Những âu lo của Đức cha Paul Seitz (Kim) về số phận đồng bào Thượng Tây Nguyên đang trở nên hiện thực
“Các Dân tộc ở Cao Nguyên giờ đây đang đi đến một khúc quanh lịch sử mà theo tôi nghĩ sẽ quyết định cho tương lai của họ: hoặc là chết vì bị đàn áp và tuyệt chủng hay là sống nhờ sự tiến hóa và Kitô hóa.” (Trần Sĩ Tín, C.Ss.R., Hạt Giống Kitô trên Đất J’rai, (NXB. Tôn giáo 2009), tr. 306-315)
Đó là tâm sự của Đức cha Paul Léon Seitz Kim, Giám mục Giáo phận Kontum, ngay sau khi ngài được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục Tông tòa Kontum năm 1952.
Đức cha Paul Seitz (Kim). Ảnh: Giáo Phận Kontum
Từ Hà Nội đến Kontum
Đức cha Paul Léon Seitz Kim sinh ngày 22 tháng 12 năm 1906 tại thành phố Le Havre (Seine-Maritime), giáo xứ Notre Dame, địa phận Rouen (hiện nay thuộc địa phận Le Havre), nước Pháp.
Ngày 3/7/1937, vừa chịu chức linh mục xong, ngài được bài sai qua Đông Dương, trực thuộc Địa phận Tông Tòa Hà Nội.
Sau thời gian học tiếng Việt ở Kẻ Sở, năm 1939, ngài được bổ nhiệm làm cha Phó nhà thờ lớn Hà Nội. Những năm tháng mục vụ tại Hà Nội, ngài được ví như thánh Vinh Sơn Phaolô của Hà Nội. Ngài thành lập trại hè cho thanh thiếu niên, sau đó biến trại hè thành Trung Tâm Đón Tiếp những trẻ em bị bỏ rơi, còn gọi là Viện Cô Nhi Thánh Têrêxa, tọa lạc tại Ấp Thái Hà.
Ngày 19 tháng 06 năm 1952, Đức Thánh Cha đặt ngài làm Giám Quản Tông Tòa địa phận Kontum, và Giám Mục hiệu tòa Catula.
Ngày 03 tháng 10 năm 1952, tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, ngài được tấn phong giám mục qua sự đặt tay Đức cha Dooley, Khâm sứ Tòa Thánh; hai vị phụ phong là Đức cha Khuê, Giám quản Tông Tòa của Hà Nội và Đức cha Piquet, Giám quản Tông Toà của Qui Nhơn.
Ngài đặt chân tới Kontum ngày 02 tháng 11 năm 1952 và lễ nhậm chức được cử hành tại nhà thờ Chính tòa.
Đức cha Paul Seitz và các trẻ em ở Hà Nội. Ảnh: Hontum Quê Hương Tôi
Đau đáu nỗi lo cho số phận đồng bào dân tộc
Bốn ngày sau khi về nhận sứ vụ, ngày 6/11/1952, Đức cha Paul Seitz Kim đã lập tức trình bày đường hướng mục vụ của ngài, trong đó, vấn đề mà ngài lưu tâm nhiều nhất chính là số phận của các anh chị em các sắc tộc vùng Tây Nguyên.
Trong lá thư gửi cha Giám Phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Louis Roy, ngày 14/3/1953, xin Nhà dòng mau chóng lên lập dòng tại Giáo phận Kontum, Đức cha nói lên nỗi lo âu và mong ước của ngài:
“Các Dân tộc ở Cao Nguyên giờ đây đang đi đến một khúc quanh lịch sử mà theo tôi nghĩ sẽ quyết định cho tương lai của họ: hoặc là chết vì bị đàn áp và tuyệt chủng hay là sống nhờ sự tiến hóa và Kitô hóa.
Những điều kiện đặc biệt, nhất là về mặt địa lý và lịch sử đã cho phép họ tồn tại và vẫn còn là một bộ lạc nguyên thủy có từ thời đồ sắt cho đến giữa thế kỷ XX. Những hoàn cảnh đó, có lẽ trải qua nhiều thiên niên kỷ, như một “Vạn lý Trường thành” khó mà vượt qua. Nhưng, vào nửa thế kỷ vừa qua, nhất là từ vài năm trở lại đây, bức tường đó đã sụp đổ.
Từ nay, những bộ lạc này, ước tính có khoảng một triệu người, dù muốn hay không, họ bị lấn át một cách tàn bạo bởi những làn sóng của những nước văn minh.
Sự xâm nhập của các thừa sai năm 1850, sau đó là sự tiếp quản của chính quyền thuộc địa, cuối cùng là hành động chính trị sát nhập Tây Nguyên vào lãnh địa đế quốc kéo theo sự xâm nhập ồ ạt của người Việt, làm cho những bộ lạc đó, giờ đây, bị kéo vào một dòng chảy lớn sẽ dẫn họ đến sự sống hoặc cái chết, tùy thuộc vào các lực lượng liên quan, trong trường hợp này, các vị Lãnh đạo Giáo hội có ý thức về trách nhiệm của mình không?
Gần đây, kế hoạch nhập cư người Việt nhằm phát triển vùng này đang được thực hiện. Việc nhập cư này là một con dao hai lưỡi. Nó sắp đặt lại các hiện tượng tự nhiên và lịch sử: dân tộc năng động và mạnh nhất sẽ dẫn đến cái chết của dân tộc yếu nhất. Đó là một sức mạnh mù quáng mà chúng ta có thể sợ mọi chuyện nếu chúng ta để cho nó diễn ra mà không để lý trí, một lý trí được soi sáng bằng niềm tin và con tim, can thiệp.
Tôi cùng với tất cả các thừa sai đều nghĩ rằng, người thượng có quyền sống; rằng có đủ không gian trên vùng đất bao la này để tất cả mọi người cùng chung sống; hơn thế nữa, rằng có khả năng và cả sự quan tâm để những người thượng từ từ sáp nhập vào dân tộc Việt Nam. Đây là một công việc dài hơi, trong đó, Kitô giáo phải nắm thế chủ động, giống như vào thế kỷ thứ VI, dưới ảnh hưởng của men Kitô giáo, đám đông các bộ lạc man rợ đã phá vỡ thế giới “Gallo – Roma” hợp nhất, để làm thành những quốc gia mới và làm phát sinh một nền văn minh Kitô giáo cao thời Trung Cổ. Đối với tôi, sẽ không thể chịu đựng được nếu nghĩ rằng những người “Mọi” kia sẽ có thể giảm thiểu trong một vài thập niên, đi đến tình trạng phải “bảo tồn”. (Hết trích) (Ibid.)
Đức cha Paul Seitz và một người Thượng Tây Nguyên. Ảnh: Kontum Quê hương tôi
Trước số phận được dự báo là sẽ bi đát của đồng bào Thượng nếu không gấp rút Kitô hóa, ngoài việc thành lập Dòng Nữ Vương Hòa Bình, mời các Hội dòng, mở các trường học, đưa con em các dân tộc đi học các chuyên ngành khác nhau… ngài còn mua lại hoặc mở các bệnh viện, mời các y tá, bác sĩ ngoại quốc cộng tác nhằm chăm sóc sức khỏe thể xác cho đồng bào các sắc tộc trong vùng.
Tiếc rằng, chiến tranh làm cho các dự phóng của ngài bị ngưng trệ. Ngày 15/8/1975, ngài bị trục xuất khỏi Việt Nam sau khi đã âm thầm phong chức Giám mục cho Đức cha Alexis Phạm Văn Lộc. Ngài là vị Giám mục người Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam.
Ảnh: Kontum Quê Hương Tôi
Hãy đứng thẳng – thời của những “chú chó câm”
Sau khi về Pháp, nỗi nhớ quê hương Việt Nam, quê hương đích thực của ngài, làm ngài không nguôi nghĩ về những đồng bào Thượng.
Thời gian này, ngài viết hai đầu sách có tựa đề ” Des Hommes Debout – Những người đứng thẳng” và ” Le Temps des chiens muets – Thời của những chú chó câm”.
Trong cuốn “Thời của những chú chó câm”, lấy lại lời khiển trách nặng nề của tiên tri Isaia với hàng lãnh đạo Do Thái sống bê tha, bỏ bê trách nhiệm… ngài mời gọi các mục tử hãy can đảm nhìn thẳng sự thật, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi cho những con người cùng khổ, lưu giữ lại “hồn cốt” là sức sống văn hóa của các sắc tộc, Kitô hóa họ, giúp họ thăng tiến trong chính nền văn hóa ấy.
Về phần anh chị em các dân tộc nói riêng, trong cuốn “Những con người đứng thẳng,” ngài cho thấy, mỗi người phải tự mình đứng lên, vì sẽ không ai cứu được mình nếu mình không chỗi dậy. Một cách cụ thể, trước những giao động do văn hóa, do trào lưu tân tiến sẽ gây nên cảnh mất đất, mất nhà, mất bản sắc.. trong tương lai, cho nên phải: “thích nghi với Thế Giới đang chuyển động nhưng đừng làm mất tâm hồn” và “Ngay lúc này phải gieo, nhưng phải kiên nhẫn đợi chờ“. Chỉ có một con đường “sống hay chết, thẳng tiến hay diệt vong”.
Thật đáng tiếc, những lo âu trên đây của Đức cha Paul Seitz dường như ít được mọi người lưu tâm và hôm nay, trên các bản làng Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên đang ngày càng mai một.
https://phailamgi.com/threads/nhung-au-lo-cua-duc-cha-paul-seitz-kim-ve-so-phan-dong-bao-thuong-tay-nguyen-dang-tro-nen-hien-thuc.2442/