Có bệnh nhân nhiễm bệnh Phong đã tâm sự rằng: “Bệnh này giống như là bệnh của người lười vậy, vì ai mắc bệnh này, thường được các bác sĩ khuyên là: phải nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc vì nó sẽ là vết thương thêm lở loét, và sẽ tàn phá cơ thể rất nhanh chóng. Thế nhưng không làm việc thì sẽ phải kiếm sống làm sao đây?” Vì thế, các làng Phong thường nhờ vào sự cứu trợ của các Hội Từ Thiện hoặc nhóm thiện nguyện giúp đỡ, nhưng cũng có những thời gian, như thời Đại Dịch Covid, chẳng có nhóm nào dám tổ chức đi thăm người bệnh, nên các bệnh nhân Phong thường bị đói khát, thiếu thốn đủ mặt.
KMF, qua các Sơ phục vụ ngay tại các địa phương có bệnh nhân Phong, vẫn luôn đều đặn giúp thực phẩm cho họ. Các Sơ không bao giờ đưa tiền cho họ, mà là sẽ mua sẵn thực phẩm như gạo, muối, bột nêm, mì gói, dầu ăn, nước tương… để tặng cho các bệnh nhân. Cứ đúng thời gian hẹn trước, mọi người lại đến nhận lương thực mang về để nấu nướng. Thật vui!
Anh A Xanh, 35 tuổi (1987) * 2 vợ chồng anh rất nhiều bệnh tật. Anh bị tàn phế vì chấn thương do tai nạn. Vợ anh bị nhiễm bệnh phong và đang trong thời gian điều trị. 2 vợ chồng có 3 đứa con đều con nhỏ cả, nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn, cần sự trợ giúp.
Bà Y Beoh, 53 tuổi (1969) * Chồng bà bị bệnh phong và phải đưa đi điều trị tại Quy Hòa. Tuy nhiên, ông đã qua đời trong thời gian đó, nên hiện giờ bà sống với người con. Bà đi làm thuê để kiếm tiền sống tạm qua ngày, rất thiếu thốn nên luôn phải cậy nhờ đến quý Sơ và quý ân nhân giúp đỡ.
Anh A Thaih, 44 tuổi (1978) * Anh nhiễm vi khuẩn bệnh Phong. Chân anh có lỗ đáo sâu hoắm, rất đau đớn. Cánh tay của anh cũng có 1 lỗ đáo như vậy, ngày nào cũng ra mủ. Bệnh phong đang lan tỏa khắp người anh. Bệnh anh khá nặng vì đã không điều trị kịp thời, đến khi chấp nhận chữa bệnh thì đã chậm trễ nhiều.
Anh A Vui, 23 tuổi (1999) Anh có vợ và 2 con, nhưng rồi phát bệnh tâm thần, nên cứ đi lang thang khắp nơi. Vợ anh phải vất vả nuôi chồng, nuôi con. Gia đình sống trong Trại Phong. Cuộc sống cả nhà rất khổ cực vì thiếu thốn, không gạo ăn. Vợ anh hằng ngày phải đi xin gạo bà con làng xóm để nuôi chồng và con.
Bà Y Jưih, 65 tuổi (1957) * Bà góa chồng, sống một mình, không nơi nương tựa. Bà mới phát hiện ra bệnh phong trong cơ thể nên đang trong thời gian điều trị. Bệnh phong chưa phát ra ngoài, nhưng cũng hành hạ khiến cho bà rất đau đớn và khó chịu.
Bà Nguyễn thị Út, 73 tuổi (1949) * Bà là người Kinh, lập gia đình với chồng người Dân Tộc thiểu số. Hai vợ chồng đều nhiễm bệnh Phong. Ông chồng đã mất từ lâu, còn bà thì chân tay co rút lại, đi đứng khó khăn, 2 bàn chân đều có lỗ đáo sâu, khiến cho bà rất đau đớn khi di chuyển.
Bà Y Buih, 80 tuổi (1942) * Bà góa sống, hiện đang sống với người con gái. Bà bị nhiếm bệnh phong. Gia đình rất nghèo. Bà hoàn toàn cậy dựa và người con gái và sự trợ giúp của các Sơ.
Bà Y Hmir, 78 tuổi (1944) * Bà bị bệnh phong, chân tay đã co rút lại. Các ngón tay đều đã cụt rụt. Bà sống một mình, không chồng con. Hoàn toàn cậy dựa vào sự giúp đỡ của các ân nhân và bà con láng giềng.
Bà Y Nhaih, 85 tuổi (1937) * Bà bị bệnh phong, sống đơn độc một mình. Bệnh tật khiến cho chân tay bà rất yếu, đi đứng khó khăn, lại thêm tuổi tác cao, nên bà phải cậy nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Chị Y Lar, 42 tuổi (1980) * Chị bị bệnh phong từ nhỏ, 1 chân phải đã bị co rút, nên đi đứng rất khó khăn. Chị có 4 đứa con, nhưng gia đình rất thiếu thốn, nghèo khổ. Nhà chị đang ở bị dột mưa trầm trọng, nhưng rất may vì đã được các Sơ giúp sửa lại.
Chị Y Dâng, 31 tuổi (1991) * Chị có tật bẩm sinh, nhưng cũng lập gia đình và có 1 người con. Chị không thể lao động kiếm sống, nên gia đình chị phải cậy nhờ vào mẹ và các anh chị giúp đỡ. Gia đình chị nghèo khổ và túng thiếu đủ mặt.
Bà Y Hnhưt, 51 tuổi (1971) * Bà nhiễm bệnh phong từ nhỏ và có lập gia đình. 2 vợ chồng sống bằng nghề làm nương rẫy, nhưng không đủ sống vì ông bà có đông con quá. Cuộc sống gia đình rất chật vật, khó khăn.