Rừng thiêng nước độc (12)

Rừng thiêng nước độc (12)

Đăng bởi cheoreo1 lúc 2:57 Sáng 23/07/12

VRNs (23.07.2012) – Gia Lai – Trước khi qua Phùm Gi dạy học, tôi đã thích nghi được với môi trường nơi đây, đã quen với cái nắng cháy da và cách sinh hoạt của người Jrai. Nhưng cuộc sống ở Phùm Gi lại là một cuộc sống hoàn toàn khác.

Ở Phùm Gi, người ta tắm ngoài sông Pa. Họ mang theo quần áo để thay, xà bông để giặt và những quả bầu khô để lấy nước. Tắm xong, phụ nữ thường thay đồ ngay tại bờ sông nhưng rất kín đáo. Họ dùng ngay cái bành eng (cái váy) mà mình sẽ mặc lồng vào người, và cứ thế từ từ trút quần áo ướt ra. Đồ dơ giặt tại bờ sông, xong xuôi đem về nhà phơi mà thôi. Lần đầu tắm ở đây tôi không biết. Chẳng mang quần áo theo, cứ thế nhảy xuống sông. Lúc lên thấy người ta thay đồ tại chỗ mới té ngửa. Tôi chạy về nhà ami H’hot thay đồ xong lại phải chạy ra sông giặt đồ vì nhà ami chỉ đựng nước trong mấy quả bầu, nước này dùng uống và nấu ăn thôi. Cũng vì tắm nước sông Pa mà tối hôm đó tôi bị dị ứng, nổi mẩn đỏ khắp người, ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Đời tôi chưa biết thế nào là dị ứng. Đây là lần đầu tiên nên cũng hơi sợ. Tôi liền gọi điện cho anh bạn bác sĩ nhờ chữa bệnh từ xa. Anh khuyên không nên tắm sông nữa và phải chú ý cách sinh hoạt của người dân. Thế là từ hôm đó tới cuối tuần, tất cả là năm ngày, tôi không được tắm. (Vậy mà chiều nào cũng ra sông nhìn người ta tắm mới…ngứa ngáy chứ). Phải công nhận rằng ở dơ là một cảm giác rất stress. Đến khi về lại nhà ama, việc đầu tiên tôi làm là đi tắm một cái cho nhẹ người. Như thế, đủ biết nước sông bên Phùm Gi đã không còn trong sạch nữa rồi, vì bên nhà ama, tôi cũng tắm ngoài sông pa mà có bị gì đâu.

Cũng liên quan đến nước, mà hôm sau tôi bị tiêu chảy một trận. Chuyện là người Jrai sau khi lấy nước từ sông về, không nấu nướng chi hết, cứ để nguyên trong trái bầu, khi nào uống thì mở nắp ra tu một hơi no bụng thì thôi. Người lớn con nít đều uống thế cả. Nước tôi mang theo hết sạch. Giờ khát quá, tôi cũng bắt chước bọn trẻ uống một ngụm. Uống xong chừng một tiếng sau là biết lợi hại của Phùm Gi liền. Tào Tháo rượt sau lưng chạy không kịp. Khổ nỗi, nhà của người Jrai không có toilet. Với họ, cả đất trời là nhà vệ sinh. Tôi loay hoay mãi mới tìm được một lùm cây, vừa ngồi xuống thì ôi thôi, một đàn heo không biết từ đâu ào tới. May mà chưa bị chúng húc.

Thấy uống nước sống không được, tôi bèn đun nước sôi uống cho an toàn. Sau một ngày uống nước đun sôi, tưởng là đảm bảo rồi, thì một sớm mai thức dậy, cả người tôi cứng đơ như đổ bêtông. Bàn tay sưng phù và cầm cái gì cũng không thật. Các khớp đau nhức như vừa bị một trận đánh tơi bời. Hoảng quá, tôi lại gọi điện cho anh bạn bác sĩ. Anh nói rằng có thể tôi bị ngộ độc chì hoặc viêm nhiễm hô hấp, tốt nhất là không nên uống nước đó nữa. Mặc dù tôi đã đun sôi nhưng những hợp chất kim loại nặng vẫn còn trong nước. Người trong buôn uống quen rồi thì không sao, chứ cơ thể người nơi khác tới chắc chắn sẽ phản ứng chống lại. Anh bạn nhắn cho tôi một toa thuốc nói ngày uống hai lần. Tôi gọi điện cho anh Wiêng nhờ anh mua thuốc và nhờ chở ra Phùm Gi cho tôi một thùng nước giếng. Nhưng ở Ia R’sươm không có đầy đủ những thứ thuốc như anh bạn bác sĩ dặn, tôi đành phải uống tạm vậy.

Nhà Ami Hot, nơi tác giả ở và cũng là lớp học của trẻ

Kết quả của việc uống tạm là tôi bị sốc thuốc. Người tôi co giật từng cơn, bệnh tình cón trầm trọng hơn cả trước khi uống. Thấy thế, tôi không uống thuốc nữa, mà cố gắng uống thật nhiều nước để thải chất độc ra ngoài. Nhưng ngay cả khi đã uống rất nhiều nước, cơ thể tôi vẫn nóng bừng bừng, cổ họng lúc nào cũng khô ran, đau rát. Đôi môi nứt nẻ. Da dẻ xù xì, trông thảm hại vô cùng. Thêm vào đó, nhà sàn của ami H’hot mái rất thấp, cái nóng ban trưa đổ xuống không khác gì một lò nướng. Mấy ngày sau tôi sốt mê man từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, lúc nào cũng thấy hừng hực, chẳng biết nóng từ trong người phát ra hay từ mái tôn dội xuống.

Tôi không dám nói cho ami H’hot biết là tôi bị đau để ami H’hot khỏi lo lắng. Chính ami cũng đang bị đau tùm lum, chẳng nên để ami phải gánh thêm cái đau của tôi làm gì. Ami thương tôi lắm, nên trước khi đi làm, ami nấu cho tôi một nồi cơm, chiên thêm trái trứng gà để đấy rồi đi làm tới chiều mới về. Tôi ở nhà một mình. Cô đơn và buồn bã. Bệnh tình khiến cổ tôi đau rát, miệng nhạt nhẽo chẳng muốn ăn gì, gặp cơm khô rời rạc không tài nào nuốt đi được. May mà hôm qua đây, tôi mang theo hũ muối mè. Vậy là suốt mấy ngày bệnh, tôi chấm cơm với muối mè ăn qua ngày.

Cơm Jrai

Buổi tối tôi vẫn dạy học bình thường nhưng bệnh tình khiến tôi có lúc không chu toàn trách nhiệm được. Có hôm mệt quá, tôi cho nghỉ sinh hoạt. Bọn trẻ đứng tần ngần dưới sân ngóng lên một hồi rồi lặng lẽ ra về. Tôi cảm giác mình vừa rút lại món quà đã hứa cho các em. Tôi giận mình yếu ớt không có được sức khỏe dẻo dai để phục vụ và càng buồn về sự ngu dốt của mình. Tôi nghiệm ra một điều (dù muộn màng) rằng, nếu muốn giúp người khác, chính mình phải được đào tạo kỹ càng từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng sống, đặc biệt hiểu biết về y tế . Còn không, thì vô tình lại trở thành gánh nặng cho họ.

Chỉ khi ở chung với người dân, ăn uống và sinh hoạt cùng họ, tôi mới hiểu tại sao trong buôn lại không có người già. Cuộc sống cơ cực thế này, ăn uống kham khổ như vậy và nguồn nước ô nhiễm thì chưa già người ta đã chết hết rồi. Không chỉ riêng Phùm Gi, mà tất cả những buôn tôi đi qua, ai cũng than thở những thứ bệnh giống nhau. Nhiều nhất là đau khớp, đau thận và dạ dày. Tất nhiên, rồi ai cũng phải chết, nhưng những căn bệnh này sẽ hành hạ họ một thời gian dài trước khi họ khuất núi. Tội nhất là những đứa trẻ, phải chịu cảnh mồ côi cha hoặc mẹ sớm. Lớn lên, chúng thiếu thốn tình thương như những cái cây bật gốc, trôi lềnh bềnh giữa dòng đời xô đẩy mà chẳng biết rồi sẽ về đâu.

Bếp Jrai

Cuối tuần tôi về lại nhà ama nghỉ ngơi lấy sức. Những bệnh mà tôi gặp phải đủ để thấm thía cụm từ “rừng thiêng nước độc”. Trong một môi trường sống khắc nghiệt như thế này, mà những người Jrai vẫn sống hằng ngàn năm qua, đủ để thấy rằng ông trời đã ban tặng cho họ một thể chất đề kháng mạnh biết dường nào. Tôi yếu đuối mỏng giòn chỉ trụ lại trong buôn được một tuần nhưng đã được nếm trải đủ hương vị cuộc sống người dân. Tự dưng chạnh lòng nghĩ đến những vị thừa sai đầu tiên đặt chân lên vùng cao nguyên này. Trong thiên bút ký nổi tiếng “Dân làng hồ”, cha Dourisboure đã tả lại những thử thách gian lao của một người thừa sai. Nhiều người đã chết nhanh chóng vì kiết lỵ, vì sốt rét rừng và đủ thứ bệnh tật khác[1]. So với các ngài, những điều tôi gặp phải chỉ là hạt cát trong đại dương mênh mông. Kể ra đây chỉ thấy hổ thẹn mà thôi. Ngay cả ama Gioan cũng đã “xuống sắc” nhanh chóng kể từ khi về đây. Khi nhìn thấy tôi có vẻ “thân tàn ma dại” thì ama cũng hoảng sợ. Ama nói tôi ở đây dưỡng bệnh khi nào khỏe hẳn rồi qua đó ở tiếp cũng được, phải dành sức chạy đường dài chứ. Tôi thấy trong người không ổn thiệt nên đồng ý ở lại. Ama đùa mà rằng: “Hay bây giờ con làm di chúc đi, nói rằng nếu tôi chết thì chôn tôi ở Phùm Gi, kẻo lỡ có mệnh hệ gì thì ama còn biết đường ăn nói với gia đình con”.

Tất nhiên tôi không làm di chúc nhưng nhờ trận bệnh ấy mà tôi có thêm người bạn đồng hành, H’chan. H’chan là em họ của anh Wiêng. Nhà ở buôn Toát, gần chợ Ia R’siơm. Nàng có gương mặt đặc trưng của người Jrai, mắt to u buồn và hàng chân mày rậm, nước da trắng chứng tỏ không phải làm việc nương rẫy. Quả đúng thế, H’chan vừa tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm ngoài Quảng Nam (điều hiếm hoi nơi người Jrai), đang trong thời gian tìm việc nên rảnh rỗi. Nghe anh Wiêng nói ngoài Phùm Gi cần người dạy nàng đồng ý giúp liền. Thế là từ đó, cứ tối tối, tôi và H’chan chạy xe ra Phùm Gi dạy học, chừng 10 giờ khuya lại lóc cóc chạy xe về. Tôi không sợ những nấm mồ trắng hếu nằm cạnh đường, nhưng sợ cái quán nhậu trước cổng Hoàng Anh Gia Lai, vì tối nào ở đó người ta cũng say khướt, lỡ có ai chặn đường hai đứa tôi thì chỉ trời mới biết. Chắc cũng vì sợ quãng đường vắng vẻ, nguy hiểm đó mà mẹ H’chan không vui, và bạn ấy chỉ đi cùng với tôi được một tuần. Những ngày sau, tôi phải xoay xở một mình hai lớp. Hôm nào mệt quá, tôi rủ H’nhao đi cùng để đứng lớp nhỏ dùm tôi. Đi đi về về kiểu này có vẻ khỏe hơn cho tôi, nhưng tôi sẽ không có nhiều thời gian ở bên cạnh những đứa học trò của tôi.

Tôi chỉ tính ở lại nhà ama một tuần thôi, nhưng không ngờ bệnh tình dai dẳng đến hai tuần vẫn không khỏi. Đến khi tôi bình phục và chuẩn bị quay lại Phùm Gi thì ba thầy dưới Sài Gòn lên. Cũng từ đó, tôi bị buộc cẳng ở Ia Rsiơm cho tới lúc về.

Amai H’ Blan