Chương Trình Y Tế của KMF
Phúc trình năm 2020
Chương trình này có 3 mảng:
- Phòng Khám Cao Thượng,
- Thùng Thuốc mỗi tháng cho các buôn làng xa,
- Khám bệnh lưu động
- – Phòng Khám Cao Thượng
Được thành lập từ cuối năm 2009, do sáng kiến của một số Anh Em Cựu Chủng Sinh Kontum, Phòng Khám Cao Thượng bắt đầu hoạt động từ năm 2010, tức cách đây 10 năm. Phòng Khám được xây dựng tại làng Kon Jơdreh, cách TP Kontum khoảng 8 km về phía Đông-Bắc, trên đường đi Măng Đen, Quảng Ngãi. Đội ngũ y tế gồm 5 người: 1 bác sĩ trưởng Phòng Khám (Bs Phong), 1 y sĩ (H’Lem) và 2 y tá làm việc toàn thời gian (A Thành, Y Ni) và 1 y tá làm việc bán thời gian (Y Uy).
Phòng Khám hoạt động suốt tuần, kể cả Thứ Bảy & Chúa Nhật, sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ.
Mỗi ngày nhân viên Phòng Khám Cao Thượng khám và phát thuốc miễn phí cho khoảng 30 – 50 bệnh nhân từ các buôn làng xung quanh hoặc các buôn làng xa, thuộc huyện Kon Rẫy (cách 10 km phía Đông Bắc Kontum), huyện Kon Plong (cách 30 km phía Đông Bắc Kontum), huyện Dak Hà (cách 20 km phía Bắc Kontum). Ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật thường đông bệnh nhân hơn, có khi đến 80 – 100 người.
(Phòng Khám Cao Thượng, một buổi sáng Chúa Nhật)
Trong năm 2020, tổng cộng có khoảng 15 ngàn lượt bệnh nhân. Với nguồn lực hiện nay, Phòng Khám Cao Thượng chỉ có thể giúp điều trị các bệnh thông thường. Những trường hợp bệnh nặng hoặc cần chữa trị đặc biệt, thì nhân viên đành phải khuyên người nhà đưa bệnh nhân tới bệnh viện huyện hoặc bệnh viện thành phố, và nếu hoàn cảnh người bệnh quá nghèo, thì Phòng Khám hỗ trợ tiền xe.
15 ngàn lượt bệnh nhân được khám bệnh và phát thuốc miễn phí trong năm 2020. Chỉ cần hình dung sơ sơ, nếu phát miễn phí cho mỗi bệnh nhân số thuốc trị giá khoảng 30 ngàn đồng VN thôi (tức khoảng 1.3 USD hay 1.1 EUR), cho 3 ngày uống, thì cũng đã tốn một khoản tiền rất lớn: 450 triệu VND, tương đương 20 ngàn USD, hoặc 17 ngàn EUR. Đó là chỉ mới nói về tiền thuốc, chưa nói đến tiền lương nhân viên và các chi phí khác. Bởi thế, Phòng Khám Cao Thượng hiện vẫn phải tiết kiệm tối đa, mới mong hoạt động lâu dài, giữa bà con Người Thượng nghèo.
- – Thùng Thuốc hằng tháng cho các buôn làng xa
Giáo phận Kontum gồm 2 tỉnh Kontum và Gia Lai, với dân số gần 3 triệu, và diện tích hơn 25,000 km2, tức là rộng gấp 12 lần TP Saigon (kể cả nội & ngoại thành: 2,056 km2), và gấp 35 lần đảo quốc sư tử Singapore (716 km2). Nhưng đường sá đi lại thì còn lạc hậu lắm. Từ các buôn làng xa xôi, lỡ bị bệnh thì sao? Vì chưa thể hoàn toàn trông chờ vào hệ thống y tế của nhà nước nên khi bị bệnh, người dân nghèo thường chạy tới Ông Cha Bà Xơ, mau mắn và dễ dàng hơn chạy ra chờ chực ở trạm xá của xã, nhiều khi chẳng biết có mở cửa không, mà nếu có mở cửa thì chưa chắc đã xin được thuốc đưa về.
(Một Thánh Lễ sáng Chúa Nhật ở giáo xứ Ling La, cách Kontum 55 km.
Sau Thánh Lễ, người bệnh thường vào Nhà Xứ xin thuốc)
Cho đến giờ này, Chương trình Y tế của KMF chỉ mới vươn đến được 22 giáo xứ người Thượng, có Ông Cha hoặc có Bà Xơ hay Các Yă (= Các Xơ người Thượng) phụ trách : Plei Tơwer, Ya Ly, Kon Mah (huyện Chư Pah), Kon Hơring, Dak Rao, Dak Cho (huyện Dak To), Mang La, Ling La, Kon Bơbăn, Dak Kơđem, Kon Trang, (huyện Dak Hà), Hà Mòn, Plei Kơbei, Plei Rơkơi (huyện Sa Thầy) Tea Rơxa, Kon Pia (huyện Tumorong), Dak Tuk, Dak Jak, (huyện Dak Glei), Dak Mot, Plei Kan (huyện Ngọc Hồi) Klau Ngol, Plei Jơdrâp (Kontum). . .
Những địa danh trên nghe lạ tai không những với người Việt hải ngoại, mà ngay cả với người Việt trong nước, vì những buôn làng ấy, những giáo xứ người Thượng ấy ở xa lắc xa lơ. Mỗi giáo điểm như thế mỗi tháng một thùng thuốc khoảng trị giá từ 1.5 đến 3 triệu VND (70 – 130 USD, tùy giáo xứ đông hay ít, tùy mùa cúm hay có dịch), để khi người dân làng, không phân biệt có đạo hay không có đạo, thường là sau Thánh Lễ, chạy vào Ông Cha Bà Xơ xin giúp đỡ, thì Ông Cha Bà Xơ có gì mà giúp ngay cho họ, và người nhà của họ khỏi phải chết oan.
(Cha Blir và tủ thuốc giáo xứ Dak Cho, cách Kontum 70 km)
(Cha Dương và tủ thuốc giáo xứ Kon Bơ Băn, cách Kontum 30 km)
Phòng phát thuốc Nhà Thờ Plei Jơdrâp, sau một buổi lễ sáng ngày Thứ Năm
Bok Quyền, Cha Sở Plei Jơdrâp, vui vẻ tiếp đón bệnh nhân tới xin thuốc
- – Khám bệnh lưu động
Mỗi tuần 3 ngày, 2 người trong số 5 nhân viên của Phòng Khám Cao Thượng thay phiên nhau, cộng tác với Phòng Caritas của giáo phận Kontum:
3.1 – Khám bệnh và phát thuốc cho dân nghèo ở vùng Plei Tơwer (Chúa Nhật)
(Cha Binh, Cha Sở Plei Tơwer, và Y sĩ H’Lem, trước giờ khám bệnh Chúa Nhật)
(Khám bệnh và phát thuốc tại Plei Tơwer, một buổi sáng Chúa Nhật)
3.2 – Hoặc khám bệnh tại nhà cho các người già, trẻ em và chăm sóc, băng bó vết thương cho Bệnh Nhân Phong ở vùng Dak Tô (Thứ Tư và Thứ Bảy).
(rửa và băng bó vết thương cho bệnh nhân phong vùng Dak Tô)