Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều bệnh nhân phong cùi. Kontum Gia Lai là 1 trong những nơi có nhiều bệnh nhân phong hơn cả. Người dân tộc thiểu số với tính tình đơn sơ, giản dị, thiếu hiểu biết về việc giữ gìn vệ sinh và chăm sóc sức khỏe, nên khi đã lây nhiễm bệnh này thì việc chữa trị cho họ gặp nhiều khó khăn.
Trước hết, người dân cho rằng việc mắc bệnh phong này là vì bị “ông Giàng” phạt, tức là bị ông Trời phạt, nên người nào bị nhiễm thì sẽ gặp sự kỳ thị rất nặng nề từ những người còn “khỏe”. Có người bị đuổi khỏi làng, muốn đi đâu thì đi! Kế đến, như 1 vị bác sĩ chia sẻ: “Tiêu diệt vi rút phong không khó, nhưng vận động người bệnh đi điều trị và thuyết phục họ sống sạch sẽ là điều… vô cùng khó!” Những người con của núi rừng không muốn chịu ràng buộc, nên việc phải gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh, phải uống thuốc thường xuyên,… là chuyện chẳng dễ tí nào! Các Sơ còn kể chuyện có lần nghe dân nói về 1 anh thanh niên trong làng bị nhiễm bệnh này và tình trạng đã trở nên trầm trọng, cần được chữa bệnh càng sớm càng tốt. Các Sơ đến thăm thì anh ta… chạy trốn vì sợ phải chữa bệnh và bị bắt vào làng Phong ở!
Rồi việc dân làng sống thiếu vệ sinh như để bò, lợn, gà ngay bên cạnh hoặc người ở nhà sàn trên, gia súc nuôi ở dưới… khiến cho vết thương của họ không bao giờ lành! Họ bị viêm xương, cụt rụt và trở thành tàn tật!
Ngoài ra, các Sơ còn cho biết là dù bị bệnh như thế, nhưng nhiều ông vẫn còn rượu chè be bét. Việc kiếm tiền, lo chăm sóc gia đình là chuyện của … các bà!
Năm 2001, một hiệp hội của Pháp đã tài trợ 100% kinh phí nhằm xây dựng 30 nhà ở, nhà điều trị và một số cơ sở hạ tầng để quy tụ các bệnh nhân phong cùi về đây sinh sống tập trung. Nơi đây trở thành 1 Làng nhỏ, mang tên Đăk Dwe, thuộc huyện Mang Yang, hay thường được gọi là “Làng Cùi Đăk Dwe”. Kontum Gia Lai có một số làng cùi như thế, chứ đây không phải là làng duy nhất.
Làng phong này gồm 34 gia đình và nhân khẩu lên đến hơn 100 người, trong đó, có khoảng 10 người bệnh nặng tuy đã chữa lành, nhưng tay, chân đã bị hủy hoại, thành tàn phế. Họ vẫn còn thường xuyên bị đau nhức do di chứng của bệnh. Người dân làng vẫn dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, mà người ta thường nói là: để cùi nuôi cùi!
Làng này vì ở vùng cách biệt với đất đai khô cằn, nên cuộc sống người dân rất khó khăn. Khi tới những mùa thu hoạch cà phê, cây “bời lời” (loại cây đặc biệt mà toàn bộ lá, cành, vỏ, thân, hạt của nó đều có thể tận dụng để bán lấy tiền) … ai còn sức khỏe thì ráng đi làm mướn kiếm sống. Nhưng do kỳ thị nên cũng ít chủ nào dám mướn họ lâu ngày!
Con cái của họ cũng ít nhiều được học tại các lớp cấp tiểu học ngay trong làng. Còn trường cấp 2 thường ở bên ngoài làng, mà khi đi học, các em thường bị sự kỳ thị, ghét bỏ từ các bạn cùng lớp, nên hầu hết các cháu đều bỏ học.
Thông cảm cho hoàn cảnh các người bệnh và gia đình của họ tại đây, từ nhiều năm qua, KMF cùng với chi nhánh là Hội Hồng Ân đã giúp phần nào thực phẩm cho các gia đình tại đây. Các Sơ dòng Đa Minh Thánh Tâm phụ trách tặng quà cho họ. Cứ mỗi quý, các Sơ lại hẹn họ đến lấy quà để mang về nhà. Ai nấy mừng rỡ hân hoan gặp các Sơ, rồi than thở: “Chúng con đói quá!” Khổ thân, bệnh thì có bệnh, nhưng họ ăn khỏe lắm. Phần lớn sống dựa vào lòng hảo tâm của các hội thiện nguyện thôi.
Các Sơ cho biết là: “Cám ơn Chúa, người dân trong làng biết yêu thương và nâng đỡ nhau lắm, nên chúng em cũng rất mừng!”