Chưa khi nào có ai đó có thể nhìn thấy nét mệt mỏi nơi Ngài, cứ như là thân thể Ngài được tạc nên từ đá. Tên Việt của Ngài là CAO, Cố Cao, vì lúc ấy không mấy ai cao bằng hoặc cao hơn Ngài, nhưng nhất là do tâm hồn của Ngài: hết sức CAO THƯỢNG.

     Sinh ra tại vùng Thượng Sông Loire, Pháp, trong một gia đình nông dân, Cậu Jean Faugère là con thứ trong bốn anh em, gồm anh trai và hai em gái, với cuộc sống đơn sơ, nhưng rất đạo đức. Cậu Jean Faugère chào đời cách nay hơn 86 năm, vào ngày 19.09.1921. Sau thời gian học ở chủng viện giáo phận Le Puy, Càng thanh niên cao to Jean Faugère quyết định lên Paris, tới Rue du Bac, trụ Sở của Hội Thừa Sai Paris và xin gia nhập Hội để trở thành thừa sai đe Chúa đến cho những người dân ở Châu Á hoặc Châu Phi, theo bài sai của Bề Trên. Ngày 20.04.1946 là ngày trọng đại nhất đời Ngài, khi qua bề trên và giám mục gọi, Ngài trở thành tư tế của Chúa. Ơn gọi thừa sai càng nung nấu Ngài, cho đến đầu năm 1948, Ngài được sai sang Việt-Nam, nơi đã thấm máu tử đạo của rất nhiều thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Paris, tiền bối của Ngài. Ngài được sai về phục vụ giáo phận Thanh Hoá, nhưng khi gặp Ngài, linh tính cho Cha phó Chính Toà Hà Nội kiêm giám đốc Cô-nhi-viện Têrêxa biết không thể để vụt mất vị linh mục trẻ cao to nầy: nhiệt huyết, vững chải, trung thực hiện ra nơi ánh mắt vị linh mục trẻ và Cha giám đốc đang cần một người như thế. Sau nhiều lần điều đình với Đức Cha giáo phận Thanh Hoá Cooman Hành, Cha giám đốc vui mừng vì có được một phụ tá hết sức đắc lực,tận tụy và đáng tin cậy, người mà lúc ấy và sau nầy Đức Giám Mục tương lai của giáo phận Kontum có thể an tâm giao phó sinh mạng của cả cô-nhi-viện và nhiều công tác quan trọng khác.

 

   Đánh giá quảng thời gian 26 năm liên tục (1949 – 1975) Cha Cố Giáo Sư cộng tác với Đức Cố Giám Mục Kontum (1906 – 1984), người ta có thể dễ dàng tóm tắt trong những từ sau đây: KÍNH PHỤC – YÊU MẾN – VÂNG PHỤC. Và nếu phải nhận xét về đời sống và nhân đức của Ngài, thì câu nói của Đưc giám mục đương nhiệm giáo phận Kontum  MICAE HOÀNG-ĐỨC-OANH có thể nói lên tất cả . Quen biết, sống và làm việc hơn 4 năm (1971 – 1975) với Cha Cố Giáo Sư, Đức Cha Micae hết sức thán phục tính đơn sơ, sự thánh thiện, đức khiêm nhường, lòng tận tụy vô biên, cũng như sự hoà nhã, quảng đại trong cách xử đối với đồng sự đồng nghiệp của Cha jean Faugère và Ngài đã nhiều lần nói với nhiều người: “Cha Faugère mà không thành thánh, thì chẳng còn ai nên thánh nữa”. Đây là một nhận xét và đánh giá cao nhất về một con người.

    Là Thầy dạy của 14 thế hệ chủng sinh về các môn tiếng Pháp và la-tinh, tất cả các học trò đều nhận thấy sự tận tụy của người thầy Jean Faugère, không chỉ truyền đạt kiến thức, mà cón muốn học trò của mình nên người hữu dụng cho xã hội và nên tông đồ tương lai từ  1957 đến 1975, gương phục vụ quên mình của Ngài in đậm trong tâm trí của mỗi chủng sinh, để sau nầy phục vụ mọi người như cách Cha Cố giáo sư đã làm. Không chỉ là là Thầy Thuốc phần xác, Cha còn là Thầy Thuốc phần hồn, khi Ngài là Cha linh hướng của hơn một nửa chủng sinh các lớp vừa kể trên đây. Dù tiếng Việt của Ngài vẫn mang nặng âm ngoại quốc và không phong phú lắm về từ-vựng, nhưng Ngài đã cố gắng hướng dẫn mỗi con linh hương của Ngài với lòng yêu mến và muốn mọi điều tốt lành cho họ. Ai cũng thấy Ngài mất rá6t nhiều thời giờ cho việc linh hướng nầy, nhưng chưa bao giờ Ngài tỏ thái độ không sẵn sàng hoặc từ chối con cai đến gặp Ngài bất cứ vào lúc nào, ngoài giờ học.

   Cũng như Người Thầy và Người Bạn Giám Mục giáo phận Kontum của mình, Cha Giáo Jean Faugère không bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương thứ hai, không chỉ là nặng tình, mà Ngài đã xác định sẽ trọn hiến cuộc đời cho quê hương nầy, và ước mong sẽ nằm lại trên mảnh đất vô cùng thân yêu gắn bó nầy.  Nhưng Thánh Ý Chúa khác với tư tưởng và ước mong của loài người: Chúa muốn Ngài phải dứt bỏ cả mơ ước chính đáng nhất, để tiếp tục vác thập giá, với việc Ngài và Giám Mục của Ngài cùng các anh em Hội Thừa Sai bị trục xuất vào ngày lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, 15.08.1975, như để nhắc nhở Ngài rằng: đường về quê trời luôn là con đường hẹp, là từ bỏ ý mình và tuân theo Thánh Ý Chúa, điều mà Đức

Maria đã thực hiện và nên gương cho mọi người noi theo, để cũng sẽ được hưởng vinh phúc Thiên Đàng với Mẹ và như Mẹ. Về lại quê hương, Ngài được bề trên Hội giao cho công việc quản lý nhà hưu dưỡng. Không xa lạ gì với tính cách quảng đại, tận tâm và thân thiện của người anh em Jean Faugère, nhưng các linh mục hưu dưỡng ở Montbeton vẫn cảm động về con người luôn vị tha nầy. Quảng thời gian 20 năm (đến 1996) Cha Jean Faugère phục vụ là thời gian các Cha Già luôn hài lòng và được hưởng những quan tâm chăm sóc tốt nhất của bầu khí huynh đệ, sau thời gian dài phục vụ khắp nơi. Không ngừng nghĩ về con cái còn ở lại Việt-Nam, Ngài chấp nhận một chút méo mó sử dụng quyền quản lý, để giup đỡ những đứa con cần đên Ngài, cho những nhu cầu thiết yếu như ốm đau, lận đận ngặt nghèo. Số tiền Ngài ky cóp gửi về Việt-Nam không nhỏ.

   Năm 1996, ở tuổi 75, sức khoẻ có vấn đề mà công việc quản lý ngày càng đa đoan, Ngài đã xin hưu dưỡng tại chỗ và được bề trên châp thuận. Từ đó đến nay Ngài vẫn không ngừng liên lạc với con cái Ngài ở trong và ngoài nước, nhất là từ năm 2000, khi Internet bắt đầu phát triển ở Việt-Nam và đặc biệt là sau khi Đức Cố giám mục Paul Seitz Kim được Chúa gọi về năm 1984. Ngài trở thành điểm tựa cho con cái và nhận được sự kính trọng yêu mến không chỉ của các cựu chủng sinh trong và ngoài nước, mà của cả nhiều người có liên hệ với Ngài khi còn ở Việt-Nam, từ Hà Nội hoặc từ giao phận Kontum (Kontum – Pleiku – Banmêthuột). Sức khoẻ của Ngài xuống một cách nhanh chóng. Từ 3 năm qua, Ngài đã phải di chuyển (đúng ra là nhờ người khác giup di chuyển) bằng xe lăn và khó phát âm rõ ràng. Vài lần Ngài đã được dưa vào bệnh viện, khiến con cái khắp thế giới âu lo theo dõi và cầu nguyện cho Ngài. Kết cục ngày 11.12.2007 là điều con cai Ngài dự báo và lo lắng, nhưng đã xảy ra để Thánh Ý Chúa  được thể hiện trọn vẹn nơi Người Tôi Tớ Tín trung, nhưng bất cứ ai nhận được tin nầy, cũng đều bàng hoàng xúc động và rưng rưng nước mắt. Người Cha thân thương đã ra đi. Hạt Giống Chúa gieo đã  đơm bông dồi dào, để lại cho Hội Thánh nói chung, cho Giáo Phận Kontum nói riêng và nhất là cho con cái Ngài gương sáng đời sống KHIÊM NHƯỜNG và PHỤC VỤ.

  Lạy Thiên Chúa là Cha Chí Thánh, trong đau thương mất mát, chúng con cảm tạ Chúa vì đã chọn Người Cha – Người Thầy của chúng con nên Tôi Tớ Trung Tín của Chúa, để thực hiện Thánh Ý Chúa nơi Ngài, để cho chúng con nhìn và học hỏi nơi Ngài lòng yêu mến, đức khiêm nhường, sự hy sinh và vị tha để phục vụ Chúa,Hội Thánh và tha nhân. Nếu phải tóm tắt đời Cha Giáo trong một từ, thì đó là : THÁNH THIỆN; nếu được tóm tắt cuộc đời trần thế của Cha Cố giáo sư trong hai từ, thì đó là: HY SINH – KHIÊM NHƯỜNG; nếu cần gói trọn cuộc đời phục vụ và thừa sai của Ngài trong ba chữ, thì đó là : YÊU THƯƠNG – QUẢNG ĐẠI – VÂNG PHỤC. 

Giuse Nguyễn Thế Bài