CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP GIÁO DỤC

       Người ta thường nói “Education is the key to success. Giáo dục là chìa khoá tới thành công”, nhưng tại Kontum lại có quá nhiều em nhỏ không được cơ hội cắp sách đến trường, nên mới lớn lên, các em đã phải vào rừng kiếm củi, đi bắt ốc, bắt cua, bắt chuột để ăn và sinh sống qua ngày. Tương lai của các em rất mờ mịt!  Việc học hành là một sự “xa xỉ” mà rất nhiều các bậc phụ huynh không dám nghĩ đến. Tiền học, tiền sách vở, tiền quần áo đồng phục tại trường đã vậy mà lại còn thêm các thứ tiền cho thầy cô dạy kèm mà phần lớn các em phải học thêm để được điểm tốt.

Không như ở thành phố, đối với các em học sinh tại các vùng sâu, vùng xa, việc đi được đến trường là một cố gắng rất lớn vì càng học lên thì trường lại càng ít nên càng xa. Cụ thể như nếu học cấp 1 (lớp 1 – lớp 5) thì có thể vài làng gần nhau là có 1 trường; trường cấp 2 (lớp 6 – lớp 9 ) ít hơn nên xa hơn; rồi đến trường cấp 3 (lớp 10 – lớp 12) thì rất hiếm hoi và xa hơn nữa, các em sẽ phải đi bộ hoặc xe đạp từ 5 đến 10 cây số để đến trường. Còn Đại học ư? Thôi! Miễn bàn vì cả thành phố Kontum cũng không có đến 1 trường đại học riêng mà chỉ có 1 chi nhánh của Đại Học Đà Nẵng mới về đây mở.

Trường lớp xa như vậy, mà các phụ huynh thường bận rộn đi làm, không thể đưa đón con em được, nên chả trách các em nhỏ tại các vùng sâu vùng xa thường bỏ học sau khi xong cấp 1. Vì nhà ở xa trường nên nếu em học sinh nào học đến hết cấp 3 thì phải biết rằng em đó rất thích học và có ý chí rất mạnh nên mới “trụ” được 12 năm học tập!

Đối với các em thuộc dân tộc thiểu số tại Kontum thì việc học còn khó gấp nhiều lần so với các em người Kinh vì cho đến nay, nhiều gia đình còn đang nói tiếng địa phương của người dân tộc (Xơ Đăng, Bana, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm,…), nên để có thể theo học bằng tiếng Việt tại trường, các em phải cố gắng gấp 2. Nó cũng tương tự như các gia đình tị nạn người Việt trong giai đoạn đầu khi mới đến Hoa kỳ. Ở nhà nói tiếng Việt, ở trường phải học và nói tiếng Anh vậy!

Nhận biết được sự khó khăn của các bậc phụ huynh người dân tộc Thiểu số, nên nhiều năm qua, Đức Giám Mục Giáo Phận Kontum liên tục kêu gọi sự hỗ trợ của các Hội Dòng, các Giáo xứ hãy mở thêm các nhà nội trú để đón các em nghèo đến trọ học miễn phí. Tuy nhiên, vì thiếu phương tiện tài chánh nên vẫn còn rất nhiều các em nhỏ ao ước được đến trường nhưng các nơi nội trú không có đủ chỗ cho các em.

KMF cũng không đứng ngoài cuộc trước nhu cầu cần kíp này của người dân nghèo!  Đã nhiều năm qua, ưu tiên hàng đầu của KMF là chung sức với các linh mục quản hạt, các nữ tu/các Yă, nhằm duy trì và phát triển sinh hoạt của các Nhà Nội Trú do các linh mục và các nữ tu & Các Yă đã cố gắng xây dựng trong khuôn viên thánh đường hoặc cộng đoàn, cho dù lắm khi gặp phải rất nhiều khó khăn về giấy phép từ phía nhà cầm quyền.

Hiện nay, KMF đang hỗ trợ tiền thực phẩm hằng tháng cho gần 800 em học sinh của 20 Nhà Nội Trú như thế tại các buôn làng.  Các nhà nội trú này do các cha chánh/cha phó giáo xứ, hoặc do các Sơ thuộc nhiều dòng khác nhau như dòng Ảnh Phép Lạ (tất cả các Sơ đều là người Thượng), dòng Con Đức Mẹ, dòng Chúa Quan Phòng, dòng Đức Bà… phụ trách.  Nhờ đó, các em luôn được sống dưới sự chăm sóc, thương yêu của các người cha, người mẹ tinh thần.

Mỗi em được giúp khoảng 9 đô/1 tháng, tức 30 cents/1 ngày, cho phần thực phẩm.  Các vị phụ trách luôn cố gắng cho các em được ăn no vớ cơm và thức ăn là chút canh và thịt kho mặn hoặc cá khô.  Tuy vậy, các em đang sức lớn, nên dường như ăn mãi mà không… no!  Nhưng chính các em cũng biết rằng nếu ở nhà với cha mẹ thì cảnh “bữa no, bữa đói” là điều không thể tránh khỏi.  Vì thế, sống tại các nội trú, được ăn no, được đi học… quả là 1 thiên đường cho các em!

Không dừng lại tại đó, khi chứng kiến cảnh nhiều em học sinh phải đi bộ quá xa để đến trường, KMF đã hỗ trợ cả trăm chiếc xe đạp cho các em để có phương tiện đến trường.  Xe đạp chạy đường đồi núi cũng phải là loại khá tốt thì mới có thể dùng lâu dài.  Chiếc xe đạp đối với người thành phố chỉ là… “chuyện nhỏ”, nhưng đối với các em cao nguyên thuộc gia đình nghèo thì đây quả là 1 gia tài.  Nghe thật thương!