TỶ LỆ HỌC VẤN THẤP !

KMF nhớ đến những lần nghe các Sơ than rằng việc khuyến khích các phụ huynh người Dân Tộc Thiểu Số cho con em đi học (ít là cho xong bậc Trung học), thật là khó khăn vì rất ít người quan tâm đến việc giáo dục.  Việc cho con cháu đi học phải chi phí quá nhiều, mà người Dân tộc có tập quán tự cung cấp nhu yếu phẩm cho cuộc sống hằng ngày nên việc chi tiêu cho học tập không được ưu tiên.

Nghe thật tội nghiệp, vì đúng là tiền bạc cho việc học tập quả là một gánh nặng cho các bậc phụ huynh nghèo khi phải lo cho các cháu đủ thứ sách vở, bút, máy tính… để có thể theo kịp với bạn bè.

Ngoài ra, người Dân tộc lại thường cư ngụ ở những vùng sâu, vùng xa, dân số thưa thớt, còn các trường học trung học lại được xây tại các trung tâm, thành phố.  Đường xá khó khăn, không có xe buýt, xe lửa đi lại, khiến cho việc đến trường hoặc đến thư viện của các cháu bị trở ngại rất nhiều.  Nhu cầu có được chiếc xe đạp để đến trường là một ước mơ mà cháu nào cũng mong đợi.  Mà xe đạp đi đường rừng cũng phải bền và tốt hơn xe đi trên đường bằng phẳng.  Lại thêm một khoản tiền “nhức đầu”, phải không ạ?

Bên cạnh đó, cho đến nay, người dân tộc thiểu số vẫn còn sử dụng ngôn ngữ bản địa của mình trong cuộc sống hằng ngày.  Vì thế, các cháu khi đến trường, phải học các môn học bằng tiếng Việt, giống như tiếng… ngoại quốc vậy, nên sự bỡ ngỡ, và khó khăn để hiểu bài vở cũng không nhỏ.   Các cháu cũng gặp rất nhiều trở ngại trong việc tiếp xúc với thầy cô và bạn học, và cứ như những người “lội ngược dòng nước” nên dần dần mất cảm hứng trong việc học tập.

Đó là chưa nói đến có những cháu tuy xong được bậc Trung học, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp.  Các cháu thường thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và mạng lưới liên kết trong xã hội.  Trong khi technologies phát triển quá nhanh mà các cháu không theo kịp, nên lại càng bị tụt lại đàng sau.  Cuối cùng, mảnh bằng Trung học của các cháu cũng bị trôi vào dĩ vãng và các cháu phải kiếm các công việc bằng chính sức lao động của mình.

Mời quý vị cùng gặp gỡ một số người nghèo khổ mà KMF đã và đang hỗ trợ thực phẩm cho họ từ nhiều năm qua.