Kontum là một tỉnh nhỏ ở Tây Nguyên Việt Nam, đa số là người dân tộc thiểu số người Jrai và Bana. Tuy vậy, cũng có một số người nghèo là người Kinh. Đa số là người bệnh tật, không có khả năng lao động để kiếm sống, nên dù là người dân tộc nào đi nữa, cũng sẽ lâm vào cảnh thiếu thốn cùng cực.
Nhiều người bệnh không thể kiếm công ăn việc làm ổn định được vì sức khỏe của họ rất bất thường, nên không có chủ nào muốn nhận họ vào làm việc. Vì thế, nghề “lượm ve chai” lại là một cứu cánh bất ngờ cho số người bệnh thất nghiệp và cao tuổi này.
Các người lượm ve chai thường phải đi lang thang khắp các khu phố để tìm kiếm các chai thủy tinh, lon nhôm hoặc các vật dụng nhựa có giá trị. Sau đó, đem về bán cho các cơ sở tái chế hoặc cho các đại lý thu mua.
Công việc này có nhiều rủi ro vì làm trong môi trường độc hại. Không chỉ thế, họ phải chịu sự phân biệt đối xử, coi thường và đề phòng của nhiều người. Tiền kiếm được do nghề này thường rất thấp và không ổn định.
Mời quý vị cùng gặp gỡ một số dân nghèo tại Kontum đã được chi nhánh của KMF hỗ trợ phần nào lương thực và do các Sơ dòng Đa Minh tại đây phụ trách.
NGUYỄN VĂN DÂN (1988), 35 tuổi *** Anh có vợ và 4 con. Các con của anh chị đều còn rất nhỏ. Anh bị khiếm thính, yếu bệnh, thất nghiệp nên một mình vợ đi làm nuôi chồng và 4 con.
LÊ THỊ KIM DUNG (1941), 82 tuổi *** Bà có 3 người con, tất cả đều nghèo không có khả năng nuôi mẹ. Bà già yếu, sống một mình. Thỉnh thoảng, bà phải đi lượm ve chai để kiếm sống.
BÙI THỊ HUỆ (1962), 61 tuổi *** Chồng bà bị tai biến. Ông bà có 4 người con trai nhưng đều rất… quậy phá. Một người bị đi tù. Ba người đã bỏ nhà ra đi, thỉnh thoảng mang về thêm 1 đứa cháu nhỏ bắt ông bà nuôi. Bà ở nhà coi cháu và bán ít bánh kẹo cho các em nhỏ trong xóm.
NGUYỄN KHẮC HIẾU (1985), 38 tuổi *** Anh bi lao màng não, mất khả năng lao động. Anh có 2 con còn nhỏ. Vợ anh làm mướn, ai gọi gì thì làm nấy. Gia đình rất nghèo, không có nhà riêng, nên hiện nay cả gia đình đang ở nhà trọ.
NGUYỄN THỊ HÒA (1982), 41 tuổi *** Chị rất nghèo, là mẹ đơn thân. Chị có bệnh viêm phổi nặng, nhưng vì quá nghèo nên không có tiền điều trị bệnh. Nhiều lúc lên cơn, chị không thở được. Chị làm nghề lượm ve chai để nuôi con.
DƯƠNG VĂN HÙNG (1979), 44 tuổi *** Anh có vợ và 2 con: con trai bị tâm thần, con gái bị chứng động kinh. Anh đi lượm ve chai để kiếm sống. Vợ phải ở nhà giữ hai con. Gia đình sống trong căn nhà hết sức lụp xụp.
ĐINH THỊ ĐÀO (1992), 31 tuổi *** Chồng chị bị ung thư viêm phế quản và đã chết cách đây hai năm, để lại cho chị hai con nhỏ. Chị bị bệnh thần kinh nhẹ, nhưng vẫn đi làm công nhân để nuôi hai con và chính mình.
NGUYỄN QUANG LINH (1967), 56 tuổi *** Anh bị u não, mất khả năng lao động. Vợ bị bệnh gút, khi khỏe thì đi phụ quán ăn. Anh chị không có nhà riêng nên đang ở nhà trọ.
NGUYỄN THỊ NGỰ (1936), 87 tuổi *** Sống một mình không con cái, trong căn nhà chật hẹp 9 mét vuông của ba mẹ để lại từ xưa. Bà không còn khả năng lao động và phải sống nhờ lòng thương trợ giúp của người chung quanh.
LÊ THỊ ÚT NHẤT (1963), 60 tuổi *** Hai vợ chồng có một con trai nhưng đã chết do bệnh ung thư. Ông bà không có nhà cửa và cũng không có tiền trả nhà trọ nên phải ở chung nhà trọ cùng hai cháu nội. Bà bị đau khớp gối, gai cột sống, đi lại khó khăn, nhưng cũng cố gắng đi lượm ve chai kiếm sống.