Thiết lập vùng đại diện Tông tòa Kontum & các cơ sở tòa Giám mục MỤC

 

THIẾT LẬP VÙNG ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA KONTUM & CÁC CƠ SỞ TÒA GIÁM MỤC
 
Ban Truyền thông Giáo phận Kontum xin mạn phép đăng trình một tài liệu nghiên cứu – nói đúng hơn- một tổng hợp của nhiều phần nghiên cứu về địa phận nhà nhân những ngày cuối năm 2012.
 

 

Chúng tôi xin trình bày:

THIẾT LẬP
VÙNG ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA KONTUM
& CÁC CƠ SỞ TÒA GIÁM MỤC

Mục đích trình bày lần này là xin mời gọi toàn thể gia đình truyền thông trong Giáo phận ý thức GIÁO HỘI ĐÃ HIỆN DIỆN TRONG VÙNG ĐẤT TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN  TRÒN 164 NĂM (1848-2012), ĐẶC BIỆT KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THIẾT LẬP VÙNG ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA  KONTUM (1932-2012). Trong phần trình bày này, MỘT SỰ THẬT ĐI KÈM THEO KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VỀ CÁC CƠ SỞ TÒA GIÁM MỤC QUA  6 ĐỜI GIÁM MỤC DÙ CÓ ĐỔI DỜI, NHƯNG SỰ TRƯỜNG TỒN CỦA GIÁO PHẬN KHÔNG PHẢI LÀ CƠ SỞ, MÀ CHÍNH LÀ LỜI HỨA CỦA CHÚA: “VÀ ĐÂY, THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY CHO ĐẾN TẬN THẾ” (Mt. 28, 2012)

GPKONTUM (8.12.2012) KONTUM

XIN KÍNH MỜI.

THIẾT LẬP

VÙNG ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA KONTUM

& CÁC CƠ SỞ TÒA GIÁM MỤC

 

I. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ TRUYỀN GIÁO KONTUM

TỪ ĐẦU ĐẾN NĂM 1932

 1. Miền Ðất Tây Nguyên

Vùng Truyền Giáo Kontum chiếm một phần lớn phía nam của Đàng Trong Pháp thuộc. Với diện tích khoảng 70.000 km2, nó dài 450 km từ phía bắc đến phía nam và từ 150 đến 200km chiều rộng. Nó gồm các tỉnh người thượng Kontum, Pleiku và Ban-mê-thuột, Attopeu và Hinterand tỉnh QUẢNG NAM. Ở phía đông, dãy Trường Sơn chia cắt, trên 500 km, Miền Truyền Giáo và địa phận Qui-nhơn, địa phận mà Kontum trực thuộc mãi đến năm 1933; ở phía bắc, Vùng Truyền Giáo giáp địa phận Huế; ở phía tây, giáp Lào và Campuchia; ở phía nam, giáp miền truyền giáo Sài-gòn. Nửa phía bắc của Vùng Truyền Giáo Kontum là đồi núi, nhưng bị chia cắt bởi rất nhiều thung lũng. Phần lớn các thung lũng này rất lớn, được bao phủ bởi một thảm thực vật um tùm. Nửa phía nam là một vùng của các cao nguyên, có rất nhiều con suối và có nguồn đất đỏ cực kỳ thích hợp với trồng trọt. Dãy trường sơn, khá dốc đứng về phía biển, có sườn dốc thoải trên sườn tây; các đỉnh của nó có độ cao từ 1000 đến 1500 mét; vài đỉnh vượt quá 2000 mét.

Phần lớn các dòng sông thuộc về lưu vực sông Mê-Kông, nơi chúng tập hợp thành một cửa sông duy nhất ở Strungtreng. Tuy nhiên vài nhánh sông khác mở một lối vào trong các núi và đổ ra biển. Tổng dân số của Vùng Truyền Giáo trong thập niên ba mươi của thế kỷ XX khoảng 700.000, trong số đó người ta tính được 30.000 đến 40.000 người Việt và có lẽ là 10.000 người Lào; tất cả phần còn lại, nghĩa là phần lớn dân cư đều thuộc tộc “mọi”. Từ “mọi” là một từ tiếng Việt có nghĩa là “hoang dã”.

2. Con Người Tây Nguyên

Người thượng sống kiểu truyền thống của người hoang dã, cách sống của người sống trong rừng và nhờ rừng. Họ canh tác đất đai, nhưng không đủ để ăn. Nhà cửa là những túp lều trên các trụ (nhà sàn), được dựng bằng gỗ, tre và rạ: chúng nằm quây quần trong các làng, ở các nơi trống trải; các làng độc lập với nhau và hồi xưa thường giao chiến với nhau.

Người thượng được chia thành rất nhiều bộ tộc, nói mọi phương ngữ khác nhau, tuy nhiên người ta có thể quy về hai phương ngữ, gốc của các ngôn ngữ khác: Bahnar và Chàm. Nhân tiện chúng ta hãy nói rằng đó là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các thừa sai, những người buộc phải học nhiều phương ngữ khác nhau.

Về thể hình, người thượng có nước da ngăm hơn người Kinh; họ có thể tạng cao hơn và vạm vỡ hơn. Nhưng sự phát triển trí tuệ của họ kém hơn nhiều so với người Kinh: họ không có chữ viết, không có nền văn học nào, không trường học, và không có nền giáo dục nào. Tuy nhiên họ yêu âm nhạc, được phú bẩm lỗ tai bén nhạy và chất giọng tuyệt vời.

Về mặt thực tiễn, mỗi người làm ra những cái cần thiết, và vì những nhu cầu của họ rất hạn chế, nên việc cung ứng cho họ thì dễ dàng. Trong mỗi túp lều đều có nghề dệt, khá nguyên thủy; trong mỗi làng, một lò rèn nhỏ làm con dao, cái rìu … Chiếu và gùi, là những cái không thể thiếu, được đan bằng những sợi và dây lạt hay dây sậy.

Về mặt tôn giáo, người thượng thờ kính các thần hay các vong hồn, thần lành có, thần dữ cũng có; họ biết ơn các thần lành, nhưng đúng hơn họ sợ các thần dữ, họ dâng cúng các con gà, dê, heo, thậm chí là trâu. Các thần này được xem như có các thông dịch viên là các phù thủy nam, nhất là phù thủy nữ, người thổ dân tin tưởng hoàn toàn vào họ, một sự vâng phục con trẻ. Nếu xuất hiện bệnh tật, nguy hiểm, hạn hán hay mưa lũ xâm hại mùa màng, người ta cầu cứu nữ phù thủy, và dù quyết định của bà ra sao: kiêng kỵ khắt khe, thực hành phiền toái, dâng cúng long trọng, không ai dám bất tuân lệnh bà.

Là những đứa con đích thực của rừng rú, người thượng hoan hưởng sự độc lập không gì quấy rầy, chỉ trừ trường hợp điều đó đi ngược lại với toàn thể thị tộc; họ không ngần ngại theo các khuynh hướng tự nhiên của con người sa đọa. Từ đó ta có thể rút ra các khó khăn mà công cuộc Phúc âm hóa nơi họ gặp phải.

3. Ðường Truyền Giáo Tây Nguyên

Ngay từ năm 1765, Giám Mục Guillaume Piguel (1704-1771) đã gửi thừa sai lên truyền giáo miền Kontum, nhưng không thành công.

Năm 1775, Giám Mục Pigneau de Béhaine (1771-1799) gửi một đoàn truyền giáo do linh mục Faulet hướng dẫn tiến vào vùng Tây Nguyên thuộc sắc tộc Xtiêng, người Cuy sống dọc theo sông Chlong, các ngài gặp 2 gia đình Công Giáo đã tới sinh sống tại đây từ trước. Sau khi mua một mảnh đất, các ngài cho dựng một căn nhà vừa làm nơi tạm trú vừa làm nhà nguyện. Vì ngã bệnh, các ngài phải trở về Prambey-Chlom, sau bình phục mới trở lại và rồi lại ngã bệnh một lần nữa. Công việc truyền giáo đành phải bỏ ngang vào mùa xuân 1776.

Nhưng có lẽ công cuộc truyền giáo Tây Nguyên đã thật sự sôi động và đạt thành quả vững chắc lại chính là vào thời kỳ Giám Mục Etienne Théodore Cuénot Thể, giám mục đại diện tông tòa Ðông Ðàng Trong. Chính ngài đã mở đường truyền giáo vùng phía Tây, tức vùng Tây Nguyên ngày nay. Lịch sử truyền giáo vùng này có thể chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: khai sáng.

– Giai đoạn 2: phát triển.

– Giai đoạn 3: xây dựng và kiện toàn

 
 

II. SƠ LƯỢC CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH

CỦA HẠT ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA KONTUM

 A – GIAI ĐOẠN KHAI SÁNG (1848 – 1888)

 

1. ĐỨC CHA STÊPHANÔ CUENOT THỂ, NGƯỜI KHAI SÁNG VÙNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN
 

Tình hình Việt Nam đã có nhiều thay đổi từ sau khi Giám Mục Pigneau de Béhaine (9-10-1779) và vua Gia Long qua đời (3-2-1820). Kể từ năm 1825, nhiều sắc lệnh cấm đạo đã được ban hành. Công việc truyền giáo cho đồng bào các sắc tộc từ hướng Tây Ðàng Trong hầu như bị chậm lại, thì từ hướng Bình Ðịnh, Phú Yên lại có phần sôi động hơn. Mặc dù phải chăm sóc đoàn chiên rải rác trên một lãnh thổ rộng lớn, chạy dài từ sông Gianh phân chia hai miền Bắc Nam tới mũi Cà Mau và biên giới Thái Lan, Giám Mục Cuénot Thể vẫn không quên những anh chị em thuộc nhiều sắc tộc khác trên vùng cao. Ðây luôn là ưu tiên trong các chương trình hoạt động của ngài.

Vừa lên kế vị Giám Mục J.L. Taberd năm 1841, Giám Mục Cuénot Thể đã triệu tập Công đồng Gò Thị để ổn định đời sống giáo phận sau nhiều năm cấm cách, đặc biệt, đưa ra hướng mục vụ cảm thông tha thứ và tạo điều kiện cho những anh chị em vì yếu đuối đã sa ngã trong thời cấm đạo. Nhưng chủ yếu vẫn là đào tạo hàng ngũ linh mục bản xứ để đẩy mạnh công việc truyền giáo.

Năm 1839, ngài đã cử hai phái đoàn truyền giáo: một do ông Cả Ninh dẫn đầu khởi hành từ Cam Lộ, Quảng Trị và một do ông Cả Quới lên đường từ Phú Yên. Cả hai đoàn đều thất bại.

Qua năm 1842, phái đoàn ông Cả Quới gồm Cố Duclos và Cố Miche, 11 thầy giảng và 3 giáo dân lại lên đường. Nhưng ai ngờ chỉ mới đi sâu vào vùng dân tộc, ngày 16-2-1842 tất cả đã bị bắt giải về Huế.

Năm 1846, Giám Mục Cuénot Thể gửi 2 linh mục người Việt là linh mục Vận và linh mục Hòa lên mở vùng Buôn Ðôn thuộc Ðăklăk. Tiếp sau là linh mục Fontaine Phẩm được chuyển từ Plei Chư xuống. Năm 1856, tất cả phải rút về Kontum.

Với một ý chí sắt đá, Giám Mục Cuénot không chùn bước, ngài hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Chúa Thánh Thần. Năm 1848, một năm có tính quyết định đã đến.

Vị mục tử này hướng tới thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, còn gọi là An, một chủng sinh vừa tốt nghiệp Ðại chủng viện Pinang về nước. Ngài thấy nơi con người thông minh, quả cảm và khiêm tốn này có khả năng mở đường tiến sâu vào thế giới các sắc dân miền núi phía Tây.

 

2. THẦY SÁU DO MỞ ĐƯỜNG (1848-1850)

 

Thầy Do đã khéo léo đóng vai một ngưới đầy tớ trung thành và cần mẫn gánh hàng cho một nhà buôn người Kinh. Sáu tháng đi từ làng này tới làng khác, thầy đã tiếp cận với dân Ba Na, nói được tiếng nói của họ, biết phần nào phong tục tập quán cùng thu thập được ít điều về địa hình địa vật của vùng cao. Thầy mau mắn về Gò Thị tường thuật lại cho vị chủ chăn ngày đêm ngóng chờ tin vui.

Ðược tin vui, Giám Mục cử ngay một đoàn thừa sai lên đường và cắt cử thầy Do làm trưởng đoàn, Một đoàn buôn chính hiệu, có 4 chủng sinh cùng đi. Chính “cái chính hiệu với đồ hàng cồng kềnh của nhà buôn” này đã làm lóa mắt những kẻ tham chặn đường cướp hết. Các vị thừa sai đành phải bỏ chạy lấy người.

Qua năm 1849, lại một đoàn truyền giáo khác lên đường. Ðoàn gồm có linh mục J.P. Combes Bê, 4 thầy giảng và một số chủng sinh. Ði từ Gò Thị, lên Bến, tới trạm Gò, đoàn gặp phải một đàn voi rượt đuổi. Tất cả bỏ chạy tán loạn, thoát được cơn giận của voi, về tới Bình Ðịnh, phái đoàn chạm phải cơn “thánh nộ” của Giám Mục Cuénot. Ðược nghỉ 15 ngày, phái đoàn lại lên đường, lúc đó là đầu năm 1850.

Lên đường lần này có thêm linh mục Fontaine Hoàn (sau gọi là Bok Phẩm) với 7 thầy. Ðến Trạm Gò, tiến vào làng Baham, đi qua làng Kon Bơlu, phái đoàn tiến sâu vào làng Kon Phar. Giám Mục đã ân cần dặn dò nhiều lần “nhớ” phải tránh đường mòn của các lái buôn người Kinh, phải tránh tù trưởng Bok Kiơm kiêm chức vị “quan triều đình Huế” có nhiệm vụ chặn đường xâm nhập của các thừa sai.

Ngày núp, đêm đi, vạch rừng, lội suối, leo đèo, với đủ thứ đe dọa của rừng thiêng nước độc, của khí hậu, của thú dữ. Lệnh “không được trở lại” vẫn văng vẳng bên tai. Nhưng “Ðất động! Trời sập! Ðoàn gặp đúng Bok Kiơm! Biết làm sao bây giờ? Hồn xiêu, phách lạc, hết đường “chạy trốn”, cả đoàn như chết đứng giữa trời! Chính lúc đang đứng đơ như những tượng gỗ, thì “con người hung dữ kia lại lên tiếng trước: “Sao? Quý vị là ai? Cứ nói thật đi, tôi sẽ giúp cho!”

Thế là lại thêm một bất ngờ nữa! Thay vì đi hạch họe, bắt nộp cho triều đình, Bok Kiơm lại tỏ ra thân thiện ngay. Có lẽ cũng chính cái vẻ mất hồn khiếp vía trên các khuôn mặt những con người không có một tham vọng nào khác ngoài tình thương mà liều mình đi đến với những anh chị em miền đất xa lạ, nên con người “đáng khiếp” kia bỗng trở thành “con người dễ thương”. Ông đã trở thành một Cyrus miền truyền giáo Tây Nguyên! Phái đoàn tiếp tục đi vào làng Kon Kơlang.

Ngày 11-11-1850, thầy Thám, em thầy Do, dẫn một nhóm truyền giáo khác lên Kontum. Cùng đi có linh mục P. Dourisboure Ân (25 tuổi), linh mục B. Desgouts Ðề (45 tuổi). Họ đi theo lộ trình Gò Thị – Bến – trạm Gò – Bơham – Bơlu – Kon Phar để tới Kon Kơlang. Tại đây, anh em gặp nhau mừng vui khôn xiết. Tất cả bắt tay dựng căn nhà 2 gian: một gian để ở, một gian làm nhà nguyện. Công việc truyền giáo Tây Nguyên bắt đầu một trang sử mới với nhiều hứa hẹn, nhưng cũng đầy khó khăn!

 

 3. PHÂN ĐỊNH VÀ THÀNH LẬP CÁC TRUNG TÂM MIỀN TRUYỀN GIÁO (1851)

Sau một thời gian dò dẫm, tìm hiểu với sự giúp đỡ chân tình của Bok Kiơm, các vị thừa sai đã tới được miền Ðất Hứa năm 1850, chính là cánh đồng Ðăk Bla như Ðức giám mục hằng chờ mong. Năm sau, ngài quyết định thiết lập ngay 4 trung tâm truyền giáo và đặt linh mục Combes Bê làm bề trên miền.

– Trung tâm Plei Rơhai: do linh mục Bernard Desgouts và thầy Sáu Do phụ trách lo truyền giáo cho bộ tộc Bahnar. Ðịa điểm nằm ngay địa sở Tân Hương ngày nay. Sau ít tháng, thầy Sáu Do được gọi về Gò Thị chuẩn bị lãnh tác vụ linh mục. Năm 1853, linh mục Do trở lại trung tâm và tiến hành xây dựng nhà thờ Plei Rơhai. Ngài phát động mô hình nông trang trên miền đất này để cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc và để tự túc lương thực phòng đường tiếp tế từ vùng xuôi khi bị cắt đứt! Giám Mục còn chỉ thị cho linh mục Desgouts mở ngay Chủng viện thừa sai Miền Kontum trong khi miền xuôi đang bị cấm cách gắt gao. Nhưng vì khí hậu khắc nghiệt, chủng viện đã không trụ lâu được.

– Trung tâm Kon Trang: Nằm phía Bắc Kontum, được trao cho linh mục P. Dourisboure Ân phụ trách để truyền giáo cho bộ tộc Xơ Ðăng. Ngài hăng say học tiếng và La Tinh hóa chữ viết Xơ Ðăng làm phương tiện tiếp xúc và truyền giáo. Một năm sau, Giám Mục đã tăng cường cho trung tâm một vị thừa sai mới, linh mục Arnoux A. Ngày 1-1-1852, Linh mục Dourisboure Ân đã ban phép Thanh Tẩy cho một em bé sơ sinh. Ðây là hoa trái đầu mùa. Vào ngày 16-10-1853, hai thiếu niên Giuse Ngui, 12 tuổi (+ 1857) và Gioan Pat, 9 tuổi, được lãnh nhận phép Thanh Tẩy.

– Trung tâm Plei Chư: Nằm phía Tây Kontum. Linh mục Fontaine Hoàn (Bok Phẩm) phụ trách trung tâm lo loan báo Tin Mừng cho bộ tộc Gia Rai. Năm 1854, Giám Mục thuyên chuyển ngài xuống Pơnong (M’nông) – Trung tâm Buôn Ðôn – ở Ðăklăk – làm việc với linh mục Hòa và linh mục Vận. Nhưng chẳng được bao lâu ngài cũng phải rút về lại Kontum.

– Trung tâm Kon Kơxâm: được trao cho linh mục Bề trên đầu tiên Miền Truyền Giáo, linh mục J.P. Combes. Nằm về phía Ðông Kontum, trung tâm có nhiệm vụ giảng đạo cho anh chị em Bahnar JơLơng. Ngài chọn Ðức Bà Cứu Chữa làm bổn mạng trung tâm, ngài cũng bắt tay ngay vào công việc La Tinh hóa chữ viết. Năm sau, ngài soạn xong cuốn Giáo Lý và Sách Kinh bằng tiếng Bahnar. Qua năm 1853, cả làng Kon Kơxâm tòng giáo và ngày 28-12-1853, ngài đã ban phép Thanh Tẩy cho ông Giuse H’Mur. Ðây là người tín hữu Bahnar đầu tiên. Nhưng ngài đã qua đời 5 năm sau (1857), khi mới 32 tuổi. Trách nhiệm bề trên chuyển qua vai linh mục P. Dourisboure.

 

4. MÁU GIÁM MỤC CUENOT THỂ ĐÃ ĐỔ, TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN NỞ RỘ

Giám Mục Cuénot Thể đảm nhận giáo phận rộng lớn Ðàng Trong đúng vào thời điểm cấm đạo gắt gao nhất. Các phương thức cấm cách thật tinh vi, nhắm tiêu diệt từng đối tượng theo từng giai đoạn khác nhau. Ngài điều khiển giáo phận từ hầm trú ở Gò Thị, ngài làm việc ngày đêm để nắm vững tình hình giáo phận, nhưng không thể xuất hiện công khai hoặc đi lại tự do. Dù số nhân sự ít ỏi, ngài vẫn dành cho miền truyền giáo này nhiều vị thừa sai. Ngài cũng không ngừng cổ vũ và vun trồng ơn gọi linh mục bản xứ.

Ðể đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, ngài đã xin Tòa Thánh chia nhỏ địa phận.

– Ðợt 1: Năm 1844, chia địa phận Ðàng Trong thành Ðông Ðàng Trong và Tây Ðàng Trong.

– Ðợt 2: Năm 1850, chia địa phận Ðông Ðàng Trong thành Bắc Ðàng Trong và Ðông Ðàng Trong; chia Tây Ðàng Trong thành Tây Ðàng Trong và Nam Vang. Kontum vẫn thuộc Ðông Ðàng Trong, tức giáo phận Quy Nhơn sau này.

Trong khi miền xuôi còn bị cấm cách, thì trên cao nguyên các làng dân tộc “đua nhau” trở lại. Khởi đầu là làng Kon Klor (1886), tới Kon Hngo Kơtu (1887). Chỉ trong 21 năm, đã có tới 94 làng trở lại. Có năm tới 12 làng (1893), 14 làng (năm 1895) hoặc như năm 1897, ngoài 14 làng Bahnar, Xơ Ðăng xin theo đạo, còn có cả một số làng bộ tộc Ê Ðê cũng xin tòng giáo. Kết quả thật tốt đẹp. Sức người theo không kịp. Trước một tình hình sôi động như thế, các vị chủ chăn đã đẩy mạnh việc đào tạo nhân sự bản xứ. Ðây là giai đoạn hình thành trường đào tạo Yao Phu và hình thức Nhà Chung sau này. Ðúng như Tòa Thánh đã tiên liệu và chỉ đạo: “phải ưu tiên làm sao cho sớm có người bản xứ truyền đạo và phục vụ người bản xứ!”.

Ý thức tầm quan trọng của chỉ thị trên, linh mục J.L. Bonnard Hương quy tụ một số thanh niên dân tộc nhằm đào tạo họ thành các giáo lý viên cho các họ đạo. Công việc và chương trình này chỉ thật sự được tổ chức và đẩy mạnh nhờ sự được tổ chức và đầy mạnh nhờ quyết tâm cao của linh mục Martial Jannin Phước. Năm 1905, ngài xúc tiến xây dựng trường đào tạo các Yao Phu và khánh thành ngày 7-1-1908. Linh mục M. Jannin Phước là vị giám đốc đầu tiên. Chính ngài đã dám nghĩ dám thực hiện mẫu người Yao Phu. Ngài là linh hồn của công trình trọng điểm này. Năm 1911, tạp chí Hlabar Tơbang đã được phát hành để hỗ trợ cho công việc đào tạo.

Từ trường này, nhiều thanh niên dân tộc đã chọn đời sống tu trì. Cụ thể, ngày 29-6-1932, ba thanh niên Bahnar đầu tiên đã lãnh nhận tác vụ linh mục: đó là các linh mục Micae Hiâu (1900-1949), linh mục Giuse Châu (1900-1955), linh mục Antôn Ðen (1903-1987). Một trong 3 vị đã có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử giáo phận Kontum: linh mục Antôn Ðen, một nhà trí thức, một học giả Bahnar. Ngài đã dành suốt một đời dịch Thánh Kinh, dịch sách phụng vụ, viết hạnh các thánh và phụ trách tờ Hlabar Tơbang. Ngài âm thầm, chăm chỉ làm việc cho tới giờ phút cuối đời. Một kho tàng hiếm có của giáo phận! Giáo phận biết ơn ngài, biết ơn các bậc linh mục anh đã đào tạo được một người làm việc trí óc không biết mệt mỏi như thế!

B – GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (1888 – 1905)

image004Vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên ngày càng phát triển. Nhiều người đã xin trở lại. Trong khi ở miền xuôi, cuộc bắt đạo vẫn đang diễn ra quyết liệt, thì các làng dân tộc dần dần đã tìm được hướng đi nhờ sức sống của Hạt Giống Tin Mừng và nhờ những hy sinh lớn lao của các Linh mục thừa sai và giáo dân.

Nhiều làng dân tộc đua nhau trở lại: khởi đầu là làng Kon Klor (1886), đến Kon Hơngo Kơtu (1887). Năm 1888, Kon Kơtu đã từ bỏ ngẫu tượng. Trong các năm tiếp theo là làng Kon Xơlăng, Kon Jơdri, Kon Hring, Kon Xơmluh, Kon Klơng, Kon Tơneh, Kon Kơxâm. Năm 1893 đến lượt Kon Pơnang, Kon Kơmo, Kon Dơxing, Kon Bah, Kon Jôt. Năm 1894 là các làng Kon Hơngleh, Kon Longbuk, Kon Chang. Trong những vùng gần phía Nam Kontum, tình hình cũng diễn ra tốt đẹp như vậy. Một mùa gặt bội thu trong thời gian đó. Báo cáo hằng năm của các Giám mục nêu rõ:

– Giai đoạn 1850 – 1870: 900 tín hữu
– Giai đoạn 1870 – 1890: hơn 900 tín hữu
– Giai đoạn 1890 – 1910: 12.000 tín hữu.
– Giai đoạn 1910 – 1925: 17.000 tín hữu.
– Giai đoạn 1925 – 1938: 24.521 tín hữu.

Vùng Bahnar Kontum có 5 địa sở, gồm 6.662 tín hữu. Vùng Jrai có 2 địa sở, gồm 9000 tín hữu Jrai và 2000 tín hữu người Kinh. Vùng Bahnar Jơlơng có 4 địa sở. Vùng Rơngao có 4 địa sở, có Linh mục bản xứ phụ trách.

Trước nhu cầu thực tế: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít…” (Lc 10,2), Cha Vialleton Truyền, Bề Trên Miền Truyền Giáo Tây Nguyên đã suy tính thực hiện chương trình đào tạo nhân sự để đáp ứng kịp thời cho công cuộc loan báo Tin Mừng trên vùng đất truyền giáo màu mỡ này.

 

C – GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG VÀ KIỆN TOÀN (1906 – 1932)

 1. XÂY DỰNG TRƯỜNG CUENOT, TÒA GIÁM MỤC ĐẦU TIÊN

image005

Trước sự trở lại ngày càng đông của anh em dân tộc, số Linh mục lại ít, nhân sự phụ giúp người Kinh cũng như người dân tộc không thể đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của công cuộc truyền giáo thời kỳ này, vì thế, cần phải làm sao để sớm có người bản xứ truyền đạo và phục vụ người bản xứ. Như vậy, sự ra đời của Trường Yao Phu, một trường đào tạo nhân sự người dân tộc là một tất yếu trong hoàn cảnh bấy giờ.

Chính Cha Bề Trên Vialleton Truyền là người khởi xướng và đóng vai trò định hướng cho việc thành lập ngôi trường này. Vai trò định hướng của cha Bề trên Vialleton Truyền rất quan trọng cho việc thiết lập ngôi trường riêng biệt đào tạo trẻ em dân tộc thành chú giáo phu sau này.

Tuy nhiên, công đầu trong việc thành lập trường này thuộc về Cha Martial Jannin Phước. Thật vậy, mặc dù gặp nhiều chống đối, nhưng Cha Martial Jannin Phước vẫn quyết tâm thực hiện chương trình của mình: ngài can đảm gánh vác công việc và lên chương trình đào tạo Yao Phu một cách chính qui và có hiệu năng trong một môi trường chuyên biệt. Đến năm 1905, ngài cho xúc tiến xây dựng Trường đào tạo các Yao Phu và hoàn tất vào cuối năm 1907. Chính Ngài đã dám thực hiện mẫu người Yao Phu theo cung cách huấn luyện Thầy Giảng ở Trung Châu. Ngài là linh hồn của công trình trọng điểm này.

 
  
image007
 
 
 
 
Cha Alberty xây dựng
cơ sở Trường Cuénot
(1908-1911)
 
 

 Ngày 13.01.1908, Đức Cha Damien Grangeon Mẫn đã long trọng làm phép khánh thành ngôi trường này và bổ nhiệm Cha Martial Jannin làm Giám Đốc đầu tiên. Năm 1909, Trường đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Stêphanô Cuénot, nên được gọi là Trường Yao Phu Cuénot. Trường được mang tên Cuénot để tưởng nhớ đến công lao của vị khai sáng miền truyền giáo Tây Nguyên và để kế tục bước chân của ngài trong đường hướng truyền giáo là đào tạo người dân tộc phục vụ người dân tộc. Vị giám đốc đầu tiên của trường là Cha Martial Jannin Phước. Chính ngài đã thực hiện mẫu người Yao Phu theo cách thức huấn luyện trường Thầy giảng ở Trung Châu.

Trường Cuénot còn phải xây nhiều cơ sở, vì thế Cha Alberty được chỉ định về tiếp tục xây dựng công trình vào năm 1908: hoàn thành dãy nhà dành làm nơi học tập, ngủ nghỉ, nhà nguyện (năm 1936, làm lại nhà nguyện mới, khánh thành vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nhằm ngày các cha hội lại đầu tháng); nhà in dần dần kiện toàn thêm, lúc đầu in bằng bảng đá cẩm thạch (năm 1911), kế tiếp bằng xếp chữ, cuối cùng bằng tấm đồng (Hlabar Tơbang số 13 năm 1912 in bằng xếp chữ). Và để duy trì sự lâu bền trong việc đào tạo các Yao Phu trở nên những thành phần ưu tú, những cánh tay nối dài của các Linh mục tại các địa sở, trường Yao Phu Cuénot cần phải có một nội qui rõ ràng, qui định mục đích, quyền lợi, bổn phận của các Yao Phu và được Huấn Quyền phê chuẩn. Vì thế, năm 1915, Cha Martial Jannin đã biên soạn cuốn “Lươt ‘De Chu Yao Phu”, được Cha Bề trên Kemlin duyệt xét và đệ trình lên Đấng Bản Quyền phê chuẩn, để làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Hội Yao Phu.

image009

Phương pháp giáo dục của trường chủ yếu là thông qua kinh nghiệm thực tế vì tâm lý, sự hiểu biết, lòng đạo đức, hoàn cảnh sống của vùng Truyền giáo rất đa dạng.

Trong giai đoạn đầu, nhà trường đào tạo kiến thức cơ bản, dần dần nâng lên bậc tiểu học và trung học.

Ngoài ra, nhà trường còn dạy những khả năng thích hợp để phục vụ cộng đoàn như: giáo lý, thánh ca,… đồng thời cũng cung cấp thêm cho học sinh những kiến thức tổng quát về y tế, vệ sinh.

Để cho các em có thể cảm nghiệm được cuộc sống đức tin nơi các buôn làng nhà trường thường xuyên tổ chức đi tham quan các họ đạo như: Hà Mòn, Kon Trang, Kon Hring, Hà Bầu …

Về cơ sở vật chất, nhà trường có một dãy phòng học, một dãy nhà ngủ, một nhà nguyện, một nhà in, một tờ nguyệt san “Hlabar Tơbang”.

Trường Yao Phu Cuénot không những là nơi đào tạo các Yao Phu, mà còn là Tòa Giám mục tiên khởi của Giáo phận Kontum dưới thời Đức Cha Martial Jannin Phước (1932).

Trường Yao Phu Cuénot nơi đào tào các chú Yao phu mà đây cũng là chiếc nôi đào tạo Linh mục. Chính từ ngôi trường thân yêu này, năm 1914, ba em học sinh người Bahnar: Giuse Châu, Micae Hiâu và Antôn Đen được gửi đến học tại Chủng Viện Làng Sông cùng với các Chủng sinh khác.

Sau lễ khánh thành Trường Yao Phu Cuénot, thứ 2 ngày 13 tháng giêng năm 1908, trên 100 học sinh đã hứa sẽ nhập học ngay. Có một vài em đã tháo lui, nhưng đa phần tuyên bố thẳng thừng, nhưng đơn sơ là chuyện cưới hỏi sẽ để sau, nay lo chuyện học tập dù bắt chúng phải độc thân. Có em nghĩ việc giáo dục huấn luyện này đưa đến kết quả là chức Linh mục. Cuối cùng, ngôi nhà chưa hoàn thành, chỉ cung ứng được 60 học sinh mà thôi. Số học sinh lúc đầu là 72 rồi lên 89 em.

image010

image012

2. NHÀ THỜ CHÍNH TÒA, TÒA GIÁM MỤC THỨ HAI

 

Nhà thờ Chánh Toà Kontum làm bằng danh mộc, tồn tại đến ngày hôm nay. Ai đi ngang qua cũng thán phục khen ngợi tài khéo léo của những người xây dựng nên nó; nhưng thiết nghĩ ít ai biết cặn kẽ, đầy đủ và rõ ràng về lai lịch ngôi thánh đường này hình thành như thế nào. Chúng tôi xin trình bày cách vắn gọn về ngôi Nhà thờ Chánh Toà Kontum như để đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc sáng lập địa phận.

   2.1 – TÊN VÀ TƯỚC HIỆU NHÀ THỜ:

Nhà thờ Chánh Toà Kontum hôm nay mang nhiều tên và tước hiệu khác nhau qua các thời đại:

Giai đoạn khi bắt đầu xây dựng (1913), nhà thờ được gọi là NHÀ THỜ LÀNG KONTUM, vì nằm trong Plei Kontum Kơnâm (làng Kontum Kơnâm), NHÀ THỜ ĐỊA SỞ KONTUM, vì nhà thờ chính của nhiều làng hợp thành một địa sở (“Địa sở” tiếng dân tộc Bahnar có nghĩa là “Tơring”). Người ta gọi ngắn gọn là Nhà thờ Kontum.

Năm 1932, khi Vùng truyền giáo Kontum tách khỏi địa phận Quinhơn và được nâng lên thành Địa Phận Tông Toà Kontum nhà thờ được mang tên và tước hiệu là NHÀ THỜ CHÁNH TOÀ KONTUM, vì nhà thờ trực thuộc quyền Giám mục, trung tâm phụng vụ và nơi thực thi quyền giáo huấn của giám mục cho toàn thể địa phận.

Thập niên 90, khi phát triển ngành du lịch người dân thường có thói quen “coi mặt đặt tên”, “xem mặt mà bắt hình dong” nên đã gọi nhà thờ Chánh Toà Kontum với tên bình dân là “NHÀ THỜ GỖ”.

Nhưng dù tên nào đi nữa, nhà thờ Chánh Toà Kontum là trung tâm tôn giáo của toàn địa phận, nơi quy tụ tất cả giáo dân trong địa phận về dự lễ hoặc trong dịp sinh hoạt tôn giáo cả địa phận và cũng là nơi được coi như một trong nhiều điểm du lịch trên vùng đất Tây Nguyên đáng mọi người đến tham quan.

2.2 – CHA JOSEPH DÉCROUILLE ĐỆ XÂY DỰNG NHÀ THỜ ĐỊA SỞ KONTUM KHỞI CÔNG NĂM 1913

Người khởi công trực tiếp xây dựng nhà thờ địa sở (Tơring) Kontum còn tồn tại đến nay, chính là cha Joseph Décrouille Đệ.

a/ Tai hoạ và cơ may:

Một vài tháng ở tại nhiệm sở mới, một trận hoả hoạn thiêu rụi nhà thờ bằng tre tranh nứa của ngài. Trong thảm cảnh buồn thương này, một lá thơ từ nước Pháp báo cho ngài biết em của ngài là cha Jean Baptiste Décrouille sắp tới sẽ lên vùng truyền giáo Bahnar và sẽ mang đến cho ngài một dự án tài trợ của một Vị Quí tộc nhằm xây một nhà thờ vững chắc kiên cố tại Kontum..

b/ Thiết kế ngôi thánh đường mới.

Để lên bản vẽ cho ngôi nhà thờ mới, ngài đã tham khảo kinh nghiệm và hỏi ý kiến Cha Kemlin, một kiến trúc sư tài ba. Ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ cao vút tương ứng với tháp chuông của nó, các cửa lớn, và cửa sổ được chạm trổ hết sức sắc sảo, rất nhiều cột nhỏ được bày bố cách hợp lý chung quanh những bức tường, không ai có thể đoán ra tất cả những phần còn lại được làm bằng đất trộn với rơm.

    2.1. THỜI GIAN CHUẨN BỊ CÔNG TRÌNH:

Công trình xây dựng nhà thờ phải mất 3 năm để chuẩn bị: thuê thợ giỏi đốn những cây gỗ thích hợp, được sức voi kéo từ rừng về cho tập kết những nơi thuận tiện thi công, về Trung Châu thuê thợ mộc và những nghệ nhân điêu khắc, chạm trỗ giỏi về tiến hành thi công: các tay thợ được phân công theo từng bộ phận một: xẻ gỗ, cưa ván, đục mộng, xây lò nung gạch ngói … theo nhu cầu thiết kế công trình xây dựng.

Bản tường trình vào năm 1913 của Đức Cha Grangeon Giám mục Đại diện Tông toà Đông Đàng Trong gởi về trụ sở Hội Thừa sai Pháp (MEP) có đoạn viết như sau:

“Nhà thờ Kontum hai lần bị hoả hoạn thiêu rụi trong khoảng thời gian năm với tất cả đồ đạc trong nhà, đã được xây dựng lại, nhờ lòng hảo tâm của một vị ân nhân hào phóng đặc biệt. Không thể dùng đá cũng như gạch để xây dựng, nhưng chỉ có dùng gỗ mới xây dựng với chất lượng cao và kiến trúc sư biết cho ngôi nhà thờ trên xứ Bahnar có dáng dấp ngôi thánh đường chánh toà”.

2.3 –  VAI TRÒ CHA BỀ TRÊN KEMLIN VĂN.

a/ Trong lần dựng nhà thờ vào trung tuần tháng 3 năm 1913, cha Kemlin, lúc bấy giờ làm Bề trên vùng truyền giáo Kontum, thay cha Guerlach qua đời vào ngày 29 tháng 01 năm 1912 đã vắng mặt vì bệnh. Vào cuối năm 1913, ngài bị buộc phải sang Hồng-Kông nghỉ ngơi dưỡng sức.

Sau sáu tháng nghỉ ngơi ở Béthania, cha Kemlin đảm trách lại sứ vụ, lần đầu tiên tháp tùng Đức Cha Jeanningros đi kinh lý mục vụ ở Miền Thượng. Vị Đại Diện Giám Mục. Bề Trên Miền Truyền Giáo đã đồng hành cùng Đức Giám Mục của mình đến tận các làng xa xôi hẻo lánh nhất.

b/ Vào năm 1914, cha Kemlin đưa ra ý hướng cần tiếp tục việc xây dựng ngôi nhà thờ Kontum hoàn chỉnh, đáp ứng số giáo dân ngày càng gia tăng, nhưng ít lâu sau, chiến tranh bùng nổ, việc tổng động viên đã lấy đi nhiều nhiệm sở của ngài. Vì chiến tranh thế giới 1914-1917 xảy ra, tiến trình thi công ngôi thánh đường Kontum chậm lại và cũng có lúc bị trì trệ nhiều tháng, nhưng cuối cùng công trình xây dựng ngôi thánh đường Kontum bằng gỗ đã hoàn thành vào đầu năm 1918 nhờ Cha Bề Trên Kemlin cùng với cha Joseph Décrouille điều khiển toán thợ cách khôn khéo và tế nhị. Tạ ơn Chúa, trong trình xây dựng lâu dài và nguy hiểm, không xảy ra sự cố trầm trọng gây thiệt hại tính mạng.

2.4 – LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ KONTUM.

a/ Năm 1918, tỉnh Kontum khi đó gồm có 5 quận thị, 38 phường xã, 1 phó tỉnh trưởng, 978 làng Thượng, 210.000 dân cư, trong đó khoảng 15.000 người Công Giáo, 153 cộng đoàn Kitô hữu được phân thành 19 địa sở, 1 Trường đào tạo giáo phu, 1 dòng nữ với 11 tu sĩ, 1 nhà In và một ngôi thánh đường mới xây dựng xứng tầm với phát triển xã hội và số giáo dân ngày càng gia tăng, đó là ngôi Thánh đường Kontum có ngọn tháp cao 24 mét.

b/ Tường trình của Đức Cha Phụ tá Jeanningros gởi về Hội Thừa sai Paris năm 1918 có đoạn:

“Quan cảnh ngày lễ Ba Vua càng trọng đại tại Kontum bởi nghi thức làm phép ngôi thánh đường mới đưa vào phụng tự. Đây là một toà nhà rộng rãi và quí giá, được xây dựng bằng danh mộc do Cha Bề Trên Kemlin hướng dẫn, và nhờ lòng thiệt thành và rộng rãi tài trợ của bá tước De Kergolay; chúng tôi biết ơn cách sâu xa ông bá tước đã thay thế nhà thờ bằng tranh nứa xưa đã bị hoả hoạn cách 7 năm về trước bằng ngôi thánh đường đẹp này”.

c/ Xây dựng địa sở thành một Đền Thờ sống động. Tuy nhiên công sức của cha Joseph Décrouille Đệ quá lớn chẳng những trong việc khởi công xây dựng thánh đường Kontum bằng gỗ quí mà còn xây dựng địa sở thành một Đền Thờ sống động với một đời sống nội tâm sâu sắc, tinh thần hiệp nhất trong cùng một Đức Tin và Đức Ái giữa các tín hữu kinh và dân tộc ngày càng cao, từng hồi chuông từ tháp cao ngân vang lên mỗi ngày qui tụ mọi người sốt sắng về ngôi Thánh Đưòng để cùng chia sẻ chung một Bữa Tiệc Thánh và dâng lời kinh nguyện:

“Ngày 06 tháng 01 năm 1918, Đức Cha JEANNINGROS làm phép long trọng ngôi thánh đường này, đã trở thành Nhà Thờ Chánh Toà giáo phận Kontum hiện nay. Trong 10 năm với giao tiếp rất khéo léo tế nhị và điềm đạm trong lời nói, Cha Joseph Décrouille điều hành trực tiếp các công việc tâm linh đạo đức và vật chất; ngài đã được lòng hết mọi người”.

2.5 – CHA PHƯỚC VỚI TÀI NĂNG KHÉO LÉO HƯỚNG DẪN TRANG TRÍ NỘI THẤT.

Có ba cung mặt trước bàn thờ, Cha Phước cho chạm trỗ tinh vi, hình phù điêu “Bữa Tiệc Ly” và trọn vẹn “Kinh Lạy Cha” bằng tiếng Latinh cũng như sơn nhà tạm màu đỏ, có tháp vươn cao, trang trí bằng các hoa văn rất đẹp với đường nét sắc sảo.

Mặt tiền nhà thờ giữ được màu gỗ, gồm 4 cột chính, với hai cột phụ nằm trong, nối kết thành những vòng tròn, màu nhạt hơn, nâng toàn khối lên càng nhỏ dần, gồm 4 tầng, cao đến 24 mét. Lưng chừng tháp, một ô cửa sổ vòng tròn nhiều thanh gỗ cong đồng tâm, tạo nên cửa sổ kính màu tuyệt đẹp và trên đỉnh tháp có thánh giá gỗ quí cao chót vót.

image013

NHÀ THỜ CHÍNH TÒA KONTUM

H. năm 1927

Cha Benjamin Louison thuộc Hội Thừa sai Paris chánh xứ rất nhiệt tình hăng say của địa sở Kontum, một Trung tâm truyền giáo người dân tộc Bahnar tại Việt nam, có viết như sau:

“Địa sở Kontum cả lớn nhỏ gồm 1500 tín hữu, một nửa là người dân tộc Bahnar, một nửa là người kinh. Tôi rất hài lòng khen ngợi con cái của tôi, chỉ tính nội trong một năm từ tháng 07 năm 1926 đến tháng 07 năm 1927 có 34.000 lượt người rước lễ.

Phía người dân tộc Bahnar có 03 chủng sinh đang theo học Đại chủng viện Pinăng và 05 tiểu chủng sinh; có 03 đệ tử là những bông hoa tốt đẹp của núi rừng vào Dòng để tô đẹp vườn hoa của Chúa.

Phía người Việt, linh mục đầu tiên của địa sở, là học trò cũ của tôi cử hành Thánh lễ mở tay tuần vừa qua. 03 thanh niên đã gia nhập Hội Dòng và 06 thiếu nữ tận hiến để phục vụ cho Vị Thầy nhân hậu chí ái.

Về phần nhà thờ, là một công trình xây dựng lớn đã hoàn thành, mặt tiền của nó trang trí rất đẹp, nhưng thiếu nước sơn bền chắc để chống chọi với nước trong mùa mưa gió. Bên trong nhà thờ phần nội thất sẽ bố trí dần dần. Nhà thờ Kontum có một tượng ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM được đặt ở trên bàn thờ chính; còn các tượng khác đặt trên bệ gỗ ở các bàn thờ phụ: như tượng Thánh Tâm, thánh Cả Giuse và thánh Nữ Jeanne D’ Arc. Tượng thánh Isodore và những chiếc chuông sẽ đến sau. Nhưng khi nào? Khi các cha có tài chánh để đặt hàng và trả tiền chuyên chở”.

Sau 83 năm sau, nhà thờ Chánh Toà Kontum mới được tu sửa lớn và nới rộng (năm 1995-1996) dưới thời Đức Cha Alexis PHẠM VĂN LỘC. Ngày 14 tháng 11 năm 1995, sau Mừng Lễ thánh Giám mục Stêphanô Cuênot Thể, Bổn Mạng Bôl Yao Phu, Đức Cha Alexis cho khởi công tu sửa tháp nhà thờ Chánh Toà Kontum. Ngài chứng kiến quan cảnh khởi công và ngài hài lòng đã tiến hành khởi đầu tốt.

Sau khi lên kế vị Giám mục tiền nhiệm, Đức cha PHÊRÔ TRẦN THANH CHUNG và cha Giuse Nguyễn Thanh Liên chánh xứ giáo xứ Chánh Toà tiếp tục công trình tu sửa các cơ sở như đã vạch định dưới thời Đức Cha Alexis, trong đó có Nhà thờ Chánh toà, cần bảo tồn phần chính nhà thờ nguyên thuỷ như cũ từ kết cấu và loại vật tư bằng gỗ.

 

III. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

GIÁO PHẬN TÔNG TÒA KONTUM (1932-1960)

 

1. GIÁO PHẬN TÔNG TÒA KONTUM CHÍNH THỨC ĐƯỢC THIẾT LẬP VỚI VỊ BỀ TRÊN ĐẦU TIÊN MARTIAL JANNIN

CON NGƯỜI ĐỨC CHA JANNIN

MARTIAL PIERRE MARIE JANNIN sinh ngày 07 tháng giêng năm 1867 ở Giáo xứ Thánh Phê-rô, địa phận Besançon, tỉnh Dours. Vào Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại ngày 08 tháng 10 năm 1886, chịu chức cắt tóc ngày 24-09-1889, chức phó tế ngày 01-03-1890, ngài chịu chức linh mục ngày 28-09-1890; ngài đến Đàng Trong ngày 26-11-1890.

Được gửi đến với người Bahnar, trên Cao Nguyên Việt Nam, theo chân và noi gương các vị mở đường đầu đầu tiên, trong suốt 50 năm, ngài làm việc chủ yếu với các sắc dân miền núi, tổ chức Miền Truyền Giáo Kontum để rồi trở thành Giám Quản Tông Tòa đầu tiên và về sau là Giám Mục đầu tiên của Kontum.

Năm 1893, “nhờ Đức Trinh Nữ và thánh Bê-nê-đíc-tô phù hộ”, ngài cải đạo làng KON-MONEY, bị bệnh đậu mùa tấn công. Ở đây ngài làm một nhà thờ tạm thời. Năm 1895, các làng lân cận cũng theo đạo. Vậy là ngài phải điều hành 10 làng. Lo lắng đầu tiên của ngài là bảo đảm việc huấn luyện và đào tạo các dự tòng. Số các tín hữu tăng lên khoảng 1200. Năm 1896, ngài nỗ lực làm một nhà nguyện ở trụ sở của mình, và biến KON-MƠNEY thành một giáo điểm trung tâm kiểu mẫu, có thể tập hợp các tín hữu trong khu vực của ngài.

Năm 1898, ngài đạt được bước tiến lớn trong việc Phúc âm hóa. Dưới sự tác động của các tông tồ như Guerlach, Irigorey, và Jarry, các làng DAK-IO, HA-MONG, KƠTU, DAK-AOTING, VÀ DAK-KODUN cho con số 1500 dự tòng. Ngài hiến dâng vùng truyền giáo BUN-UIN cho Đức Bà Chiến Thắng. Ngài cũng ghi nhận một sự nhập cư quan trọng các người Việt ở Quảng Nam, họ ao ước trở thành tín hữu. Năm 1900, ở KON-XONG-LOH, với Ông Bober, ngài rửa tội cho 118 trẻ em, và trên đỉnh quang KON-NGAH (độ cao 1500 m), ngài dùng một cây lớn để làm một thánh giá sừng sững, mời gọi toàn vùng đặt mình dưới sự bảo vệ của nó.

Ngài Jannin đã cảm thấy sự cần thiết phải huấn luyện các thanh niên Bahnar để phát triển và củng cố công cuộc truyền giáo. Cương quyết đối đầu với các khó khăn muôn mặt, năm 1905, ngài thành lập, giảng dạy và điểu khiển ở Kontum trường CUENOT nhằm đào tạo các giáo lý viên, Alberty giúp đỡ ngài trong trách vụ này. Năm 1909, trường này có một trăm học sinh nổi bật về lòng sùng đạo, siêng năng và tiến bộ trí dục và đức dục. Năm 1914, trường CUENOT ngày một phát triển dưới sự điều khiển năng động của Jannin, vị sáng lập, được cha Bober và hai hai giáo lý viên giúp đỡ.

Trong khi chờ đợi Nhà in Địa Phận Kontum, từ năm 1909, Cha Jannin dịch ra tiếng Bahnar, và cóp-pi ra 70 bản Kinh Thánh Cựu Ước, và phổ biến cho các học sinh của mình. Ngài muốn cho các giáo lý viên của mình sự đào tạo nhân bản và thiêng liêng thích hợp nhất đối với nhiệm vụ của họ. Vì họ, ngài soạn một tập nhỏ dược điển và cung cấp cho họ thuốc dự phòng thích hợp với các căn bệnh và các tai nạn thường gặp trong các vùng này. Ngài cũng viết cho họ một cuốn vũ trụ học cơ bản. Năm 1923, Baudoin, Đấng Toàn Quyền, và Pasquier, Thống Sứ đã đến thăm trường CUENOT. Năm 1925, cha Jannin in xong một tuyển tập lớn trong N8 “HLABAR PODOK”, thể loại tóm lược thần học, tường trình các phong tục và tập quán người Bahnar.

Không sáng sủa bề ngoài, nhưng đầu óc rất tinh tế, Jannin là tay thợ đụng khéo léo, giỏi giang, kiên trì và cương quyết. Vì thế, ngài điều chỉnh với các phương tiện sẵn có nhằm làm một cái máy thủy lực để xay lúa, và không cần phải bàn “những cải tiến” áp dụng cho xe của ngài. Về sau, ngài là kiến trúc sư-nhà thầu để xây dựng Chủng Viện của mình: một cơ tòa nhà trên các trụ gỗ, hai lầu, và trăm mét mặt tiền. Bàn thờ bằng gỗ được chạm khắc của nhà nguyện do ngài vẽ hoàn toàn!

Năm 1925, sau cái chết của cha Kemlin, cha Jannin được bổ nhiệm làm bề trên tạm quyền của Tỉnh Kontum và Giám hạt. Năm 1926, được các giáo phu ưu tú tháp tùng, ngài kinh lý khu vực KON-MAH. Năm 1927, ngài cũng làm tương tự với những khu vực khác. Năm 1928, ngài thu lượm được con số 506 dự tòng. Trong số 110 học sinh của trường Cuenot, 17 người ra trường là giáo phu, 6 người vào Tiểu Chủng Viện Làng-Sông. Năm 1930, Miền Truyền Giáo Kontum tính được 27 linh mục Pháp và Việt, 18.700 công giáo, 121 nhà thờ, 500 tân tòng, hàng trăm dự tòng,nhiều giáo xứ người Việt, một trường Giáo Phu , các chủng sinh ở Làng-Sông và Penang, một tu viên nữ tu, một nhà in nhỏ, khoảng 2000 dân miền núi được học chữ. Miền Truyền giáo Kontum có thể được nâng lên hàng giáo phận tông tòa. Rôma ra quyết định đó ngay 17-01-1932.

2. CÁC VĂN KIỆN TÒA THÁNH

Chúng tôi xin phỏng dịch 3 văn kiện Tòa thánh: Tông Thư Thiết Lập Hạt Tông Tòa Kontum (Decessores Nostri), Tông Thư Bổ Nhiệm Vị Đại Diện Tông Tòa Tiên Khởi Của Giáo Phận Kontum và Tông Thư Sắc Phong Giám Mục MARTIAL JANNIN:

 

2.1. Tông Thư Thiết Lập Hạt Tông Tòa Kontum (Decessores Nostri)

GIÁO HOÀNG PIÔ XI

Để ghi nhớ cho mai sau. Theo bước chân các vị Tiền Nhiệm của Ta (Decessores Nostri) là các Đức Giáo Hoàng Rôma, Ta cẩn thận lưu tâm đến những việc qua đó việc truyền giáo được khôn khéo ấp ủ và tăng trưởng. Vì, ngoài việc tán thành của vị Đặc Sứ Tông Tòa của Ta ở xứ Đông Dương, Ta còn biết rõ qua vị Đại Diện Tông Tòa Qui Nhơn rằng vào thời gian mới đây nhất, sau những lao công lâu dài và khó nhọc, đạo công giáo nơi sắc tộc Bahnar, sinh sống trong ranh giới của Hạt Tông Tòa Qui Nhơn, đã có sự tăng trưởng đáng phấn khởi, đến nỗi giờ đây việc truyền giáo tự túc cho mình phải được thiết lập cho sắc tộc ấy xem ra là rất đúng lúc, nên, sau khi trao đổi với các Tôn Huynh của Ta, là các Đức Hồng Y của Hội Thánh Rôma, được đặt đứng đầu những việc của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Ta cho rằng những điều sau đây phải được quyết định. Thật vậy, tự ý Ta, với sự hiểu biết chắc chắn và với sự cân nhắc kỹ càng, với quyền hạn của Ta và dựa trên quyền Tông Đồ đầy đủ của Ta, theo tinh thần của Bức Thư này, Ta chia và tách rời khỏi Hạt Tông Tòa Qui Nhơn hiện nay lãnh thổ với ranh giới sẽ như sau : Về phía Bắc, đường ranh giới lý tưởng đi từ Đà Nẵng đổ về thành phố Saravan; về phía Tây cũng thế, là ranh giới của Tỉnh dân sự Saravan và Stung-Treng. Còn về phía Nam thì cũng là ranh giới của Tỉnh dân sự Đà Lạt; cuối cùng về phía Đông, là ranh giới của các Tỉnh dân sự Nha Trang, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, và trong tỉnh Quảng Nam, đường ranh lý tưởng chia cắt miền Annam ra khỏi miền người Thượng và chạy từ Bắc xuống Nam. Thực vậy từ lãnh thổ này, đã được Ta chia và tách ra khỏi Hạt Tông Tòa Qui Nhơn nói trên, giờ đây Ta thiết lập theo giáo luật một Hạt Tông tòa mới, bao gồm như vậy là trọn vẹn các tỉnh Attopư, Ban Mê Thuột, Kon Tum và phần đất miền núi và miền người Thượng của tỉnh Quảng Nam. Trong Chúa, Ta giao chính Hạt Tông Tòa này, mà trong tương lai Ta đặt tên là KonTum, cho sự chăm sóc của các thành viên Hội Thừa Sai Paris, theo ý muốn của Ta và của Tòa Thánh. Ta công bố, ấn định những điều này, quyết định rằng Bức Thư này luôn tỏ ra và vẫn luôn bền vững, trường tồn và hữu hiệu, lại có được những kết quả đầy đủ và nguyên vẹn, và Thư này còn hỗ trợ đầy đủ cho những ai mà nó liên quan tới hay có thể nhắm tới trong hiện tại và trong tương lai, và như vậy theo thông lệ phải được xem xét cũng như ấn định và trở nên bất chuẩn nhận trong hiện tại và vô giá trị nếu xảy ra là có bất cứ điều gì chiếu theo Thư này bị chống đối bởi bất cứ ai và bởi bất cứ quyền bính nào, có ý thức hay vô thức. Không bị ngăn trở bởi bất cứ những gì trái ngược. Ban hành tại Rôma, nơi Đền Thánh Phêrô, dưới ấn nhẫn Người Ngư Phủ, ngày 17/01/1932, năm thứ 10 triều giáo hoàng của Ta.

Hồng Y Pacelli,

Trong ban thư ký

 

2.2. Tông Thư Bổ Nhiệm Vị Đại Diện Tông Tòa Tiên Khởi Của Giáo Phận Kontum

GIÁO HOÀNG PIÔ XI

Gởi con yêu quý Martial Jannin, thành viên của Hội Thừa Sai Paris.

Con yêu quý, gởi đến Con lời chào và phép lành tòa thánh. Giữa những mối lo hàng đầu thúc bách Ta vì bổn phận tông tòa của Ta, quả thật nhất là mối lo này vượt hẳn lên, theo như sự việc đòi hỏi, đó là việc tuyển chọn các mục tử chăn dắt các linh hồn trong mọi miền của giới công giáo. Thật vậy giờ đây, sau khi thiết lập – qua Tông Thư “Decessores Nostri” ngày 17 tháng 01 năm 1932 – một Hạt Tông Tòa mới, với tên gọi “Kon Tum” trong nước Đông Dương, Ta đi đến chỗ bổ nhiệm người Lãnh Đạo tiên khởi có khả năng và cần thiết cho Hạt Tông Tòa ấy. Vì thế, sau những tham khảo bàn hỏi về việc này với các Tôn Huynh của Ta, là các Đức Hồng Y của Hội Thánh Rôma, sau những đề nghị của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, với mọi cứu xét theo thông lệ, hỡi con yêu quý, khi lưu ý đến lòng nhiệt thành, sự khôn ngoan và lòng đạo đức của Con, Ta quyết định chọn giao cho Con, là thành viên của Hội Thừa Sai Paris – chính Hạt Tông Tòa này đã được gắn liền với Hội đó – để dẫn dắt cũng chính Hạt Tông Tòa này. Vì thế với quyền Tông Đồ của Ta, với sự tiếp nối của Bức Thư này, hỡi con yêu quý, Ta tuyển chọn, bổ nhiệm và công bố rằng Con – sắp được trang bị bằng ấn tín giám mục – làm Đại Diện Tông Tòa, và ban cho Con mọi quyền hạn cần thiết và thích hợp để chu toàn một bổn phận như thế cách tốt lành và hiệu quả trong Chúa. Vì thế, Ta truyền cho mọi người và từng người có liên quan phải chấp nhận, đón tiếp Con trong vị Đại Diện Tông Tòa của Hạt Tông Tòa Kon Tum nói trên, và trong việc thực thi cách thong dong bổn phận ấy, và phải ủng hộ, giúp đỡ và vâng lời Con; và họ phải tuân giữ cách kính cẩn và chu toàn cách nhiệt tình những lời cảnh báo và huấn dụ bổ ích của Con, và không được cản trở những điều ấy, bằng không Ta sẽ coi như được chuẩn y lời phán quyết và hình phạt mà theo thông lệ Con đưa ra trên những người từ chối, và, với quyền Tông Tòa của Ta, Ta sẽ quan tâm đến việc ấy cho đến khi việc đền bù xứng hợp phải được tuân giữ cách bất khả xâm phạm. Không bị ngăn trở bởi bất cứ những gì trái ngược. Ban hành tại Rôma, nơi Đền Thánh Phêrô, dưới ấn nhẫn Người Ngư Phủ, ngày 10 tháng 01 năm 1933, năm thứ 11 triều giáo hoàng của Ta.

Hồng Y Pacelli,

Trong ban thư ký

2.3. TÔNG THƯ SẮC PHONG GIÁM MỤC MARTIAL JANNIN

PIÔ, GIÁM MỤC, TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ CHÚA

Gởi lời chào và phép lành tòa thánh cho con yêu quý Martial Jannin, thành viên của Hội Thừa Sai Paris, được chỉ định làm Đại Diện Tông Tòa ở xứ Đông Dương, được chọn làm Giám Mục hiệu tòa Gadara. Để cho các Đại Diện Tông Tòa có thể chu toàn bổn phận mình cách thuận tiện và lợi ích hơn trong việc dẫn dắt đoàn dân kitô hữu được giao phó cho các ngài, chắc chắn là ích lợi rất nhiều nếu chính các giám chức được trang bị bằng ấn tínvà phẩm tước. Cũng vậy Tòa Thánh thường ban cho các vị ấy một hiệu tòa nào đó của những Giáo Hội ngày xưa đã triển nở vì rạng ngời nhân đức và vì thịnh vượng về đạo giáo, mặc dù mới đây đã mất đi cái vinh quang rực rỡ thuở trước vì sự thăng trầm và nghiệt ngã của thời cuộc. Vì thế khi, với một Bức Thư khác của Ta, Ta đã tin tưởng chỉ định Con làm Đại Diện Tông Tòa tiên khởi của Hạt Tông Tòa Kontum, qua Tông Thư Decessores Nostri Ta đã ban hành ngày 17 tháng 01 năm ngoái, với quyền Tông Đồ, Ta đã chọn Con cho Giáo Hội hiệu tòa giám mục Gadara,– phụ thuộc vào Giáo Hội hiệu tòa tổng giám mục Scythia, – hiện thời đang trống tòa qua cái chết của Giám Mục đáng kính Venceslas Frind, sau khi đã tham khảo các Tôn Huynh của Ta là các Đức Hồng Y của Hội Thánh Rôma, và Ta đã ban cho Con hiệu tòa của Giáo Hội đó, cùng với mọi quyền hạn và đặc ân, trọng trách và ràng buộc gắn liền với công việc mục vụ này. Mà Ta muốn và dặn Con rằng, sau những điều chu toàn khác phải giữ theo luật, trước khi Con được tấn phong giám mục, Con liệu phải tuyên xưng đức tin công giáo trong tay một giám mục công giáo khác mà Con ưa thích và vị này có sự thuận thảo và hiệp thông với Tòa Thánh, cũng như Con phải tuyên xưng rõ ràng những lời thề theo thông lệ bên cạnh các công thức đã định, và liệu gởi toàn bộ những bản ghi những công thức ấy, được bảo đảm bằng chữ ký và con dấu của Con và của vị giám mục nói trên, về cho Bộ Truyền Bá Đức Tin trong vòng sáu tháng. Thêm vào đó, qua những người hiện diện, Ta giao cho vị Giám mục, mà Con chọn, bổn phận và nhiệm vụ tiếp nhận, nhân danh Ta và Giáo Hội Rôma, lời tuyên xưng và những lời thề hứa ấy. Ngoài ra, dự trù sự thuận tiện cho Con, Ta ban phép cho Con được lãnh nhận cách tự do và hợp pháp việc thánh hiến giám mục ở ngoài thành [Rôma] bởi bất cứ giám mục công giáo nào có sự thuận thảo và hiệp thông với Tòa Thánh, vị này được trợ giúp, nếu Con sẽ lãnh nhận việc tấn phong trong miền hẻo lánh đó, bởi hai linh mục đang hoạt động hoặc có tước vị giáo sĩ, khi thực sự thiếu hai vị giám mục công giáo khác, chính các vị này cũng phải có sự thuận thảo và hiệp thông với Tòa Thánh, và có thể phụ giúp giám mục chủ phong. Ta cũng nghiêm khắc cảnh báo rằng Con không được cả gan lãnh nhận chính việc tấn phong đó và vị giám mục mà Con chọn cũng không được ban cho Con, nếu trước đó Con không tuyên xưng đức tin và công bố những lời thề hứa mà Ta nói trên, cả hai sẽ bị phạt theo luật định nếu chống lại quy định này của Ta. Nhưng Ta hy vọng và tin tưởng cách vững chắc rằng, khi Chúa đưa tay phù hộ nâng đỡ Con, Con sẽ thi hành bổn phận được giao cho Con cách khôn ngoan và trung tín, sao cho Hạt Tông Tòa Kon Tum mới này, nhờ lòng nhiệt thành mục tử và nhờ lòng hăng say hiệu quả của Con, sẽ được cai quản cách ích lợi, dần dần có được những tăng trưởng to lớn hơn, chẳng những về mặt thiêng liêng mà còn về mặt trần thế nữa, và đạo thật của Chúa Kitô ngày càng lớn lên ở đó. Ban hành tại Rôma, nơi Đền Thánh Phêrô, năm 1933, ngày 10 tháng 01, năm thứ 11 triều giáo hoàng của Ta.

Hồng y Andreas Frühwirth,

chưởng ấn

 3. LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC MARTIAL JANNIN

Thứ sáu ngày 23 tháng sáu 1933, lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, được chọn làm ngày tấn phong Giám Mục tông tòa đầu tiên của Miền truyền giáo mới Kon Tum. Tối 22, tất cả các tín hữu đã đến tha thiết bày tỏ sự kính trọng đối với các Giám Mục trong bài hát chào mừng và với bài diễn văn tiếng Pháp được soạn thảo rất kỹ lưỡng, được một linh mục bên Bahnar đọc. Trên bục, có đức giám mục Dreyer, phái viên tòa thánh, người phong chức ngày mai, hai giáo sĩ cao cấp tham dự, Hergott từ Pnom Penh, và Tardieu, từ Qui Nhơn, cũng như Đức giám mục Du Mortier từ Sài gòn, và Chabanon từ Huế; các cha Bề Trên dòng Phanxicô và Chúa Cứu Thế, và tất cả các linh mục hiện diện, Pháp, Việt và Bahnar.

Trong một ngôn từ diễn đạt khá tinh tế, nơi ngài đặt tất cả con tim, Đức Cha Đặc Sứ tòa thánh biết tìm những ngôn từ mong muốn, được cha Châu tóm tắt lại với đám đông.

Buổi tối, đọc kinh ở ngoài trời trước Đức Trinh Nữ được chiếu sáng, và khẩn cầu tới các linh mục tử đạo. Vả lại, buổi cầu nguyện này làm mỗi thứ bảy và vọng các ngày lễ lớn, giống như ở rue du Bac.

Ngày 23 tháng sáu, nhà thờ chính tòa Vô Nhiễm ở Kontum sống một ngày huy hoàng, kỷ niệm về nó không thể phai nhòa trong tâm trí các tín hữu đến từ khắp nơi. Chưa bao giờ nó được trang hoàng lộng lẫy như thế. Tường và các vòm biến mất trước các vòng hoa cỏ, cờ hiệu, hoa đủ loại, các quả địa cầu toàn cảnh, lồng đèn vơ-ni-dơ, v.v… trong khi đó ở cuối thánh điện, Đức Trinh nữ của Ảnh Phép Lạ, sự mô phỏng hoàn hảo đức trinh nữ của nữ tỳ Bác Ái, từ hai bàn tay ban ơn của mình, để rơi thành mưa đồ ngọc, các ân sủng đặc biệt trên vị giám mục mới.

Trong cung thánh, nơi xó xỉnh nhỏ bé nhất, nơi người ta có thể có cơ hội xem điều gì đó của các nghi thức diễn ra nơi cung thánh, đã đầy người. Từ sáu giờ sáng, thánh đường đã chật ních; trong vòng một giờ một đoàn diễu hành bất tận, đến từ bốn phương trời của Vùng Truyền Giáo cũng như từ Qui-nhơn. Thật thế, tất cả các đồng nghiệp Pháp và Việt của vùng truyền giáo mẹ có thể đến được, từ Cha Tổng Quản địa phận Labiausse (cố Sáng) cho đến các em nhỏ…, cha Valour, tất cả đã có mặt. Và để cho buổi lễ được trọn vẹn, các soeur dòng thánh Phaolô de Chartres, các tiểu đệ thừa sai Đức Maria, các nữ tu Mến Thánh Giá, các thầy dòng Jean Baptiste de la Salle, các sư huynh thánh Giuse, cũng đã hăm hở đến với số lượng lớn quy tụ về bên Đức Cha Jannin. Đó là một cách giúp đỡ đối với Vị Bề Trên để cho một tương lai chúng ta mong đợi sau này. Cuối cùng, nơi người Bahnar, mùa xuân sẽ nở hoa! Chính quyền dân sự các cấp cũng có mặt đầy đủ. Ở hàng đầu là Lãnh Sự Pháp ở Kontum, đại diện chính thức Toàn Quyền Đông Dương, cũng như các Lãnh Sự Pháp tại Pleiku và Buôn-mê-thuột, hai tỉnh của giáo phận này; hai tỉnh trưởng người Việt ở Pleiku và Kontum. Tôi sẽ không kể tên mọi người đồng bào của chúng ta, những người tha thiết tôn vinh buổi lễ bằng sự hiện diện của mình vì sợ bỏ quyên vài người nào đó. Tôi cần nói rằng họ đã đến rất đông, chứng tỏ lòng kính trọng đối Đức Giám Mục Jannin.

Lúc 07 giờ, đoàn rước khởi hành từ trường thánh Giu-se đến nhà thờ chính tòa. Các hướng đạo của hai giáo xứ thành phố, bận áo quần sắc màu vui tươi, mở và đóng sự tiến bước của đoàn rước. Các học sinh trường Cuénot, trong đồng phục riêng, rất đỗi vui mừng. Các già làng, ăn bận trang phục trong các đại lễ, có dáng dấp của người Rôma ngày xưa. Các Giáo phu Bahnar của nhiều vùng khác nhau, khoảng chừng 150, bước đi cách tự hào, ý thức đã là học sinh và được cha Jannin tốt lành hướng dẫn. Sau đó các chức sắc người Việt đến, trong trang phục màu xanh da trời của các dịp lễ lớn có tà dài phủ xuống, rồi các trẻ em giáo xứ, ăn bận đồ trắng, đội vòng hoa hồng và cầm trong tay một bó hoa. Hơn sáu mươi linh mục trong lễ phục và cuối cùng là các giám mục, các tín hữu tội không ngừng xem xét những cử chỉ nhỏ nhất của các ngài và ngưỡng mộ vẻ lộng lẫy của các lễ phục. Đoàn rước tiến vào nhà thờ chính tòa trong bài hát Benedictus, được các học sinh trường Cuénot biểu diễn tuyệt hay. Rồi thánh lễ bắt đầu. Sau phần trình diện của ứng viên đối trước vị phong chức, cha Bresson, thư ký đáng yêu của đức giám mục Dreyer, đọc các lá thư tòa thánh cho phép tiến hành sự phong chức. Tất cả diễn ra trong sự thinh lặng kỳ lạ, đối với đám đông đang chen chúc trong nhà thờ, sự yên lặng chỉ bị cắt ngang bởi bài hát Gloria và Credo, các lời hỏi và đáp của các bề trên.

Trước bài đọc Phúc âm cuối, khi vị phong chức giao lại mũ giám mục và gậy, ngài mời đức tân giám mục ngồi lên trên ngai giám mục, những người tham dự không thể kìm nén cảm xúc và nước mắt trào ra. Thế nên với quả tim như thế bài Te Deum được cất lên. Trong khi được tháp tùng bởi các các cha đỡ đầu, đức giám mục Jannin, rất xúc động, rảo khắp thánh đường để chúc lành cho những người tham dự. Thánh lễ kết thúc bởi giai điệu của bài hát chiến thắng tiếng Bahnar, được ca đoàn biểu diễn cách thần tình.

Khi tan lễ, tiệc rượu mừng được làm cho các đồng bào. Sau đó, sau khi giám mục của chúng ta tỏ bày tình cảm và xúc động đối với các đồng nghiệp của mình và ban phép lành đầu tiên cho họ, đoàn đại biểu của các giáo xứ người kinh đến chào chủ chăn mới bằng các lời chúc mừng, tặng hoa cho ngài, mạnh ai nấy làm. Dù cả ngày mệt mỏi, Đức Giám mục biết lựa lời cho từng nhóm ra về vui vẻ. Vào buổi trưa, trong phòng học của Trường được trang hoàng đẹp đẽ, đại diện Đức Thánh Cha chủ trì một bữa tiệc, được xem như nền của tất cả lời chúc mừng giám mục hiện tại, tập hợp tất các các chức sắc, các quan chức chính quyền và tất cả các đồng nghiệp.

Tôi đi vào bài thuyết trình, bỏ qua cái thực đơn được tô điểm thêm bởi sự vui tươi chân thành.

Ngài khâm sứ tòa thánh, với sự tươi cười dễ thương đã trở thành điển hình, phát triển ý tưởng sau “Ngài Jannin là người duy nhất không ao ước sự phân quyền, bởi vì ngài nói không ai chấp nhận gánh nặng này, ngài quên rằng … sự cao cả của mình là người duy nhất gánh lấy nó”. Đức giám mục Tardieu nói về đức tin phải chuyển tới vùng núi và về lòng bác ái lan tỏa cả đến những người thượng xa xôi nhất của giám mục vùng Gadara. Với tất cả lòng thành, giám mục Vada gửi đến giám mục Jannin, giám quản tông tòa đầu tiên của Kontum, đứa con thứ ba của miền truyền giáo già cội Qui-nhơn, những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Sau đó là đến lượt cha Cadière. Bài diễn văn của cha chiếu một luồng ánh sáng cực mạnh trên công trình đạt được bởi các cha thừa sai trên dân thượng Bahnar, xin mạn phép tóm lược ở đây:

“…Hôm nay tôi muốn nhắc lại công trình khoa học của các bạn. Và khi tôi nói: các bạn, đó không có nghĩa là số nhiều cách trang trọng mà tôi dùng, đó là một số nhiều có ý nghĩa số học. Tôi nói về mọi đồng nghiệp đã làm việc ở đây từ khi thành lập Vùng Truyền Giáo này.

Vậy khi đặt mình vào cách nhìn thuần túy lương dân, tôi thấy rằng các bạn đã khám phá một xứ sở và các cư dân của nó. Đó là tước hiệu quý gia tôi đề cao. Không tính đến Christophe Colombe, cũng như không kể nhà Livingstone, Stanley, Baker, mà các câu chuyện của họ đã làm say mê tuổi trẻ của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ đến nhà Garnier, nhà Pavie, Odend’hal, Maitre. Tên tuổi của họ đã được trích dẫn khắp nơi: mọi thư viện tầm cỡ đều có liên hệ với các chuyến đi của họ, phần đông thậm chí có một tượng, ở đây hay đó, một tên đường. Tôi tin chắc rằng, khi đi qua Qui-nhơn, tôi muốn mua cuốn sách do nhà sáng lập Vùng Truyền Giáo này viết, tôi không thấy nó được bán. Có lẽ thậm chí tôi không thể có được nó ở đây. Chúng ta coi thường các vĩ nhân của chúng ta. Không những các bạn đã khám phá ra một dân tộc, nhưng các bạn còn khai sáng cho dân tộc đó. Các bạn không những dạy cho họ đọc một trang sách in, các bạn không những không hài lòng đưa những ý tưởng mới lạ vào tâm trí của họ, nhưng nhất là các bạn đã dạy cho họ suy nghĩ, các bạn chỉ cho họ những chuẩn mực đạo đức tuyệt đối cần thiết để sử dụng không làm nguy hại đến bản thân cũng như với người khác các sự giàu có có thể nói là nguy hiểm của nền văn minh Pháp quốc.

Hiển nhiên, công trình chưa hoàn thành, cái chết đến cưỡm đi người thợ đang làm việc; những người khác gom góp các kho báu từ nhiều năm, tẩy xóa và tu chỉnh những điều họ đã làm, mà không có ý xuất bản gì cả, như thể họ chỉ có tham vọng làm việc như những con mối. Nhưng dù gì đi nữa, công trình khoa học của các bạn đáng được ngưỡng mộ. Và con tha thiết đọc nó cho người bạn cũ là ngài, thưa Đức Cha. Tưởng cũng nên nhắc trước mặt tất cả các người bạn của ngài, những người bạn riêng và những người bạn của Miền Truyền Giáo. Thưa Đức Cha, ngài là thành quả, là sự hoàn thành của một chuỗi dài cố gắng. Con không nói cố gắng thiêng liêng, con cố ý bỏ qua quan điểm này, nhưng con nói về những nỗ lực trên quan điểm khoa học, xã hội, con người…”.

Linh mục kỳ cựu của chúng ta, cha Irigoyen đáng mến, ở nhà vì một nỗi phật lòng, đã đặt tất cả hồn tông đồ của mình trong một bài diễn văn mà người khác phải đọc. Khi nhắc lại các bước đầu của sứ vụ và vẽ lại các đường nét chính của cuộc đời Đức Cha Jannin, chúng ta thấy được ngài là nhà thừa sai truyền giáo trong vòng 17 năm, bước trên các trở ngại đến mức trên cả liều lĩnh, sẵn sàng chịu đựng tất cả vì Chúa và các linh hồn. Số các làng theo đạo, các giáo xứ được tổ chức, các nhà thờ được xây dựng đã nói nhiều hơn mọi bài diễn văn. Kế đến là việc xây dựng, tổ chức trường Cuenot và đào tạo các học sinh được lấy trong tất cả bộ tộc xứ thượng. Bắt các đứa con của rừng này tuân thủ một kỷ luật chung, phát triển trong tâm hồn chúng các nhân đức làm cho chúng trở thành người là cả một công trình! Đức Giám Mục Jannin đã thành công mỹ mãn; các học sinh của ngài, dù là Việt hay Bahnar, mà ngày hôm nay đã là linh mục, có thể chứng minh điều đó.

Ngài Công Sứ Tại Kontum, nhân danh Toàn Quyền Đông Dương và Thống Sứ Annam, nói rằng ông thật hạnh phúc được chọn để bày tỏ với vị tân Giám Mục niềm vui và những lời chúc mừng của mọi người. Cuộc hội ngộ này chứng minh hiệp ước thân thiện Anh-Pháp ngự trị ở đây. Ông kết thúc bằng cách ngỏ với Đức cha tất cả các lời chúc mừng thay cho các người Tây ở Kontum, Buôn-ma-thuột và Pleiku.

Cuối cùng đến lượt mình đức Giám Mục Jannin đứng lên và sau khi bày tỏ sự thẹn thùng của mình về tất cả những gì ngài vừa nghe, ngài thêm:

“… Giữa hội nghị sáng giá này, tôi như người cục mịch; đã sống hơn 40 năm với những người thượng thân thương của tôi, tôi hầu như không có những bí quyết của nghệ thuật hùng biện. Thế nên những điều tôi phải nói với các bạn, tôi sẽ đọc cách hết sức đơn giản. Để được thế, tôi phải mở tim ra trước các bạn, nó đầy lòng biết ơn đối với tất cả các bạn. Trước tiên tôi xin hướng về các bạn, những đồng nghiệp rất yêu quý của tôi Vùng Truyền Giáo, các cha người Pháp, Việt, và Bahnar… Các bạn thân, hãy tin rằng dưới cây thánh giá trên ngực này có một quả tim rất yêu mọi người. Niềm vui của các bạn sẽ là niềm vui của tôi, nỗi đau của các bạn là nỗi đau của tôi. Và bây giờ, hỡi đồng nghiệp dũng cảm, hãy bắt tay vào việc! Môi trường hoạt động, chỗ giáp giới Đà-lạt cho đến cửa ngõ Huế, dường như bao la: phần được khai hóa rất nhỏ so với phần còn lại; nhưng chúng ta không sợ, chúng ta hãy cùng nhau làm việc cách dũng cảm, cùng khai phá, cày cuốc, gieo trồng đầy tay! Không quan trọng nếu những người khác thu gặt. Người Cha chung của chúng ta, từ bàn tay tự do của mình, sẽ thưởng cho người gieo cũng như kẻ gặt cách ngang nhau. Và rồi, chúng ta hãy nhắc lại rằng không có vùng truyền giáo nào mà những người tiên phong khai phá lại đau khổ nhiều như ở đây. Chính sự ngoan cường trong công việc của các nhà tiên phong vinh hiển của chúng ta đã mang lại kết quả; ở trần thế, mồ mả của các ngài là những viên đá cơ bản của giáo phận! Vinh quang cho những tiền phong này, cho các cha dũng cảm là Combes, Dourisboure, Vialleton, Guerlach, Kemlin, và tất cả những người khác. Các bạn không có cảm giác là các ngài đang ở đây với chúng ta sao? Ngày phong chức giám mục tiên khởi của Kontum này không phải là ngày phong chức của các ngài sao?… Cảm ơn tất cả các bạn, những đồng nghiệp yêu quý của tôi, về phần tôi, với một từ đơn giản các bạn đến đây từ Bắc kỳ, từ Huế, Sài Gòn, mang cho chúng tôi trên vùng Kontum xa xôi này những sự khích lệ và nâng đỡ từ thiện cảm đáng quý của các bạn! Hỡi các bạn, những đồng nghiệp yêu quý của tôi, con cái của gia đình rất yêu dấu của Thừa Sai Hải Ngoại giống như tôi, các bạn đã cho thấy tình cảm liên kết huynh đệ thân tình này thật là mạnh mẽ thế nào, một tình cảm đã liên kết toàn thể các thành viên của Hội chúng ta. Người bạn cũ chiến đấu của các bạn vùng Bahnar chúc lành cho các bạn được đến đây đông đủ như thế. Nguyện Thánh Tâm Chúa ân thưởng cho các bạn vì đức ái của các bạn.

Về phần các bạn, những đồng nghiệp tốt lành của chúng tôi từ Qui Nhơn, cho đến bây giờ, trong đại quân của Chúa, chúng ta chỉ tạo nên một thân thể quân đội dưới chỉ một vị chỉ huy, Giám Mục Qui nhơn. Kontum muôn năm!

Kính thưa các Đức Cha, một lần nữa, con cám ơn quý vị thật nhiều về sự hiện diện của quý Đức Cha, đối với con đó như là sự bảo đảm mà tất cả quý Đức Cha không ngừng rộng rãi ban bố cho con với những lời khuyên quý báu, với sự giúp đỡ tinh thần, sự thân tình nâng đỡ và sự giúp đỡ bác ái mà giám mục nghèo xứ thượng sẽ rất cần thường xuyên. Xin Đức Khâm Sứ Tòa Thánh hạ cố tha thứ cho con, nếu, như ở đoàn rước sáng nay, con làm cho tất cả mọi người đi trước mặt ngài trong những lời cảm ơn của con. Lý do là vì ân huệ nhận được từ Đức Khâm Sứ sáng nay là tuyệt đỉnh các ân huệ, con những muốn rằng sự cảm ơn của con cũng là tuyệt đỉnh của những lời cảm ơn.

Vậy con đây là con trai tinh thần của đức cha bởi sự phong chức giám mục. Tình cha này tạo nên cho con bổn phận là một người con biết ơn và ân cần chấp nhận các chỉ thị của đức cha. Điều đó, con hứa với cha.

Nhưng đàng khác, đối diện với những gánh nặng quá lớn của chức giám mục, con cảm thấy được mạnh mẽ bởi ý nghĩ rằng tình cha này buộc đức cha từ đây về sau là sự nâng đỡ, trợ giúp và người cố vấn của con.

… Con không thể kết thúc mà không nói đến sự biết ơn to lớn của chúng con, của con, cũng như lòng biết ơn của toàn thể đồng nghiệp của con, trước hết đối với Đấng Toàn Quyền, vị đã hạ cố tôn vinh ngày hội truyền giáo do sự hiện diện của ngài.

Sự hiện diện của ngài ở đây, thưa các cha, không phải là một nụ cười từ Pháp Quốc thân yêu đối với Giám Mục Pháp đầu tiên của vùng dân thượng này là gì? Ah! Con muốn rằng mọi ân nhân của chúng con, hữu danh cũng như vô danh, nguyện mọi người hợp tác vào các công trình Truyền Bá đức tin tốt đẹp của Tòa Thánh, của Chúa Hài Nhi và Thánh Phê-rô, biết được sự to lớn của lòng biết ơn chúng con đối với các vị và chúng con cầu xin Thiên Chúa lòng lành ân thưởng cho họ. Sáng nay, một trong những phép lành đầu tiên của con là cho tất cả các vị.”

Buổi tối, sau khi chầu Thánh Thể cách long trọng, Đức giám mục Jannin hưởng ứng lời kêu gọi của Mục tử nhân lành, hiến dâng Miền Truyền Giáo mới cho ngài.

Ban đêm, các tín hữu kinh của giáo xứ chính tòa đã diễn Cuộc Khổ Nạn của Chúa với lòng sốt mến nồng nhiệt và đơn thành mà theo ý kiến của mọi người tham dự, tất cả các vai diễn, đặc biệt là các vai Chúa Giê-su và Maria, được thể hiện hoàn hảo nhất có thể.

Ngày hôm sau, sáng thứ bảy, các linh mục và tín hữu quy tụ tại hang đá Lộ Đức, đối diện với nhà thờ chính tòa. Đức giám mục vùng Gadara ước mong đặt chức vụ giám mục của ngài dưới sự bảo trợ của Đức mẹ, tổ chức thánh lễ giám mục đầu tiên để kính ngài.

Nguyện xin Đức Maria đoái nhận sự khẩn cầu của cha chúng con và lời nguyện cầu của con cái ngài, và cho người này sức mạnh và dũng cảm, cho người khác, được là những thừa sai bước trên các vết chân của tân giám mục!

 

IV. MỘT CHẶNG ĐƯỜNG MỚI (1932-1945)

CÁC TÒA GIÁM MỤC

Sau nhiều cố gắng xây dựng, ngày 18-1-1932, Tòa Thánh đã công bố Nghị định thư thiết lập giáo phận đại diện tông tòa Kontum tách từ giáo phận Mẹ Quy Nhơn: gồm các tỉnh Kontum, Pleiku, Ðăklăk và Attâpư (hạ Lào). Và ngày 23-1-1932, linh mục bề trên Martial Jannin Phước được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi quản nhiệm giáo phận, hiệu tòa Gadara. Giám Mục C. Dreyer, Khâm sứ Tòa Thánh tại Ðông Dương, đã từ Huế vào tấn phong cho vị giám mục mới ngay tại nhà thờ chính tòa Kontum ngày 23-6-1932.

 

      1.    TRƯỜNG CUÉNOT-TÒA GIÁM MỤC TIÊN KHỞI (1933-1942)

       Đức cha Jannin là Đấng sáng lập và là Bề trên trường Cuénot, nên ngài cần hiện diện tại cơ sở này. Đồng thời từ nơi đây ngài điều hành mọi sinh hoạt cho cả vùng Đại Diện Tông Tòa Kontum vừa được Tòa Thánh thiết lập. Cho nên, cơ sở trường Cuénot không chỉ là trường đào tạo yao phu, nơi ươm trồng ơn gọi linh mục mà từ đó đã nên biểu trưng cho cả địa phận Kontum, được gọi là TÒA GIÁM MỤC KONTUM TIÊN KHƠI nữa

 

Công việc đầu tiên và ưu tiên của vị tân giám mục là cho xây chủng viện Thừa Sai Kontum (1935-1938). Nhà hoàn toàn bằng gỗ cà chích, dài 100m, vách trần bằng rơm và bùn đất, mái lợp ngói. Là một kiệt tác! Chính Ðức giám mục thiết kế và trông coi tới hoàn thành. Ngài còn cho thực hiện nhà in, hệ thống dẫn thủy nhập điền, hệ thống thủy điện. Gặp buổi khó khăn, ngài cũng tự chế một chiếc ôtô với bánh xa bằng gỗ để di chuyển. Giáo phận có cả một xưởng lao động để giải quyết công việc trong giáo phận và đào tạo các tay nghề. Công việc truyền giáo vẫn tiến triển mạnh mẽ, các địa sở ngày càng phát triển.

Ngoài tờ Hlabar Tơbang cho Yao Phu, giáo phận còn có các tạp chí Chức Dịch Thơ Tín (1933) cho Hội Chức việc Á Thánh Năm Thuông Giáo phận Kontum, Tạp chí Les Echos (1941) – sau đổi thành Tờ báo Dư Âm, năm 1968 đổi thành tờ Tiếng Vang, một tạp chí dành riêng cho các linh mục trong giáo phận. Trước đây vị khai sáng Miền Truyền Giáo Tây Nguyên, Giám Mục Étienne Cuénot Thể đã điều khiển giáo phận mênh mông từ hầm trú bằng thư từ suốt 26 năm trời, thì nay vị giám mục của Kontum cũng dùng hình thức tạp chí để huấn luyện và nuôi dưỡng nhân sự trong giáo phận.

 

          2.    NHÀ XỨ CHÍNH TÒA KONTUM LÀ CƠ SỞ TÒA GIÁM MỤC THỨ HAI (1942-1951).

Ngày 22-4-1942, Linh mục Jean Sion Khâm đã được tấn phong giám mục kế vị Giám Mục M. Jannin Phước đã qua đời năm 1940 hưởng thọ 73 tuổi (1867-1940). Ngài nhận thấy Tòa Giám mục tọa lạc trong khuôn viên trường Cuenot không còn thuận tiện vì số học sinh ngày càng đông, cơ sở không đủ cho mọi sinh hoạt cần thiết, nhất là bầu khí không tỉnh lặng đủ để các cha về tỉnh tâm. Ngài đã chuyển tòa giám mục từ trường Cuénot về nhà xứ chính tòa cho thuận tiện việc điều hành địa phận hơn. Ngài muốn nâng cao đời sống tâm linh nhất là cho người tín hữu dân tộc bằng Phụng Vụ Thánh, nên nhà thờ chính toà rất thích hợp cho việc canh tân đời sống phụng tự, nhất là tổ chức thánh lễ long trọng. Cha sở nhà thờ chính tòa là cha Benjamin Louison tạm thời dời nhà xứ qua trường Thánh Giuse phía bên kia đường, đối diện với nhà thờ Chính Tòa. Đức cha Jean Sion Khâm thi hành nhiệm vụ Giám mục tại cơ sở nhà xứ chính tòa và đây là cơ sở Tòa Giám mục thứ hai.

 

Ý thức rằng giáo phận đang phải trải qua một giai đoạn hết sức tế nhị và khó khăn, nên ngày 5-12-1943, Ðức giám mục giáo phận đã dâng hiến toàn thể giáo phận cho Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Trinh Nữ Maria. Nghi thức dâng hiến diễn ra trọng thể tại nhà thờ chính tòa.

Thế chiến vừa chấm dứt, cuộc nội chiến lại xảy ra. Một giáo phận miền núi càng gặp khó khăn trăm chiều. Giám Mục Jean Sion Khâm vẫn cố chèo chống.

Quân đội Nhật đã tập trung các vị thừa sai về Nha Trang. Sau một thời gian, tất cả đã được trả tự do và trở lại địa sở (7-1946). Trước tình hình mới của xã hội. Ngài xúc tiến việc thiếp lập Trường Lý Ðoán (Ðại Chủng Viện) riêng cho giáo phận Kontum, vì tình hình lúc bấy giờ không thể gửi các chủng sinh vào Saigòn hay ra Hà Nội. Ngày 16-6-1944, ngài ban hành Facultates Majoris Seminarii Kontumensis. Năm 1946, ngài ký ban hành Statuta Ordinarii pro Anlumnis Majoris Kontum. Trường Lý Ðoán đã bắt đầu hoạt động với con số khiêm tốn khoảng 10 chủng sinh. Chính Giám Mục làm giám đốc, linh mục Crétin làm giáo sư, linh mục Thomann làm quản lý.

Ngài đi từ Tòa Giám mục (nguyên nhà xứ Chính Tòa) ngày ngày dùng phương tiện cởi ngựa đến Đại Chủng viện dạy học và gặp gỡ các Đại chủng sinh. Ngài cũng thường dùng phương tiện này đi thăm mục vụ các làng xa trong giáo phận

Song song việc đào tạo linh mục, ngài xin phép Tòa Thánh cho thiết lập hội dòng Ảnh Phép Lạ, một hội dòng nữ người dân tộc. Lúc đầu không được Tòa Thánh chấp thuận, vì trong Giáo Hội đã có nhiều hội dòng rồi. Giám Mục không bỏ cuộc, ngài tha thiết trình bày với lý lẽ vững chắc; muốn có những linh mục, tu sĩ bản địa lo cho người bản địa, thì cũng cần có những bà mẹ Công giáo bản địa được chuẩn bị đàng hoàng như vậy, vì thế việc thiết lập một hội dòng đào tạo các thiếu nữ dân tộc thật là chính đáng và thiết thực. Sau đó Thánh Bộ đã chấp thuận. Hội dòng đã được chính thức thành lập ngày 6-4-1947. Qua dòng lịch sử, cũng như hội Yao Phu, hội dòng Ảnh Phép Lạ đã giữ một vai trò độc đáo và quan trọng trong giáo phận.

 

Trước khi phần đất Attâpư được tách và sát nhập về Giáo Hội Lào, Đức Cha Jean Sion Khâm cùng quí cha thừa sai và bản xứ đi kinh lý Attâpư trong cuộc hành trình cực kỳ nguy hiểm và khổ cực vất vả, trong số đó còn cha Giacôbê Nguyễn Tấn Đường nay hưu tại Tòa Giám mục Kontum.

Chiến tranh thế giới II (1939-1945) cũng đã cản trở công cuộc truyền giáo Tây Nguyên phần nào. Khi thế chiến chấm dứt, thì lịch sử giáo phận cũng sang trang mới.

Ngày 19-8-1951, Giám Mục Jean Sion Khâm qua đời tại Montbeton (Pháp), linh mục Paul Seitz Kim lúc bấy giờ đang coi Cô Nhi Viện Kitô Vua ở Thái Hà Ấp, Hà Nội, được bổ nhiệm kế vị. Lễ tấn phong đã diễn ra tại nhà thờ lớn Hà Nội ngày 3-10-1952. Dưới sự dìu dắt của vị tân giám mục, giáo phận Kontum đã có những bước tiến vượt bậc. Là con người đầy nhiệt huyết, với tuổi đời 46, ngài đã hăng say bắt tay củng cố giáo

 

        3.    CHỦNG VIÊN THỪA SAI, TÒA GIÁM MỤC THỨ BA (1952-1966)

image015

Hoa quả tất yếu của việc truyền giáo ở bất cứ nơi nào trên thế giới là thiết lập nên hàng giáo phẩm và giáo sĩ địa phương, do đó chủng viện đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Việc hình thành Chủng viện Thừa sai Kontum cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nhưng, việc hình thành Chủng viện Thừa sai Kontum lại có nét đặc thù riêng, nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị. Hai chữ “Thừa Sai” gắn liền với Chủng viện Kontum đã nói lên điều ấy. Sau đây là sơ lược về những lý do hình thành và sự phát triển của Chủng viện Thừa sai Kontum.

 

1.2. XÂY DỰNG CHỦNG VIỆN – NHỮNG LÝ DO VÀ TIẾN TRÌNH

image017

Thời gian trôi qua, với nhiều thay đổi trong cục diện chính trị trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hiện tình Địa phận Đông Đàng Trong (Qui nhơn) biến chuyển và phát triển mọi mặt, đặc biệt sau 30 năm truyền giáo, một thành quả tốt đẹp được thu hoạch do bao công sức của các linh mục thừa sai cũng như bản xứ, và sự đóng góp của mọi thành phần dân Chúa, đó là thành lập địa phận mới: ĐỊA PHẬN KONTUM với Sắc chỉ của Toà Thánh ký ngày 17-1-1932 và Cha JANNIN được bổ nhiệm làm Giám mục GADARA vào ngày 23-1-1933 và thụ phong Giám mục vào Lễ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, ngày 23-6-1933.

Mọi sự đều do Chúa an bài xếp đặt và Người có thời điểm riêng cho công việc truyền giáo. Sau biết bao thăng trầm, nhiều khi tưởng chừng lửa hoả ngục sắp thiêu huỷ Giáo Hội tại Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Vậy mà việc truyền giáo tại đây tuy không có những bước vĩ đại, nhưng nhờ ơn Chúa vẫn được phát triển và hướng về tương lai đầy lạc quan tin tưởng.

a. Tình hình Địa Phận

Qua thống kê, tình hình địa phận mới (năm 1933) từ nhân sự đến cơ sở, nhất là niềm tin, phần nào được bám rễ trong lòng người tín hữu Kinh cũng như dân tộc.

Mối quan tâm bậc nhất của một địa phận còn non trẻ là cấp bách thiết lập cơ sở đào tạo linh mục tương lai vì vùng truyền giáo này có những nhu cầu đặc biệt khác với những vùng truyền giáo khác, kể cả địa phận MẸ-QUINHƠN.

“Từ ngày khai sinh vào năm 1933, vùng truyền giáo KONTUM chỉ có trường Cuénot để đào tạo các thầy giảng người dân tộc. Sự thành lập này, trong 25 năm qua đã thực hiện tốt mục đích cao cả của mình, vì nó không ngừng cung cấp các thầy giảng cho tất cả mọi làng Công giáo chúng tôi, đã làm nhẹ bớt công việc đang đè bẹp các vị thừa sai trong rừng sâu. Dầu vậy, các giáo lý viên đông bao nhiêu đi nữa cũng không đủ để thiết lập một vùng truyền giáo; cần phải có linh mục, phải có chủng viện; để có chủng viện, phải có chủng sinh. Nói cách khác, trước nhất phải chắc chắn tìm ra ơn gọi làm linh mục. Đó đúng là điều chúng tôi sợ thiếu trong vùng mới như vùng chúng tôi. Cũng vậy, để hoàn thành chủng viện theo dự án, với hy vọng có những linh mục tốt sau này, chúng tôi phải tìm một phương thế khác. Chúng tôi muốn thiết lập một Hội các linh mục thừa sai Việt Nam để chiêu mộ ơn gọi từ các địa phận Việt Nam miền duyên hải, nhiều dân cư và người Công giáo. Xin Thiên Chúa chúc lành (…)”.

b. Sự cần thiết của trường thừa sai

Số giáo dân gia tăng, các linh mục thừa sai thiếu hụt, già nua, bệnh tật. Đó là lý do phải cấp bách xây dựng chủng viện với hy sinh phấn đấu, kiên quyết. Chúng tôi xin tạm dịch lại bản tường trình của địa phận KONTUM cho Hội Thừa sai Paris năm 1934 như sau:

KONTUM

Giáo dân: 20.934.

Rửa tội cho người lớn: 933.

Rửa tội cho các em bên lương: 100.

“Miền truyền giáo non trẻ KONTUM, được thiết lập vừa đúng 2 năm với 14 linh mục thừa sai cũng ngần ấy linh mục bản xứ. Vào tháng 2, Cha GUICHARD qua đời; tháng 4 cha IROS và tháng 7, Cha BONNAL. Trong số những vị còn lại, Cha IRIGOYEN đã 78 tuổi rồi; Cha PRIOU bị tai nạn chiến tranh tàn phế hoàn toàn và 7 vị khác đã mừng LỄ BẠC linh mục. Mặt khác, các bệnh truyền nhiễm đã làm cho 1.320 người chết (gần 7% tổng số giáo dân), trong khi số tử những năm vừa qua trung bình là 4% mà thôi. Đây là một điều ít an ủi nâng đỡ đối với địa phận mới! Nhưng, Đức cha JANNIN đáng kính nói đó có phải là một sự thử thách mà lòng Chúa an bài đã bỏ rơi chúng ta không!? Không phải vậy. Điều mà Chúa lấy khỏi chúng ta ở tay này, Ngài lại ban cho chúng ta ở tay khác và sẽ thúc giục nhiều hơn ban cố vấn tại Paris thay thế những vị đã rời xa chúng ta”.

“Trong tháng 10 vừa qua, Cha MARTY đầy sức khoẻ, linh hoạt đã đến với chúng ta. Chỉ có 8 tháng mà Cha đã rành tiếng Việt khó nói này và với một tinh thần hăng say, Cha học tiếng Bahnar. Vào mùa thu năm 1934, chắc chắn chúng ta đón tiếp người anh em thứ hai. Ai có Chúa thì chẳng sợ gì!…”.

“Nếu trên hết toàn vùng thừa sai này, người ta đang và còn ở trong thời kỳ gieo vãi vất vả, dẫu vậy, nhờ ơn Chúa, ở một vài nơi cũng đã gặt hái được những thành quả. Thần khí Chúa thổi đi đâu thì thổi (Spiritus ubi vult, spirat). Chúng tôi được an ủi thấy Gió Ơn Thánh Chúa đã thổi rộng khắp trên vùng truyền giáo chúng tôi, nơi mà hầu hết các buôn làng ngoại giáo ao ước tòng giáo. Vả lại, không một làng nào trong các làng đó thương thảo đặt một điều kiện gì cả trước khi trở lại đạo. Không nghi ngờ gì nữa, đó chính là Thần Khí Ơn Chúa đã thổi qua. Than ôi! Chính sự an ủi này cũng là điều làm cho chúng tôi lo ngại. Chúng tôi luôn bị bó buộc phải để Thần Khí trôi qua! Có biết bao giờ trở lại nữa không?! Làm sao tiến bước đi tới? Chinh phục; rất tốt; nhưng sau đó cần bảo tồn, đó mới là điều khó. Trong một xứ thượng rộng bao la, có ai muốn chiếm một vùng đất rộng để phát hoang – đối với họ điều đó tương đối dễ – nhưng làm như vậy để làm gì, nếu không tiến đến việc trồng tỉa?! Mất thời giờ và tiền của! Đối với chúng tôi, về mặt thiêng liêng cũng vậy, nếu chúng tôi tiến đến chinh phục truyền bá Phúc Âm mà không có một sự khôn ngoan nào đó. Đau lòng cho chúng tôi! Những thừa sai khi thấy mùa gặt bao la đã chín vàng và khi thấy không có đủ thợ truyền giáo để thu góp chúng vào kho lẫm của Cha gia đình”.

Trong vùng truyền giáo địa phận KONTUM số dân tộc đa dạng, khác biệt với các địa phận khác và nhu cầu số buôn làng người dân tộc xin tòng giáo gia tăng nhưng lại thiếu linh mục. Cần phải có giải pháp cụ thể, hay ngồi đó cam chịu tình trạng thiếu hụt linh mục, rồi nói rằng chẳng có gì để làm không? Kêu cứu Âu Châu, Mỹ châu để xin một số linh mục chí nguyện đến tiếp tay? Vì là thời kỳ khủng hoảng ơn kêu gọi linh mục, do đó cầu cứu họ là điều vô ích!

Khi đó thiết lập một chủng viện như các hội thừa sai khác? Đương nhiên, đó là một giải pháp, nhưng mong manh biết bao, trăm ngàn thiếu thốn như các kết quả thực tế đã cho thấy. Quả thật, chúng tôi có thể hy vọng có các chủng sinh không? Chúng tôi có gần 23.000 tín hữu, dựa trên số này, chúng tôi có 18.000 tín hữu dân tộc, 5000 tín hữu Kinh, nhưng lại mới định cư trong xứ này. Các tín hữu Kinh chắc chắn cung cấp cho chúng tôi được một số tuyển sinh vào Bàn Thánh Chúa, nhưng quá ít so với nhu cầu của chúng ta. Đối với tín hữu dân tộc vẫn là ảo tưởng khi hy vọng giữa các trẻ em của họ có một số ơn gọi nghiêm túc, vì lẽ nền tảng tôn giáo chưa vững chắc”.

“Bằng mọi giá, chúng ta phải tìm cho ra một giải pháp khác”.

c. Những đòi hỏi và lý do để thực hiện dự án theo phương hướng của Toà Thánh

Để nắm bắt mục đích, kế hoạch xây dựng cơ sở cũng như phân kỳ việc đào tạo chủng viện thừa sai tương lai, nhất là những văn bản pháp lý của Toà Thánh về việc thiết lập chủng viện này, chúng tôi xin ghi lại đây toàn văn dựa vào “Petite notice sur l’École apostolique” như sau:

“Như chúng tôi vừa trình bày, tại vùng thừa sai vừa khai sinh, để nó sống được phải có linh mục. Không có linh mục, thì không có cộng đoàn tín hữu, không có hoạt động truyền giáo nào thực hiện được”.

“Vả lại, để có linh mục phải có các chủng viện; muốn có chủng viện, cần có chủng sinh. Nói cách khác, trước nhất phải chắc chắn có ơn kêu gọi làm linh mục. Và chính chúng tôi lại thiếu điều bảo đảm này!”

“Đây là điểm làm cho chúng tôi có ý tưởng về một Hội mới của các thừa sai chuyên trách để rao giảng Tin Mừng cho vùng dân tộc chúng ta. Và để thiết lập một Hội mới các thừa sai này, trước tiên chúng ta phải thiết lập mọi bộ phận một Trường Truyền giáo, ở đó các thỉnh viên thừa sai tương lai học các lớp tiểu học và trung học”.

“Việc phổ biến Trường Truyền giáo này, điều đó không có khó. Thực tế, phía Bắc, phía Đông và phía Nam của vùng truyền giáo chúng tôi, đã có 12 địa phận truyền giáo Việt Nam, trong đó ơn kêu gọi làm linh mục và tu sĩ rất nhiều. Chúng ta có thể hy vọng ở đó có biết bao nhiêu là các thỉnh viên thừa sai tương lai mà chúng ta mong muốn”.

“Các dự án của chúng tôi là thiết lập tại chỗ “một lò đào tạo truyền giáo”. Một khi mọi người biết được dự án này thì từ mọi nơi đã khích lệ chúng tôi, đặc biệt là Bề Trên Tổng Quản đầy tinh thần tông đồ đáng ghi nhớ của chúng tôi và Đức Cha DREYER KHÂM SỨ Toà Thánh tại Đông Dương cũng đã có nhã ý nói với chúng tôi biết là các dự định của chúng tôi đã làm cho các Ngài vui mừng như thế nào. Nhưng trong tất cả các khích lệ này, không có một khích lệ nào có giá trị hơn những khích lệ chứa đựng trong Tông Thư của Đức Thánh Cha gởi cho chúng tôi qua Thánh Bộ Truyền giáo và chúng tôi xin dịch toàn văn sau đây. Với một sự cổ vũ từ phía Toà Thánh, chúng tôi cũng được một đảm bảo rằng chúng tôi đã không đi lệch đường”.14

“Rôma, ngày 17 tháng 1 năm 1934”

“Kính thưa Đức Cha khả ái!

“Đức Thánh Cha PIÔ XI chúng ta, nhờ Ơn Chúa, hiển trị Giáo Hội, sung sướng nhận được tin Đức Cha đang lo lập một Hội Thừa sai người Việt Nam theo khuôn mẫu Hội Thừa sai Paris. Dự định này rất am hợp: vì không một ai thích hợp hơn để rao giảng Đạo cho các cư dân còn lạc hậu trong vùng Đông Dương hơn là người Việt Nam đã quen phong thổ, đã từng chịu khổ trong cuộc sống. Trong các thế kỷ qua, họ đã được thử thách lòng sốt sắng và đức tin vững vàng. Bởi đó, Đức Thánh Cha ban phép lành đặc biệt và dồi dào trên dự án của Đức Cha. Ngài khẩn nguyện xin Thiên Chúa lòng lành thương ban cho Đức Cha thiết lập Hội chóng trưởng thành sẵn sàng làm phong phú mùa gặt hái các linh hồn”.

“Ước chi người Việt Nam đã dâng lên Thiên Quốc bao đấng tử đạo hằng tỏ lòng ngoan nguỳ sốt sắng hơn hết trên các dân tộc trong vùng Đông Dương, trở nên người rao giảng Đức Tin Kitô giáo và khai hoá các bộ lạc, các cư dân lân cận. Lúc đó, đất nước Việt Nam thật đáng được gọi là TRƯỞNG TỬ yêu dấu của Giáo Hội bên Viễn Đông. Vả lại, sứ vụ thánh hoá này khởi sự trong năm thánh và trong năm thánh này chúng ta đặc biệt kỷ niệm Chúa Cứu Thế thật là một điều rất tốt lành vậy”.

“Kính chúc Đức Cha những lời cầu chúc tốt đẹp nhất và luôn dấn thân trong Chúa”.

ký tên

FUMASOMI BIONDI CHARLES SALOTTI

HỒNG Y VIỆN TRƯỞNG TỔNG GIÁM MỤC THƯ KÝ

Lá thư của Đức Hồng y Viện trưởng gửi cho Đức cha JANNIN, chuyển lời cầu chúc của Đức Thánh Cha cho Đức Giám mục Địa phận Kontum cũng cho chúng ta thấy được đường lối mục vụ của Toà Thánh nhấn mạnh đến sự cần thiết đào tạo linh mục bản xứ, và còn hơn thế nữa, cần có một Hội Truyền giáo Việt Nam phụ trách truyền giáo cho các dân tộc trên vùng Tây Nguyên cũng như vùng lân cận, hầu tránh tinh thần thực dân đang trên đà thống trị thế giới và dù ý thức hay không, tinh thần quốc gia của một số vị thừa sai có thể gây nhiều đổ vỡ trong khi đem Lời Chúa cho một quốc gia khác. Quyết định của địa phận được Đức Thánh Cha PIÔ XI chúc lành, được vị Hồng y Viện trưởng nhấn mạnh đi đúng phương hướng của Đức Giáo hoàng BÊNÊĐICTÔ XV trong Thông điệp Maximum Illud, ban hành tại Rôma ngày 30/11/1919. Chúng tôi xin ghi lại đây một số đoạn Thông điệp này để dễ nhận định ý hướng và quyết tâm của Đức Giám Mục địa phận quyết định lập Chủng viện Truyền giáo trên vùng Tây Nguyên này:

Việc giáo dục và tổ chức hàng giáo sĩ người bản xứ phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mỗi vị chủ chăn các địa phận. Người linh mục bản xứ gắn bó với đàn chiên mình bởi mọi thứ: dòng máu, tâm tính, quan điểm, lý tưởng, là người được trang bị thật tuyệt vời để hướng dẫn các linh hồn với sự thật. Hơn ai hết, vị ấy biết phải mở cửa lòng trí của họ như thế nào, đó là vì vị ấy có thể dễ dàng đến với nhiều linh hồn mà vị linh mục ngoại quốc không đến được”.

Sau đó, Thông điệp nói đến vấn đề giáo dục đầy đủ cho các linh mục bản xứ, giao phó trách nhiệm đúng mức và tham dự việc điều hành lãnh đạo trong Giáo hội địa phương. Thông điệp hướng về các vị thừa sai, ghi tiếp:

“Quí cha hãy nhớ rằng, quí cha đang xây dựng không phải một vương quốc của con người mà là của Chúa Kitô (…). Vị thừa sai đại diện cho lợi ích của Chúa Kitô, chứ không phải cho lợi ích của quốc gia mình (…). Thật đáng buồn khi thấy số thừa sai quên mất chức năng của mình và lo lắng đến lợi ích của quốc gia mình nhiều hơn là lợi ích của Nước Trời, đồng thời lại tỏ ra nhiệt thành quá đáng đối với việc mở mang quyền lực, sự bành trướng và vinh quang của nước mình trên mọi thứ khác”.

Sau đó Thông điệp nói đến hệ luỵ việc số thừa sai vì thái độ thực dân đó sẽ gây ra sự nghi ngờ trước mắt dân chúng về tôn giáo.

Ngoài ra, chính Đức cha GUÉBRIANT, Bề trên Hội Thừa sai Hải ngoại Paris trong bài thuyết trình tại Viện Đại học Công giáo Paris, tháng 2-1924 cũng khẳng định như sau:

“Hơn bất cứ ai hết, Vị thừa sai Pháp, do tính chất tế nhị về chủng tộc, không thể làm kẻ tiên phong cho bất cứ một quốc tịch nào. Ông chỉ có thể làm kẻ tiên phong cho Chúa …”.

Chính tinh thần đó, Giáo hội Việt Nam đã thực hiện khi phong chức Giám mục cho hai vị linh mục Việt Nam đầu tiên vào thập niên 30: Đức cha NGUYỄN BÁ TÒNG (1933) và Đức cha HỒ NGỌC CẨN (1935). Và cũng chính đường hướng đó, dự án thiết lập Hội Thừa Sai KONTUM hình thành và bắt tay vào việc cách cương quyết.

 

2. CHỦNG VIỆN THỪA SAI KONTUM – HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

image019

Sau 80 năm hình thành và phát triển, Miền Truyền giáo Kontum được Toà Thánh nâng lên thành Hạt Tông toà Kontum vào năm 1932. Việc ưu tiên hàng đầu của Đức cha Martial JANNIN, vị Đại diện Tông toà tiên khởi (1933), là thiết lập ngay Trường Truyền giáo (Ecole Apostolique), theo kiểu như của Hội Thừa sai Paris, với mục đích chiêu mộ các ơn gọi từ miền Trung Châu, trong khi chờ đợi sự trưởng thành của các ơn gọi nơi người sắc tộc. Bản thân Đức Giám Mục trước đây, khi còn là linh mục, đã thành công trong việc tổ chức và điều hành Trường CUENOT (1908), là trường đào tạo các Yao Phu (thầy giảng người sắc tộc), góp phần làm phát triển Miền Truyền giáo Kontum. Dự định của Đức Giám mục JANNIN càng được thôi thúc vì những lý do sau đây: số tín hữu gia tăng vì có nhiều buôn làng xin tòng giáo, trong khi con số các linh mục thiếu hụt vì già nua hay bệnh tật; các Yao Phu tuy có đông số và giúp việc truyền giáo cách tích cực, nhưng không thể thay thế vai trò của linh mục; hơn nữa dự định lập Trường Truyền giáo của Đức Giám mục Jannin đã được Đức cha DREYER, Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương, khích lệ; và nhất là Đức Giáo hoàng Piô XI đã chúc lành cho dự án, qua bức thư của Đức Hồng y FUMASOMI BIONDI, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo ngày 17-1-1934.

 Được khích lệ như thế, nên Đức cha JANNIN đã bắt tay vào việc thiết kế và thi công ngôi Trường Truyền giáo. Chính ngài vừa là kiến trúc sư vừa là đốc công của toà nhà. Trước tiên vị trí được chọn nằm trên một ngọn đồi, đối diện và cách Trường Cuénot 600m về hướng bắc. Đó là một toà nhà dài 100m, hoàn toàn bằng gỗ cà chít, loại danh mộc có thể đương đầu với mối mọt, người Pháp gọi là “Bois de fer” (= gỗ sắt), gồm 2 tầng lầu và 1 tầng trệt. Các cột nhà được đặt trên bệ xây xi măng cao 2 mét. Theo thiết kế, chính giữa là Nhà nguyện, hai cánh hai bên là nhà ở và các lớp học. Từ năm 1933, tiến hành thi công dãy nhà cánh trái (phía đông) và nhà nguyện được dựng lên trước. Chẳng may, khi khung nhà mới được dựng lên, thì một cơn lốc mạnh đã làm cho sụp đổ hoàn toàn. Thế là phải làm lại từ đầu. Với sự kiên nhẫn và quyết tâm của cả thầy lẫn thợ, cuối cùng cánh trái và nhà nguyện cũng hoàn thành, sẵn sàng để khai giảng vào năm 1935. Dãy nhà bên phải nhà nguyện tiếp tục được thi công, và công việc xây dựng dãy nhà này đã hoàn thành cách an toàn vào năm 1937.

 Năm 1935, lớp tuyển sinh đầu tiên gồm 80 em người Kinh, hầu hết từ các nơi ở miền xuôi lên. Cha HUTINET (Nhì), mới từ Pháp sang, đặc trách giai đoạn đầu của Trường Truyền giáo, được gọi là Trường Thử (Probatorium). Thời gian ở đây, các em theo học các lớp tiểu học trong 3 năm. Sau đó, khi cánh phải của ngôi nhà hoàn tất (1937), thì nơi này được dùng làm Tiểu Chủng viện. Năm 1938, Tiểu Chủng viện, với Cha J.B. DÉCROUILLE (Tôn) làm giám đốc, mở cửa đón tiếp 25 em còn lại của lớp đầu tiên từ Trường Thử chuyển qua. Sau 5 năm ở Tiểu Chủng viện học tiếng Latinh và các môn khoa học tự nhiên, các chủng sinh sẽ được gởi đi học Triết và Thần học tại một trong những Đại Chủng viện của các Hạt Tông toà khác. Năm 1939, Kontum gởi 3 thầy lưu học tại Địa phận Quy Nhơn, 2 thầy ở Xuân Bích Hà Nội, và 3 thầy ở Pinăng (Mã Lai).

Ngày 16-7-1940, Đức cha JANNIN qua đời. Hai năm sau, kế nhiệm ngài là Đức cha Gioan Liêvin SION, được tấn phong ngày 22-4-1942. Đức cha SION rất đạo đức và giàu kinh nghiệm trong vấn đề đào tạo các ơn gọi. Trước đây, ngài đã lập nên Dòng Thánh Giuse cho Quy Nhơn, và sau này còn lập một Dòng Nữ cho Kontum là Dòng Ảnh Phép Lạ. Ngài rất quan tâm đến vấn đề đào tạo trong chủng viện và còn đích thân tham gia vào việc dạy dỗ nữa.

 Năm 1945, khi Thế chiến II vẫn còn chưa kết thúc, sau khi tấn công Đông Dương, quân Nhật tiến lên vùng Kontum. Họ bắt tất cả các thừa sai ngoại quốc, trong đó có Đức cha SION, tạm giam tại Tiểu Chủng viện vài ngày, rồi sau đó đem đi quản thúc tại Dòng Phanxicô Nha Trang, trên một ngọn đồi ven bờ biển Đông. Trong thời kỳ này, Cha Phêrô DƯƠNG NGỌC ĐÁNG phụ trách chủng viện và sau đó cho giải tán chủng sinh về với gia đình. Các chủng sinh, bị phân tán và cách ly, không thể về tựu trường vào tháng 8-1946 như dự trù được, ngoại trừ số chủng sinh thuộc Kontum và Pleiku. Tuy Thế chiến II đã kết thúc, nhưng tình hình chính trị tại Việt Nam rất phức tạp. Những người bị kẹt ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… dần dần tìm cách vượt qua hiểm nguy, quy tụ về Kontum và trình diện các Đấng Bề trên vào những năm 1947-1948. Lúc bấy giờ, Cha Bề trên J.B. DÉCROUILLE (Tôn) lo ổn định số chủng sinh cũ. Đích thân Đức cha SION lo lắng chỉ dẫn từng đại chủng sinh một về các mon thần học cần thiết, như giáo luật và luân lý. Năm 1949, trước khi về Pháp chữa bệnh, Đức Cha đã phong chức linh mục cho 2 Thầy J.B. TRẦN KHÁNH LÊ và Anrê PHAN THANH VĂN thuộc lớp đầu tiên xuất thân từ Trường Truyền giáo, hay nói cách khác là từ Chủng viện Thừa sai Kontum. Các thầy còn lại lần lượt được gửi đi hoàn tất chương trình triết và thần học tại Đại Chủng viện Sài Gòn.

 

CHỦNG VIỆN THỪA SAI LÀ TÒA GIAM MỤC THỨ BA (1952-1966)

 Ngày 19-8-1951, Đức cha SION qua đời tại Pháp. Một tân Giám mục trẻ hoạt bát, và nhiệt thành với việc truyền giáo lên kế nhiệm, đó là Đức cha Phaolô Lêô SEITZ (Kim). Ngài được tấn phong giám mục tại Hà Nội ngày 3-10-1952. Trước khi về nhiệm sở mới là Địa phận Kontum, Đức Cha trao việc quản trị và giáo dục “Gia đình Têrêxa” của ngài, ở Thái Hà ấp, Đống Đa, Hà Nội, cho Hội Dòng Don Bosco đảm nhiệm hướng dẫn.

Đức Tân Giám Mục Paul Seitz Kim quan tâm về giáo dục, trong đó đặc biệt đào tạo linh mục, nên đã chuyển Tòa Giám mục từ Nhà thờ Chính Tòa về Chủng viện, một cơ sở rộng rãi vừa thích hợp cho các linh mục qui tụ tĩnh tâm và dễ quan tâm việc đào tạo chủng sinh.

 Lo lắng đào tạo linh mục cho tương lai, Đức Cha luôn muốn tuyển chọn một số thanh thiếu niên thuộc “Gia đình Têrêxa” vào Chủng viện Thừa sai Kontum, nên ngài xin các linh mục Dòng Don Bosco tuyển lựa một số học sinh có khả năng và ý hướng “đi tu”, và lo liệu cho các học sinh này vào giáo phận ngài đang đảm nhiệm. Đã có 2 đợt vào Kontum:

 Đợt I: Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ (7/5/1954), khoảng 30 em thuộc gia đình Têrêxa được gửi vào Kontum với ý hướng theo ơn gọi linh mục.

 Đợt II: Sau Hiệp định Genève (20/7/1954), khoảng 25 em vào Kontum cũng với ý hướng trên.

Tại thị xã Kontum, từ năm 1951-1953, Cha Giám đốc J.B. DÉCROUILLE (Tôn) tuyển mộ lớp chủng sinh mới, với sỉ số 18 em. Ngài bắt đầu ổn định nơi ăn chốn ở, nhưng thiếu hụt mọi thứ và việc học hành cũng chưa được như lòng mong ước. Số chủng sinh này và các chủng sinh thuộc “Gia đình Têrêxa” vừa đến được gởi vào Tiểu Chủng viện Sài Gòn tu học.

 Vả lại, số chủng sinh vẫn còn ít, nên đầu năm 1955, Giám mục gửi thư đến các địa phận xin ơn gọi chủng sinh và đặt Linh mục THOMANN (Mẫn) làm Giám đốc Chủng viện Thừa sai Kontum, Linh mục Phêrô TRẦN THANH CHUNG làm quản lý kiêm dạy học. Ban giáo sư còn có các thầy KHẮC, thầy TRÍ…

 Niên khoá 1955-1956, số chủng sinh là 70, nhưng rất đa dạng, gồm cả 3 miền: Nam, Bắc, Trung. Chẳng những học lực khác nhau, tâm lý khác nhau vì chênh lệch về tuổi tác, mà thời gian tựu trường cũng không đồng nhất, cứ lai rai trong suốt cả năm. Do đó, niên học này chủ yếu là thời gian xếp đặt, ổn định nơi ăn chốn ở và phân loại chia lớp cũng như bổ túc giáo sư cho thời gian sắp tới.

Niên khoá 1956-1957: Đức Giám mục thay thế Bề trên chủng viện. Cuối niên khoá, ngài đặt Cha Alexis PHẠM VĂN LỘC làm Bề trên Chủng viện thay Cha THOMANN. Các sư huynh Lasan phụ trách dạy một số môn học tại chủng viện cho chủng sinh. Những niên khoá sau, các chủng sinh những lớp nhỏ ra học tại Trường Lasan Kim Phước được xây dựng bên cạnh chủng viện, nay là “Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm Kontum”. Tuy nhiên, còn thiếu giáo sư cho các lớp cấp ba và cần ổn định lâu dài hơn, nên số chủng sinh dần dần được gửi tu học tại các Chủng viện Piô XII của Hà Nội (tại Sài Gòn), Chủng viện Vinh (tại Thủ Đức), Chủng viện Dòng Phanxicô (Thủ Đức), hay Chủng viện Dòng Chúa Cứu Thế (Sài Gòn).

 Song song với chương trình Việt, ngài quyết định đào tạo tại chỗ một thế hệ chủng sinh có nền học vấn chắc chắn và có phẩm chất hơn: ngài cho áp dụng chương trình Pháp. Hầu hết các chủng sinh được tuyển chọn theo chương trình Pháp từ đó. Năm 1966, Giám Mục đã thành lập một chi nhánh Chủng viện Thừa sai Kontum tại thành phố Đà Lạt và đặt Linh mục Phaolô LÊ QUANG TRINH làm giám đốc kiêm quản lý, cùng với một số linh mục thừa sai Pháp làm giáo sư. Chi nhánh này gồm 4 lớp lớn, từ lớp đệ tứ đến lớp đệ nhất (chương trình Pháp), các chủng sinh đi học tại Trường Collège d’Adran của các Sư huynh Dòng Lasan. Chủng viện và nhà trường hợp tác với nhau về vấn đề giáo dục. (Qua năm sau, Chủng viện Nha Trang cũng cùng tham gia vào chương trình này). Cũng ngay trong năm 1966 đó, Cha LÊ QUANG TRINH đột ngột qua đời vì tai nạn xe hơi. Lập tức, Đức Cha cho Linh mục Phêrô TRẦN THANH CHUNG lên thay thế và điều hành chủng viện cho đến năm 1974. Kế nghiệp Cha Chung là Linh mục Giuse BÙI ĐỨC VƯỢNG làm giám đốc và Linh mục Phêrô NGUYỄN VĂN ĐÔNG làm quản lý. Vì thời cuộc, chi nhánh tại Đà Lạt này chỉ tồn tại cho đến năm 1975 mà thôi.

 Trở lại Chủng viện tại Kontum, năm 1969, Cha Alexis LỘC thôi làm giám đốc để đi tu nghiệp bên Pháp. Linh mục Giuse ĐOÀN ĐỨC THIỆP lên thay. Sau Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, vì chiến tranh, Đức cha SEITZ (Kim) cho di tản chủng viện lên Đà Lạt, vì mượn được ngôi nhà Học viện của Dòng Chúa Cứu Thế đang để không. Tại đây, Cha THIỆP tiếp tục điều hành các lớp nhỏ (các lớp đệ nhất cấp chương trình Pháp) và cũng đóng cửa vì biến cố 1975.

Sau biến cố tháng 4-1975, Đức Giám Mục cho quy tụ các chủng sinh Kontum từ mọi nơi về Chủng viện tại Kontum để tiếp tục học các môn học triết và thần học. Linh mục Giuse BÙI ĐỨC VƯỢNG được đặt làm bề trên và Linh mục NGUYỄN VĂN ĐÔNG làm quản lý, đồng thời một số linh mục có khả năng gấp rút dạy những môn cần thiết cho đời sống linh mục sau này. Nửa năm sau, Chủng viện bị giải thể, toà nhà “Chủng viện Thừa sai Kontum” bị đóng cửa. Tuy nhiên, ơn gọi linh mục thừa sai vẫn còn được duy trì nơi này nơi khác dưới nhiều dạng khác nhau.

Dù mộng ước thuở ban đầu (truyền giáo cho cả Đông Dương) có lẽ không thực hiện được, nhưng toà nhà “Chủng Viện” vẫn luôn là một biểu tượng có sức hun đúc tinh thần truyền giáo của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận Kontum dành cho đồng bào sắc tộc, và là biểu tượng liên kết các cựu chủng sinh Kontum trên toàn thế giới. Về mặt kiến trúc, “Chủng viện Thừa sai Kontum”, số 146, đường Trần Hưng Đạo, TP. Kontum, quả là một kiệt tác của Đức cha JANNIN để lại cho hậu thế, bằng chứng là ngày nay toà nhà đã trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch thập phương khi thăm Thành phố Kontum.

V. GIAI ĐOẠN TRƯỞNG THÀNH

 GIÁO PHẬN CHÍNH TOÀ KONTUM (TỪ 1960)

 & XÂY DỰNG CƠ SỞ TÒA GIÁM MỤC NĂM 1966

 Sau năm 1954, nhờ số giáo dân Kinh tăng vọt qua các đợt di cư từ miền Bắc hoặc lên Dinh Ðiền từ miền Trung, nhiều xứ họ sầm uất đã mọc lên khắp miền Cao Nguyên. Sinh hoạt của giáo phận sống động hơn nhiều. Nhiều xứ họ mới đã hình thành dọc theo các tuyến quốc lộ 19, 14 cũng như các tỉnh lộ mới mở. Số linh mục cũng đông đảo hơn, có lúc đã lên tới cả 100. Nhiều anh chị em tại các dinh điền đã hăng say gia nhập Giáo Hội. Ơn gọi chủng sinh và tu sĩ cũng dồi dào, đặc biệt từ các xứ đạo di cư miền Buôn Ma Thuột. Công cuộc truyền giáo mang một sức sống mới.  Ðây cũng là giai đoạn truyền giáo cho người Gia Rai được tiếp nối với sự xuất hiện của linh mục Jacques Dournes, một nhà nhân chủng học, một vị thừa sai lỗi lạc. Ngài đã từ phía dân tộc Cơ Ho, Lâm Ðồng, đi xuyên qua lãnh thổ bộ tộc Ê Ðê vào vương quốc bộ tộc Gia Rai. Ngài dừng chân ở Cheo Reo, Phú Bổn ngày 1-8-1955.

 1. Tiến bước dưới ánh sáng Công đồng Chung Vatican II (1960-1975)

Ngày 24-11-1960, Tòa Thánh đã ban hành Tông hiến Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Giáo phận đại diện tông tòa Kontum trở thành giáo phận Chính tòa. Giáo phận vào thời điểm này có 73,966 giáo dân, 271 họ đạo và 66 linh mục.

Ngày 10-11-1962, Ðức Thánh Linh mục Gioan XXIII long trọng khai mạc Công đồng Vatican II. Làn gió Chúa Thánh Thần đã thổi tung mọi cánh cửa tâm hồn và ban sức mạnh cho các người thợ trong cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên. Nhiều hội dòng đã tình nguyện lên truyền giáo miền Tây Nguyên. Tiên phong là dòng Thánh Phaolô thành Chartres thuộc tỉnh dòng Saigòn, dòng Mến Thánh Giá Kontum, sau đổi thành Dòng Nữ Vương Hòa Bình và chuyển xuống Buôn Ma Thuột chuẩn bị thiết lập giáo phận mới.

Việc cử hành phụng vụ bằng tiếng bản xứ đã có một tác động mạnh mẽ. Sinh hoạt trong các xứ họ đã sôi nổi hẳn: ngày càng có nhiều người tin theo đạo. Bộ mặt Tây Nguyên cũng đổi mới. Các thị tứ đã mọc lên nhanh chóng. Ðời sống kinh tế phát triển mạnh, mặc dù chiến tranh vẫn đang tiếp diễn. Từ năm 1965, nhiều đồng bào từ các dinh điền ở xa đã chạy về thành thị, đặc biệt là thị xã Pleiku. Số đồng bào này quy tụ lại thành những họ đạo mới như Hoa Lư, Hiếu Nghĩa, Hiếu Ðức, Hiếu Lễ, Phaolô, Trà Bá II.

 2. XÂY DỪNG CƠ SỞ TÒA GIÁM MỤC TỪ NĂM 1966

 Để có một Tòa Giám mục tương đối đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới, Đức Cha Paul Seitz, Giám mục Giáo phận cắt cử cha Quản lý Giáo phận lúc đó là cha Vacher qui hoạch và lên thiết kế cơ sở Tòa giám mục thích hợp cho nhu cầu, vừa mang tính cách bình dị của một địa phận truyền giáo. Tòa giám mục xây dựng tọa lạc phía sau chủng viện vào năm 1966, mặt tiền hướng về phía đường Phan chu Trinh ngày nay. Có thể nói đến năm 1966, địa phận Kontum mới xây dựng cơ sở Tòa Giám mục độc lập với các sơ sơ

 

3.  Năm 1969, các linh mục và các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, do linh mục Antôn Vương Ðình Tài dẫn đầu, đã lên tiếp nối công trình của linh mục J. Dournes. Chiều ngày 10-10-1969, Giám Mục P. Léo Seitz Kim đích thân lái xe Land Rover đưa linh mục Antôn Tài, thầy Giuse Tín, thầy Phêrô Mầu và tu sĩ Lêônarđô xuống Pleikly. Ðứng ngay bên đường nhìn về phía làng, ngài đọc một đoạn Thánh Kinh, giơ tay cầu nguyện và chúc lành cho công việc truyền giáo của 4 vị thừa sai Việt Nam rồi trở về. Các thừa sai mới nhận được bài học hoàn toàn phó thác để cho Thần Khí Chúa hướng dẫn. Bắt đầu trọ trẹ vài tiếng Gia Rai vào làng xin trú đêm! Bị từ chối, vì gặp ngày kiêng kỵ của làng, các vị gặp cảnh bơ vơ. Sau đó, các vị mượn được một “gian nhà bỏ hoang” làm nơi tạm trú. Công việc bắt đầu như thế trong khi chiến tranh mỗi ngày mỗi thêm ác liệt! Bao khó khăn thử thách dồn tới! Cơ sở mới gầy dựng bước đầu bị đốt cháy, các ngài phải “rời” khỏi Pleikly, rút về thị xã Pleiku lập trung tâm Maranatha gần Pleiku Roh, sau chuyển xuống Pleichuet. Nhưng hạt giống đã gieo cứ âm thầm phát triển và nở rộ đúng vào dịp Ðức Thánh Cha tôn phong 117 vị Thánh Tử Ðạo tại Việt Nam ngày 19-6-1988! Tới nay con số tân tòng Gia Rai đã lên tới 15,000 trong khi số dự tòng cũng trên 8,000. Mỗi dịp lễ Phục Sinh, tổng cộng số lãnh nhận phép Thanh Tẩy thuộc 3 Trung Tâm truyền giáo Gia Rai – Pleichuet, Pleikly và Cheoreo-Tơlui – cũng lên tới trên 1,500 người.

Với sức sống phát triển mạnh mẽ như thế, năm 1967 Tòa Thánh chấp thuận cắt tỉnh Ðăklăk khỏi giáo phận Kontum và tỉnh Phước Long của Giáo Phận Ðà Lạt để thiết lập giáo phận mới Ban Mê Thuột. Giáo Phận Kontum còn 3 tỉnh Kontum, Pleiku, Phú Bổn và từ 1975, giáo phận Kontum lại sang một trang sử mới.

 

4. Tiếp bước theo quyền năng Thần Khí Chúa (1975-)

Nếu 3 lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà, thì một lần di tản còn tệ hơn cả cháy nhà. Thế mà dân miền Kontum-Pleiku đã phải di tản tới 3 lần: 1968, 1972 và 1975. Mỗi lần di tản có khi 2, 3 tháng sau mới trở về. Họ bỏ nhà cửa chạy xuống Nha Trang, có người xuống tận Saigòn. Một số lớn giáo dân đi mà không về lại. Số trở về phần đông lại quá muộn! Gần 100 linh mục nay còn lại 45 vị. Chỉ sau 13 năm, đã có tới 15 linh mục qua đời trong khi chỉ thêm có 4 linh mục mới. Tuổi trung bình là 61. Tiểu chủng viện ngưng hoạt động từ cuối năm 1975. Ðại chủng viện giải tán năm 1976. Ðặc biệt gần 30,000 giáo dân Xơ Ðăng và nhiều cộng đoàn giáo dân Ba Na miền Bắc Kontum sống cảnh “côi cút” nhiều năm. Không linh mục, không tu sĩ, không nơi thờ phượng, tất cả đều phó thác cho các Yao Phu bám trụ coi sóc! Các dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh phố xá Kontum tràn ngập giáo dân Xơ Ðăng, Ba Na về dự lễ. Cơm gói cơm ống nằm la liệt sân cỏ nhà thờ chính tòa, sân tòa giám mục… để chờ dự lễ.

Sau lại có thêm nhiều giáo dân từ các vùng khác lên lập nghiệp, tại vùng sâu vùng xa, tại các nông trường, các điểm kinh tế mới. Số giáo dân tăng lên tới 156,770 năm 1998. Ðó là chưa tính số giáo dân tại các vùng sâu, vùng xa, những vùng nông trường, kinh tế mới chưa có điều kiện lui tới để làm thống kê! Con số giáo dân hiện nay khoảng trên 180,000.

Miền Truyền Giáo Tây Nguyên đã bước đầu thành công nhờ sáng kiến và quyết tâm của Thánh Giám Mục tử đạo E.T. Cuénot Thể, có linh mục Do tiên phong cùng với hàng hàng lớp lới các vị thừa sai giáo dân, giáo sĩ hăng say dấn thân lên đường. Ðể hỗ trợ cho công việc truyền giáo, các vị chủ chăn đã tận dụng phương thức báo chí để nuôi dưỡng đoàn chiên.

Năm 1998, được phép Tòa Thánh, giáo phận Kontum mở Năm Thánh mừng 150 năm, kể từ ngày thầy Sáu P.X. Nguyễn Do đã thành công mở đường cho các vị thừa sai lên truyền giáo vùng Kontum, rồi sau được mở rộng khắp vùng Tây Nguyên. Miền rừng thiêng, nước độc của ngày nào nay đã trở thành miền đất hiền lành và hiếu khách. Trong ngày cao điểm, ngày 12-11-1998, giáo phận đã được hân hạnh đón tiếp 17 giám mục, gần 300 linh mục, đông đảo các tu sĩ nam nữ cũng như anh chị em tín hữu xa gần về dự lễ tại nhà thờ Chính Tòa Kontum, gặp nhau để cùng nhau cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa vì bao kỳ công Chúa đã thực hiện qua các vị sứ giả Tin Mừng.

Sau những ngày mừng lễ sốt sắng, giáo phận Kontum trở lại với thực tế đầy cam go thử thách, nhưng cũng nhiều hy vọng chứa chan. Số linh mục, tu sĩ không nhiều, nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao. Số anh chị em tìm về với Giáo Hội càng nhiều, không chỉ anh chị em dân tộc, nhưng còn có cả anh chị em người Kinh, nhiều vấn đề đặt ra cho giáo phận.

Vấn đề nhân sự để phục vụ Lời Chúa, phục vụ Giáo Hội : Ðây là vấn đề hàng đầu: đào tạo người tông đồ giáo dân và đào tạo các linh mục, tu sĩ. Giáo Phận Kontum đã có một truyền thống đào tạo người giáo dân ngay từ những ngày đầu của miền truyền giáo Tây Nguyên. Chính các câu, biện đã đi hàng đầu và dẫn các phái đoàn đi tìm đường lên miền cao. Cùng đi còn có các chị nữ tu Mến Thánh Giá. Giáo phận đã được thừa hưởng 2 tổ chức đào tạo người tông đồ giáo dân: hội Yao Phu và hội dòng Ảnh Phép Lạ! Chương trình “người người hầu việc Chúa, nhà nhà hầu việc Chúa, xứ xứ hầu việc Chúa, và cả giáo phận hầu việc Chúa” vẫn là ước nguyện khôn nguôi của giáo phận. Nhiều nơi trong giáo phận hiện không linh mục, không nhà thờ, không phụng vụ thánh lễ nhưng luôn có những tông đồ giáo dân hiện diện.

Không thể có ơn gọi linh mục tu sĩ, không thể có những linh mục, tu sĩ thánh thiện cũng như những tông đồ giáo dân đích thật, nếu gia đình không được quan tâm chăm sóc cách đặc biệt. Gia đình là nền tảng! Gia đình đã và đang giữ vai trò vô cùng to lớn trong việc duy trì và phát triển đời sống lòng tin của đoàn Dân Chúa!

Phục vụ người nghèo cũng là một vấn đề lớn! Nhiều anh chị em xung quanh vẫn còn nghèo! Phải làm gì để anh chị em hằng ngày “được dùng đủ” được có cuộc sống xứng với phẩm giá con người. Ðó là điều giáo phận luôn trăn trở.

Nhưng vấn đề giáo dục con tim, giáo dục lương tâm đạo đức của con người trong một thế giới tục hóa và hưởng thụ hôm nay lại càng cấp thiết hơn: lo sao giúp cho con người, cách riêng lớp trẻ được phát triển hài hòa giữa khối óc và con tim để có khả năng biết yêu thươgn và dấn thân phục vụ hết tình, để cùng nhau xây dựng môi trường sống trên nền tảng sự thật, công bình và thương yêu.

Và phải chăng vấn đề truyền giáo cho người dân tộc đã đến lúc trở thành vấn đề lớn không chỉ của riêng giáo phận Kontum! Ðâu đâu trên đất Việt đều có anh chị em dân tộc khao khát đi tìm Lời Chúa! Vấn đề hội nhập văn hóa, đưa tinh thần Tin Mừng vào chính nền văn hóa của một thách đố lớn cho tất cả những ai đang phục vụ trên cánh đồng truyền giáo.

Và miền đất Truyền Giáo Kontum vẫn vẫy gọi tất cả những con người thiện chí dấn thân phục vụ để các anh chị em dân tộc ngày càng được phát triển xứng với phẩ giá con người, những người con của Chúa và được sống hài hòa với tất cả các thành viên của một cộng đồng đang có diễm phúc sống trên miền đất đỏ hiền lành hôm nay.

 

 LINH MỤC GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN

KONTUM NĂM 2012