Ngay từ thuở ban đầu KMF đã muốn hướng đến việc hỗ trợ các em học sinh người Dân Tộc Thiểu Số để các cháu có cơ hội đến trường, mở mang trí tuệ, hầu mai này có thể giúp đỡ cho gia đình mình, cho buôn làng, cho xã hội nhiều hơn. Tuy vậy, đây không phải là một chuyện dễ dàng gì trong việc “cung cấp cần câu” cho các cháu. Cho đến nay, tại các buôn làng người Dân Tộc, việc giáo dục vẫn chưa được coi trọng. Vì thế, sự khác biệt về việc học tập của các trẻ người Kinh và người Dân Tộc Thiểu số rất lớn.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ Chức Cứu Trợ Trẻ em của nước Anh (Save the Children) cho thấy: ví dụ như trong 10 em người Kinh thì hầu như em nào cũng được đến trường học lớp 1 (94%). Nhưng con số của các em người Dân Tộc lại thấp hơn nhiều. Cụ thể là:
10 em người Dân Tộc thì chỉ có 8 em được đi học lớp 1 (80%). Nếu đây là các em NỮ thì chỉ khoảng 6 em được đi học (60%). Lên đến lớp 6/cấp II thì chỉ còn lại 5 em (45%). Và đến cấp III thì chỉ còn 3 em (29%).
Nếu đây là các em NỮ người Dân Tộc H’Mông thì con số còn thấp hơn nữa. Trong 10 em nhỏ, chỉ có 5 em vào lớp 1/Cấp 1, 3 em vào lớp 6/cấp 2 và không có em nào vào lớp 9/cấp III.
Tức là càng học lên cao, tỉ lệ con số các em học sinh NỮ lại càng thấp.
Nguyên nhân nào đưa dẫn đến tình trạng này thì xin mời quý vị xem bài viết kế tiếp.
A Bư, lớp 6, 11 tuổi. * Em sinh ra trong gia đình rất nghèo. Bố em bị bệnh tâm thần. Mẹ hay đau ốm. Vì thế, chị cả phải bỏ học để đi làm thuê, giúp cho gia đình, nhưng vẫn không sao đủ sống. Mẹ em xin các Sơ cho em vào ở với các Sơ để được tiếp tục học tập. Em rất lo lắng cho gia đình. Hy vọng ở nhà Nội Trú, em sẽ có cơ hội học tốt hơn, hầu mai này có thể giúp thêm cho gia đình. (Nhà Nội Trú Đăk Wơk)
A Biểu, lớp 7, 12 tuổi. * Em là con thứ 3 trong gia đình rất đông anh chị em. Bố mẹ em đau ốm triền miên, nên không làm việc kiếm sống được. Cả nhà không có thu nhập nên không thể nuôi con cái ăn học được. Bố mẹ xin cho em được ở với các Sơ để có cơ hội đến trường. A Biểu rất siêng năng với các sinh hoạt trong lớp cũng như tại nhà Nội Trú. (Nhà Nội Trú Đăk Wơk)
A Ruân, lớp 7, 12 tuổi. * Gia đình nghèo cả vật chất lẫn tinh thần. Bố em đã mất. Mẹ em ốm đau triền miên, nên không kiếm tiền nuôi các con được. Dù em còn rất nhỏ, nhưng hằng ngày đã đi làm rẫy để lo kiếm sống cho gia đình và phải vắng học liên tục. Từ khi được vào ở nhà nội trú với các Sơ, em đã tiến triển rất nhiều và luôn cố gắng theo kịp các bạn. (Nhà Nội Trú Đăk Wơk)
K’sor Siếu (2007) Lớp 9. Làng Dọch Kuế B13, Xã Ia Krăi, Huyện Gialai,Gialai. * Gia đình em rất khó khăn, nghèo đói. Bố mẹ làm nghề nông. Thu hoạch kém. Bố mẹ em dù làm việc vất vả nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Gia đình không có điều kiện lo cho con cái đi học. (Nhà Nội Trú Đăk Kia)
K’sor Khuyên (2004) Lớp 11. Xã Ia krai, Huyện Gialai, Gialai. * Em mồ côi cha,. Gia đình không có đất đai canh tác, nên mẹ em chỉ có thể làm thuê, làm mướn để trang trải, lo liệu cho các con tạm sống qua ngày. Mẹ em không đủ khả năng để lo thêm cho con cái được đi học. (Nhà Nội Trú Đăk Kia)
Rơ Châm Thang (2014) Lớp 3. Làng Vân, Ialy, Chư Pah,Gialai. * Em mồ côi mẹ từ nhỏ, là con áp út trong gia đình có 6 người con. Bố em đã đi lấy vợ khác. Vì thế, các em trong nhà đều phải cậy nhờ vào người chị lớn. Chị Hai này làm thuê nghề nông để nuôi các em, nhưng không sao nuôi nổi. Ai cũng thiếu ăn thiếu mặc. Cuộc sống hết sức chật vật. Các Sơ nhận nuôi em Thang để đỡ phần nào gánh nặng cho chị lớn. (Nhà Nội Trú Đăk Kia)
Y Na Len (2012). Lớp 5. Plei Kần, Ngọc Hồi, Kontum. * Em là con út trong gia đình. Em mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ phải gồng gánh nuôi cả nhà. Ông bà đều nghèo và già yếu nên không phụ giúp được gì. Hằng ngày mẹ đi làm thuê làm mướn nhưng vẫn không đủ ăn cho cả nhà. Các Sơ nhận nuôi cháu được 7 năm rồi, khi cháu mới lên 3 tuổi. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 5)
Y Huế (2012). Lớp 5. ĐakTram, T.M.rong, Kontum. * Em là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Các cháu mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ bị bệnh thần kinh, lúc nhớ, lúc không. Gia đình thuộc diện “hộ nghèo” của thôn. Các cháu thường xuyên phải nhịn đói vì nhà chẳng có gì để ăn. Các Sơ nhận nuôi cháu được 7 năm, khi cháu mới lên 3. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 5)
Y Me (2011). Lớp 6. Đăk La, Đăk Hà, Kontum. * Em là con út trong gia đình có 6 người con. Gia đình rất nghèo. Bố đau ốm triền miên nên không thể đi làm kiếm tiền. Mẹ phải đi xa để làm việc. Cả nhà chỉ trông đợi vào tiền lương ít ỏi của mẹ. Gia đình thuộc “hộ nghèo” của thôn. Các Sơ nhận nuôi cháu được 9 năm, khi cháu mới lên 2. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 5)
A Chang (2011). Lớp 6. Đăk Pxi, Đăk Hà, Kontum. * Cháu là con áp út trong gia đình có 5 người con. Bố mất sớm, nên một mình mẹ phải lo làm thuê làm mướn để kiếm sống cho gia đình. Cả nhà thường xuyên phải nhịn ăn, nhịn mặc vì không có tiền. Các Sơ nhận nuôi cháu được 7 năm qua, khi cháu mới lên 4 tuổi. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 5)