ĐĂK ROXA – ƯỚC MƠ ĐI HỌC (1)

KMF xin giới thiệu đến quý vị các em trong Nhà Nội Trú Đăk Rôxa do các Sơ Dòng Ảnh Phép Lạ phụ trách.  Năm 2021-2022 này, nhà Nội Trú có 30 em, người Dân Tộc Sê Đăng, sống tại vùng núi, phía Bắc Tỉnh Kontum.

Các em sinh ra và lớn lên từ các gia đình thuộc hộ đông con, mồ côi cha/mẹ (hoặc cả cha mẹ) hay có bố/mẹ bệnh tật, không đủ sức lao động kiếm tiền nuôi các con, và lo cho chúng học hành.  Niềm mơ ước lớn nhất của các em là được đến trường học tập như bao bạn bè cùng lứa tuổi, nhưng với hoàn cảnh thiếu thốn của gia đình như thế, ước mơ đó thật khó thực hiện.  Vì thế, khi lớn khôn, lúc có thể được thuê để đi làm vào tuổi 13, 14 là các em phải bỏ học để kiếm tiền phụ với gia đình và cũng vì, dù có theo học, cũng không có tiền cho các chi phí của nhà trường.

Cảm thông được nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh cũng như mộng ước của các em, các Sơ đã đến tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em trước khi nhận các em vào ở nội trú trong cộng đoàn của Nhà Dòng, nhằm giúp các em được cơ hội tiếp tục học hành, trau giồi kiến thức.  Vì thế, trong nhiều gia đình, các em là người duy nhất được đi học “đến nơi, đến chốn”, ít là xong cấp III.

Sau một thời gian ở trong Nhà Nội Trú, khi được hỏi “Các em ở đây thấy thế nào?” Câu trả lời của các em thật hồn nhiên và ấm áp.  Các em nói rằng: Em rất thích ở nhà nội trú, bởi vì:

  • Được quen thêm các bạn mới từ các làng khác.
  • Có thời khóa biểu học tập rõ ràng,
  • Cách sống nề nếp, khác hoàn toàn với lối sống trong gia đình, cụ thể như: có thời gian học bài nhiều hơn, có thể trao đổi học tập với nhau.
  • Được các Yă dạy thêm các môn như: học đàn, học toán, học tiếng Việt, học nhân bản.
  • Thỉnh thoảng được theo các Sơ đi “giao lưu” với các Nhà Nội Trú thuộc cộng đoàn khác…

Rồi thêm một chuỗi các câu “không còn phải lo” như:

  • không còn phải lo kiếm ăn mỗi ngày,
  • không phải lo giữ em,
  • không phải đi chăn trâu, chăn bò,
  • không phải đi kiếm măng hay mót mì để bán kiếm tiền mua sách vở, bút mực,
  • không phải nghỉ học gián đoạn vì công việc của gia đình…

Các Sơ rất vui khi thấy các em lớn khôn từng ngày, nên luôn khuyến khích các em cố gắng sống hòa đồng, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập để cùng vươn lên thoát cảnh khó khăn khổ cực, hầu mai này có thể giúp ích cho gia đình, bản làng, cộng đồng và xã hội.

Tuy vậy, chính các Sơ cũng không tránh khỏi những mối lo lắng trong việc chăm sóc các cháu.  Các cháu ngoan thật đấy, nhưng không phải nhà Nội Trú nào cũng gần trường.  Nhà Đăk Roxa này cách xa trường đến 6, 7 cây số, nên một số em phải đi bộ để đến trường.  Số xe đạp vẫn còn thiếu nhiều.  Rồi các dụng cụ học tập như máy tính Casio, đồng phục đi học cũng là vấn đề nan giải.  Dù đã có hội KMF giúp cho phần nào về lương thực, nhưng các cháu vẫn còn thiếu nhiều các vật dụng khác, như: xà bông tắm/gội/giặt, kem và bàn chải đánh răng, gia vị nấu nướng.  Thôi thì đến đâu tính đến đó vậy! Có thì dùng, không có thì tắm khỏi cần xà bông, đánh răng với nước, không cần kem!

Sau đây, xin giới thiệu đến quý vị một số các em thân thương trong Nhà Nội Trú Đăk Roxa.

 

Em A Hên, 11 tuổi, học lớp 6, là con thứ 12 trong gia đình 13 người con. Bố mẹ em đã làm việc chăm chỉ, vất vả nhưng vẫn thiếu thốn nhiều.  Các anh của A Hên ai học được đến cấp III là đã phải cố gắng rất nhiều.  Sau đó là sẽ phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ làm việc nương rẫy, hoặc có ai thuê đi làm thì làm.  Em A Hên được các Sơ giúp, nhận vào nhà Nội Trú.

 

Em Y Phẩm, 11 tuổi, học lớp 6, trong gia đình có 10 anh chị em.  Bố mẹ của em đều khuyết tật: Bố bị tật chân phải, mẹ bị mù mắt phải, nên các sinh hoạt hằng ngày cũng bị giới hạn.  Chị của Y Phẩm đã học lên lớp 10, nhưng vì không có tiền đóng học phí, nên phải nghỉ học.  Y Phẩm được các Sơ nhận vào trường nội trú để đỡ phần nào gánh nặng tài chánh của bố mẹ em.

 

 Em Y Sứ, 11 tuổi, học lớp 6, là em út trong gia đình có 11 anh chị em.  Mẹ em bị đau cột sống lưng nên không còn sức lao động.  Vì thế, bố em là người kiếm tiền chính trong gia đình.  Lo không xuể, nên nhiều anh chị em của em phải nghỉ học sớm để cùng với bố làm việc trong nương rẫy để lo cho 13 người trong gia đình.

 

Y Chi, 12 tuổi, học lớp 7, là con thứ 9 trong gia đình 10 người con.  Từ khi lên 3 tuổi, em đã mất bố, nên mẹ em phải rất vất vả nuôi các con.  Một mình mẹ lo không xuể, nên tất cả các anh chị em đều phải nghỉ học để làm thuê, cùng mẹ, kiếm tiền cho gia đình.  Em Y Chi được nhận vào nhà Nội Trú của các Sơ nên mới được tiếp tục việc học hành.

 

Em Y Thuy, 12 tuổi, học lớp 7, là con thứ 10 trong gia đình 12 người con.  Bố em bị tật tay trái, không làm việc tay này được, nên sức lao động rất kém.  Công việc gia đình đè nặng lên vai của mẹ em, nên mẹ em phải cho các anh chị của em nghỉ học để giúp mẹ chăm sóc bố và đi làm thuê cho người ta.  Mỗi người kiếm được chút tiền để lo cho gia đình.  Em Y Thuy may mắn được các Sơ nhận vào nhà Nội Trú cho đi học.

 

Em Y trang, 12 tuổi, học lớp 7, là con thứ 10 trong gia đình 11 người con.  Do quá đông con, chi phí tiền học sẽ rất nặng, mà nhà cũng túng thiếu nhiều, nên bố mẹ em phải cho các anh chị nghỉ học để phụ giúp công việc nương rẫy, kiếm tiền cho gia đình chi phí.  Em Y Trang may mắn được vào nhà Nội Trú để học tiếp.

 

Em Y Hoa, 12 tuổi, học lớp 7, lớn lên trong gia đình đông con, gồm 10 anh chị em. Nhiều anh chị trong nhà phải nghỉ học để đi làm thuê vì bố mẹ không lo nổi tiền học và các chị phí trong gia đình.

 

(CÒN TIẾP)