Mission Kontum 03 – 05 / 2012
Kế hoạch đi khảo sát một vòng Kontum chuẩn bị cho kế hoạch “giúp Kontum” năm 2012 của KMF đã được chuẩn bị cả tháng nay, nhưng mãi đến hôm nay mới thực hiện được với sự tham gia của đầy đủ các thành viên dự kiến. Hai mục tiêu chính được đưa ra trong chuyến đi của đoàn, đó là :
– xem xét đánh giá cụ thể tình hình để có được những quyết định phù hợp nhất với hiện trạng hoạt động của Trạm xá Cố Cao sau 1 năm rưỡi đi vào hoạt động,
– tìm hiểu những dự án mà KMF có thể xem xét tài trợ trước mắt và trung hạn, đặc biệt là các dự án Giáo dục và Y tế, focus vùng Dakto (Dakmot), va Dak Glei.
Cám ơn Anh Lý đã offer chiếc xe và bỏ thời gian để cùng tham gia với đoàn. Anh Lý đi mà không có Anh sỹ, sẽ không vui, nên cuối cùng rồi hai khuôn mặt khá là “bavard” của CVK Sài gòn đã cùng có mặt trên xe trực chỉ Kontum. Đường xa, một đêm nghỉ ở Đức Minh để đón Bok Tâm và ghé thăm và chia buồn với bạn Thảo là hợp lý. Sáng thứ bảy đoàn khởi hành…
8h sáng chủ nhật, Hiền có mặt ở TGM và anh em lên đường, trực chỉ Nhà thờ Dakmot, điểm hẹn với Cha Binh 70, hạt trưởng của vùng mà các hoạt động TG luôn được xem là nhạy cảm. ĐC Micae dành cho anh em sự ưu ái đặc biệt : Ngài giao hẳn chiếc xe của Ngài cho anh em sử dụng với tài xế, chỉ với lý do xe Anh Lý 58 không đủ chỗ cho cả 6 người (Rev Tâm, A. Ly 58, Sỹ 64, Võ, Hiền và Hòa 71), và Ngài phải “cầu cứu” tới Rev Sơn để đi công việc theo chương trình vạch sẵn.
Nhà thờ Dak Mot, với bao công sức, mồ hôi nước mắt của bao người đã đổ ra, đặc biệt Cha Tổng Liên…
Bên trong nhà thờ…..
… Và bên ngoài mặt tiền…..
Cuộc hẹn với các Ngài bắt đấu lúc 10h với sự hiện diện đông đủ nhân buổi họp của các Cha trong Hạt…
…. Rev Binh 70 Hạt trưởng Dak Mot, Rev Bá Năng Lý (Kon Horing), Rev Đinh Minh Dũng (Dak Tuk- Dak Jok Tu Mơ Rông – Tore Xat), Rev Tuyến phụ tá Rev Dũng, Rev Vũ (Dakto – Dak Glei), Rev Hồ Quang Huyên (Dak Glei), Rev Bình (Dakto), và có sự hiện diện của Sr Trần Thị Thơm Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (cộng đoàn Dak Mot).
Buổi họp thân mật, ấm cúng và cởi mở, vì có lẽ đây là lần đầu tiên các Ngài có cơ hội thổ lộ những thao thức, những khó khăn vất vả, ưu tư, lo lắng trong công việc của các Ngài và “cầu cứu” : không chỉ đơn thuần là mục vụ hiểu theo nghĩa thông thường như ở các giáo xứ người Kinh, vì các Ngài phải lo tất cả, từ viên thuốc cảm, từ cuốn sách, cây bút, làm sao để các em có chỗ học hành thay vì trở về làng mò cua bắt ốc, trồng sắn, làm sao để đối phó với chính quyền, để có nhà nguyện cho giáo dân xem lễ, để có nơi qui tụ các em, được chừng nào hay chừng nấy, không thể đứng nhìn nhà nước thực hiện chính sách “giáo dục” theo cách của họ….
Nhìn một vài con số thống kê của những vùng các Ngài phụ trách…. đủ để thấy một cả một cánh đồng mênh mông mà thợ gặt không đủ, những “missions impossibles” đối với các Ngài…
… nhưng có lẽ Chúa chỉ mong các Ngài làm được những gì có thể làm được, tiếp nối công việc của những bậc tiền nhân đã bỏ công sức và cả mạng sống của các Ngài để khai phá, vun trồng. Những di ảnh và hình chụp của các Ngài được đặt ngay trong phòng khách như để trấn án các Ngài, và cứ thế, các Ngài lao đầu vào công việc..
12h… Cha Hạt trưởng Binh 70 mời đoàn dùng bữa cơm trưa thân mật, ấm cúng.
Ăn ngon miệng, nhưng có lẽ trong đầu mỗi người cũng không khỏi suy nghĩ, không phải như Cesar ngày xưa : “chúng tôi đã đến, đã thấy và đã chiến thắng”, nhưng “chúng tôi đã đến, đã thấy và tự hỏi sẽ làm được gì”???
Một vài con số ghi nhận :
Tu Mơ Rông (Rev Dũng, Rev Tuyến) :
Nhà nguyện ToreXat, giáp với huyện Tu Mơ Rông, được xây dựng từ năm 2006, Rev Dũng và Rev Tuyến phụ trách, trải dài trên 39 làng, trong đó 37 làng người Sê Đăng và 2 làng người Ha Lăng, chỉ …12.000 giáo dân mà thôi! 6 năm rồi, nhưng vẫn chưa được công nhận là một giáo xứ.
Trong hình : Rev Dũng và Rv Tuyến đang khoe vùng lãnh thổ của mình.
Rev Tâm vào xem “phòng ngủ” của Rev Dũng : giường nằm của Ngài chỉ là hai tấm ván ghép lại với nhau, dài ngắn không đều nhau và cũng không phẳng, đủ rộng để trải 1 chiếc chiếu 80 cm, một chiếc mùng xếp gọn, cuộn trong một cái chăn, và phòng ngủ của Ngài chỉ có thế.
Sau mỗi ngày làm việc vất vả, có lẽ hai Rev và 1 Thầy giúp xứ phụ tá còn một chút an ủi : được than thở với Chúa trong một không khí tĩnh lặng, núi đồi trùng điệp, thung lũng rộng ngay bên đưới, và khá thơ mộng để ngắm cảnh hoàng hôn sau mỗi ngày làm việc vất vả … ngay sau lưng Nhà xứ ToreXat.
Rev Dũng cho biết có một làng người cùi (Dak Dring – Dak Tia 2), do các Srs Dòng Phao Lô đảm trách.
Y tế : theo Rev Dũng, hầu như chẳng có gì, vì ăn còn không đủ thì nghĩ gì đến thuốc men. Nhà nước còn cấm không cho trực tiếp phát thuốc, mà phải tập trung về cho “Trạm xá” của Nhà nước.
Một bà mẹ Sơ Dang…. và con trai trên đường từ rẫy về làng với nụ cười hạnh phúc khi cầm trên tay một cây kẹo..
Giáo dục : có trường nhà nước tập trung ở trung tâm huyện, có khu “nội trú: cho các em, nhưng chỉ dành cho con cháu “cán bộ” và ưu tiên đào tạo những nòng cốt phục vụ cho họ trong tương lai.
Một công đoàn do các Srs Ảnh Vảy đã được lập nên, qui tụ cho đến nay khoảng 10 em học sinh nữ, do 2 Yă lo cho các em (Yă Wuch), mục tiêu là để hướng cho cho một số em tìm hiểu ơn gọi cho Hội dòng Ảnh Vảy. Một căn nhà rất rộng, nhưng có muốn đưa thêm một số em về nữa cũng chịu thua, bởi lấy gì cho các em ăn đây? Sáng mì gói (3.000 đồng), trưa mì gói, và lắm lúc tối cũng mì gói, nhưng với mấy sào ruộng phía sau nhà, tất cả chỉ trông chờ vào Rev Dũng… Mỗi tháng chạy cho ra 5 hoặc 6 triệu đồng (mỗi em 500.000 / tháng) là đã hụt hơi.
Anh em ghé tham quan phòng ngủ của các em : hoàn không có giường, cả 10 – 11 em chui gọn trong 1 chiếc mùng 2 m x 2 m, khoảng 4 mét vuông, mở ra xem : hoàn toàn không thể chống muỗi rừng. Yă cho biết, do mùng không có tác dụng, nên các em chê luôn cả muỗi, ngủ quên muỗi cắn không biết nên không sao.
Phương tiện đi học hàng ngày của các em là …. đi bộ 2 đến 5 km. Có được vài chiếc xe đạp để các em đi học, vẫn còn là giấc mơ.
Nhà bếp của các em….
Nếu Chúa muốn, đây sẽ là những mầm mống ơn gọi trong tương lai…. Nụ cười hạnh phúc khi có người đến thăm, đầy hy vọng, không phải được giúp đỡ vật chất, mà biết rằng các em không bị bỏ quên, và hy vọng về một tương lai các em được sống như một con người bình thường.
Làm được gì đây?
Theo Rev Dũng, trong hoàn cảnh hiện tại (vùng “đất trắng” về tôn giáo, được nhà nước săn sóc đặc biệt, , bất cứ một sự can thiệp nào trong lãnh vực giáo dục (lập nhà nội trú qui tụ các em về các cộng đoàn), cũng sẽ được “sờ gáy”, tạm thời án binh bất động, có lẽ là thượng sách. Cộng đoàn của Yă Wuch, hai năm nay chưa bị thăm hỏi, hy vọng sẽ là một nơi có thể tồn tại và phát triển trước khi nghĩ đến việc mở rộng thêm các cộng đoàn khác. Cơ sở nhà cửa đã có sẵn, một chương trình giúp đỡ hàng tháng để các em có thể có một cuộc sống tốt hơn, đó là điều ta có thể làm được.
Về y tế, đã có kế hoạch hỗ trợ một khoản tiền nào đó để mua thuốc (những loại thuốc thông thường) ngay tại Kontum, thông qua bác Nho 47, và giao lại cho Rev Huyên, tập trung vào một đầu mối, để sau đó Rev Huyên sẽ phân phối cho từng cộng đoàn, trong đó có cộng đoàn Yă Wuch.
Kế hoạch trước mắt nên là hỗ trợ một phần chi phí, đặc biệt là tiền ăn, hằng ngày cho các em (11 em và con số sẽ tăng…) với mức 5 triệu đồng / tháng, nghĩa là 3,000 USD mỗi năm, và nên giúp ngay.