Chúa Nhật 14/04/2013
06 giờ 00 : Đã nghe đĩa CD Hoa Trên Ngàn, với tiếng hát “nguyên sơ đại ngàn” của các Ya Dòng Ảnh Phép Lạ, nên “dân Saigon” thầm bảo nhau phải bằng mọi cách đi Lễ ở Nhà Thờ Gỗ Kontum, để mà nghe ca đoàn hát tiếng Bahnar. Nhà Thờ đang sửa sang để mừng 100 năm tuổi, cũng là 100 năm hình thành Phố Đạo Kontum (xứ Tân Hương), và kỷ niệm 165 năm Thầy Sáu Do cùng các Cố Tây đầu tiên (RP Combes = Cha Bề Trên Bê, RP Dourisboure = Cha Ân, tác giả cuốn Dân Làng Hồ . . .) đặt chân lên vùng rừng thiêng nước độc, lãnh địa của Bok Kiơm này. Phải công nhận ý thức của giáo dân Thượng tại đây rất cao, cao hơn nhiều nơi ở Saigon, đi Lễ nghiêm trang trật tự, không ngồi gốc cây hút thuốc tán chuyện với bồ . . .
Bữa ấy RP Đâu Văn Hồng CVK 61 dâng Lễ, từ đầu đến cuối chỉ rặt tiếng Bahnar, dân Saigon chẳng hiểu Cha đọc chi, giảng chi, thiệt là gay hơn đi Lễ tiếng Latinh ngày xưa nhiều, chỉ lâu lâu nghe được chữ Ba Yang (Chúa), và đoán mò, nên cả buổi cứ nhìn qua nhìn lại, mơ màng cùng Thánh Giám Mục Cuenot Thể, về một vùng truyền giáo Tây Nguyên bát ngát cánh đồng hoa..
07 giờ 30 : Gặp RP Nguyễn Đức Hữu, Cha sở Nhà Thờ Chính tòa để nghe Cha nói về các chương trình bác ái từ thiện cũng như vấn đề y tế cho dân nghèo và giáo dục cho các em học sinh sinh viên người Thượng tại đây. Một bữa ăn sáng với thật nhiều chuối, đúng với phương châm: mỗi ngày hai trái chuối, khỏi cần bác sĩ.
09 giờ: Rời Nhà Thờ Chính tòa (Nhà Thờ Gỗ), rủ thêm Niên trưởng Nho CVK 47, lên xe nhắm hướng Trạm xá Cố Cao (=Phòng Khám Cao Thượng) ở Kon Jơdreh, cách phố Kontum 7 km, trên đường đi Đức Mẹ Măng Đen (cách Kontum 60 km). Cha Sở Kon Jơdreh, RP Trần Tấn Việt CVK 93 vui vẻ đón tiếp. Nhiều người, nhiều em nhỏ, sau giờ Lễ, đang chờ khám bệnh. Bác sĩ Phong, y sĩ HLem, y tá Thành, Y tá Ni tuy bận rộn, nhưng cả người khám lẫn người được khám ai nấy đều tươi cười vui vẻ, không cằn nhằn khó chịu: đúng là có tinh thần cao thượng, theo gương Cố Faugère Cao ngày trước.
Dự trù năm 2013, chi phí cho Trạm xá này hết hơn 600 triệu VND (# 30,000 USD), gồm tiền thuốc cấp miễn phí (khoảng 350 triệu) cho chừng 20 (hai mươi) ngàn lượt bệnh nhân, tiền lương nhân viên (6 người), rồi tiền bảo trì nhà cửa, tiền điện nước (khoảng 250 triệu).
10 giờ 30 : Bảo Khánh ở lại Phòng Khám, để hướng dẫn thêm cho nhân viên ở đây về thuốc men, những người còn lại lên đường đi thăm Nhà Cô Nhi Vinh Sơn 6, cách đó 5 km, trong làng Kon Tơneh, xa đường lộ. Ya phụ trách đang ốm, phải về Kontum điều trị, nên hoàn cảnh các em (khoảng 90 em) lại càng đáng thương hơn, dù năm 2012, KMF đã giúp một phần tiền ẩm thực hằng ngày, và năm 2013, được giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Singapore do RP Nguyễn Văn Giảng CVK 63 nâng đỡ. Các em đông quá, lại đang tuổi ăn tuổi lớn, nên tiền giúp bao nhiêu cũng chẳng vừa.
11 giờ 30 : Đi lên Kon Xơm Luh (cách phố Kontum 17 km), thăm nhà Nội trú Nam (do RP Hòa Dòng Vinh Sơn, Cha Sở Kon Xơm Luh, phụ trách) và Nhà Nội trú Nữ (do các Srs Dòng Chúa Quan Phòng đảm nhận). KMF cũng chỉ mới bắt đầu giúp các nhà nội trú vùng này (huyện Kon Rẫy) mới đây thôi, vì theo chủ trương của cấp trên, vùng này là vùng trắng tôn giáo, có nghĩa là không cần đến tôn giáo (họ lý luận đại khái thế này: từ 50 năm nay, từ khi ông Diệm chết, vùng này không có ông cha bà xơ, mà dân có chết đâu, đưa thêm ông cha bà xơ về đây làm gì cho rách việc), và nguyên việc các em về đây trọ học, cũng đã găp biết bao phiền nhiễu từ phía cán bộ địa phương. Trước đây họ không công nhận mình, đuổi mình về, thì mình đành ở chui, lâu ngày cứ lì mặt ra, rồi họ cũng im lặng cho qua, miễn là mình biết điều một chút, đừng có làm gì phương hại đến cái ghế của họ.
Một bữa cơm trưa thân tình cùng Cha Hòa và các em nội trú, với nhiều câu chuyện thật lạ lùng về lối sống của dân, về cách cư xử, cách đối phó với nhà cầm quyền . . . mà những ai chưa hề sống dưới chế độ trên vùng rừng núi, chẳng thể hình dung ra.
13 giờ: Có kể hoài cũng không hết chuyện. Phải lo mà về Pleiku cho kịp chuyến bay Saigon lúc 19 giờ, trong khi còn mấy chỗ cần thăm. Vậy là đành từ biệt Cha Hòa, xin một ly cà phê Banmê cho tỉnh táo (Cha Hòa là người Hà Lan choa, BMT, cháu Anh Thanh Minh CVK 63, hiện ở Houston, Texas, nên khoản cà phê đâu có thiếu). Lên đường trở về Kontum, ghé Nhà Cô Nhi Vinh Sơn 5, bên kia cầu treo Kon Klor, trong xã Dak Rơwa, mà báo Tuổi Trẻ Saigon vừa có mấy bài nói lên cảnh thiếu đói và nhếch nhác của các em trong trường mẫu giáo do nhà nước quản lý.
Hơn 80 em mồ côi trong nhà này, và tình trạng cũng như nhà Cô Nhi Vinh Sơn 6: thiếu đủ thứ, từ chỗ ngủ, chỗ sinh hoạt cho đến toilettes. Mike & Tú Anh phát quà cho các em mà chạnh lòng : bao giờ điều kiện sống mới khá hơn, mới xứng đáng là người hơn được ? Các em cũng ca hát, cũng vỗ tay, cũng chúc mừng khách ghé thăm đó, bằng 3 thứ tiếng : tiếng Việt, tiếng Bahnar, tiếng Anh, nhưng dường như người nghe vẫn thấy ẩn chứa rất nhiều ngậm ngùi cay đắng cho thân phận trẻ nghèo Kontum.
14 giờ 30 : Về Tòa Giám mục Kontum, thăm Nhà Nội trú Nữ do các Srs Dòng Chúa Quan Phòng phụ trách. Năm ngoái nhà này mới 50 em, mà đã chật lắm rồi, vì nó nguyên là một phần Nhà Bếp của CVK hồi trước 75. Năm nay lên đến 82 em, thì chỗ đâu mà ở. Đức Cha đã xin cho một dự án, để xây thêm một căn nhà cấp 4 (nhà trệt, tường gạch, mái tôn) khoảng 200 m2, cho các em có thêm chỗ ngủ và sinh hoạt, nhưng lại vướng giấy phép của nhà cầm quyền.
Sau đó sang thăm Nhà nội trú Nam do RP Nguyễn Văn Đắc CVK 55 làm giám đốc. Cũng được một chút an ủi, là nhờ có sự giúp đỡ của KMF, và của giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Singapore (RP Giảng CVK 63), cũng như của các ân nhân gần xa, đời sống và sinh hoạt của hơn 90 em học sinh cấp 3 và sinh viên cao đẳng ở đây đã khá hơn rất nhiều so với năm 2011. Nhưng vẫn còn đó biết bao vấn đề: các em người Thượng, từ các làng xa về đây, làm sao theo kịp chương trình cho bằng với học sinh người Việt. Nếu bước đầu mà bơi, thì sẽ còn bơi dài dài, thậm chí chìm nghỉm, rồi lặn luôn, nghĩa là bỏ về làng, không thèm học nữa, với cái lý luận rất đơn giản: học hay không học, thì cuối cùng cũng đi làm rẫy mà thôi. Vậy là phải khuyến khích các em thật nhiều, rồi thuê thầy cô vào dạy thêm, cho các em học hành đến nơi đến chốn. Nhưng tiền đâu mà rải cho đủ, đó là chưa nói đến chuyện lâu lâu có em bệnh nặng, chi phí điều trị không hề nhỏ, trong khi gia đình các em đúng là vô sản chính hiệu, chẳng hỗ trợ được bao nhiêu . . . Ngoài ra, theo RP Đắc, tâm lý các em Thượng tuổi này cũng phức tạp lắm, mình phải kiên nhẫn và cảm thông tối đa, nếu không, bao nhiêu công lao cũng chỉ đổ sông đổ suối mà thôi.
Bs Kim & Kim Anh, RP Đắc, Mike Quốc & Tú Anh trong sân banh CVK thưở nào
16 giờ : Rời CVK với Ngôi Nhà Gỗ thân thương và biết bao kỷ niệm một thời. Tạm biệt những gương mặt hồn nhiên khắc khổ ngây thơ của các em trai em gái. Về thẳng phi trường Cù Hanh trước khi Vietnam Airlines đóng quầy. Hẹn ngày gặp lại, PLeiku-Kontum. Còn một chút gì để thương, để nhớ, để khắc khoải, để chờ mong không ?
Ơi người em nhỏ xứ Tây Nguyên
Mai Anh về lại Núi Măng Đen,
Để cầu xin Mẹ bàn tay cụt,
Phù trợ quê mình luôn ấm êm . . .
Saigon 21/04/2013
Vonguyen67