Khi giúp đỡ các em học sinh người Dân Tộc trong việc học tập, các cha, các Sơ và KMF đều nhận thấy rằng các em tại các buôn làng đã luôn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, như những người bơi lội ngược dòng, nên rất dễ xẩy ra tình trạng bỏ học giữa chừng.
Theo kết quả của Trung Tâm Nghiên cứu Giáo Dục Dân Tộc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng số các em học sinh người Dân Tộc đi học rất ít như:
Học lực kém, mất căn bản, khiến các em không còn thích học tập, nên cuối cùng sẽ bỏ học dở dang. 2 môn kém nhất của các em là môn Tiếng Việt và môn Toán. Tất cả các môn học đều được giảng dậy bằng tiếng Việt. Trong khi đó, rất nhiều em sống trong gia đình không nói tiếng Việt, nhưng dùng ngôn ngữ riêng của người Dân tộc, của bản làng. Có lẽ những người Việt Nam tại Hải Ngoại sẽ dễ thông cảm được vấn đề Ngôn Ngữ này hơn cả.
Không có thời gian làm bài tập về nhà, hoặc không có ai trợ giúp các em để giải thích những thắc mắc khi làm bài.
Các Giáo viên cũng không biết tiếng địa phương, nên giữa thầy và trò luôn có những vấn đề về “bất đồng ngôn ngữ” khiến cho việc truyền tải của giáo viên và việc tiếp thu của học sinh gặp nhiều khó khăn.
Hoàn cảnh túng thiếu của gia đình học sinh cũng khiến cho nhiều em phải bỏ học, nhất là khi vào mùa thu hoạch, mùa làm nương rẫy, các dịp lễ lậy tập quán riêng của người Dân Tộc.
Phong tục cổ hủ về độ tuổi kết hôn cũng làm cho nhiều em gái phải nghỉ học sớm để lấy chồng. Ví dụ như nhiều em gái vùng dân tộc thiểu số phải kết hôn và sinh con sớm khi còn ở tuổi vị thành niên. Câu hò “Lấy chồng từ thuở 13, đến năm 18 thiếp đã 5 con” vẫn còn được áp dụng tại một số nơi của người Dân Tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông. Vì thế, các em thường bỏ học khi mới xong lớp 8 để về làng lấy chồng.
Ngoài ra, còn có những vấn đề nhậy cảm liên hệ đến nhà trường và giáo viên như : Giáo viên thường không được trang bị các phương pháp và tài liệu giảng dạy phù hợp để cung cấp các hoạt động học tập tương tác, lấy trẻ làm trung tâm và chơi mà học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập trong nhà trường còn hạn chế. Ví dụ, tài liệu tham khảo trên lớp và thư viện; điều kiện lớp học, trang thiết bị dạy và học còn ít, thiếu và xuống cấp.
Nghe biết vậy, chúng ta có thể hiểu rằng để có thể thay đổi nên tốt hơn thì đây là một công trình rất lớn, cần có kế hoạch lâu dài và hệ thống. Nó chẳng phải là công việc của một vài người mà là của cả một hệ thống giáo dục. Một sự đầu tư rất lớn cho thế hệ mai sau và cho các em người Dân Tộc thiểu số!
A Thuyềng, lớp 4, 10 tuổi. * Em là con thứ 7 trong gia đình 11 người con. Gia đình quá đông con như thế nên cuộc sống của mọi người đều rất thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu dinh dưỡng. Mặc dù còn nhỏ, nhưng em đã tự đi làm thuê làm mướn để kiếm vài đồng mua sách vở, và thỉnh thoảng phải nghỉ ít ngày học để kiếm tiền. Từ khi được nhận vào ở Nội Trú với các Sơ, em rất siêng học, siêng làm. Rất đáng quý! (Nhà Nội Trú Đăk Wơk)
A Zin, lớp 9, 14 tuổi. * Em có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố mẹ em đều đã già yếu, không thể kiếm sống mà nợ nần chồng chất. Bố mẹ dù muốn cho các con đi học, nhưng không sao lo suể cho các nhu cầu cơm áo gạo tiền hằng ngày, nên bố mẹ xin các Sơ cho em vào ở nhà nội trú với các Sơ. Em rất chăm chỉ và ngoan hiền. (Nhà Nội Trú Đăk Wơk)
A Thiếc, lớp 8, 13 tuổi. * Gia đình em rất nghèo. Bố mẹ không quan tâm gì đến chuyện học hành của con cái. Em có nghỉ học, trốn tiết, bố mẹ cũng không biết. Các Sơ đã nhận em vào nhà Nội Trú để có cuộc sống kỷ luật và việc học tập thuận lợi hơn cho em. (Nhà Nội Trú Đăk Wơk)
Rơ Châm Thâm (2007) Lớp 9. Làng Vân, Ialy, Chư Pah, Gialai. * Em là con thứ 4 trong gia đình có 6 người con. Em là chị của Rơ Châm Thang. Bố em đã đi lấy vợ khác, nên chị cả trong nhà là người nuôi nấng, chăm sóc các em khôn lớn. Chị làm thuê nghề nông, nhưng không thể kiếm tiền đủ sống. Gia đình hết sức nghèo túng đủ mặt. Các Sơ nhận 2 em vào nhà Nội Trú, đỡ cho gia đình.
A Niks (2007) Lớp 9. Làng ĐăkKia, Xã Đoàn Kết, Kontum. * Bố mẹ em đều làm nghề nông, nhưng thu hoạch kém, không đủ để nuôi các con ăn học. Gia đình rất túng thiếu. Các Sơ nhận em A Niks vào nhà Nội Trú, đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình. (Nhà Nội Trú Đăk Kia)
A Trương (2008) Lớp 9. Làng ĐăkKia, Xã Đoàn Kết, Kontum. * Bố mẹ em đều là bệnh nhân phong cùi, nên không lao động kiếm tiền được mà sống cậy nhờ vào sự trợ giúp của các Mạnh Thường Quân và của các Sơ. Vì thế, bố mẹ em không thể nuôi con và tạo điều kiện cho con cái đi học được. Các Sơ nhận nuôi giúp em A Trương để em được đến trường học tập như bao trẻ khác. (Nhà Nội Trú Đăk Kia)
A Ko (2010). Lớp 7. Klâu Ngol, Ia Chim, Kontum. * Em là con áp út trong gia đình có 7 người con. Bố mẹ đã già yếu, không đi làm thuê kiếm sống được. Gia đình thuộc “hộ nghèo” của thôn. Cuộc sống rất cơ cực. Các Sơ nhận nuôi cháu được 9 năm, khi cháu mới lên 3. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 5)
A Khai (2010). Lớp 7. Đăk Xú, Ngọc Hồi, Kontum. * Cháu là người con thứ 5 trong gia đình rất đông anh chị em. Các cháu mồ côi mẹ từ sớm. Bố không biết chăm sóc các con, nên các cháu thiếu tình thương gia đình và họ hàng. Hoàn cảnh rất đáng thương. Các Sơ nuôi cháu từ khi cháu mới được 6 tháng tuổi, và đã được 11 năm. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 5)
Y Phương A (2008). Lớp 9. Đăk Pxi, Đăk Hà, Kontum. * Em là con thứ 5 trong gia đình có 10 người con. Bố mẹ hay bệnh tật liên miên, nên cả nhà sống nhờ sự trợ giúp của hàng xóm và người thân, nên thường xuyên phải nhịn đói. Gia đình thuộc diện “hộ nghèo” của thôn. Các Sơ nuôi cháu được hơn 10 năm qua, khi cháu mới lên 4. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 5)
Y Năng Thụy (2008). Lớp 9. TT Plei Kần, Ngọc Hồi, Kontum. * Em là con thứ 4 trong gia đình có 6 người con. Gia đình nghèo, không có đất canh tác, nên cả bố lẫn mẹ thường xuyên vắng nhà để đi làm thuê nơi xa. Các anh em tự chăm sóc lẫn nhau, nên thường xuyên phải nhịn đói vì nhà chẳng có gì để ăn. Các Sơ nuôi cháu được hơn 10 năm qua, khi cháu mới lên 4. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 5)