Trong khi nhiều quốc gia văn minh thì việc học tập cấp trung học là chuyện đương nhiên, ai cũng có thể đạt được, nếu muốn. Nhưng tại miền cao nguyên Kontum miền Trung thì việc học tập cho con cái vẫn là chuyện ngoài tầm tay của nhiều bậc cha mẹ khi việc lo ăn, lo mặc cho các con còn không đủ, thì nói gì đến việc học hành.
Hầu hết các buôn làng đều có các giáo viên dạy bậc tiểu học (hoặc 2, 3 làng gần nhau tụ lại học chung). Có thể 1 phòng học với 1 giáo viên nhưng có đến 2, 3 cấp lớp khác nhau: nhóm em này học lớp 1, nhóm em kia học lớp 2, lớp 3. Cô giáo cứ chạy qua chạy lại, hướng dẫn cho mỗi nhóm theo cấp học của các em. Nghe biết thế thì chúng ta cũng có thể mường tượng được là các em sẽ không thể được học tập tốt, nhưng “nhà nghèo” nên đành phải chịu sự “tương đối” thế thôi. Nếu có nghe nói về những em lớp 4, lớp 5 mà vẫn không biết … đọc, biết viết thì chúng ta có thể phần nào hiểu lý do tại sao rồi.
Các em cấp 1 sẽ là vào khoảng lứa tuổi từ 6 đến 11 hoặc 12 tuổi. Và sau tuổi 12, sức lực các em đã khá hơn, đã mạnh mẽ, dẻo dai hơn, tức là đã có thể… làm thuê, làm mướn cho nơi nào chịu nhận các em. Hoặc cũng có những em đã có thể theo cha mẹ vào đi kiếm măng rừng để bán lấy tiền, đổi lấy gạo. Vì thế, rất nhiều em nhỏ đã bỏ học sau khi xong bậc tiểu học để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Nghe thật thương, phải không ạ? Nhưng các gia đình người dân tộc thường rất đông con, nên con số trẻ nhỏ với hoàn cảnh như thế lại rất nhiều. Biết sao đây ạ? Vì thế, đã nhiều năm qua, giáo phận Kontum và Hội KMF luôn cố gắng thành lập các nhà Nội Trú để nhận một số các em (dù rất nhỏ, so với em chưa được giúp) vào đây học tập, cho xong cấp 2, cấp 3. Tại các nhà Nội Trú hoặc Cô Nhi này, các em có chỗ ở an toàn, sạch sẽ; được các cha, các Sơ phụ trách yêu thương quan tâm chăm sóc; được có thêm các bạn hữu giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và các sinh hoạt hằng ngày. Các em được ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng hơn, có thịt, có cá trong khẩu phần ăn. Các em được đi học, được tham dự Thánh lễ hằng ngày, được giáo dục cả Đức Tin lẫn nhân bản.
Nghe biết thế, ai cũng thấy sự hữu ích của các nhà Nội Trú do các cha các Sơ điều hành. Nhưng các ngôi nhà ấy rất cần sự tiếp tay của các Mạnh Thường Quân thì mới có thể đứng vững lâu dài mà tiếp tục giúp đỡ những người dân nghèo khốn khổ tại Kontum. Mỗi cháu sẽ cần được giúp khoảng 9 đô/1 tháng, tức là khoảng 100 đô/năm.
Quý vị sẽ tiếp tay với chúng tôi, được không ạ?
Em Y Tri, lớp 12, viết: Gia đình con rất khó khăn, bố mẹ không có việc làm, không có rẫy để canh tác. Hàng năm bị mất mùa, không đủ gạo ăn, nói chi đến chuyện lo cho con ăn học như các bạn khác. Từ nhà con đến trường rất xa, khoảng 30 km, gia đình lại không có phương tiện để con được đến trường. Bố con bị đau bệnh nên mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ một mình mẹ gánh vác, phải lo cho mấy em còn nhỏ nữa. Dù khó khăn như thế nhưng bố mẹ vẫn không muốn cho con nghỉ học để phụ gia đình, còn gửi con cho các sơ để con có điều kiện học tập tốt hơn. Con thật hạnh phúc khi được ở Nội trú, được các sơ giáo dục nên người và có điều kiện học tập tốt. Con hứa sẽ vâng lời các sơ cũng như thầy cô ở trường. Con xin chân thành cám ơn các sơ và quý ân nhân. Xin Chúa chúc lành cho các ngài trong cuộc sống. (Nhà Nội Trú nữ – Sa Thầy)
Em Khuyết, 13 tuổi, là con thứ 4 trong gia đình có 7 anh chị em. Gia đình rất nghèo và thiếu thốn mọi sự. Nhà em ở xa trường 15 km (Dê Sơmei), nên bố mẹ không có phương tiện cho các con đi học. Bố em hay đau yếu nên một mình mẹ phải lo lắng, gánh vác mọi công việc trong gia đình. Em rất muốn được đi học như các bạn bè khác, nhưng nhà nghèo quá. Bố mẹ em xin cho em được vào nhà Nội trú để em có nơi ở ổn định mà học tập và khôn lớn trong sự chăm sóc của các Sơ. (Nhà Nội Trú Đê Tul)
Y Doai, lớp 7. Em là áp út trong gia đình có 8 anh chị em. Bố mẹ làm nông, nhưng không có nương rẫy, nên phải làm thuê mướn. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn và không đủ điều kiện lo cho con cái học tập. Bố mẹ em xin cho con vào ở nội trú với các Sơ. (Nhà Nội Trú Kon Bơ Băn)
Em Y Nhai, lớp 4, mồ côi cha, là con thứ 5 trong gia đình 6 người con. Mẹ em hay đau ốm, bệnh tật, nên các con cũng rất thiếu thốn đủ mặt. Việc đi học là một chuyện quá tầm tay của gia đình. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 3)
Em Y Bích, lớp 4, là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em. Gia đình nghèo, không có nguồn thu nhập kinh tế ổn định, nên các cháu rất thiếu ăn, thiếu mặc. Em Y Bích được các Sơ nhận nuôi để trợ giúp cho gia đình. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 3)
Em SaNa, lớp 4, mồ côi mẹ, là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Bố em già yếu và hay đau ốm bệnh tật, nên không có đủ khả năng chăm lo cho các con ăn học. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 3)
Em Y Hồng, lớp 2, mồ côi mẹ, là con út trong gia đình có 3 chị em. Bố em đau ốm liên miên, không còn sức để chăm lo cho các con. Nếu ở nhà, chắc chắn là Y Hồng sẽ phải bỏ học. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 3)
Em Y Mi Mi, lớp 2 Em là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Các em mồ côi cha. Mẹ phải đi làm trong rẫy ở xa, và có những ngày/đêm phải ở lại trên Rẫy luôn, nên không có ai chăm sóc em. Vì vậy, mẹ xin gửi em vào Cô Nhi Viện của các Sơ để có các Sơ chăm sóc cho em. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 4)
Em Y Quyết là con áp út trong gia đình có 5 người con. Ba em mất sớm, một mình mẹ làm nông để kiếm sốn gcho cả nhà. Tiền ăn cũng không đủ, nên việc cho con đi học là chuyện rất khó. Mẹ em xin gởi em vào viện Mồ Côi để các Sơ chăm sóc và nuôi dùm. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 4)
Em A Nôn, lớp 4. Em là con cả trong gia đình. Sau em còn có 3 người em nhỏ khác. Bố mất sớm, mẹ lập gia đình mới, nhưng cũng rất nghèo, không đủ tiền ăn, nên mẹ xin các Sơ cho em vào viện Cô Nhi để em có điều kiện được đi học như bao bạn khác. Hy vọng tương lai em sẽ tốt đẹp hơn. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 4)
Em Y Sĩ, lớp 4. Em là con cả trong gia đình có 4 chị em. Em mồ côi cha, nên mẹ em lập gia đình mới và để em sống với ông bà ngoại đã già yếu. Hai ông bà quá nghèo khổ, không thể nuôi cháu và chăm sóc cháu được nên đến xin các Sơ cho em ở viện Cô nhi để em có được mái ấm và được cho đi học như bao trẻ khác. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 4)
Em Năm, lớp 4, là con thứ 6 trong gia đình có 9 anh chị em. Các em mồ côi cha. Mẹ đã già yếu, không làm việc được. Thấy em luẩn quẩn ở nhà, không được đi học, các Sơ thương tình mang về viện Cô Nhi để chăm sóc và nuôi dưỡng em. Vì thế, dù đã 12 tuổi, nhưng em mới học lớp 4. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 4)
Y Thắm, lớp 10, viết: Gia đình con rất túng thiếu, lại đông anh chị em. Bố mẹ con không có việc làm nên không đủ tiền mua gạo. Tuy khó khăn, bố mẹ vẫn hy sinh cho con đi học, còn mua cho con chiếc xe đạp. Nhưng từ nhà đến trường vẫn còn xa quá, khoảng 20 km. Thấy con vất vả đạp xe đến trường mỗi ngày, bố mẹ con đã xin cho con ở nội trú với các sơ. Khi ở đây, con có điều kiện để đi học tốt hơn, không phải lo lắng việc ăn uống hay không có tiền để đóng học phí. Cám ơn các sơ đã yêu thương, tạo điều kiện cho con được đi học tốt hơn. Con cũng xin cám ơn quý ân nhân đã giúp đỡ con, xin tiếp tục yêu thương chúng con ở đây. Con xin cám ơn. (Nhà Nội Trú nữ – Sa Thầy)
Em Theo, 15 tuổi, là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em. Làng em ở cách xa trường 15 km, mà em không có xe đạp để đi học, nên có nguy cơ phải nghỉ học. Bố mẹ em đều đã lớn tuổi. Riêng bố em lại hay đau yếu, nên không làm việc được. Mẹ em và 2 người chị gái phải đi làm thuê để kiếm sống nuôi cả nhà. Em Theo được các Sơ nhận vào nhà Nội Trú. (Nhà Nội Trú Đê Tul)
Y Tim, lớp 7. Gia đình rất nghèo, gồm 7 chị em, không có nương rẫy, nên bố mẹ phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Nhiều hôm ngay cả cơm ăn cũng không có, nên việc lo học tập cho con cái là chuyện ngoài sức của gia đình. Vì thế, bố mẹ xin cho em vào nhà Nội Trú ở với các Yă. (Nhà Nội Trú Kon Bơ Băn)
Em Tok, lớp 7, là con cả trong gia đình có 5 người con. Bố em mất sớm. Mẹ em làm nông để nuôi các con, nhưng rất vất vả vì bà hay đau ốm. Vì không đủ khả năng lo cho con cái đi học, nên bà xin các Sơ nhận nuôi giúp em Tok, để em có cơ hội tiếp tục học tập. (Cô Nhi Viện Vinh Sơn 3)