NỖI KHỔ CỦA BỆNH NHÂN PHONG CÙI

          Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng có những kinh nghiệm về bịnh tật.  Thật là khổ sở!  Nhưng nếu ai mắc phải chứng bịnh phong cùi thì lại càng đau khổ hơn về cả thân xác lẫn tinh thần.

          Thật ra thì bịnh phong cùi không phải là bịnh nan y không có thuốc chữa, nhưng vấn đề nằm ở chỗ thoạt khi phát giác mình bị bịnh phong cùi thì cả người bịnh lẫn gia đình thường rất hoang mang, kinh hãi.  Họ sợ láng giềng biết chuyện, sẽ đàm tiếu, tránh né; và họ cũng bối rối không biết phải chạy chữa làm sao, nên thường cố gắng giấu kín bằng mọi cách.  Khi không còn giấu hàng xóm láng giềng được nữa, tức là khi bệnh tình đã trở nên trầm trọng thì lúc đó cũng đã quá muộn để chữa trị, nhất là khi các ngón tay, ngón chân đã không còn, mặt mũi đã trở nên dị dạng…

          Vì thế, chúng tôi xin chia sẻ chút thông tin đến quý vị về căn bệnh “quái ác” này.

Bệnh phong cùi và đường lây bệnh.  Bệnh phong cùi không phải là bệnh di truyền mà là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Hansen gây ra.  Đường lây bệnh chủ yếu qua các vết thương trầy xướt trên da và qua dịch tiết ở mũi người bệnh.  Người bệnh phong nặng, khi chưa được điều trị, sẽ phóng ra bầu không khí những hạt sương nước mũi li ti, chứa nhiều vi khuẩn bệnh phong cùi, gây nguy cơ cho người lành khi hít phải. 

Tuy nhiên bệnh này không dễ lây. Tỉ lệ lây lan trong các cặp vợ chồng hoặc trong các gia đình có người bị bệnh phong là từ 2 đến 5%.  Vì thế, nếu người vợ/người chồng bị phong cùi, chưa chắc người phối ngẫu hoặc con cái của họ sẽ bị cùng bệnh đó. Ngoài ra, 90% dân số trên thế giới có sức đề kháng tự nhiên chống lại bệnh phong.

Dù vậy, cứ theo lẽ thông thường, nếu một người thường xuyên ở gần những người mắc bệnh thì cơ hội lây nhiễm cũng cao hơn bình thường.  Vì thế, chẳng lạ gì khi chính các Sơ phục vụ trong các làng cùi, trại cùi cũng bị mọi người tránh né vì người ta cho rằng: “Ai tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân phong cùi, không chóng thì chầy, ắt cũng sẽ mắc bệnh thôi”.

Thời gian “ủ bệnh”: Sau khi bị lây bệnh phong cùi, các triệu chứng chưa lộ ra ngay ngoài da, mà vi khuẩn còn được “ủ” 1 thời gian trong cơ thể rồi mới bộc phát. Trung bình thời gian “ủ” bệnh này là từ 2 đến 5 năm (ngắn là 6 tháng, dài là tới 33 năm). 

Triệu chứng bệnh phong:  Sau thời kỳ ủ bệnh, bệnh phong có thể bộc phát với các triệu chứng trên da như: các dát hoặc đốm bạc màu nâu hoặc đỏ; các mảng đỏ, sần, cục, u phong…  Các triệu chứng thần kinh như: mất cảm giác trên các vùng da, nhất là ở bàn tay, bàn chân; dây thần kinh phì đại; đau nhức; teo cơ; yếu hoặc liệt cơ ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân… Có lẽ chúng ta còn nhớ chuyện Thánh Damian, người Bỉ, “Tông Đồ Người Cùi”, là 1 linh mục phục vụ ở Làng Cùi tại Molokai (Hawaii): ngài vốn khoẻ mạnh, cho đến 1 ngày, vô tình làm đổ nước sôi xuống chân mà không thấy đau đớn hoặc cảm giác, ngài mới biết mình đã nhiễm bệnh phong cùi mất rồi!

          Các tổn hại trên các cơ phận khác như: bị sụp mũi, giọng nói khàn đi, mắt nhắm không kín, mất phản xạ giác mắt; viêm xương, tiêu xương gây rụt và cụt ngón tay, ngón chân; loét bàn tay, bàn chân…

 “Lỗ Đáo”: là một lỗ nhỏ sâu hóm, thường ở dưới lòng bàn chân.  Vết thương “lỗ đáo” cứ “đào” sâu vào da thịt, đến tận xương.  Càng lúc nó càng làm hoại tử, khiến da thịt lở loét, gây đau đớn cùng cực.  Vì “lỗ đáo” ở dưới lòng bàn chân, mà chân thường phải tiếp xúc với đất cát đầy vi khuẩn khi di chuyển, nên việc chữa lành “lỗ đáo” rất khó, và trở thành cơn ác mộng của các bệnh nhân phong cùi. 

“Tháo Khớp”: Khi vết thương lở loét, huỷ hoại đến tận xương tủy, các bác sĩ chuyên môn phải làm thủ thuật “tháo khớp” cho các bệnh nhân, tức cắt từng chiếc gân giữa các khớp xương để cắt rời một phần thân thể.  Vì thế, tùy bệnh nặng nhẹ, bệnh nhân có thể bị tháo khớp một vài ngón tay, ngón chân hoặc cả 1 khúc chân đến tận đầu gối.  Bởi vậy, nhiều bệnh nhân dù đã chữa được khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng thân thể đã bị tàn phế mất rồi.

“Ai mua trăng…”: Rất nhiều khi thuốc giảm đau cũng không trị được cơn đau hành hạ. Việc tự róc thịt mình, róc những chỗ vết thương, hoại tử là chuyện thường xẩy ra. Không chỉ có bác sĩ chuyên môn cắt bỏ phần thịt hư thối trên cơ thể, mà chính các bệnh nhân khi quá đau nhức, họ dùng dao sắc hoặc lưỡi lam để róc thịt mình bỏ đi. Cắt xong thấy… đỡ đau hơn.  Cái đau róc thịt này trị cái đau thấu xương của căn bệnh.  Những cơn đau ghê gớm này thường phát ra khi trời trở lạnh hoặc vào những ngày trăng tròn, nên thi sĩ Hàn Mặc Tử (cũng là bệnh nhân phong cùi) đã phải rao bán: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho” để khỏi phải đối diện với cơn đau “sống không được mà chết cũng chẳng xong!”

Các bệnh thông thường: Ngoài bệnh phong cùi, người dân còn mắc các chứng bệnh khác giống mọi người như cao huyết áp, tiểu đường, đường ruột, thoái hoá cột sống, thần kinh toạ… Vì thế, hầu như làng cùi nào cũng rất cần các tủ thuốc miễn phí với những thứ thuốc trị bệnh thông thường.

 Đời sống gia đình: Nhiều người mang mặc cảm thân phận bệnh tật nên không dám lấy vợ vì e rằng sẽ lây bệnh cho vợ con mình; và rồi các đứa con cũng sẽ lại mang mặc cảm có người cha nghèo hèn, cùi hủi.  Ngược lại, cũng có một số người vẫn lập gia đình và có con cái.  Vài trường hợp xẩy ra là sau 1 thời gian dài mệt mỏi, người vợ phải bỏ đi, trốn cả chồng lẫn con; và cũng có những trường hợp dân làng/người hữu trách tách con cái ra khỏi cha mẹ để nuôi riêng, tránh cho chúng khỏi bị lây nhiễm.

Phải hạn chế làm việc nặng: Những ai mắc bệnh phong cùi, thường được các bác sĩ khuyên là “nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc” vì nó làm lở loét, tàn phá cơ thể rất nhanh chóng.  Thế nhưng những bệnh nhân phong cùi này lại thường là những người nghèo trong giới lao động.  Nếu không làm việc thì lấy gì mà ăn?  Vì thế, các bệnh nhân vẫn phải nai lưng ra lao động để kiếm sống và chấp nhận bị căn bệnh hành hạ và thêm nặng.  Ngoài ra, dù muốn làm việc, lắm lúc các bệnh nhân này cũng không kiếm được việc làm vì chẳng có chủ nhân nào muốn mướn.  Sản phẩm họ làm ra, cũng chẳng ai dám mua, nếu người ta biết là từ các bệnh nhân phong cùi!

Xin giúp xoa dịu vết thương lòng: Dù biết rằng bệnh phong cùi không phải là chứng bệnh dễ lây lan nhưng sự e dè, xa tránh của người đời vẫn có đó; đồng thời, chính người bệnh cũng luôn có mặc cảm, e sợ những ánh mắt soi mói hoặc thương hại của người đời.  Vì vậy, không thiếu những cảnh người bệnh phải rúc sâu vào trong rừng núi, tự sống và chết dần với nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần. 

             KMF mong rằng mỗi người chúng ta có thể trở thành những Mạnh Thường Quân với trái tim nhân ái, giúp xoa dịu phần nào vết thương đau trong thân xác và tâm hồn của những bệnh nhân khốn khổ này.