PHÚC TRÌNH TÀI CHÁNH NĂM 2021

KONTUM MISSIONARY AND FRIENDSHIP (KMF) 

BẢN TƯỜNG TRÌNH TÀI CHÁNH

NĂM 2021

Tài Trợ & Các Chi Phí Của KMF Trong Năm 2021

Nguồn tài trợ cho KMF được cung cấp từ các nguồn sau đây: tiền Đô từ Hoa Kỳ, tiền Đô từ Úc, tiền Đô từ Canada và tiền Việt.  Thỉnh thoáng có một khoản tiền nhỏ Euros từ Âu Châu.

Số tiền Đô Hoa Kỳ được hội từ thiện KMF ở Hoa Kỳ trợ giúp qua sự quyên góp hàng năm của các cựu chủng sinh Kontum, bạn hữu, gia đình và các cảm tình viên.

Số tiền từ Canada do linh mục Bùi Đình Thân tại Xứ Surrey, Canada quyên góp từ các buổi ca nhạc được tổ chức cứ 2 năm một lần và các cựu chủng sinh cũng như bạn hữu và thân quyến tại Canada.   Vì đại dịch Covid nên năm 2021 không thể tổ chức ca nhạc để quyên góp vào quỹ KMF tại Surrey, Canada.

Số tiền từ Việt Nam được các ân nhân, cựu chủng sinh Kontum, bạn bè và thân hữu đóng góp vào quỹ KMF hàng năm trong những dịp quyên góp như bên Mỹ.

Mô hình sau đây mô tả sơ qua quá trình thu-chi của quỹ KMF. 

Báo Cáo Tài Chính Của Hội KMF Năm 2021 (THU)

QUỸ THU NHẬP NĂM 2021
      $VN  $US
SỐ TIỀN CÒN  LẠI CUỐI NĂM 2020   76,697
TỔNG CỌNG   76,697
TIỀN TỪ NGÂN QUỸ KMF USA    $VN  $US
SỐ TIỀN CHUYỂN TỪ QUỸ KMF USA 4/5/2021   59,976
SỐ TIỀN CHUYỂN TỪ QUỸ KMF USA 12/15/21   40,639
TỔNG CỌNG   100,615
QUỸ THU NHẬP TỪ CANADA  (L.M. THÂN)      $ CAN  $US
SỐ TIỀN CHUYỂN TỪ QUỸ CANADA  01/26/2021 4,000 3,174
SỐ TIỀN CHUYỂN TỪ QUỸ CANADA 04/20/2021 2,500 2,000
TỔNG CỌNG 6,500 5,174
QUỸ THU NHẬP TỪ ÚC CHÂU AUSTR  $  $US
KHÔNG CÓ THU NHẬP NĂM 2021 0 0
TỔNG CỌNG 0 0
QUỸ THU NHẬP TỪ CHÂU ÂU  EURO €  $US
KHÔNG CÓ THU NHẬP NĂM 2021 0 0
TỔNG CỌNG 0 0
QUỸ THU NHẬP TẠI VIETNAM    $ VN DONG  $US
TIỀN ĐÓNG GÓP CHO TRẠM XÁ Y TẾ CAO THƯỢNG 404,071,000 17,307
TIỀN XIN LỄ CHO QUỸ KMF QUA L.M. TÂM 52,150,000 2,267
TỔNG CỌNG 456,221,000 19,574
     
 $US
TỔNG CỘNG SỐ TIỀN THU CỦA NĂM 2021   202,060

 

Báo Cáo Tài Chính Của Hội KMF Năm 2021 (CHI)

SỐ TIỀN CHI TIÊU CỦA NĂM 2021
  1) CHĂM SÓC SỨC KHỎE        CHI TIÊU  $VN CHI TIÊU  $US
TRẠM XÁ Y TẾ CAO THƯỢNG 384,550,000 16,720
TỦ THUỐC CÁC BUÔN LÀNG 123,400,000 5,365
TỔNG CỌNG 507,950,000 22,085
  2)   TRỢ GIÚP GIÁO DỤC         CHI TIÊU  $VN CHI TIÊU  $US
CÁC NHÀ NỘI TRÚ DO CÁC NỮ TU SẮC TỘC ĐẢM TRÁCH 816,000,000 35,478
CÁC NHÀ NỘI TRÚ DO CÁC NỮ TU & LINH MỤC NGƯỜI KINH ĐẢM TRÁCH 1,220,000,000 53,043
TỔNG CỌNG 2,036,000,000 88,521
  3) BỆNH NHÂN PHONG CÙI   CHI TIÊU  $VN CHI TIÊU  $US
NHÀ NỘI TRÚ CHO CÁC EM GIA ĐÌNH PHONG CÙI DAK KIA (TỈNH KONTUM) 96,000,000 4,174
NHÀ NỘI TRÚ CHO CÁC EM GIA ĐÌNH PHONG CÙI PLEI PHUNG (TỈNH GIA LAI) 48,000,000 2,087
TỔNG CỌNG 144,000,000 6,261
TRỢ GIÚP CÔ NHI & KHUYẾT TẬT CHI TIÊU  $VN CHI TIÊU  $US
BỐN VIỆN MỒ CÔI VINH SƠN (1,2,3 & 4) 384,000,000 16,696
TỔNG CỌNG 384,000,000 16,696
CHI TIÊU  $VN CHI TIÊU  $US
TỔNG CỘNG CHI TIÊU NĂM 3,071,950,000 133,563

Số Tiền Còn Lại Cho Quỹ KMF Năm 2022:

202,060 $US –133,563 $US $US= 68,497

Giải trình

Hội KMF vẫn luôn trung thành với sứ mệnh của mình, đã được minh định từ ngày thành lập (năm 2000) đến nay, đó là dành ưu tiên cho bốn chương trình sau :

  1. Chăm Sóc Sức Khỏe
  2. Trợ Giúp Giáo Dục,
  3. Bệnh Nhân Phong
  4. Các Em Cô Nhi, Khuyết Tật

1 – Chăm sóc sức khỏe :

Từ khi thành lập Trạm Xá Y Tế Cao Thượng, chương trình “Chăm sóc sức khỏe” của KMF được thực hiện qua 2 hoạt động : Trạm Xá Y Tế Cao Thượng và Tủ Thuốc các buôn làng xa.

Nhưng từ năm 2019, để đáp ứng nhu cầu của địa hạt Kontum, Trạm Xá Y Tế Cao Thượng hợp tác chặt chẽ với Caritas Kontum (do L.M. Trần Tấn Việt làm giám đốc) để đi thăm khám tại nhà cho những người già, trẻ em và băng bó vết thương cùng điều trị cho các bệnh nhân phong gần nơi họ ở, để họ khỏi phải di chuyển tốn kém và vất vả.

  • -Trạm Y Tế Cao Thượng

Trạm Xá Y Tế Cao Thượng do KMF thành lập từ năm 2009, tại làng Kon Jơdreh, (cách Thị Xã Kontum 8 km về phía Đông Bắc, trên đường đi Măng Đen), với mục đích khám và chữa bệnh miễn phí cho tất cả người dân nghèo, không phân biệt tôn giáo, phần lớn là Người Thượng, thuộc các buôn làng trong huyện Kon Rẫy, một huyện nghèo tỉnh Kontum.

Trạm Xá Y Tế Cao Thượng hoạt động mỗi ngày, kể cả Thứ Bảy và Chúa Nhật từ 7 giờ 30 đến 17 giờ. Hàng ngày, các nhân viên tại đây khám bệnh và phát thuốc cho khoảng 40 – 50 người nghèo, ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật thường đông hơn, khoảng 90 – 120 người. Ngoài ra, các nhân viên còn chia nhau để đi khám bệnh và phát thuốc cho những người già yếu, khuyết tật vì sự vận chuyển và đi lại khó khăn trong vùng.

Trong năm 2020 cũng như 2021, tổng cộng phục vụ cho khoảng 15 ngàn bệnh nhân. Với thực lực hiện nay, Trạm Xá Y Tế Cao Thượng chỉ có thể giúp điều trị các bệnh thông thường. Trong những trường hợp bệnh nặng hoặc cần sự chữa trị đặc biệt, thì nhân viên đành phải khuyên người nhà đưa bệnh nhân tới bệnh viện huyện hoặc bệnh viện thành phố, và nếu hoàn cảnh người bệnh quá nghèo, thì Trạm Xá hỗ trợ tiền xe.  Chỉ cần tính sơ qua, nếu phát miễn phí cho mỗi bệnh nhân một số thuốc trị giá khoảng 30 ngàn đồng VN thôi (tức khoảng 1.3 USD hay 1.1 EUR), cho 3 ngày uống, thì cũng đã tốn một khoản tiền rất lớn : 450 triệu VND, tương đương 20 ngàn USD, hoặc 17 ngàn EUR. Đó là chỉ mới nói đế tiền thuốc, chưa nói đến tiền lương nhân viên và các chi phí khác. Bởi thế, Trạm Xá Cao Thượng hiện vẫn phải tiết kiệm tối đa mới mong hoạt động lâu dài giữa bà con Người Thượng nghèo.

1.2 – Tủ Thuốc Các Buôn Làng Xa

Chương trình “Tủ Thuốc Các Buôn Làng Xa” bắt đầu hoạt động từ năm 2012. Địa Hạt hoạt động của Kontum bao gồm 2 tỉnh Kontum và Gia Lai, với dân số gần 3 triệu, và diện tích hơn 25,000 km2, tức là rộng gấp 12 lần Thành Phố Saigon (kể cả nội & ngoại thành : 2,056 km2), và gấp 35 lần đảo quốc Singapour (716 km2). Nhưng đường sá đi lại thì chưa được mở mang nên từ các buôn làng xa xôi khi lỡ bị bệnh thì người dân nghèo thường chạy tới “Ông Cha Bà Xơ” để may được phục vụ mau mắn và dễ dàng hơn.

Cho đến nay, Chương trình “Tủ Thuốc Các Buôn Làng Xa” của KMF chỉ phục vụ cho được 22 giáo xứ người Thượng, có Cha Sở hoặc các Xơ hay các Yă (= các Xơ người Thượng) phụ  trách : Plei Tơwer, Ya Ly, Kon Mah (huyện Chư Pah), Kon Hơring, Dak Rao, Dak Cho (huyện Dak To), Mang La, Dak Pơxi, Ling La, Kon Bơbăn, Dak Kơđem, Kon Trang, Kroong (huyện Dak Hà), Ha Moong, Plei Kơbei, Plei  Rơkơi (huyện Sa Thầy) Tea Rơxa, Kon Pia (huyện Tumorong), Dak Tuk, Dak Jak, (huyện Dak Glei), Dak Mot, Plei Kan (huyện Ngọc Hồi) Klau Ngol, Plei Jơdrâp (Kontum). . .

Những địa danh trên nghe lạ tai không những với người Việt hải ngoại, mà ngay cả với người Việt trong nước, vì những buôn làng  và những giáo xứ người Thượng ấy ở các vùng rất hẻo lánh. Mỗi giáo điểm như thế mỗi tháng được nhận một thùng thuốc trị giá khoảng từ 1.5 đến 3 triệu VND (70 – 130 USD, tùy dân số, tùy mùa cúm hay dịch).

Thường thì người dân làng, không phân biệt tôn giáo, thường là sau Thánh Lễ, chạy vào “Ông Cha Bà Xơ” xin giúp đỡ trong cơn bệnh hoạn thì Ông Cha Bà Xơ có thuốc là phân phát ngay cho họ để nhiều lúc tránh được cái chết oan uổng vì họ không có các loại thuốc căn bản và cần thiết.

  • – Khám Bệnh Lưu Động

Mỗi tuần 3 ngày, 2 người trong số 5 nhân viên của Trạm Xá Cao Thượng thay phiên nhau, cộng tác với Phòng Caritas của giáo phận Kontum, để đi khám bệnh và phát thuốc cho dân nghèo ở vùng Plei Tơwer vào ngày Chủ Nhật.

Các nhân viên cũng có thể đi khám bệnh tại nhà cho các người già, trẻ em và chăm sóc, băng bó vết thương cho Bệnh Nhân Phong ở vùng Dak To vào nhày thứ tư và thứ bảy.

2 – Trợ Giúp Giáo Dục :

Muốn “xóa đói giảm nghèo” và nâng cao điều kiện sống cho Người Thượng, cần phải đầu tư nhiều cho giáo dục. Đây là một nhiệm vụ lâu dài và quá lớn, và Hội KMF chỉ có thể đóng góp phần nhỏ bé của mình thôi, vì nhiều khi Các Ân Nhân cũng cảm thấy nản lòng, bởi hiệu quả của việc giúp đỡ về giáo dục không hiển hiện rõ ràng như khi giúp người ta xây một cái nhà hay đào một cái giếng . . . Hơn nữa, các em học sinh người Thượng vốn đã quen tự do chạy nhảy giữa thiên nhiên rừng núi, nay khó có thể đi vào khuôn khổ, thường thích đi chơi hơn ngồi học nên kết quả không cao. Có một thực tế phũ phàng là, trong các buôn làng, nếu không được giúp đỡ, rất nhiều em sẽ bỏ học giữa chừng, vì hai lý do : nhà nghèo và trường học quá xa, không thể đi bộ năm mười cây số trên đường đất trong khi bụng đói.

Bởi thế, ưu tiên hàng đầu của KMF là cộng tác với các linh mục và các nữ tu & các Yă (nữ tu người Thượng) để duy trì và phát triển sinh hoạt của các Nhà Nội Trú do các linh mục và nữ tu đã cố gắng xây dựng trong khuôn viên Nhà Thờ hoặc cộng đoàn, cho dù nhiều phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, KMF đang hỗ trợ tiền gạo hằng tháng cho khoảng 800 em học sinh trong 23 Nhà Nội Trú như thế tại các buôn làng. Có 13 Nhà do các Yă phụ trách (Tea Roxa, Dak Mot, Ha Moong, Kon Horing, De Tul, Plei Bong, Plei Groi, Dak Wơk, Plei Pơdư, Kon Bơbăn, Kon Rơ bang, Plei Rơwăk. . .) và 10 Nhà do các Cha Sở hoặc các Xơ người Kinh điều hành (Kon Hơring (nam), Ling La, Mang La, Kon Xơmluh, Pleikan, Dak Kram, Tân lập, Nhà Thờ Gỗ, Phú Túc .. .).

Sau đây xin trình bày qua một số hình ảnh của một số nhà nội trú để độc giả có chút ít khái niệm của hội trong lãnh vực trợ giúp giáo dục cho các em học sinh nghèo vùng sơn cước.

Nhà Nội Trú Ling La

Giáo xứ Ling La thuộc huyện Dak Hà, tỉnh Kontum. Nằm ở hướng Bắc thành phố Kontum khoảng 30 km đường chim bay, nhưng vì ở trong vùng sâu vùng xa, nên muốn về thành phố Kontum, phải ra quốc lộ 14, cách đó khoảng 15 km, rồi từ đó về trung tâm Kontum thêm 35 km nữa. Như vậy, giáo xứ cách thành phố Kontum khoảng 50 km. Giáo xứ bao gồm 12 làng người Thượng, gồm dân tộc thiểu số Bahnar và Sedang.

Nhà Nội Trú được KMF giúp từ năm 2010. Lúc đầu nhà chỉ được xây với vách nứa và mái lợp bằngtranh rất chật chội. Sau đó được hội từ thiện Lipod từ Đức (Germany) giúp nhân quỹ xây dựng năm 2018. Người Phụ trách là linh mục Nguyễn Minh Hoàng với sự cộng thêm tác của 3 nữ tu thuộc dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Hiện tại nhà có 33 em cấp 1 và cấp 2. Trường cấp 1 nằm ngay trong làng Ling LaMỗi tuần các em được về nhà một lần, sau Lễ sáng ngày Chúa Nhật, đến sáng Thứ Hai vào lại. Có nhiều em ở các làng xa, cách đó 15 – 20 km.

Sr Trúc, dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, và ba em nhỏ. Ba em này học buổi chiều, nên sáng nay ở nhà, được Sr dạy thêm, và giúp Xơ làm bếp

Em Y Bển, 10 tuổi, đang học lớp 4. Nhà gồm 10 anh chị em, Y Bển là con út. Gia đình sinh sống nhờ trồng mì, bẻ măng, câu cá, rau rừng.“Con thích ở đây, vì được đi học, được các Xơ dạy thêm cho, có chỗ ở sạch sẽ, được ăn no hơn, ngon hơn ở nhà.”

Cha Hoàng và các em học sinh.

Em A Bảo, học sinh giỏi lớp 7.

  • Nhà con mấy người ?
  • Dạ 9.
  • 9 anh chị em hả ?
  • Dạ không, 7 anh chị em thôi. Cả bố mẹ nữa mới là 9.
  • Bố mẹ con bao nhiêu tuổi, sao gia đìng đông vậy ?
  • Bố con 35 tuổi. Mẹ con ít tuổi hơn bố.
  • Con mấy tuổi ?
  • Con 13 tuổi.
  • Con là con thứ mấy trong nhà ?
  • Con là đầu.
  • Con mới đi học về phải không ?
  • Dạ, con đi bằng xe đạp này.
  • Con học mệt không ?
  • Dạ mệt chứ.
  • Sao không ở nhà mà chơi, tới ở đây làm gì ?
  • Con thích đi học mà. Ở nhà con không được đi học lên cấp 2 đâu.
  • Con có thích ở đây không ?
  • Thích chứ. Ở đây con có nhiều bạn, được ăn no hơn ở nhà, được đi học đàng hoàng, chiều lại còn được đá banh nè.
  • Sao con không rủ em con vào đây ở với con cho vui, mấy anh em đi học luôn.
  • Ồ, Cha không có cho đâu. Cha nói mỗi nhà Cha chỉ giúp được một người thôi, Cha không đủ tiền mà giúp hết mọi người.

Nhà Nội Trú Kon Hơ Ring

Thuộc giáo xứ Kon Hơ Ring, huyện Dak Tô, cách Kontum 35 km về hướng Bắc. Đầu năm học, gồm 65 em. Vì dịch Covid, một số em về nhà, không đi học nữa. Nay nhà còn 52 em, gồm 38 nữ và 14 nam, do các Xơ dòng Thánh Phaolô phụ trách.

KMF giúp từ năm 2015 đến nay.

Em Y Hảo, 16 tuổi, học lớp 11. Nhà gồm 7 anh chị em, Y Hảo là con thứ 2.

  • Nhà con ở đâu ?
  • Dạ, con ở xã Pxi.
  • Không phải ở xã Hơ Ring này sao ?
  • Dạ không, xã Pxi cách đây 15 km.
  • Con ở đây mấy năm rồi.
  • Dạ năm này là năm thứ 3.
  • Con có thích học không ?
  • Dạ thích chứ.
  • Con học giỏi không.
  • (Cười) Con chỉ là học sinh tiên tiến thôi. Không có giỏi được, khó lắm
  • Bao lâu thì Xơ cho con về nhà một lần ?
  • Dạ một tháng một lần, chiều thứ bảy về, chiều Chúa nhật vô lại.
  • Sao con về rồi không ở nhà luôn đi, vào lại đây làm gì ?
  • Ơ hay, ở gần nhà con đâu có trường cấp 3, con đâu có được đi học.
  • Con có thích ở đây không ?
  • Thích chứ, con được đi học, được đi nhà thờ mỗi ngày.Được ăn uống đầy đủ, không phải lo.
  • Con có đi học thêm không ?
  • Dạ không, buổi tối, tụi con tự học thêm ở nhà, đến 9 giờ 30 ai cũng phải đi ngủ, để sáng mai dậy sớm: 4 giờ 30 là dậy rồi, đi Lễ rồi mới ăn sáng và đi học.

Em A Anh, 14 tuổi, lớp 8. Nhà ở xã Dak Nu, cách 30 km. Thích ở đây vì được đi học. Lại được đá banh với các bạn.

Các em còn được các Xơ dạy thêm về nhạc, đàn organ, cồng chiêng, nếu muốn.

Nhà Nội Trú Plei Kan

Thuộc huyện Ngọc Hồi, cách Kontum 70 km về phía bắc.

Nhà gồm 31 em học sinh nữ (4 em người Kinh, 27 người Thượng dân tộc Sedang): 1 em lớp 8, 2 em lớp 9 và 28 em cấp 3.

Trường học cách 3 km. Đi học bằng xe đạp, mỗi em một xe.

Phụ trách : các Xơ dòng Con Vô Nhiễm Đức Mẹ (Phú Xuân, Huế).

Mỗi tháng, các em được về thăm nhà một lần, vào Chúa nhật cuối tháng.

Được KMF giúp từ năm 2014 đến nay.

Em Catarina Y Lân, 17 tuổi, đang học lớp 11. Là con thứ 2 trong gia đình gốm 4 anh chị em.

  • Con có thích ở đây không?
  • Dạ thích.
  • Ở nhà con không thích hơn sao?
  • Nhưng ở đây con có điều kiện để học hơn, lại có đời sống chung, buổi sáng được các Xơ hướng dẫn đi nhà thờ, buổi chiều được thêm giờ thể thao.
  • Con chơi môn thể thao gì?
  • Thường tụi con chơi cầu lông, bóng chuyền.
  • Sau khi học hết lớp 12, con muốn học tiếp nữa không?
  • Dạ muốn chứ.
  • Con muốn học tiếp ngành gì?
  • Dạ học ngành
  • Sao lại chọn ngành Y?
  • Dạ để giúp cho dân làng con được tốt hơn.
  • Làng con ở đâu, xa không
  • Con ở làng Chiên Chiet, xã Dak Xu, cách đây 4 cây số.
  • Con có hay trốn Xơ về nhà không, gặp bạn trai không.
  • (Cười). Con không có bạn trai. Mà trốn về là Xơ đuổi luôn, không cho ở nữa.
  • Con học tốt không?
  • Con đang là học sinh giỏi ạ.
  • Chúc con học giỏi hoài rồi mai mốt làm bác sĩ giúp cho dân làng nha.
  • Dạ, con cám ơn Thầy và Quý Ân nhân.

Em Têrêxa Y Gió, 18 tuổi, đang học lớp 12. Nhà ở xã Dak Tuk, cách 7 km.Gia đình gồm 9 anh chị em, sống nhờ trồng mì, lúa. Y Gió là thứ 5.

Nguyện vọng : học lên đại học, ngành quản trị.

Ngoài việc học văn hóa, các em còn được các Xơ hướng dẫn thêm về giáo lý, nhân bản, đời sống thiêng liêng, và biết quan tâm cầu nguyện cho người khác.

Nhà Nội Trú Plei Pơdư.

Các em vui vẻ chuẩn bị đến trường trung học, cách xa 4 km

 Nhà Nội Trú Ha Moong.

Các em ra trường học, thiếu xe đạp nên phải chở nhau

Nhà Nội Trú Kon Bơ Băn.

Các em đi học về, chắc là đói bụng lắm rồi đây

Nhà Nội Trú Plei Kan, huyện Ngọc Hồi.

 Các em học bài buổi tối

Mỗi em mỗi tháng được giúp khoảng 200,000 VND # 9 USD, tức mỗi ngày 7,000 VND # 30 cents USD. Quý Ân nhân có lẽ sẽ tự hỏi, 30 cents USD mỗi ngày thì có gì ? Thưa, chính yếu là tiền mua gạo để các em ít nhất cũng có cơm mà ăn tạm đủ no (gạo loại thường, giá 12,000 VND/kg), chứ chưa thể có thịt có cá mà ăn ngon được, vì năng lực tài chính của KMF hiện tại chỉ có bấy nhiêu, trong thời buổi khó khăn này. Ước mong Quý Ân Nhân sẽ giúp đỡ thêm, để các em học sinh của chúng ta vừa được ăn no, và có đủ chất bổ dưỡng tối thiểu, như thịt, cá, sữa . . .

Ngoài ra tại huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh, và Ayunpa (Phú Bổn) thuôc tỉnh Gia Lai, Hội KMF cũng chung tay với Nhóm Thiện Nguyện của Cô Diễm Ly, và Hội Hột Lúa để giúp cho khoảng 220 em học sinh nghèo trong vùng được an tâm hơn mà đến trường.

Các em học sinh tiểu học vùng Chư Sê.

  • – Bệnh Nhân Phong :

Từ mấy năm nay, Hội KMF không trực tiếp giúp các bệnh nhân Phong trong giáo phận Kontum nữa, vì đã có các Hội Đoàn chuyên biệt như Caritas, Hội Người Cùi, Hội Cha Damien . . . chăm lo. Nhưng KMF hiện đang giúp cho các Con Em Người Bệnh tại Làng Phong Dak Kia (Kontum, do Các Yă Dòng Ảnh Phép Lạ phụ trách) và Làng Phong Plei Phung (huyện Chư Pưh, Gia Lai, do Các Xơ Dòng Nữ Vương Hòa Bình phụ trách) được có điều kiện đi học tại các trường, và hòa nhập vào đời sống xã hội mà không bị mặc cảm tự ti hoặc thua sút.

Nhà Nội Trú Dak Kia

Ngoài ra, như đã đề cập trong phần 1 (Chăm sóc sức khỏe), các nhân viên của Trạm Xá Cao Thương, trực thuộc KMF, vẫn cộng tác chặt chẽ với Caritas Kontum, để băng bó vết thương và chữa trị cho các bệnh nhân phong tại gần nhà của họ, nhất là các bệnh nhân thuộc các huyện xa, như Dak Tô, Tu Mơrông

4 – Cô Nhi & Khuyết Tật :

Tại Kontum, hiện có 6 Nhà Cô Nhi, do Các Yă Dòng Ảnh Phép Lạ phụ trách. Tất cả đều được đặt tên là Nhà Vinh Sơn, đánh số từ 1 đến 6. Đời sống của các em trong các nhà Vinh Sơn này dĩ nhiên là còn rất nhiều khó khăn. Nhưng vì Nhà Vinh Sơn 1 và Nhà Vinh Sơn 2 nằm trong thành phố Kontum, nên được nhiều người và nhiều đoàn từ thiện đến thăm viếng giúp đỡ. Bởi thế, KMF quan tâm hơn đến bốn Nhà Vinh Sơn 3,4,5 và 6, nằm tương đối xa trung tâm thành phố, và không mấy thuận tiện cho việc đi lại, ít người đến thăm hơn. Bốn nhà này gồm tất cả 348 em, từ sơ sinh cho đến 18 tuổi, và các em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

Một bữa ăn trưa tại nhà Vinh Sơn 6

Hơn 100 em cô nhi tại nhà Vinh Sơn 4.

Các em cô nhi nhà Vinh Sơn 3.

Ngoài 4 chương trình trên, trong năm 2020 và 2021, vì dịch bệnh Covid kéo dài, nên nhiều gia đình trong các buôn làng xa lâm cảnh túng thiếu. Một số Ân Nhân của Hội KMF, đặc biệt từ Singapour (qua Rev Đích) đã mau mắn và quảng đại gửi tiền về, để Các Cha & Các Xơ phụ trách các buôn làng ấy có thể kịp thời mua gạo cứu đói.

Kính thưa Quý Ân Nhân:

“Một miếng khi đói bằng gói khi no”. Xin Quý Vị tiếp tục cọng tác với Hội KMF để tiếp tục bốn chương trình giúp Người Nghèo Kontum như những năm trước. Kính mong Quý Ân Nhân xa gần chung tay góp sức.

Saigon 5/12/2022,

Nguyễn Anh Võ,

Đai diện Hội KMF tại Việt Nam