CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP TRẺ MỒ CÔI

Như chúng ta thường nghe câu “Vô tri bất mộ”, tức là “Không biết thì không yêu” hay “Ta không thể yêu điều ta không biết”, còn nhà nhân chủng học/anthropologist Jacques Dournes, người Pháp, sống ở Việt Nam 25 năm (1946-1970), chuyên nghiên cứu văn hóa của người Gia Rai và các dân tộc cao nguyên khác thì lại bổ túc thêm rằng: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu” (“Vô tri bất mộ, vô mộ bất tri!”). Muốn thật sự hiểu được văn hoá của miền đất huyền ảo Cao Nguyên Việt Nam, của người dân tộc thiểu số, người ta phải có một tình yêu sâu đậm với nơi này. Càng hiểu sẽ càng yêu, và càng yêu lại càng hiểu!

Người Dân Tộc thiểu số thường lập gia đình thật sớm.  Các thiếu nữ 16, 17 tuổi đã lấy chồng, sanh con.  Mỗi gia đình có 7, 8 con là chuyện bình thường. Gia đình có từ 10 cháu trở lên thì mới được gọi là “đông con”!  Người Dân tộc không bao giờ “ngừa thai” hay “tránh thai”, mà cứ để tự nhiên: “Trời sinh thì trời dưỡng”!  Nhưng vì cha mẹ không nuôi xuể, nên nhiều hôm các cháu phải nhịn đói, hoặc chỉ ăn 1 bữa.  Thức ăn thường là lá khoai mì, đu đủ xanh trộn nước mắm ớt.  “Dinh dưỡng” là một từ mà chẳng mấy ai quan tâm vì có quan tâm thì cũng không theo được, bởi “dinh dưỡng”… tốn kém quá!!!

Ngoài ra, cho đến nay, nhiều nhóm dân tộc còn áp dụng chế độ Mẫu Hệ, tức là người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ, giữ vai trò chủ chốt trong gia đình. Họ chăm sóc nuôi lớn con cái, giáo dục con cái, là người lao động chính kiếm tiền và giữ tiền nuôi cả nhà.   Người nam giữ vai trò rất mờ nhạt. Họ có thể không đi làm, hoặc nếu có đi làm (săn bắn, làm rẫy) thì cũng chỉ kiếm được ít tiền đủ cho họ tiêu vặt, và đa số lại thường hay uống rượu, nhậu nhẹt đến say mèm.

Vì thế, nếu người mẹ qua đời mà các con còn nhỏ thì coi như chúng trở thành mồ côi vì ông bố không tháo vát đủ để làm “gà trống nuôi con”.  Đó là chúng ta không muốn nhắc đến hủ tục “Mẹ chết chôn con theo mẹ” (nếu đứa bé vẫn còn nhỏ, đang phải bú sữa mẹ).  Các đứa trẻ mồ côi mẹ này sẽ phải tự sinh sống nếu không thì chết bờ, chết bụi ở đâu đó! Thật đúng như câu: “Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ lót lá mà nằm!”  Còn hàng xóm, láng giềng ư? Họ cũng hầu hết đều rất nghèo, cũng đông con, đông miệng ăn. Con họ còn đói thì nói gì đến con của người khác! 

Chính vì thế mà các Sơ dòng Ảnh Phép Lạ tại Kontum đã lập ra các Cô Nhi Viện, bắt đầu từ việc can thiệp với các gia đình hoặc buôn làng để mang các hài nhi nhỏ mà mẹ mới qua đời về nhà Dòng để nuôi, hoặc có khi nguy kịch hơn như trường hợp của cháu Long mới sinh được 6 ngày thì mẹ mất. Gia đình và dân làng quyết định chôn cháu theo mẹ. Rất may là một người dân trong làng đã bí mật báo cho các Sơ.   Các Sơ đến đào bới mộ để cứu cháu, lúc đó cả người cậu bé đã tím tái, đầy máu…! Thế là lần đó các Sơ cứu được 1 cháu, nhưng còn rất nhiều cháu ở trong vùng sâu vùng xa mà các Sơ không biết hoặc không đến kịp để cứu…

Không chỉ thế, trong làng này làng kia, còn có các cháu mồ côi mẹ đang phải lang thang tự kiếm ăn, tự sống. Các Sơ đưa về nhà Dòng luôn và thế là nhà Vinh Sơn 1 dành cho các cháu mồ côi ra đời. Tên gọi “Vinh Sơn” là đặt theo tên của thánh Vincent de Paul, vị thánh của người nghèo, để xin ngài bầu cử. Rồi không chỉ thế, còn nhiều gia đình khác quá đông con, không nuôi xuể, các Sơ cũng nhận bớt cho một vài cháu nhỏ. Hoặc có những lúc người ta mang cháu nhỏ đến bỏ trước cửa nhà thờ hoặc nhà Dòng để các Sơ nuôi. Có những trường hợp cháu nhỏ còn chưa được cắt rốn! Các Sơ nhận hết!

Cứ thế và cứ thế, Cô Nhi Viện Vinh Sơn 2, Vinh Sơn 3 … ra đời! Tổng cộng cho đến nay là có đến 6 nhà Vinh Sơn với hơn 800 trẻ mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Tâm” thì có đó, nhưng … “Lực bất tòng tâm” nên các Sơ thật vất vả để nuôi từng đó miệng ăn.Vì thế, KMF đã cộng tác với các Sơ để hỗ trợ cho một số nhà Vinh Sơn, đặc biệt cho những nơi xa đường lộ, ít khi có người đến thăm viếng nên cũng gặp khó khăn hơn các nhà khác.  Với sự trợ giúp của KMF, các em ít là không bị đói và có sức mà đi học.  

Ngoài ra KMF cũng tiếp tay với một nhóm thiện nguyện ở vùng Pleiku, để giúp cho khoảng 120 các em cô nhi hoặc khuyết tật vùng huyện Chư Sê & Chư Pưh được có điều kiện đi học như các em khác trong buôn làng.

Trong khi người dân các thành thị đang đua nhau “Ăn ngon, mặc đẹp” thì các cháu tại Kontum chỉ mong được “ăn no, mặc ấm”.  Thấy thật thương!  KMF rất mong rằng có thêm các Mạnh Thường Quân tiếp tay và đồng hành với KMF để cùng nhau chúng ta cho các cháu một tuổi thơ hạnh phúc mà các cháu bé đáng được hưởng!