Tây Nguyên có gì lạ không em ? (1/3) (2013)

 

 

 Một cặp vợ chồng mới cưới, người Mỹ gốc Việt, Mike & Lee Nguyễn (= Quốc & Tú Anh) sinh sống ở New Jersey, tức là hàng xóm của Thầy Nguyễn Chinh Nguyên (= Vượng, CVK 62, gốc An Khê, về giúp CVK niên khóa 1971 – 1972), mong mỏi làm một cái gì đó hữu ích cho quê hương Việt Nam, nhân ngày kỷ niệm một năm cùng nhau gắn bó. Hai người lang thang trên mạng, thấy có cái trang web với cái tên lạ hoắc, gọi là Kontum Missionary and Friendship (KMF), bèn tò mò liên lạc với Dr John Phạm và Thầy Tố. Vậy là hẹn nhau về Việt Nam, gặp Chef Hiền và Hai Lúa, xem cái chàng KMF này làm ăn ra sao, có đáng tin cậy không.

 

Bs Kim, Hai Lúa & Bảo Khánh, Chị Kim Anh, Tú Anh & Mike Quốc

Một cặp vợ chồng khác, quen với Bảo Khánh, ngược lại, lấy nhau đã hơn 25 năm, hỉ nộ ái ố đã từng trải, con cái học hành đến nơi đến chốn tận bên Mỹ, bác sĩ Trần Mậu Kim & Đoàn Thị Kim Anh, có phòng mạch ở Quận 4, đông bệnh nhân tín nhiệm, nay cũng muốn làm một cái gì có ý nghĩa nhân dịp Lễ Bạc Hôn phối, trước khi rời xa Việt Nam. Vơ chồng Bs Kim đến nhà chơi hỏi BK : Tháng 4 này, bà có đi chơi đâu không. BK gợi ý: tụi tui sắp đi Kontum, hai ông bà có đi thì đi cùng cho vui, chỉ phải đóng cửa phòng mạch dịp cuối tuần thôi.

Bs Kim & Kim Anh cả đời cũng chưa đặt chân đến Pleiku Kontum bao giờ, chỉ nghe loáng thoáng thành phố mù sương có em môi hồng má đỏ, chỉ biết qua sách vở, bài hát mấy địa danh thấm máu hai bên như Pleime, Đức Cơ, Charlie, Dak Tô . . .Vậy là quyết định đi một lần cho thấy tận mắt. Mua vé máy bay. Hẹn với Mike & Lee nữa, ở phi trường Tân Sơn Nhất, 11 giờ 30 ngày Thứ Sáu 12/04, dù chưa một lần gặp mặt. Vậy là Hai Lúa phải lên chương trình, và chẳng biết có duyên nợ sâu đậm gì với Cố Cao mà tự nhiên Cố bắt làm hướng dẫn viên thứ thiệt.

Thứ Sáu 12/04/2013

12 giờ 45       :           bay lên Pleiku

15 giờ             :           Hai Lúa tới NT Thăng Thiên, gặp Cha Nguyễn Văn Đông, Tổng Đại Diện. Cha giao xe 7 chỗ & tài xế cho đoàn mượn đi thăm các nơi, tại Pleiku & Kontum. Kéo thêm Đinh Minh Quang CVK 73 đi cùng, vì thầy giáo Anh Văn này là thổ địa nơi đây, bao nhiêu năm âm thầm làm công tác từ thiện, biết rõ từng ngóc ngách, đường đi nước bước.

15 giờ 30       :           thăm nhà nội trú Plei Groi (Ya Oai, Dòng Ảnh Phép Lạ, phụ trách).

Nhà này hiện có 45 em học sinh cấp 1 (lớp 1 đến lớp 5), tới học thêm với Ya Oai & Ya Bích Vì ở trường học của Nhà Nước, các em thường không hiểu cô giáo dạy gì: các cô giáo người Quảng, nói tiếng Việt các em nghe không được, và một số cô cũng không cần quan tâm các em có hiểu hay không, miễn sao cô dạy đủ giáo án, và đến cuối năm, theo chỉ tiêu mọi học sinh đều buộc phải lên lớp. Có nhiều trường hợp, các em học rất kém, phụ huynh xin cho ở lại lớp, nhưng không được ban giám hiệu chấp thuận. Bởi vậy mới có chuyện lên đến lớp 5 mà chưa biết đọc biết viết, và lên đến lớp 7 mà còn làm toán thế này : 68 + 79 = 1317, vì 6 + 7 = 13, 8 + 9 = 17, cho nên 68 + 78 nhất thiết phải bằng 1317, sai làm sao được. Các em này ăn một buổi trưa với các Ya, mới có sức mà đi học ở trường và học thêm. Ngoài ra còn có 15 em nữ sinh cấp 2 (lớp 6 đến lớp 9) từ các làng xa tới nội trú. Ya Oai phải nhờ người kèm thêm cho các em.

Hiện tại, KMF vẫn đang giúp Nhà này, để các em có thêm chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Nhưng điều kiện vật chất vẫn còn rất thiếu thốn, vì các Ya chưa có hộ khẩu, chủ quyền đất chưa được Nhà Nước công nhận, nên không thể sửa sang nhà cửa hoặc xây cất mới.

 Mike2 

Mike & Tú Anh tặng bánh kẹo, bút viết & đồ chơi cho các em. Trước lúc về lại Saigon, Mike còn đưa cho Võ 200 (hai trăm) USD, nói là của Ba Mẹ (= OB Nhật & Tuyet Nguyen) giúp các em học sinh nơi này. Xin nhờ Mike & Tú Anh chuyển lời cám ơn Ba Mẹ.

16 giờ 30       :           thăm nhà khuyết tật Trà Đa, do các Srs Nữ Tỳ Thánh Thể phụ trách.

Nhà này hiện có 38 em khuyết tật, từ 3 đến 18 tuổi : bại não, khiếm thính, khiếm thị . . . Ngoài các Srs, còn phải thuê 4 cô chăm sóc. Hiện tại, KMF cũng đang giúp để các Srs con cái Cha Bề Trên Bùi Đức Vượng này có thể trang trải một phần tiền bữa ăn hằng ngày cho các em và một phần tiền lương cho các cô.

 Mike3

Mike4

Đinh Minh Quang kể như thế này: Quang có cái xe 4 chỗ, hiệu Lada, đời cũ từ thời liên bang xô viết chưa tan hàng. Mỗi Chúa Nhật, Quang vẫn chở các em khuyết tật đi Lễ, sau đó chở đi dạo một vòng, cho các em thay đổi không khí, vui đùa. Hôm ấy chở các em gần đến Phú Thọ, thì nghe thổi cái “roét”. Dừng xe lại, anh cảnh sát giao thông ra chào, nói là xe vi phạm luật giao thông vì chở quá số người qui định, bắt nộp phạt. Quang cười mỉm chi, móc bóp ra, lục hết từ trong ra ngoài, chẳng có đồng bạc nào. Quang nói: Anh thấy rõ nha, bây giờ trong bóp tôi không có tiền, vậy tôi giao giấy tờ xe cho anh, giao cả người trên xe cho anh luôn, tôi đi bộ về nhà lấy tiền nộp phạt cho anh đây. Nhà anh bao xa? Tôi ở bên Hiếu Đạo, cách đây 10 cây số. Vậy mấy giờ anh quay lại? Thì anh cứ chờ, lúc nào tôi có tiền tôi quay lại. Anh mà chờ lâu không thấy tôi, thì anh cứ kéo xe về đồn, giam lại đó. Anh cảnh sát tá hỏa tam tinh, vì đếm đi đếm lại trên xe, đúng 15 đứa, đứa thì câm điếc, đứa thì tay chân chỉ chỏ lung tung, đứa thì méo mặt, đừa thì nước miếng nước dải chảy lòng thòng . . . Thôi anh lái xe đi tiếp đi, tôi không có “wỡn” để mà lãnh cái của nợ này của anh đâu . . . Vậy là từ đó thấy cái xe Lada với tài xế Quang cùng các em ngồi trên, chẳng ai thèm chặn lại hỏi giấy tờ, đóng tiền phạt chi cho mệt.

17 giờ:           thăm Nhà khuyết tật Đức An, do Cha Đông sáng lập & điều hành.

Nhà này hiện có 35 em khuyết tật, cũng từ 3 đến 18 tuổi, do Cô Hồng phụ trách. Cơ sở là một xưởng sản xuất tôn trước đây, Cha Đông thuê từ 3 năm nay, với giá “hữu nghị”. Cha Đông trả lương cho Cô Hồng & 6 cô chăm sóc, tất cả còn độc thân, rất thương yêu các em, đa số các cô theo đạo Phật, chỉ có 2 cô công giáo thôi.

 Mike5

Năm 2013, qua Cha Đông, KMF cũng đóng góp một phần để chăm sóc cho các em khuyết tật, không chỉ ở nhà Đức An này, nhưng còn cho nhiều nơi khác nữa, trong vùng Pleiku, huyện Chư Sê, huyện Đak Đoa . . .

18 giờ :           Trời đã nhá nhem tối. Thăm nghĩa trang Đồng Nhi. Nghĩa trang này do Cha Đông lập từ năm 1992, có thể coi là nghĩa trang loại này đầu tiên trong cả nước. Một Bà Cụ già, mà Cha Đông và người ở đó gọi là Bà Ngoại, và Anh Phụng, là hai người chuyên lo chôn cất các em, kể là hai người cũng chẳng phải công giáo, nhưng cảm phục việc tốt Cha Đông đang làm, nên cộng tác với Cha. Không có thù lao lương thưởng gì cả, nhưng được các em phù hộ cho, nên chưa bao giờ thiếu thốn, và tâm hồn rất sảng khoái bình an. Theo Anh Phụng, từ khi có nghĩa trang này, con số thai nhi bị bỏ bịch ni lông trên đường vào nghĩa trang ít hơn, trước năm 2000, mỗi ngày khoảng 15 em, nay mỗi ngày khoảng 5 em. Tổng cộng nghĩa trang Đồng Nhi bây giờ có 15 ngàn ngôi mộ. Nhưng vui nhất là một số cô gái lỡ dính bầu đã theo lời khuyên mà không phá, chờ đến khi sinh xong, nếu không nuôi được, thì đưa cho Cha Đông và Anh Phụng nuôi. Hiện tại vợ chồng Anh Phụng đang nuôi 9 em như thế, có những em rất xinh xắn mạnh khỏe.  

Đọc kinh cầu nguyện cho các em. và cũng xin các em phù hộ cho, vì như Cha Đông nói, các em đúng là các Thánh Anh Hài.

19 giờ:           cơm tối với Cha Đông. Bầu khí thân tình. Cha Đông kể chuyện dí dỏm, và trình bày về các vấn đề bác ái xã hội trong giáo phận Kontum. Nghe hoài không chán.

 Mike6

21 giờ:           Chia tay Cha Đông. Nghỉ đêm.

Cám ơn Cha Đông đã cho một bữa ăn thật ngon và ấm cúng, với nhiều thông tin bổ ích và những tràng cười thích chí.

Sáng hôm sau, đi uống cà phê, hỏi chị Kim Anh : hôm qua ngủ được không, có bị ma đồng nhi nhát không ? Trả lời: ngủ rất ngon, ngon hơn ở Saigon. Bảo Khánh đùa: đó, bà thấy không, bà có tâm với đồng nhi, nên đồng nhi đâu có phụ lòng bà.