Bên cạnh các Nhà Nội Trú, Cô Nhi mà KMF đang hỗ trợ, chúng tôi còn giúp đỡ thêm 1 Nhà Dạy Nghề rất đặc biệt, với tên gọi là: “Nhà Thăng Tiến Phụ Nữ” thuộc giáo xứ Kon Rơ Bang, xã Vinh Quang, thành phố Kontum.
Mời quý vị cùng đọc những lời chia sẻ của Sơ Pauline Y Kua, phụ trách Nhà Thăng Tiến như sau:
Kính thưa quý ân nhân,
Con là Sr M. Pauline Y Kua, thuộc Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum. Hiện con đang phụ trách Nhà Thăng Tiến Phụ Nữ. Chúng con đã và đang mở lớp dạy: cắt may, nữ công gia chánh, nhân bản cho các em thiếu nữ người Dân Tộc.
Sau đây, con xin giới thiệu đôi nét về Nhà Thăng Tiến Phụ Nữ. Nhà Thăng Tiến được thành lập vào năm 1998, do Hội Dòng Ảnh Phép Lạ của chúng con phụ trách. Chính Đấng Sáng Lập Hội Dòng là Đức cha Jean Sion Khâm đã có ý muốn chúng con lưu tâm đến việc đào tạo thêm tay nghề cho các phụ nữ người dân tộc, giúp họ thăng tiến hơn trong đời sống để họ biết chăm lo cho con cái và gia đình của chính mình. Chính với sứ vụ này, Đức cha muốn chúng con luôn phải là người đồng hành với bà con các buôn làng qua việc chia sẻ, thăm viếng và nâng đỡ, đặc biệt giúp họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống.
Các Sơ chúng con cũng là người Dân tộc Thiểu Số. Người dân tộc của chúng con chủ yếu làm nương rẫy, gắn bó với núi đồi. Nhà thì nghèo, lại đông con nên lúc nào cũng có bữa no, bữa đói. Nhiều em nhỏ ao ước được đi học, ít là xong trung học nhưng chính việc học tập cũng cần tài chánh mà gia đình các em không thể nào cung cấp. Vì thế, nhiều em nhỏ phải bỏ học rất sớm để cùng phụ giúp lao động, kiếm tiền với gia đình!
Vì thế, sự hiện diện của Nhà Thăng Tiến Phụ Nữ đã giúp các em học tập, bồi dưỡng một số việc chuyên môn như: cắt may căn bản, tề gia nội trợ, nấu nướng,… giúp các em học nghề, trau giồi kỹ năng để sinh sống, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Chúng con mở từng khóa trong năm. Mỗi khóa học kéo dài 15 tháng. Sau đó, các em có cuộc thi kết thúc khóa học, về lại buôn làng của mình. Tại các địa phương, các em vẫn tiếp tục nâng cao tay nghề bằng chính việc may/vá y phục cho bà con trong buôn làng để kiếm tiền cho gia đình. Có em còn được gởi đi làm tại các xí nghiệp may ở Saigon, Đà lạt…
Năm 2021-2022 này, khóa học có 35 em, gồm nhiều sắc tộc khác nhau như: Ba Na, Jơ Lơng, Xê Đăng, Rơ Ngao… Các em đến từ nhiều huyện khác nhau như Huyện Đăk Tô, Huyện Đăk Hà, Huyện Sa Thầy, huyện Kon Rẫy…
Tài chánh của các Sơ chúng con cũng rất hạn hẹp, nhưng chúng con vẫn mong rằng mình có thể giúp đào tạo cho các em thiếu nữ những kỹ năng sống để các em có cuộc sống tốt hơn cho gia đình và xã hội sau này.