Tỉnh Kontum có dân số khoảng 569,000 người (thống kế dân số 2021), gồm 25 Dân tộc khác nhau, trong đó người Kinh chiếm đa số với gần 47%. Các người Dân tộc thiểu số khác chiếm 53% còn lại. Các dân tộc bản địa gồm Xơ Đăng, Ba na, Giẻ Triêng, Gia Rai, người Mường, người Thái, người Tày,… Mỗi dân tộc gắn với một vùng cư trú khác nhau và lại dùng một thứ ngôn ngữ riêng. Vì thế, không lạ gì khi trong các làng người Dân Tộc thiểu số, vẫn còn rất nhiều người không biết nói tiếng Kinh (tiếng Việt). Và khi phiên âm tên của họ, lắm khi ta tưởng mình viết sai chính tả vì các tên như Hieng, Qưch, Thuư, Yam, Senh… Nhưng không, đó lại chính là tên của họ được phát âm ra tiếng… Kinh!
Địa hình Kontum chủ yếu là đồi núi, đa dạng với gò đồi, núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau, nên sự di chuyển cũng không dễ dàng gì!
Giáo phận Kontum trong sứ mạng giúp đỡ cuộc sống người dân, đã phải hội nhập rất nhiều với phong tục tập quán của từng vùng. Thật không đơn giản chút nào. Tuy nhiên, nhu cầu cần kíp nhất cho dân nghèo hiện nay vẫn là giáo dục, nhằm nâng cao tri thức cho các em nhỏ, là thế hệ tương lai của các bản làng. Nhu cầu có được các nhà Nội trú cho các em từ các làng xa tụ tập đến đây để gần trường và được chăm sóc sức khỏe, ăn uống đầy đủ hơn là điều rất cần thiết. Và vì còn rất nhiều gia đình quá nghèo túng, nên dù ao ước con mình được đi học, nhưng cũng không đủ tài chánh để lo liệu cho các cháu. Vì thế, nhiều gia đình đông con chỉ mong sao 1 cháu được giúp đỡ vào trường Nội trú miễn phí là họ mừng lắm rồi. Mời quý vị cùng gặp gỡ một số các khuôn mặt thân thương của một số nhà Nội trú dưới đây.
Em Y Xuyến, lớp 10, viết: Làng của con mới di dời nên kinh tế gia đình rất nhiều khó khăn, không có đất để làm rẫy. Nhà đông con, mà bố mẹ con lại không có việc làm, nên không có điều kiện để lo cho các con ăn học, nhất là khi học lên cấp 3, phải đi học xa nhà. Từ nhà đến trường khoảng 30 km đường rừng. Vì thế bố mẹ xin cho con ở Nội Trú với các soeurs. Ở đây con được an tâm học hành không phải lo lắng chuyện gì khác. Con rất biết ơn các soeurs đã yêu thương lo lắng cho chúng con. Con hứa sẽ vâng lời các soeurs cũng như các thầy cô ở trường. Con sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng những người đã yêu thương và cưu mang con. Con xin chân thành cám ơn quý Ân nhân. (Nhà Nội Trú nữ – Sa Thầy)
Y Bang, lớp 11, viết: “Nhà con có 11 anh chị em. Gia đình con rất khó khăn không có gạo ăn, cũng chẳng có điều kiện cho con đi học. Từ nhà con đến trường là 20 km đường rừng. Bố mẹ không có tiền mua cho con chiếc xe đạp để đi học. Thật may mắn có cộng đoàn các soeurs ở đây nên con được nhận ở nội trú tại nhà các soeurs. Ở đây con có điều kiện học tập tốt hơn, không còn lo phải đói vì mọi sự đã có người lo. Nhiệm vụ của con chỉ lo ăn học thật tốt. Con xin cám ơn các soeurs, cám ơn quý ân nhân, con hứa sẽ cố gắng học hành thật tốt và vâng lời các sơ cũng như các thầy cô trong trường. Con xin chân thành cám ơn.” (Nhà Nội Trú nữ – Sa Thầy)
Em Senh, 14 tuổi, có đến 10 anh chị em. Làng em ở xa trường 17 km (làng Bok Rei). Bố mẹ đều làm nông, nhưng vì không có đất, nên phải làm thuê, làm mướn cho chủ để kiếm sống. Hiện tại chỉ có 3 anh chị em còn đang đi học, còn 3 anh chị em lớn hơn phải bỏ học từ sớm để phụ giúp bố mẹ đi làm thuê. Mẹ em hay đau ốm, nên tất cả mọi công việc đều một mình bố em và 3 người con lớn này gánh vác, tạo điều kiện cho các em còn đang học. Các Sơ nhận em Senh vào Nội trú để đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình. (Nhà Nội Trú Đê Tul)
Em A Thôh, lớp 1, mồ côi cha. Em còn có 1 người em nhỏ, sức khỏe yếu và hay đau bệnh. Gia đình rất nghèo. Mẹ em vừa đi làm thuê kiếm sống vừa phải lo cho đứa con bệnh tật, nên không có đủ khả năng lo cho em ăn học. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 3)
Em A Vưng, lớp 2, mồ côi cha. Em là con út trong gia đình có 2 người con. Gia đình quá nghèo, mẹ em phải đi làm thuê ở nơi khác. Vì vậy, dù còn rất bé, nhưng ở nhà không có ai chăm sóc cho em. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 3)
Em Y Huyền, lớp 4, mồ côi mẹ, là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Bố em sức khỏe kém, lại già yếu, nên các anh chị em luôn thiếu ăn, thiếu mặc. Vì thế, gia đình không có khả năng lo cho em học tập. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 3)
Em Hảo, lớp 3, mồ côi cha, rồi mẹ em cũng bỏ rơi các em. Em là người con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em. Anh chị em phải tự lo liệu nuôi nhau, nhưng rất thiếu thốn đủ mặt. Nếu không có các Sơ nhận nuôi trong Cô Nhi Viện, các anh chị của em sẽ không có khả năng nuôi em ăn học. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 3)
A Phi Long, lớp Mẫu Giáo. Em là con thứ 3 trong gia đình có 4 người con. Cả bố lẫn mẹ của em đều hay đau bệnh, nên phải thường xuyên nằm viện. Tiền kiếm được cũng không đủ để trả tiền thuốc men, lấy đâu để nuôi cho các con đi học. Vì thế, gia đình em đến xin các Sơ cho em được ở Nội Trú để có cơ hội đi học và để được ăn uống nuôi dưỡng đầy đủ hơn. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 4)
Em Y Ly Na, lớp Mẫu Giáo. Em mồ côi cha, là con thứ 3 trong gia đình 4 người con. Mẹ em buồn, cứ bỏ đi lang thang, không quan tâm gì đến việc chăm sóc các con. Thấy thương cho hoàn cảnh của gia đình, các Sơ nhận nuôi em trong nhà Cô Nhi. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 4)
Em Y Kha, lớp Mẫu Giáo, Em mồ côi cha, là con thứ 3 trong gia đình 4 anh chị em. Một mình mẹ phải làm việc nuôi các con, nên lắm lúc không đủ ăn. Nhiều bữa, cả nhà phải chịu đói, nên cũng không có tiền cho em đi học. Mẹ em xin gửi em đến ở với các Sơ để em có cơ hội đến trường như các bạn. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 4)
Em A Biệt, lớp Mẫu Giáo Em là con út trong gia đình có 6 người con. Bố em đã mất, nên một mình mẹ phải chăm lo cho các con. Dù bà làm nông rất vất vả mà vẫn không sao cho các con được ăn no, mặc ấm. Vì thế, bà xin cho cậu con trai út được vào Nhà Cô Nhi ở với các Sơ. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 4)