Nhớ về Kontum

 

Thầy mẹ và các anh chị tôi nói tôi sinh ra ở Vinh, nơi có cam Xã Ðoài thơm ngon nổi tiếng. Ðược ăn hay chưa, tôi cũng không nhớ, vì lúc mẹ gánh vào Nam, năm 1954 tôi mới chừng 4, 5 tuổi, chả biết gì.

Tầm Hưng, Phan Thiết là nơi tôi học lớp vỡ lòng, khi đó đã già rồi : khoảng 8 tuổi. Gia đình tôi lại di dân lần nữa lên Dakmil, Banmêthuột. Tôi định cư ở đây cho đến ngày đi tu năm 1964.

Giấy thế vì khai sinh lúc đầu ghi NGUYỄN DUY SỸ, sinh năm 1952. Thấy già quá, cha BT Lộc cho sinh lại (1954) để làm học bạ hợp lý hơn, vậy là trẻ lại được khoảng 6 tuổi. Thật ra năm nay đã ngấp nghé lục tuần rồi!

Hè lớp nhì (lớp 4 bây giờ), thầy tôi mất, thi xong tiểu học, mẹ nộp đơn cho tôi tuyển sinh vào tiểu Chủng viện Simon Hòa, Dàlạt. Thi trật, vì chữ viết xấu quá ! Học môt năm đệ thất trường làng, mà cùng lớp giờ đây còn có Nguyễn Văn Thọ, hiện ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Rồi chẳng biết mẹ xin thế nào mà, năm sau, cha xứ lại cho đi Kontum, khi đã xong đệ thất. Vì Kontum không cần thi tuyển. Khoảng tháng 6 năm 1964, bảy tám đứa con nít Ðức Minh (Dakmil), gồm Phạm Trọng Ðậu (ở Mỹ), Nguyễn Tiến Dục (đã từ trần ở Sàigòn), Ðặng Hồng Loan (ở Dakmil), … và Nguyễn Duy Sỹ được hai đàn anh Ðinh Bạt Kiêm và Nguyễn Ngọc Tâm (Cha Tâm-ở Mỹ) dắt đi. Lần đầu tiên ra tỉnh, chẳng biết gì, quê một cục !

Ðến Kontum, thấy mấy Cố Tây, râu xồm xoàm sợ quá ! Rồi khóc vì nhớ nhà. Bệnh, vô nhà thường, Cố Cao vuốt đầu:”Không sao sốt, từ từ sẽ hết nhớ nhà”. Tôi còn nhớ, ngày thi xếp lớp 7 B và B’, các thầy Khoái, Sách, Ðông (nay đã làm cha) cho dịch bài “Mon petit frère “. Nhiều bạn dịch ngon lành là “Ngày tựu trường “. Quá thông minh !

Cuối năm học, Nguyễn Tiến Dục bị đuổi về, Ðặng Hồng Loan đúp lớp (redoublant), Phạm Trọng Ðậu chuyển qua chương trình Việt, mình tôi lên 7A với Nguyễn Văn Thọ, cùng quê Dakmilâ, nhưng khác xứ đạo.

Khoảng giữa năm 7A, không biết ai chọn tôi vào làm y tá với Toàn “võ sĩ”, quê Hà Lan B, hiện ở Thống Nhất, Ðồng Nai. Ngày đầu tiên vào là đi đổ bô, lấy cơm, lấy cháo,… hình như năm đó anh Châu, Châu Sơn làm y tá trưởng. Lớp 62 : anh Bài và anh Lân. Lớp 63 : anh Sơn “vọi” (đã từ trần) và anh Bảy (cha Bảy).

Rồi cha Cao dạy cho băng bó, ngài dạy: băng ngón chân cái thế nào cho chắc để các chú còn đá banh được và chích thuốc. Chích thịt (intramusculaire) ở mông, ngài dạy chia mông ra làm 4, lấy phần trên bên ngoài, để tránh thần kinh làm liệt chân; đâm kim vào, thử xem có máu không, vì nhiều loại thuốc dạng dầu sẽ từ từ tan trong thịt, còn nếu đi trực tiếp vào tim (có máu, tức đã trúng veine) sẽ làm nghẹt artère coronnaire và chết ngay! Tôi còn nhớ Toàn “võ sĩ” bóp bể ống bi “hỏa tiến”, (quá mạnh! Peniciline dạng dầu, trong ống thủy tinh có kim sẵn, chích vào rất đau). Cha Cao “Ồ” một phát. Từ đó Toàn “võ sĩ” quê luôn, ít vào nhà thương học thêm. Tôi, vốn siêng năng và có khiếu chích choác, băng bó, nên được cha Cao thương và tin dùng. Năm anh Bài đi Dàlạt, thay vì giao chìa khóa cho anh Sơn hoặc anh Bảy, ngài giao cho tôi, nghiễm nhiên đặc cách làm y tá trưởng. Nếu không lầm, lớp 65 y tá là anh Ðích (Cha Ðích, Singapore)- và Tư Thomas (Tư “Ðực”) – hai người cùng vào năm 1964, nhưng đúp lớp (vì lúc vào năm 1964 lớp có hai Tư: Tư Giuse là Tư “cái”, Tư Thomas “Tư Ðực “, để phân biệt). Lơp 66 là anh Tuyền (Daktô) và anh Tâm (Châu Sơn), Lớp 67: Phúc và Thượng. Lớp 68 : không biết.

Các anh bên gia đình Têrêxa cho tôi biết cha Faugère trước khi đi tu là một võ sĩ quyền anh, hèn chi mấy cú “thêm sức” của Ngài tóe đom đóm. Nhưng ngược lại, ngài xem các chú như là con ngài. Bất cứ ai bệnh tật, ngài đều lo lắng. Chú nào nhức đầu, ngài tìm cho được nguyên nhân : Thử nước tiểu, xem phân qua kính hiển vi tìm giun sán, chở đi Quy Nhơn khám mắt, …. Khoảng lớp đệ lục, đóng cửa khám để cho đi “cắt bì”. Nào dạy học, nào lo nhà thương, làm cha linh hướng, con ngài rất đông, vì tính ngài tuy nóng nhưng rất hiền lành, các chú thích chọn làm linh hướng. Ðêm nào ngài cũng thức khuya chấm bài, cho uống thuốc, lấy nhiệt độ, dọn bài. Không môn nào vất vả bằng chấm bài francais, ngài phải rán đọc xem học trò mình muốn nói cái gì mà sửa cho ra câu cú. Ðể đoán được ý thì phải đọc tới đọc lui, rất mất thì giờ. Vì vậy, khoảng năm 1967, ngài đã bị nám phổi.

Do lấy nhiệt độ bằng đường hậu môn, lấy xong, vuốt râu rồi lại xoa đầu:”Bon ! Bon!, không sao sốt !”. Vì vậy, ngài rất hay bị lây bệnh tiêu chảy của các chú.

Khoảng năm 1967, anh Thiệp, em anh Thại 65 (quê Ban Mê thuột) bị đột tử trên nhà ngủ A, ngài rât buồn và cảm thấy đó là trách nhiệm của ngài. Vì vậy, kể tử đó, thỉnh thoảng ngài lên nhà ngủ kiểm tra, chú nào bệnh mà không vô nhà thương năm, ngài thấy được là a lê hấp, một cú “thêm sức” thấy mười ông sao ngay! Hai trường hợp được ngài ban “thêm sức”: làm bài không nháp và bệnh mà nằm trên nhà ngủ. Nhưng ai nhanh chân chạy cho lẹ ra khỏi nhà ngủ là ngài nguội ngay. Tôi còn nhớ, lần bị sốt nhức đầu, tôi ngủ quên trên nhà ngủ, đang lim dim thấy bóng ngài đang đưa bàn tay chạy tới, tôi vọt lẹ ra cửa, ba chân bốn cẳng chạy xuống nhà thương. Tôi trùm mền năm chờ, hý mắt ra chẳng thấy ngài đâu cả. Chú nào bị bạt tai, thì trưa hoặc tối đó thế nào cũng được ăn phần dessert của ngài.

Ngài rất khắt khe trong việc cho uống thuốc đúng giờ và đúng liều, nhất là trụ sinh, để tránh lờn thuốc. Do đó, ngài là người phải canh đồng hồ hoặc phải làm việc chờ đến giờ cho uống thuốc. Có đau ốm vô nhà thương mới cảm thấy tình thương của ngài. Mà hầu như suốt bằng ấy năm ở chủng viện, ai mà chẳng một lần ốm đau, cho nên ai cũng cảm nhận được tình cảm bao la của ngài.

Ðối với ngài trách nhiệm là trên hết. Có một lần, ngài mới lệnh cho tôi chọn và mài kim (thời xưa sao mà ít kim chích thế, nay thì sử dụng xong rồi bỏ) để ngày hôm sau đi chích ngừa cho các nữ tu ở Vinh Sơn (Phương Nghĩa) và Foyer. Thấy tôi còn loay hoay trong phòng y tá, cha BT Lộc la:” Lợi dụng nhà thương để trốn đọc kinh !”. Tôi khóa cửa phòng. Ngài chận đầu và hỏi:”Con làm xong chưa mà bỏ đi ?” Tôi thưa:” Cha BT la!”. Ngài nổi nóng bắt tôi vô tiếp tục công việc và đi kiếm cha BT. Hai vị “choảng nhau” ngay hành lang giữa lớp 4e và 5e .

Trong thời gian làm y tá, vất vả nhất là lần một chú (lóp 67 thì phải) lên lầu xem bắn nhau hướng phi trường, một viên đạn lạc ghim vào đầu gối. Mấy ngày hôm sau mỗi lần đi nấp phải khiêng nguyên giường đi, vì không có bang ca gì cả. Y tá khiêng giường đi trước, cha Cao cúi đầu theo sau chỉ đạo. Kỷ niệm khó quên là hai cha con chở nhau đi trong làn đạn Mậu thân (như có lần tôi đã viết) để đến bệnh viện tỉnh chích thuốc và băng bó người bị thương. Mỗi lần nghe súng nổ, ngài cúi rạp người trên vô lăng tránh đạn. Rất may là không có viên đạn lạc nào. Tôi nghĩ dại:”Ngài to con hơn mình, sắc suất trúng nhiều hơn, nếu có xảy ra, tôi không biết xử trí ra sao với chiếc deux chevaux!” Tôi nói với ngài:” Cha cúi xuống, trúng đầu, nguy hiểm hơn, thà để trúng ngục, không sao !”. Dầu vậy, ngày hôm sau hai cha con vẫn đi, vì các y tá bệnh viện đã chạy loạn hết rồi, chỉ còn các Bà Xơ đa phần bị dị ứng vời peniciline. Nhiều người bị thương rất nặng, phải chích morphine để giảm đau. Công việc vất vả nhất là nhét và tháo compress tẩm trụ sinh nơi vết thương. Làm nhanh thì bệnh nhân đau, làm chậm thì sẽ không kịp.

Lên Dàlạt và khi rời chủng viện hai cha con vẫn liên lạc với nhau bằng thơ tờ. Biết tin tôi không còn tu, ngài viết:” Je suis très peiné quand j’ai su que tu ne poursuis plus le chemin saccerdotal, mais quelques laics servent le Christ mieux que certain prêtre !”

Năm 1975, tôi ghé thăm ngài ở 11 Nguyễn Du, Saigon, ngài vẫn nhớ và thỉnh thoảng lại cho tôi tiền. Tôi hỏi ngài cha tính sao? Ngài trả lời đang xin chính quyền quân quản trở lại Kontum. Lúc ngài bị trúc xuất về pháp, tôi không biết để tiễn chân ngài, nhưng anh Cao Văn Thành, lop 62, cho hay ngài khóc rất nhiều, vì ý định của ngài là phục vụ và chết trên quê hương Việt Nam này, bên cạnh những người con, người học trò của ngài.

Và từ đó tôi hết hy vọng sẽ được găp lại ngài. Nhưng rất may, nhờ anh chi Hai Thoại tôi đã đến Montbeton tháng 8/2004 bên giường bệnh. Và một lần nữa, ngài đã khóc khi từ giã học trò, vì ngài biết chắc rằng đây là lần cuối cùng cha con găp nhau! Những lúc còn khỏe, ngài trả lời rất nhanh các e.mail. Câu thường hay gặp nhất là cha không quên cầu nguyện cho các học trò của cha.

Xin mượn lời anh Bài 62 để kết:

Nếu phải tóm tắt cuộc đời Cha Cao trong một từ, thì đó là : THÁNH THIỆN.

Nếu được tóm tắt cuộc đời của Ngài trong hai từ, thì đó là: HY SINH – KHIÊM NHƯỜNG.

Nếu cần gói trọn cuộc đời phục vụ vụ thừa sai của Ngài, thì đó là:

YÊU THƯƠNG – QUẢNG ĐẠI – VÂNG PHỤC.

 Sàigòn, ngày 12 tháng 1 năm 2008

(Mùa Giáng sinh )